Thứ bảy, 27/07/2024

Suy Niệm Tin Mừng Lễ Chúa Ba Ngôi (Mt 28,16-20)

Cập nhật lúc 08:45 24/05/2024
 
 

TÌNH YÊU CHÚA BA NGÔI DÀNH CHO NHÂN LOẠI VÀ LỆNH TRUYỀN CỦA CHÚA GIÊSU

Chúa Nhật tuần trước chúng ta vừa mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Hôm nay, Giáo Hội lại cho chúng ta cử hành mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Điều đó chúng ta thấy được sự liên kết mật thiết của Chúa Ba Ngôi trong đời sống đức tin của Giáo Hội và đức tin của mỗi chúng. Chính Chúa Giêsu muốn chúng ta đón nhận mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi qua việc chúng ta đón nhận phép rửa. Qua đoạn Tin mừng thánh Mátthêu chương cuối cùng hôm nay, chúng ta thấy lời mời gọi rất khẩn thiết của Chúa Giêsu: “Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần(Mt 28,19). Rồi trong Tin mừng thánh Gioan cho chúng ta biết cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với ông Nicôđêmô cũng nói về phép rửa mà Chúa muốn cho nhận loại được đón nhận. Chúa Giêsu đã nói về việc sinh ra trong Thần Khí cho ông Nicôđêmô, khi ông đến gặp Chúa ban đêm và hỏi Chúa: Đức Giêsu trả lời: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên.”  Ông Nicôđêmô thưa: “Một người đã già rồi, làm sao có thể sinh ra được? Chẳng lẽ người đó có thể trở vào lòng mẹ lần thứ hai để sinh ra sao?”  Đức Giêsu đáp: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa và Thần Khí” (Ga 3,3-6). Chính ông Nicôđêmô đã ngạc nhiên khi nghe Chúa Giêsu nói về việc sinh ra bởi Thần Khí, còn ông thì hiểu sinh ra từ lòng mẹ một lần nữa, nên ông mới nói với Chúa Giêsu rằng: “Một người đã già rồi, làm sao có thể sinh ra được? Chẳng lẽ người đó có thể trở vào lòng mẹ lần thứ hai để sinh ra sao”. Tất cả những gì Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đón nhận và vâng nghe Lời Chúa đều mong muốn cho nhân loại đón nhận được tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúa Giêsu  cũng nói với ông Nicôđêmô: Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con của Ngài, để những ai tin vào Con của Ngài thì được sống đời đời” (Ga 3,16).
Đúng vậy, “Thiên Chúa là Tình yêu” (1Ga 4,8). Chính thánh Gioan đã khẳng định điều đó, tình yêu đã được Chúa Giêsu chứng minh qua mầu nhiệm nhập thể của Ngài. Khi xuống trần gian, Chúa Giêsu yêu Chúa Cha, nên Ngài vâng lời Chúa Cha đón nhận tất cả từ Cha ban xuống và đỉnh cao của tình yêu là cái chết đau thương trên thập giá để cứu độ nhân loại. Chính Chúa Giêsu cũng khẳng định: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người dám hiến mạng sống vì người mình yêu” (Ga 15,13).
Khi chúng ta yêu thương ai thì chúng ta cũng trao tặng tình yêu đó cho người mình yêu, tình yêu nào cũng cần sự cho đi, và sự trao tặng. Tình yêu cha mẹ dành cho con cái cũng là tình yêu cho đi trong  phục vụ, tình yêu cho đi thời gian, sức khỏe, khi con cái còn nhỏ chưa biết tự phục vụ mình và chăm sóc bản thân, lúc đó cha mẹ đã làm hết tất cả vì tình yêu của họ dành cho con. Chính tình yêu của gia đình chúng ta họa lại tình yêu của Chúa Ba Ngôi. Cho nên tình yêu của con người cũng bắt nguồn từ tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa  khi trao tặng cho nhau, luôn hướng về nhau trong mọi sự như Chúa Giêsu phải thốt lên: “Mọi sự của Cha là của Con và mọi sự của Con là của Cha”. Sự hiệp thông yêu thương đó là Thần Khí.
Vâng! Chúa Thánh Thần là sự liên kết của tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa. Khi nói về tình yêu Ba Ngôi dành tặng cho nhau. Chúng ta không thể nào hiểu được, tình yêu Ba Ngôi nếu chúng ta không liên tưởng đến tình yêu bố mẹ dành cho con cái, mối liên kết tình yêu của bố mẹ là người con mà họ sinh ra, chính người con mà họ sinh ra mang lại cho họ niềm hạnh phúc. Và ngược lại tình yêu của người con dành cho bố mẹ qua việc vâng lời bố mẹ, bằng cách thực hiện những điều mà bố mẹ mong muốn nơi người con. Chính Chúa Giêsu vì yêu Chúa Cha mà Ngài cũng chấp nhận tất cả những điều Chúa Cha mong muốn nơi Ngài qua việc cứu chuộc con người chúng ta. Con người chúng ta cũng hạnh phúc khi được tình yêu của Chúa Ba Ngôi sinh ra, khi chúng ta lãnh nhận bí tích rửa tội, chúng ta được sinh ra trong Thần Khí.
Qua cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu với ông Nicôđêmô cho chúng ta thấy mầu nhiệm về Chúa Ba Ngôi và phép rửa tội mà chúng ta đón nhận, và tuyên xưng Chúa Ba Ngôi khi chúng ta làm dấu thánh giá hàng ngày thật là khó hiểu, nhưng chúng ta tin qua lời giảng dạy của Chúa Giêsu khi nhập thể làm Người. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi thật khó hiểu đối với những người không tin. Với những người tin và được Chúa ban ơn cho, thì không có gì là khó. Ông Nicôđêmô là bậc thầy trong dân Israel được chính Chúa Giêsu giải thích cho ông về phép rửa mà Chúa muốn ông đón nhận để được sự sống vĩnh cửu mà ông còn ngạc nhiên khó hiểu thì Chúa sẽ giúp và ban thêm đức tin cho chúng ta nếu chúng ta khao khát hiểu Chúa.
Qua các lời thoại của Chúa Giêsu với các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay, giúp chúng ta thấy được việc Chúa muốn cho hết mọi người sống trên gian này được biết Chúa và có sự sống đời đời để phần nào hiểu được lệnh truyền Chúa Giêsu: “Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần”. 
Chúng ta thấy, lệnh truyền của Chúa thật ngắn gọn, nhưng chúng ta làm cả đời không xong, không hết đượcChúa Giêsu bảo các tông đồ và mong muốn mỗi người chúng ta khi đã được chịu phép rửa là hãy đi rao giảng Phúc Âm cho muôn dân và Ngài hứa sẽ ở cùng chúng ta luôn mãi. Ngài chỉ hứa có bấy nhiêu, không có sự bảo đảm nào khác. Nhưng đó chính là sự bảo đảm quan trọng nhất Ngài có thể ban cho chúng ta. Mặc dù Ngài không bảo đảm cho chúng ta, có một cuộc sống giàu sang, sống lâu, đủ mọi tiện nghi như người đời ngày nay vẫn đang cố gắng tìm kiếm cho mình, mà bất chấp mọi thủ đoạn để chiếm hữu. Ngài cũng không hứa cho khỏi mọi bệnh tật, tai ương, ưu phiền, thậm chí Ngài cũng không bảo đảm là chúng ta sẽ thành công trong việc rao giảng. Tuy nhiên, chúng ta ý thức rằng: bao lâu Ngài còn ở với chúng ta, thì chúng sẽ có bình an, can đảm và nhờ sức mạnh của Chúa Phục Sinh để có thể đương đầu với bất cứ khó khăn nào trong cuộc sống.
Trong bài đọc I hôm nay, ông Môsê nói với dân về Một Thiên Chúa mà cha ông họ đã tôn thờ từ trước tới nay, đã làm bao việc kỳ diệu cho cha ông họ và cho con cháu của họ: “Vậy hôm nay, các ngươi hãy nhận biết và suy niệm trong lòng rằng: “Trên trời dưới đất, chính Chúa là Thiên Chúa, chớ không có Chúa nào khác…” Điều đó cho thấy Thiên Chúa đã chủ động đến với con người để được gần gũi với con người để cho con người được hạnh phúc.
Còn bài đọc II trích trong thư của thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Rôma, cũng mong chúng ta phải sống theo Thần Khí: “Anh em thân mến, ai sống theo Thánh Thần Thiên Chúa, thì là con cái Thiên Chúa”. Thánh Phao lô cho chúng ta thấy mối liên hệ giữa Thiên Chúa với con người thật thân thiết. Vậy, chúng ta không chỉ là thành viên của dân Chúa mà còn là con cái của Ngài. Nếu chúng ta liên kết với Ngài, thì chúng ta đồng chịu đau khổ với Người, để rồi chúng ta sẽ cùng hưởng vinh quang với Người trong Nước Trời.
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi! Tuy chúng con không thể hiểu được mầu nhiệm một  Thiên Chúa Ba Ngôi, nhưng nhờ Chúa Giêsu nhập thể giúp chúng con hiểu và tin. Xin Chúa Ba Ngôi, luôn đồng hành với chúng con trong cuộc sống, để giúp chúng con can đảm làm chứng cho Chúa và giúp chúng con vững tin bước theo Chúa.
Xin Chúa Ba Ngôi luôn hiện diện và giúp cho mỗi người chúng con luôn can đảm làm chứng cho Chúa, qua lời nhắn nhủ của Chúa Giêsu và cũng là lời mời gọi của Giám mục Giáo phận chúng con, hãy đến với những người chưa nhận biết Chúa ở những vùng ngoại biên.
Xin Chúa ban thêm lòng tin và lòng can đảm cho mỗi anh chị em chúng con, khi ra đi khỏi sự an toàn của bản thân, và tin vào Chúa Ba Ngôi là sự an toàn nhất của chúng con. Amen.
 
Cộng Đoàn Mến Thánh Giá Hòa Bình
 
 
CHÚA BA NGÔI – MẦU NHIỆM CỦA TÌNH YÊU
 
Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm của đức tin, mầu nhiệm này  được mạc khải trong Thánh Kinh và Thánh Truyền. Mầu nhiệm Ba Ngôi được chính Chúa Giêsu mạc khải cho các môn đệ khi Người ban lệnh truyền: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 19-20). Chúa Giêsu còn mạc khải thêm:“Chúa Cha và Tôi là một” (Ga 10,20). Nghĩa là Chúa Cha và Chúa Con đồng một bản thể, đến nỗi “Không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mạc khải cho” (Mt 11,27).
Trong bữa tiệc ly, để an ủi các môn đệ, Người hứa: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi”. (Ga 14,16). Đấng Bảo Trợ chính là Chúa Thánh Thần, Đấng bầu chữa ngang hàng với Đức Giêsu và do đó, cũng ngang hàng với Chúa Cha vì cùng một bản thể, Người sẽ đến với và ở trong các môn đệ, để dạy bảo họ và dẫn đưa họ tới sự thật toàn vẹn. Mầu nhiệm Ba Ngôi không phải là kết quả của việc con người suy luận, nhưng là do Thiên Chúa mạc khải, mầu nhiệm đó thuộc về đời sống nội tại thâm sâu của bản tính Thiên Chúa, vượt quá trí khôn của con người. Vì vậy, hiểu không quan trọng bằng tin yêu và sống với Chúa Ba Ngôi.
Mừng lễ Chúa Ba Ngôi, Giáo Hội mời gọi chúng ta suy tư đoạn Tin Mừng Mt 28,16-20, giúp chúng ta hiểu hơn về mầu nhiệm Ba Ngôi. Trong trình thuật Tin Mừng Mátthêu cho tới thời điểm này, các môn đệ chưa được gặp Đức Giêsu Phục Sinh, nhưng các ông vẫn làm theo lệnh truyền của Người, bởi lẽ trong tư cách là những đồ đệ đích thực của Đức Giêsu, các ông tin tưởng vào Lời của Thầy, sẵn sàng làm theo sứ điệp mà các phụ nữ đã truyền đạt: “mười một môn đệ đi tới Galilê, đến ngọn núi Đức Giêsu đã truyền cho các ông đến”. Cuộc hành trình đến ngọn núi Galilê được thực hiện trong ý thức rằng Đức Giêsu Phục Sinh đã gọi và đón gặp họ ở đó. Cuộc hành trình này sẽ giúp họ nhớ lại về Thầy Giêsu, suy niệm những thực tại mà các ông đã từng ở với Thầy Giêsu. Chúa Giêsu đã nhiều lần nói cho các môn đệ biết về cuộc khổ nạn, cái chết, Phục Sinh nhưng các ông chưa hiểu. Khi các điều báo trước ấy đã xảy ra, các ông được mời gọi đi lại hành trình ấy và sống lại kinh nghiệm của hành trình trước đây các ông đã trải qua, nhưng điểm khác là trong ánh sáng mới của mầu nhiệm Phục Sinh. Trước đây các ông đã được Thầy Giêsu ở cùng, dạy bảo, giáo huấn và chứng kiến hành động quyền năng của Người, bây giờ là cơ hội để các ông chiêm niệm dưới ánh sáng Phục Sinh. Thật vậy, Đức Giêsu đã đón chờ các ông, “thấy Người, các ông đã bái lạy”. Đức Giêsu đến gần, nói với các ông:“Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất”. Hành động Đức Giêsu “đến gần” cho thấy Đức Giêsu là chủ thể của hành động. Người chủ động thiết lập sự hiệp thông, làm cho các ông mạnh mẽ, Đức Giêsu “đến gần” để định hướng cho cuộc sống hiện tại và tương lai của các ông khi các ông đang rơi vào trạng thái thất vọng, mất phương hướng. Tình yêu của Thầy Giêsu sẽ bừng cháy lòng yêu mến, sự nhiệt huyết trong các ông. Và Chúa Giêsu sai các ông: “hãy đi, làm phép rửa, dạy bảo”, ba hành động này nói lên rằng Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ hãy đi, hãy làm cho muôn dân trở thành những môn đệ của Chúa Giêsu và hiệp nhất trong một Thiên Chúa ba Ngôi: “nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Qua phép rửa chúng ta trở thành nghĩa tử của Chúa Cha (x.Rm 8, 15); em của Chúa Con (x.Rm 8, 29) và đền thờ của Thánh Thần (x.1Cr 6, 19), hợp thành Giáo Hội là “dân thánh được hiệp nhất nhờ sự hiệp nhất giữa Ba Ngôi” (Hiến chế GH 4).
Như vậy, sứ mạng tông đồ thừa sai của Hội Thánh không đặt trên bất cứ thứ gì khác ngoại trừ quyền năng toàn diện của Chúa Giêsu. Vì thế chúng ta phải có tâm tình xác tín, trông cậy, hy vọng trên hành trình đức tin. Đây là nhiệm vụ chính yếu của Hội Thánh, chính Thiên Chúa đã tặng ban tình yêu của người cho nhân loại, thì giờ đây Người muốn các môn đệ phải biến nhân loại thành cộng đồng, thành một gia đình, thành những môn đệ của Chúa Giêsu. Đây là sứ mạng của người môn đệ Chúa Giêsu.
Việc tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi “nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” gắn liền với dấu thánh giá, đó là dấu chỉ để nhận ra người kitô hữu. Khi làm dấu thánh giá là chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh thần. Đây cũng là một lời cầu nguyện để xin Ba Ngôi ban cho chúng ta những ơn lành phần hồn, phần xác, nhất là biết sống xứng đáng với ơn gọi của người kitô hữu, biết yêu thương nhau trong tình yêu Ba Ngôi.
Dấu thánh giá được người kitô hữu làm nhiều lần trong ngày: khi thức dậy, trước khi ăn cơm, khi đi đường, trước và sau giờ cầu nguyện, trước khi đi ngủ… nhắc nhớ mỗi người về danh kitô hữu, sống niềm xác tín vào tình thương của Chúa và cậy trông vào ân sủng của Thiên Chúa Ba Ngôi. Dấu thánh giá cũng là lời nhắc nhở mỗi người kitô hữu dù sống ở đâu, làm bất cứ công việc gì, ở địa vị nào, cũng phải sống, phải làm, phải nói nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi. Chính khi đó, chúng ta sẽ luôn được bình an và vững tiến trên hành trình tiến về quê trời.
Đi vào thế giới của mầu nhiệm Ba Ngôi, chúng ta phải hết sức khiêm tốn và nhận ra những bất toàn nơi bản thân của mình. Các giáo phụ vay mượn ý nghĩa của ba lời khuyên Phúc Âm để minh họa tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Sống tinh thần nghèo khó thể hiện niềm tin vào Chúa Cha - Đấng quan phòng và luôn yêu thương con cái mình. Sống đức khiết tịnh diễn tả tinh thần từ bỏ, để sống với một tình yêu thuần khiết theo gương Chúa Giêsu.  Sống đức vâng phục mời gọi chúng ta mở lòng cho Chúa Thánh Thần tác động. Đó chính là ân ban của Thần Khí giúp chúng ta luôn biết tìm kiếm và quy thuận thánh ý của Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu, Ba Ngôi Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương nhau, ở trong nhau và hiệp nhất trong một Thiên Chúa. Mầu nhiệm này là mầu nhiệm của tình yêu được thể hiện rõ nét trong chương trình cứu độ: Chúa Cha ban sáng kiến, Chúa Con thực hiện, Chúa Thánh Thần chuyển thông ơn cứu độ.
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi! Cảm tạ Chúa đã cho chúng con được sống trong tình yêu của Ngài và sống tinh thần hiệp nhất, yêu thương với anh chị em. Mầu nhiệm Ba Ngôi là mầu nhiệm vượt quá trí hiểu của chúng con. Xin cho chúng con lấy tình tin yêu để cảm nếm, đốt lên trong lòng chúng con lửa tin yêu phó thác, để chúng con bước đi trong tình yêu của Ngài, biết đón nhận và tôn trọng sự khác biệt của nhau, để cùng nhau xây dựng một thế giới hòa bình, làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Chúa giữa lòng thế giới hôm nay. Amen.

 
                                          Cộng Đoàn Mến Thánh Giá Nỗ Lực    

 
MẦU NHIỆM TÌNH YÊU
(Mt 28,16-20)
   
Khi nói tới tình yêu, người ta khó có thể định nghĩa được, bởi khi yêu người ta luôn muốn ở bên cạnh người mình yêu, cho đi tất cả và không mong được đền đáp, dành tất cả những gì làm cho người mình yêu được hạnh phúc. Tình yêu mang đến cho người ta một sức mạnh phi thường khiến họ thay đổi bản thân để nên giống người mình yêu và dường như khi không được ở bên cạnh người mình yêu thì cuộc sống sẽ không trọn vẹn. Như vậy, tình yêu là một điều khó hiểu của cuộc sống con người nên người ta mới xem tình yêu như là mầu nhiệm.
Thế nhưng đó chỉ là mầu nhiệm tình yêu giữa con người với nhau, có đáng là gì so với mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi tuy riêng biệt nhưng chỉ là một Thiên Chúa duy nhất, luôn thương yêu nhau, hướng về nhau, hiến tặng sự sống cho nhau. Chúa Cha ở đâu, thì Chúa Con và Chúa Thánh Thần cũng ở đó. Tình yêu giữa Ngôi Cha, Ngôi Con và Thánh Thần mênh mông như đại dương, không khép kín trong ba ngôi vị nhưng được lan tỏa ra khắp vũ trụ và con người khi Chúa Cha đã không tiếc ban Người Con duy nhất của mình xuống thế làm người để cứu nhân loại. Rồi đến lượt Người Con ấy cũng đã yêu thương, thí mạng vì nhân loại, còn Chúa Thánh Thần không ngừng thánh hóa và luôn kiên nhẫn soi đường dẫn lối cho nhân loại đến sự thật toàn vẹn. Một tình yêu chan hòa, chia sẻ giữa Ba Ngôi: Cha trao cho Con tất cả, Con dâng tất cả cho Cha, tình yêu khắng khít giữa Cha -Con là Thánh Thần. Vậy còn có mầu nhiệm tình yêu nào cao đẹp như mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.
Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi chính là mầu nhiệm tình thương của Thiên Chúa, là mầu nhiệm thâm sâu và lớn lao nhất trong đạo Công giáo, mầu nhiệm này vượt quá giới hạn nhỏ bé của trí khôn con người.  Được khởi xướng do Chúa Cha, được thực hiện do Chúa Con và được tiếp nối do Chúa Thánh Thần. Chính Người Con là Đức Giêsu Kitô là lời mạc khải tròn đầy về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Trong suốt những năm Ngài rao giảng, Ngài cho chúng ta biết, Ngài từ Chúa Cha mà đến. Ngài đến trần gian để thi hành thánh ý Chúa Cha “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”(Ga 14,9). Mầu nhiệm tình yêu này được chính Chúa Giêsu trước khi về trời đã công bố rõ ràng với các môn đệ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19). Mệnh lệnh này chứng tỏ cho chúng ta thấy mầu nhiệm sâu thẳm của Ba Ngôi.
 Qua việc Nhập Thể của Chúa Con đã vén mở cho con người biết rằng Chúa Cha có từ muôn thuở  và là nguồn suối mọi ơn phúc và Chúa Con là Đấng đồng bản thể với Chúa Cha nghĩa là Chúa Con là Thiên Chúa duy nhất trong Chúa Cha và cùng với Chúa Cha, còn Chúa Thánh Thần xuất phát từ Chúa Cha và Chúa Con, Ngài hợp nhất và đồng hàng với hai ngôi cực thánh ấy.
Chính từ mầu nhiệm Ba Ngôi mà Giáo hội được sinh ra, được Chúa Cha tập hợp chung quanh Chúa Giêsu dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Giáo hội phát xuất từ Chúa Cha, sẽ trở về với Chúa Cha, nhờ trung gian của Chúa Kitô, dưới hơi thở của Chúa Thánh Thần. Giáo Hội tiếp tục sứ mệnh làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Ba Ngôi Thiên Chúa: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Qua Bí tích Rửa tội, người kitô hữu được tham dự vào sự sống thần linh, và trở thành con cái Thiên Chúa là Cha, là anh em với nhau trong Chúa Kitô và đền thờ của Chúa Thánh Thần, đó là một vinh dự lớn lao mà Thiên Chúa dành cho con người. Với Bí tích này, người kitô hữu bắt đầu sống đời sống nên thánh.  Rồi theo thời gian, đức tin của người kitô hữu thêm kiên vững và được củng cố nhờ những ngày tháng học giáo lý và học hỏi Lời Chúa để thực hiện sứ vụ nên thánh và loan báo Tin Mừng tình thương nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi.
Muốn thực hiện trọn vẹn sứ vụ ấy của Chúa Giêsu không có con đường nào khác là phải sống và yêu như Ba Ngôi Thiên Chúa đã sống, đã yêu, đã hiệp nhất, nghĩa là hoàn toàn sống theo thánh ý Thiên Chúa, mở ra với hết mọi người, biết dâng hiến bản thân mình, biết cho đi, biết chia sẻ, biết sống chan hoà tình bác ái. Bên cạnh đó, biết cậy nhờ Chúa Thánh Thần hướng dẫn để mỗi người luôn biết  sống  trong tâm  tình con thảo với Thiên Chúa và giữ thái độ trân trọng khi tuyên xưng danh Chúa Ba Ngôi rất thánh như khi đọc kinh Sáng danh hay lúc làm dấu Thánh giá. Khi sống đúng sứ vụ ấy, mỗi người Kitô hữu đã được chính Thiên Chúa Ba Ngôi ngự trong mình, vì Chúa Giêsu đã nói:  “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” ( Ga 14,23).
Là môn đệ của Chúa Giêsu, hơn bao giờ hết, việc chia sẻ về mầu nhiệm tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa cho tất cả mọi người là nhiệm vụ hàng đầu của mỗi một người theo Chúa. Để thực hiện nhiệm vụ này, trước hết người môn đệ cần có đời sống cầu nguyện lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần, kín múc nguồn ân sủng của Thiên Chúa để họ thấy được niềm vui, hạnh phúc khi dấn thân phục vụ và có thêm sức mạnh để vượt qua những khó khăn thách đố trên hành trình thi hành sứ vụ. Bên cạnh đó người môn đệ cần sống nếp sống tỏa chiếu tinh thần Phúc Âm cho mọi người chung quanh mình qua tấm lòng yêu thương chân thành chứ không chỉ bằng lời nói suông, biết hy sinh, phục vụ người khác, vì khi cho đi thì hạnh phúc hơn là nhận lãnh, xây dựng tình hiệp nhất nơi cộng đoàn, giáo xứ theo gương mẫu của Ba Ngôi Thiên Chúa.
 Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh - là nguồn mạch, khuôn mẫu và cùng đích của đời sống chúng con. Chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con được sống trong tình yêu của Chúa. Xin ban Thần Khí của Ngài cho chúng con và biến đổi trái tim chúng con để chúng con trở nên chứng nhân về tình yêu của Chúa giữa một thế giới thiếu vắng tình yêu thương hiệp nhất, thiếu sự hy sinh và lòng bao dung tha thứ cho nhau. Xin tăng thêm sức mạnh giúp chúng con sẵn sàng dám lội ngược dòng để sống đúng với đòi hỏi của Tin Mừng giữa một thế giới mà các giá trị đạo đức bị đảo lộn, chỉ lo cho bản thân mình, lo hưởng thụ và tìm kiếm danh lợi thú cho bản thân. Ước mong mỗi người chúng con luôn biết sống yêu như Ba Ngôi Thiên Chúa đã yêu để cùng xây dựng một thế giới hòa bình, yêu thương và hợp nhất với nhau. Amen.

 
Cộng Đoàn Mến Thánh Giá Mộc Châu
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log