Thứ tư, 08/05/2024

Suy Niệm Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu Trong Đền Thánh - Lễ Nến (Lc 2, 21- 40)

Cập nhật lúc 09:45 01/02/2024
 
LỄ NẾN
 
Hôm nay chúng ta mừng lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong Đền thờ, truyền thống vẫn thường gọi là Lễ Nến. Tại sao lại có ngày lễ này? Chúng ta cùng tìm hiểu đôi chút về lịch sử của ngày lễ này.
Theo tường trình của thánh nữ hành hương Aetheria, vào khoảng thế kỷ thứ V, sau khi mừng lễ Giáng Sinh 40 ngày, người tín hữu tại Giêrusalem có thói quen mừng một lễ cách trọng thể như lễ Phục sinh. Thánh lễ mừng biến cố Đức Giêsu được đưa lên Đền thờ để tiến dâng cho Đức Chúa. Tại Đông Phương, thánh lễ này được hiểu như là cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa với dân của Ngài. Điều này thể hiện qua hình ảnh đại diện là ông Simêon và bà Anna được bồng ẵm Hài Nhi Giêsu. Khoảng hơn hai thế kỷ sau, thánh lễ này mới được du nhập sang Tây Phương. Khi du nhập vào phụng vụ Tây Phương, Đức Thánh Cha Sergio I (678-701) đã thêm vào nghi thức rước nến. Và đến thế kỷ thứ VIII thì lễ này được gọi là Lễ Nến.
Trong lời nguyện làm phép nến, chúng ta tuyên xưng Chúa là ánh sáng thật và là Đấng tạo thành ánh sáng. Do đó có thể nói rằng, Lễ Nến diễn tả việc Thiên Chúa đến với dân Ngài, như ánh sáng đã đến trong thế gian này.
Trong Kinh Thánh, ánh sáng là chủ đề lớn và được nhắc tới nhiều lần. Ngay từ trang đầu của sách Sáng Thế, tác giả cho thấy Thiên Chúa đã dựng nên ánh sáng đầu tiên, trước khi sáng tạo mặt trời và mặt trăng trong ngày thứ bốn. Việc trình bày như có vẻ ngược với khoa học tự nhiên cho thấy ánh sáng phải có ngay từ đầu tiên, tồn tại trước mọi vật được tạo thành và tạo thành tất cả. Thánh Gioan diễn tả bằng những từ lời sâu xa “Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1,9). Và “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành”  (Ga 1,3). Sau nữa, ánh sáng sẽ tồn tại muôn đời, và là cùng đích của tất cả “Sẽ không còn đêm tối nữa, họ sẽ không cần đèn đuốc hay ánh sáng mặt trời, vì Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ chiếu sáng trên họ, và họ sẽ hiển trị đến muôn thuở muôn đời” (Kh 22,5).
Không ai phủ nhận sự cần thiết và ý nghĩa của ánh sáng. Nhưng đối với người Do Thái, ánh sáng còn có ý nghĩa sống còn. Lịch sử dân Do Thái đã giúp họ nhận ra rằng ánh sáng đã cứu sống họ. Trong đêm Vượt Qua, khi bóng tối bao phủ khiến cho việc di chuyển của đội quân Pharaon gặp khó khăn thì đối với con cái Israel, việc di chuyển lại dễ dàng. Chúa đã cho cột lửa ban đêm chiếu sáng họ. Nhờ đó, họ đã vượt qua Biển Đỏ một cách ráo chân, và sáng ra, khi họ đã sang bờ bên kia thì quân Ai Cập bị tiêu diệt.
Trong cuộc sống hàng ngày, ánh sáng được ứng dụng rất rộng rãi trong các lĩnh vực khác nhau như công nghệ, điện tử, và cả y học. Bên cạnh đó, ánh sáng còn được diễn tả qua các chiều kích khác. Trong tư tưởng, người ta gọi tri thức là một thứ ánh sáng. Ngay cả trong lĩnh vực tình cảm, chúng ta cũng dùng nhiều từ ngữ mang nghĩa ánh sáng để gọi nhau; Lời dạy của cha mẹ được con cái gọi là đèn rọi đường con đi; với người tín hữu thì Mẹ Maria là mặt trăng soi chiếu đêm trường. Riêng trong lĩnh vực Tôn giáo, ánh sáng được dùng để diễn tả sự đối lập với bóng tối; như thánh thiện đối lập với tội lỗi, con cái Thiên Chúa với con cái ma quỷ.
Từ thuở ban đầu, Thiên Chúa dựng nên con người trong tình trạng thánh thiện, tràn đầy ánh sáng là vinh quanh của Ngài. Hình ảnh cứ chiều chiều Thiên Chúa đi dạo với con người trong vườn địa đàng diễn tả một khung cảnh đầy ánh sáng và thơ mộng. Tuy nhiên, khi con người phạm tội, họ bị đẩy ra khỏi vườn địa đàng, nghĩa là ra khỏi nguồn ánh sáng là chính Thiên Chúa. Do đó, con người sống trong tội lỗi là tình trạng tối tăm. Đức Giêsu khẳng định: “ai ghét anh em mình thì ở trong bóng tối và đi trong bóng tối mà chẳng biết mình đi đâu, vì bóng tối đã làm cho mắt người ấy ra mù quáng” (Ga 2,11).
Ngôi Hai Thiên Chúa mang lấy thân phận làm người, giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi. Như thế, nơi ngài là ánh sáng, và không hề có bóng tối. Tác giả sách Khôn Ngoan diễn tả hành động chiếu sáng vào bóng tối của thế gian này bằng những từ ngữ sâu sắc: "Khi vạn vật chìm sâu trong thinh lặng, lúc đêm trường chừng như điểm canh ba, thì từ trời cao thẳm, lời toàn năng của Ngài đã rời bỏ ngôi báu, ví tựa người chiến sĩ can trường xông vào giữa miền đất bị tru diệt, mang theo bản án không thể hủy của Ngài như lưỡi gươm sắc bén" (Kn 18,14-15). Vinh quang đó chiếu tỏa trên các mục đồng. Các thiên thần sáng láng báo tin vui cho những người bé mọn, khiến họ hối hả trong đêm đi chiêm bái Hài Nhi, rồi nửa đêm vừa về vừa ca hát chúc tụng Thiên Chúa. Cũng trong biến cố giáng sinh, các hiền sỹ từ Phương Đông đã ngước mắt lên trời nhìn thấy ngôi sao lạ. Họ đã bước theo ngôi sao lạ ấy để đến gặp Vị Vua vĩ đại.
Liền sau biến cố đó là thảm họa tàn sát các hài nhi ở Belem và vùng phụ cận. Dưới con mắt đức tin, chúng ta biết đây không chỉ là việc vua Hêrôđê sợ mất ngai vàng, nhưng đó còn là cuộc chiến của bóng tối với ánh sáng. Đỉnh cao của cuộc chiến ấy được diễn tả cách cụ thể nơi cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Nơi đó, ngang qua các cáo tội đổ lên đầu Chúa, các hình phạt giáng xuống thân xác Chúa, và trên hết là cái chết của Chúa trên thập giá và việc chôn vùi thân xác của ngài trong mộ đá. Tất cả là hình ảnh của cuộc chiến đấu giữa ánh sáng và bóng tối. Có thể nói, trong nhiều hoàn cảnh, ánh sáng phải chấp nhận lùi bước khi con người không muốn đón nhận.
Biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa lại một lần nữa cho thấy ánh sáng đã bừng lên. Khi Ngài lên khỏi nước thì các tầng trở mở ra, và Thánh Thần như chim bồ câu đậu xuống trên Người (Mc 1,10-11). Vì tội lỗi nhân loại mà trời đã bị đóng lại. Nay nhờ biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa, trời đã được mở ra. Từ nay, kỷ nguyên mới được khai mào, kỷ nguyên của sự sáng đã khởi sự.
Vì mang thân phận làm người, Đức Giêsu cũng bị giới hạn bởi chính thời gian và không gian. Ngài ý thức rất rõ sự cần thiết của ánh sáng trong đời sống hàng ngày. Ngài nói “Bao lâu còn ban ngày, Ta phải làm những việc của Ðấng đã sai Ta. Ðêm đến không ai có thể làm việc được nữa” (Ga 9,5). 
Trong cuộc đời tại thế, Ngài hướng cái nhìn của các môn đệ tới ánh sáng siêu nhiên. Theo đó, tội lỗi chính là bóng tối. Từ khi Thiên Chúa sáng tạo trời đất, mọi vật đều hài hòa với nhau trong ánh sáng của sự thánh thiện. Nhưng khi nguyên tổ phạm tội, con người bị bóng tối tội lỗi làm lu mờ hình ảnh tốt đẹp nơi cái nhìn của chính mình. Họ sợ hãi Thiên Chúa, họ từ chối nhau, và nhất là bị khuynh hướng xấu chi phối.
Tin mừng theo thánh Gioan thì ánh sáng và bóng tối không ở cùng một bình diện. Tác giả G. Stemberger viết: “Với sự tự do Thiên Chúa đã ban cho con người, bóng tối nẩy sinh khi con người nói không với ánh sáng của Thiên Chúa. Vì thế, bóng tối là sự hư vô mà người ta ưa chuộng hơn sự hiện hữu của Thiên Chúa. Bóng tối không phải là một cái gì có sự bền vững tự nó, nhưng bóng tối là sự phủ định [ánh sáng]”[1]. Và như thế, tội lỗi không phải chỉ đơn giản là làm điều sai trái, mà trên hết nó là thái độ từ chối đón nhận Thiên Chúa, sống đối nghịch với sứ điệp của Ngài. Câu chuyện chữa lành người mù từ thuở mới sinh diễn tả sâu sắc điều đó. Quả thật, chính Đức Giêsu là ánh sáng đã đến thế gian thì kẻ không tin vào Ngài sẽ là kẻ sống trong bóng tối. Ngài khẳng định sứ mạng của Ngài đến thế gian là phân biệt người mù và người sáng mắt. (x. Ga 9,1-41).
Giáo Hội hiện diện trong trần thế này có sứ mạng cao cả; đó là mang ánh sáng cứu độ đến cho nhân loại. Trong hiến chế Lumen Gentium, Giáo Hội mạnh mẽ khẳng định: Ánh sáng muôn dân chính là Chúa Kitô” (LG, 1). Đây không phải là điều mà Giáo Hội gán cho Đức Giêsu Kitô, nhưng đó lời tuyên bố của Đức Chúa trong sách ngôn sứ Isaia “Này Ta đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ của Ta đến tận cùng cõi đất” (Is 49,6); và Giáo Hội có sứ mạng giới thiệu ánh sáng đó đến cho nhân loại. Sứ mạng này là một hành trình gian nan. “Lữ hành giữa cơn bách hại của thế gian và trong niềm an ủi của Thiên Chúa”, Giáo Hội rao truyền cái chết và thánh giá Chúa, cho đến khi Người trở lại (x. 1Cor 11,26). Tuy nhiên, các nghị phụ vẫn mạnh mẽ xác tín “Giáo Hội vững mạnh nhờ thần lực của Chúa phục sinh, để toàn thắng các khó khăn và sầu muộn từ bên trong cũng như bên ngoài bằng yêu thương và kiên trì, và trung thành mạc khải cho thế gian mầu nhiệm của Chúa còn giấu trong bóng tối, cho đến khi được phô bày dưới ánh sáng vẹn toàn trong ngày sau hết. (LG, 8)
Mỗi người kitô hữu khi lãnh nhận bí tích đều được nhận một cây nến sáng, được thắp lên từ cây nến phục sinh. Cùng đọc lại lời mời gọi của Giáo Hội đối với người tân tòng khi lãnh nhận cây nến sáng để thấy trách nhiệm và phần thưởng dành cho người tân tòng: Ông (bà, anh, chị) đã trở nên ánh sáng Chúa Kitô. Ông (bà, anh, chị) hãy luôn luôn sống như con cái sự sáng và bền vững trong đức tin, để khi Chúa đến, ông (bà, anh, chị) xứng đáng ra nghinh đón Người với toàn thể các thánh trên trời.” Lời mời gọi này được chính Đức Giêsu xác quyết khi dạy các môn đệ rằng: “Chính anh em là ánh sáng cho trần gian” (Mt 5,14). Và ánh sáng ấy không phải để soi cho chính mình, nhưng là để chiếu soi, để xua đuổi bóng tối và để giúp cho người khác nhìn rõ môi trường xung quanh. Và tất nhiên, tự bản chất ánh sáng có sức lôi kéo, ảnh hưởng tới người khác. Như lời Đức Giêsu nói: “một thành xây trên núi thì không tài nào che giấu được”.
Khi còn phải sống trong cuộc đời trần thế này, người kitô hữu phải bước đi dưới bóng đêm của sự dữ. Tuy nhiên, họ luôn có ánh sáng chiếu soi. Lời Chúa chính là nguồn sáng để họ không bị lạc đường về với Chúa. Tác giả thánh vịnh 109 từng thốt lên:
"Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước,
là ánh sáng chỉ đường con đi".  (Tv 109,5)
Và chúng ta biết, Lời Chúa đã trở thành xác phàm và đã ngự giữa chúng ta. Đó chính là Đức Giêsu; Đấng mà hôm nay hiện diện trong hình hài bé nhỏ của một hài nhi, gần gũi đến mức ai cụ già Simeon có thể bồng ẵm trên tay, dễ thương đến độ nữ ngôn sứ Anna vui mừng giới thiệu cho hết mọi người đang mon đợi niềm an ủi của Israel. Dù vậy, chính hài nhi bé nhỏ, có phần yếu ớt đó lại là ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho nhân loại, là vinh quang của Israel dân Chúa và là ánh sáng soi đường cho dân ngoại. Do đó, hành trình bước tới ơn cứu độ là hành trình bước đi theo chân Đức Giêsu, ánh sáng cho cuộc đời.
Với những trình bày trên, chúng ta có thể kết luận, từ khởi đầu Thiên Chúa đã dựng nên vũ trụ và con người trong trật tự hài hòa. Cuộc sống của con người và vạn vật được diễn ra trong ánh sáng chan hòa của sự thiện. Sống trong tình trạng vô tội, con người và vũ trụ vạn vật được vinh quang Thiên Chúa là ánh sáng soi chiếu. Ánh sáng đó làm cho con người không phải đau khổ và không phải chết. Thế nhưng, bằng hành động từ chối lệnh truyền của Thiên Chúa để ăn trái cấm, con người từ chối chính Thiên Chúa là nguồn sáng. Và như vậy, khi ánh sáng bị khước từ, con người chìm trong bóng tối của tội lỗi. Lịch sử cứu độ cho thấy con người sau khi phạm tội thì càng trượt dài trên đường sa ngã. Và tội nguyên tổ đó đã để lại trong bản tính con người một khuynh hướng dễ chiều về đàng xấu. Trước thảm cảnh con người phải đớn đau vì phải sống trong bóng tối của tội lỗi, Thiên Chúa đã lên đường mang ánh sáng đến cho họ. Ánh sáng ấy bắt đầu từ sự quan phòng của Chúa Cha, rồi đến sự can thiệp vào lịch sử nhân loại, và đến thời sau hết thì ánh sáng đó được thực hiện trọn vẹn nơi con người Giêsu. Suốt cuộc đời trần thế của mình, Đức Giêsu luôn tìm cách giúp con người nhận ra ánh sáng cứu độ của Thiên Chúa đã hiện diện. Có thể nói, đó là cuộc chiến giữa ánh sáng và bóng tối. Đỉnh cao của cuộc chiến quyết liệt ấy được thực hiện nơi cuộc Thương khó của Đức Giêsu. Ở đó, với cái chết tất tưởi của Đức Giêsu trên thập giá và được chôn vùi trong huyệt mộ, ánh sáng xem ra như bị thất bại. Công lý như thể bị thua cuộc. Thế nhưng, ánh sáng không thể bị chôn vùi như vậy. Đức Giêsu đã bật tung cửa mồ bước ra. Mặt trời công chính đã vươn lên, bóng đêm đã bị đẩy lui. Với biến cố Phục sinh, Đức Giêsu đã chiếu một luồng sáng mới vào mọi nơi, ngay cả trong vực thẳm của sự dữ, đau khổ và cái chết. Từ niềm xác tín đó, Giáo Hội không ngừng tuyên xưng và làm chứng cho thế giới này thấy Đức Giêsu chính là ánh sáng cho thế gian. Đó là một trách nhiệm cao cả, nhưng cũng là công việc đầy những khó khăn thử thách, dù vậy Giáo Hội luôn tin tưởng vào sức mạnh của Đức Giêsu phục sinh trợ giúp; vì biết rằng mình bước đi dưới ánh sáng, không lầm lạc. Mỗi người kitô hữu được mời gọi luôn giữ mãi ngọn nến sáng trong tay, luôn chiếu soi các thực tại trần thế các việc làm tốt đẹp của mình, để mọi người nhìn thấy mà tôn vinh Thiên Chúa, Cha của chúng ta, Đấng ngự trên trời.

 
Cộng Đoàn Mến Thánh Giá Sơn Tây
 

DÂNG CON VÀO ĐỀN THỜ

Sau Lễ Chúa Giáng Sinh 40 ngày, theo luật Môsê, tất cả các con trai đầu lòng đều phải đem dâng cho Thiên Chúa. Tin Mừng hôm nay cũng nói đến việc Mẹ Maria và Thánh Giuse tiến dâng con trai đầu lòng của mình cho Thiên Chúa. Việc Đức Maria dâng Chúa Giêsu vào đền thờ nói lên việc Thiên Chúa hiến mình cho nhân loại và ở với nhân loại. Ông già Simêon nhận ra Chúa đến để soi đường và đem ánh sáng đến cho muôn dân.
Việc dâng Chúa Giêsu trong đền thờ khi xưa cho thấy ánh sáng của Chúa, Chúa Giêsu là ánh sáng cho trần gian, là ánh sáng trong gia đình và trong cuộc đời mỗi người. Ngày nay, Ngài vẫn đem ánh sáng đến cho thế gian, nhưng việc tiếp nhận ánh sáng lại tùy thuộc vào mỗi người. Trong xã hội thời đại 5.0 này, chúng ta đang chịu nhiều những cám dỗ rất tinh vi, nhiều tệ nạn đang hoành hành chúng ta…., khiến chúng ta không đón nhận được ánh sáng của Chúa, không dám mở cửa lòng mình để đón nhận ánh sáng Chúa chiếu soi. Ánh sáng Chúa đem đến là ánh sáng của sự bình an, niềm vui và yêu mến. Trong cuộc sống có những lúc thăng trầm, chúng ta thử hỏi mình rằng mình đã sẵn sàng đón nhận ánh sáng của Chúa chưa? Mình có mở cửa lòng mình để ánh sáng Chúa đi vào không? Chúng ta tin Thiên Chúa là ánh sáng và ngọn nến cháy sáng để xua tan bóng tối. Khi ngọn nến được thắp sáng lên thì bản thân cây nến phải hao mòn đi cho đến khi không còn gì, sự tiêu hao đó là những hy sinh, những từ bỏ….cây nến chỉ có giá trị khi nó được thắp sáng và chịu tiêu hao. Chúa Giêsu cũng vậy,  chỉ vì yêu nhân loại, Ngài đến thế gian và Ngài đã chịu tiêu hao giống như cây nến vậy.
Việc dâng con vào đền thờ cũng gợi lên cho chúng ta những suy gẫm về việc chúng ta sống trong xã hội ngày hôm nay. Ngày hôm nay các gia đình, cha mẹ đều có xu hướng sinh ít con để cho cuộc sống đỡ khổ, đỡ vất vả, hay nói đúng hơn là sự ích kỷ của con người….và phần lớn không muốn cho con mình dâng hiến cho Chúa trong bậc sống tu trì vì sợ khổ. Nói như vậy không có nghĩa là tất cả các bậc cha mẹ không muốn dâng con mình cho Chúa, vì khi chúng ta lãnh nhận bí tích Rửa Tội, chúng ta đã được cha mẹ chúng ta dâng tiến cho Chúa rồi, Thiên Chúa đã nhận chúng ta làm con, cho dù chúng ta bất trung thế nào đi chăng nữa, Người vẫn không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Khi chúng ta lãnh nhận bí tích Rửa Tội là chúng ta đón nhận sự sống của Thiên Chúa, và được ánh sáng của Đức Kitô chiếu soi, hướng dẫn cuộc sống chúng ta và nhờ Bí Tích Rửa Tội chúng ta được thánh hiến cho Thiên Chúa.
Việc dâng Chúa Giêsu vào đền thờ làm cho đời sống của Chúa Giêsu mỗi ngày thêm khôn ngoan và đầy ân nghĩa cùng Thiên Chúa. Còn chúng ta, mỗi người chúng ta khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội là chúng ta được dâng lên cho Chúa, được gia nhập vào Hội thánh Chúa và thuộc về Chúa… Trong ngày lãnh bí tích Rửa Tội linh mục đã xức dầu thánh hiến chúng ta cho Thiên Chúa để chúng ta trở thành thành phần của Giáo Hội, chi thể mình mầu nhiệm Chúa Kitô. Linh mục cũng trao cho chúng ta nến sáng thắp từ cây Nến Phục Sinh, biểu tượng cho Chúa Giêsu Kitô, ánh sáng cứu độ chiếu soi nhân loại và toàn thế giới, chiếu soi cuộc sống của mỗi người tín hữu. Và mỗi người kitô hữu cũng phải hỏi rằng chúng ta đã sống và làm chứng cho Chúa chưa? đời sống của chúng ta có được lớn lên không? Chúng ta có thêm khôn ngoan, thêm lòng yêu mến Chúa và yêu mọi người không? Chúng ta đã thực sự thuộc về Chúa chưa? Hay chúng ta sống nửa vời, gió chiều nào ta nghiêng theo chiều đó.
Ngày nay, có nhiều bậc cha mẹ mong muốn có một đứa con mà họ cũng không thể nào, dù họ đã tìm mọi cách, mọi biện pháp nhưng vẫn không có hy vọng. Nhưng ngược lại cũng có rất nhiều bậc cha mẹ thờ ơ trước sự sống, nhiều khi họ cố tình hủy hoại sự sống mà Thiên Chúa đã tặng ban từ khi bào thai được thành hình trong lòng mẹ, vì sự ích kỷ nơi bản thân mà dần đánh mất đi nhân tính của con người, không còn tôn trọng sự sống, họ không còn cảm thức về tội lỗi nữa.
Lễ dâng con vào Đền thờ hôm nay mở ra cho chúng ta những cái nhìn mới, những con đường mới để suy tư và hành động, để cảm nghĩ và nói năng, để sống và yêu thương, để trao ban và lãnh nhận. Chúng ta tin, chúng ta hy vọng và quyết tâm làm một việc gì đó để cầu nguyện cho những người kém may mắn hơn chúng ta. Chúng ta cố gắng đem lại tình thương và hy vọng cho người khác, để làm cho Chúa được sinh ra trong tâm hồn và cuộc đời của những người chưa biết Chúa, cũng như để làm cho Chúa được sinh ra và lớn lên trong tâm hồn và cuộc đời của những ai khước từ Chúa vì tội lỗi của họ.
Lạy Chúa, khi cụ già Simêon bồng ẵm trên tay Chúa Giêsu -chính Ngài là nến sáng chiếu soi nhân loại. Ước gì mỗi người chúng con cũng là ngọn nến sáng chiếu soi trần gian. Lạy Mẹ Maria! Chúng con trao vào tay mẹ mỗi cuộc đời chúng con để nhờ Mẹ chúng con cũng được dâng lên Thiên Chúa giống như Mẹ đã dâng Hài Nhi Giêsu trong Đền Thánh. Đặc biệt ngày lễ Nến hôm nay cũng là ngày thánh hiến các tu sỹ trong Giáo Phận, xin cho mỗi người tu sỹ sống đạo đức thánh thiện  để luôn là của lễ tinh tuyền dâng lên Thiên Chúa mỗi ngày. Amen.

 
Cộng Đoàn Mến Thánh Giá Hoàng Xá
 
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log