Thứ tư, 08/05/2024

Suy Niệm Lễ Các Thánh Nam Nữ Trên Trời

Cập nhật lúc 23:47 31/10/2023
Suy niệm 1
Nên Thánh Giữa Đời Thường
Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã nói: “ Thành công đẹp nhất của một cuộc đời là nên thánh”. Tất cả chúng ta là Kitô hữu, chúng ta đều được mời gọi sống thánh thiện, đó là lời mời gọi, cũng là ân ban cao cả mà Thiên Chúa mời gọi mỗi người. Ngay từ thuở đầu tạo dựng, Thiên Chúa đã dựng nên con người mang hình ảnh của Ngài. Hình ảnh đó không hệ tại ở vỏ bọc bên ngoài nhưng sâu xa bên trong đó là hạt giống của sự thánh thiện mà Thiên Chúa đã gieo trong tâm hồn mỗi người, là chúng ta được mang lấy dáng vẻ thánh thiện của Thiên Chúa. Người đã đặt nơi lương tâm mỗi người tiếng nói của sự hướng thiện, biết tha thiết với điều lành và xa lánh điều dữ.
Hôm nay, Giáo Hội hân hoan mừng kính lễ các thánh, đây cũng là cơ hội để chúng ta nhìn lại cuộc đời thánh thiện của các thánh, cũng là lời mời gọi mỗi người nhìn lại hành trình cuộc đời của mỗi người. Nhìn vào dòng lịch sử Giáo Hội, chúng ta thấy các vị thánh như một vườn hoa xinh tươi muôn sắc. Có những cây hoa cao lớn với những chùm hoa rực rỡ, cũng có những bông hoa nhỏ bé âm thầm, nhưng loài hoa nào cũng ngào ngạt hương thơm. Đi từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, ở đâu chúng ta cũng thấy những tấm gương sáng ngời của sự thánh thiện, ở đủ các độ tuổi, tầng lớp, màu da, chủng tộc….Điều đó cho chúng ta thấy rõ, con đường nên thánh là con đường dành cho mọi người, ai cũng có thể dù ở địa vị nào, hoàn cảnh nào, vì Thiên Chúa đã vạch ra cho chúng ta những con đường và người ban đủ ơn cho chúng ta tiến bước. Con đường nên thánh của bậc quân nhân như thánh Inhaxio Loyola, người đã đi trong con đường nên thánh như một người chiến sĩ trong chiến trận dưới màu cờ của Đức Kitô. Con đường nên thánh của thánh Phanxico thành Asisi chỉ cho những người sống quá gắn bó với của cải vật chất thấy rằng: chúng ta có một sự bảo đảm hoàn hảo và bất biến đó chính là Thiên Chúa. Gương nên thánh cho những bậc làm cha làm mẹ là thánh nữ Monica, vị thánh luôn trung thành, thiết tha cầu nguyện xin ơn biến đổi cho chồng con. Tấm gương cho những bạn trẻ là thánh Đaminh Savio, vị thánh mới 15 tuổi nhưng tràn đầy lòng mến Chúa và luôn khát khao cháy bỏng sự thánh thiện. Con đường nên thánh của chị thánh Terexa Hài Đồng Giê-su thật dễ thương như tâm hồn một trẻ thơ, là lời mời gọi cho những ai có tâm hồn đơn sơ và đầy lòng kiên trì. Còn nhiều các vị thánh khác mà khi nhìn vào cuộc đời các ngài, chúng ta có thể tìm thấy lối đi cho riêng mình trên hành trình nên thánh.
Lời Chúa trong thánh lễ hôm nay cũng chỉ cho chúng ta thấy muôn nẻo đường trong hành trình nên thánh. Nên thánh là khi có một tâm hồn nghèo khó, đó là tâm hồn biết tin tưởng, cậy trông, phó thác cho tình yêu quan phòng của Thiên Chúa. Nên thánh khi chúng ta là những người hiền lành, vì chính Đức Ki-tô cũng là người mang sự “ hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Chúng ta nên thánh khi mang trong tim nỗi khao khát sự thánh thiện, khi biết xót thương người, vì chính Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót. Chúng ta nên thánh khi giữ tâm hồn trong sạch, khỏi những đam mê dính bén dục vọng trần gian, khi chúng ta sẵn lòng chịu sự bách hại vì Danh Thiên Chúa. Tất cả những điều ấy sẽ được Thiên Chúa ân thưởng khi chúng ta rời khỏi thế gian này.
Tuy nhiên, giữa bối cảnh hôm nay, khi đặt câu hỏi về sự nên thánh, có lẽ nhiều người cho rằng đó là điều không thể thực hiện, hay đó là ơn gọi của ai đó, của các Giám mục, linh mục, tu sĩ không phải của tôi. Hay nhiều người giáo dân cho rằng: thánh thiện là sốt sắng kinh nguyện, giảng dạy, xa lánh thế gian…vậy là ơn gọi nên thánh là điều gì đó vượt khỏi tầm với của họ. Việc nên thánh không là dễ, nhưng không phải là không thể vì đối với Thiên Chúa “không có gì là không thể”, Người cũng không đòi hỏi ở chúng ta điều gì vượt quá sức mình. Sự nên thánh của chúng ta ở đời chính là chu toàn bổn phận của mỗi người. Đức Hồng y Phanxico Nguyễn Văn Thuận viết trong cuốn Đường hy vọng “một vị thánh ngoài bổn phận là thánh ở xa xa, thường hay “làm phép lạ” sai nơi, sái giờ. Đến gần thì gây lộn xộn và hoang mang khó sống” ( ĐHV 21). Như thế sự nên thánh của mỗi người chẳng phải là công việc thường ngày mà chúng ta vẫn làm đó sao? Bậc làm cha, làm mẹ hãy chu toàn nghĩa vụ với con cái, giáo dục, nuôi dưỡng, đừng làm gương mù gương xấu. Người tu sĩ hãy trung thành với điều đã khấn hứa, đừng thỏa hiệp, đừng tìm cách lách luật, tự nới lỏng bản thân. Người được trao phó công việc gì, hãy tận tâm với chính công việc đó, “công nhân nên thánh trong xí nghiệp, bệnh nhân nên thánh trong bệnh viện, học sinh nên thánh ở trường học, nông phu nên thánh trên ruộng đồng, lính nên thánh trong quân đội, linh mục nên thánh trong mục vụ. Mỗi bước tiến là một bước hi sinh trong bổn phận” ( ĐHV 24). Vì chính các thánh cũng không nên thánh vì “nói tiên tri hay làm phép lạ. Các ngài đâu làm gì lạ! họ chỉ chu toàn bổn phận” (ĐHV 25).
Nên thánh! đó là lời mời gọi Thiên Chúa đã dành cho tất cả mọi người: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” ( Mt 5, 18). Lời mời gọi đó vẫn ngân vang trong tâm hồn mỗi người, trong mỗi ngày sống, qua mỗi công việc chúng ta làm hằng ngày. Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta đã vô tình hay cố ý để cho lời mời gọi tha thiết ấy trở nên lạc lõng, mờ nhạt, yếu ớt giữa những xô bồ, toan tính của con người. Mừng lễ các thánh nam nữ hôm nay, chúng ta hãy tha thiết cầu xin các ngài bầu cử cho mỗi người chúng ta dám can đảm vượt qua những yếu đuối của bản thân, thắng vượt những cám dỗ của ma quỷ, chấp nhận những hi sinh trong bổn phận để chu toàn thánh ý Chúa trong tình yêu và niềm vui. Chỉ bằng cách đó, chúng ta mới trở nên những vị thánh giữa đời thường trong thế giới hôm nay.
                                                                                                     Cộng đoàn Yên Bái

Suy niệm 2
Sống Tinh Thần Nghèo Khó
“Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5, 3)
Thánh Augustino đã nói: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con và lòng con những khắc khoải cho tới khi được an nghỉ trong Chúa”. Thật vậy, tìm kiếm hạnh phúc là một khát vọng đã khắc sâu trong mỗi chúng ta. Chính Thiên Chúa đã đặt khát vọng đó vào tâm hồn mỗi con người và Ngài muốn chúng ta tìm kiếm một hạnh phúc vĩnh cửu chứ không phải một thứ hạnh phúc hữu hạn nơi trần thế này. Vì thế, Ngài đã trực tiếp chỉ cho ta con đường đưa đến hạnh phúc đích thật, đó là bản Hiến chương Nước Trời, hay Tám mối phúc. Và nếu ta thực hiện được mối phúc đầu tiên thì ta thực sự chiếm hữu được Nước Chúa, là hạnh phúc vĩnh cửu của chúng ta: “Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5, 3)
Nếu như người đời coi hạnh phúc bắt nguồn từ sự giàu sang, thì Chúa Giê-su lại đưa chúng ta vào một thế giới khác, với một lối sống khác, ngược lại với quan điểm của con người. Ngài bảo dân chúng rằng: “Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó”, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5, 3). Của cải vật chất chỉ là phương tiện để con người sống xứng đáng với phẩm giá của mình. Thiên Chúa tạo dựng con người để họ thống trị và hưởng dùng mọi tạo vật trong vũ trụ này. Ngài cũng nhắc nhở con người về bậc thang giá trị đích thực trong cuộc sống, đó là tìm kiếm “Nước Thiên Chúa” (Mt 6, 33). Của cải vật chất không phải  là cứu cánh giúp cho con người có được hạnh phúc thật sự. Chính Chúa Giê-su, Ngài đã sống trọn vẹn tinh thần của Phúc Âm, là sống theo những giá trị vĩnh cửu. Ngài sống thanh thoát, không để thân xác bị phụ thuộc hay dính bén bất cứ điều gì, đến nỗi không có một nơi chốn làm chỗ nương thân: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8, 20).
Trên hành trình ba năm rao giảng, chốn nghỉ ngơi của Ngài sau một ngày làm việc vất vả chỉ là một nơi hoang vắng, chiếc giường để nghỉ là những tảng đá lớn hay những mảnh đất bằng làm chỗ tựa đầu. Những thiếu thốn về vật chất không làm cho Ngài phải bận tâm, lo lắng. Ta có thể nói rằng: Chúa Giê-su là người hạnh phúc nhất vì Ngài đã đi đến tận cùng của sự nghèo khó trong tinh thần. Ngài chấp nhận từ bỏ ý riêng để vâng theo ý Chúa Cha, đến nỗi bằng lòng chịu chết trên cây thâp giá để cứu chuộc nhân loại. Hơn nữa, Ngài còn chấp nhận trút bỏ vinh quang của một Thiên Chúa đầy quyền thế để mặc lấy thân phận của một người nô lệ và sống như một phàm nhân nghèo khó (x. Pl 2, 6-11). Ngài luôn luôn mời gọi những ai muốn theo Ngài cũng sống tinh thần mà chính Ngài đã sống. Lời mời gọi ấy vẫn vang vọng mỗi ngày, nhưng Chúa vẫn luôn tôn trọng tự do của con người và Ngài không hề ép buộc. Vì vậy, có được hạnh phúc hay không là tùy thuộc ở mỗi người. Ta có thể thấy hình ảnh của anh thanh niên giàu có trong Tin mừng Mt 19, 16-22. Anh đã thực hiện tốt những điều răn mà sách luật đã dạy nên anh được Chúa Giê-su đem lòng yêu mến và chỉ cho anh điều kiện cuối cùng để anh có được gia tài vĩnh cửu là Nước Trời. Người bảo anh: “Anh hãy bán tài sản mà cho người nghèo” (Mt 19, 21). Nhưng sự dính bén với kho tàng dưới đất khiến anh buồn rầu bỏ đi, từ chối đổi lấy kho tàng ở trên trời. Của cải vật chất là phương tiện giúp anh có thể chiếm hữu được kho tàng Nước Trời là hạnh phúc đích thực, nhưng anh đã bỏ lỡ cơ hội đó. Ngược lại với anh thanh niên, người thu thuế tên là Mat-thêu (tác giả sách Tin Mừng hôm nay) là người rất giàu có nhưng sau khi được Đức Giê-su mời gọi: “Anh hãy theo Tôi” (Mt 9, 9), ông đã từ bỏ tất cả và lập tức đứng dậy đi theo Ngài. Ông đã tự nguyện sống một cuộc sống nghèo khó, nay đây mai đó với Thầy của mình.
Nếu sự giàu có về vật chất là phương tiện để sống tinh thần nghèo khó, thì những người nghèo về vật chất lại có cơ hội để sống tinh thần ấy cách triệt để hơn. Hình ảnh các môn đệ của Chúa Giê-su cho ta cho ta hiểu sâu hơn về điều đó. Các ông là những người chài lưới nghèo, ít học, nhưng trước lời mời gọi của Chúa, các ông đã lập tức bỏ thuyền, bỏ nghề mà theo Chúa, chấp nhận một cuộc sống “không có chỗ tựa đầu” mà theo Chúa. Vì thế, Chúa Giê-su đã khen ngợi khi nói rằng: “Anh em thật có phúc” (Mt 13,16).
Trong lịch sử Giáo hội, ta thấy nhiều vị thánh đã chọn cho mình con đường nên thánh này, như thánh Phanxico Assidi, thánh nữ Clara, và nhất là Mẹ Teresa Calcutta gần với thời đại của chúng ta, và còn nhiều vị thánh khác mà Giáo hội mừng kính ngày hôm nay. Các ngài có thể là ông bà, cha mẹ, hay những người thân thuộc của chúng ta đã hoàn tất cuộc đời dương thế cách trọn vẹn. Các ngài sống giữa bụi trần với một tâm hồn thanh thoát và đã dành được hạnh phúc vĩnh cửu. Là con cháu của các ngài, và hơn thế nữa, là môn đệ của Đức Ki-tô, chúng ta cũng được mời gọi sống thánh, như lời Chúa Giêsu đã nói: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Ðấng hoàn thiện” (Mt 5,48)
Lạy Chúa, sống trong một thế giới chạy theo vật chất, con thấy mình cũng bị nhiều cám dỗ. Những tiện nghi đầy đủ vẫn hấp dẫn con, khiến con chưa thể yêu Chúa trên hết mọi sự bằng một trái tim trọn vẹn. Xin Chúa đến giải phóng sự mê hoặc của kho tàng dưới đất đang kìm hãm tâm hồn con, để con biết sống cho những gì thuộc về Chúa. Xin cho chúng con đang trên đường lữ hành dưới thế, biết noi gương các thánh mà dám sống tinh thần của các mối phúc Chúa mời gọi, để mai sau chúng con cũng được chung hưởng hạnh phúc với các ngài trên thiên quốc. Amen.
Cộng đoàn Hà Nội
 

Suy niệm 3
 
Các Thánh Là Ai?
Các thánh là ai? Tại sao Giáo hội lại mừng kính các ngài vào ngày 1 tháng 11 hằng năm? Các thánh là những người như thế nào? Các thánh đã làm gì để nên thánh? Chúng ta có thể nên thánh giống như các ngài không?
Khi nói hoặc nghĩ về các thánh, chúng ta thường nghĩ các ngài là những người có tư tưởng vĩ đại, đầy chiến công hiển hách. Các thánh khó để tiếp xúc, khó gặp gỡ vì họ có những tư tưởng khác chúng ta, các ngài có lối sống lập dị. Cuộc sống của họ chỉ suốt ngày chỉ biết đọc kinh cầu nguyện mà không biết làm gì khác. Các thánh không giống như những suy nghĩ của chúng ta. Các thánh họ là những con người rất đỗi bình thường. Các thánh cũng sống cuộc đời như chúng ta, chỉ khác ở cách các thánh dám chọn lựa làm những công việc bình thường với cách thức phi thường, dám sống chết cho tình yêu và can đảm sống cho những chọn lựa của mình. Đặc biệt các thánh đã sống cuộc đời của mình khi chọn lựa cho mình cung cách sống của Chúa Giêsu và lấy những điều Người giảng dạy mà thực hiện, cụ thể qua Tám mối phúc. Quả vậy, tám mối phúc là kim chỉ nam để cho những ai muốn nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện thực hành để rồi qua đó chúng ta sẽ nên thánh hơn bằng những việc thực hành yêu thương.
Tám mối phúc trong tin mừng mà Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ và những ai đang lắng nghe Lời của Người như đi ngược dòng với những chân lý đời thường. Nhưng không phải vậy, tám mối phúc Đức Giêsu dạy là con đường nên thánh cho mỗi Kitô hữu. Mỗi người sẽ tìm được cách thế nên thánh cho mình ngang qua các mối phúc, và thực hành trên những mối phúc cụ thể cho phù hợp với hoàn cảnh của mỗi cá nhân.
Tám mối phúc thật như một đòi hỏi gắt gao hơn đặc biệt đối với con người trong thời đại toàn cầu hóa ngày hôm nay. Giữa một thế giới người ta mong tìm cho mình sự giàu sang và sung túc, thì Chúa lại chúc phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó; giữa một thế giới đầy bạo lực: bạo lực gia đình, bạo lực học đường, tranh chấp quyền lợi, chiến tranh đang diễn ra đâu đó trên thế giới…. thì Chúa lại đòi hỏi chúng ta phải trở nên hiền lành; giữa lúc con người đang mong muốn tìm cho mình những vỗ về của những an ủi tìm kiếm niềm vui, niềm hạnh phúc hạnh phúc thì Chúa lại chúc phúc cho những con người của đau khổ; giữa những lúc cuộc sống con người đầy bon chen, luồn lách tìm đủ phương cách để thu góp cho mình tiền bạc, các phương tiện, đất đai,.. Chúa lại đòi hỏi chúng ta phải sống công chính; giữa lúc con người trở nên vô cảm và lạnh lùng, trở nên xa lạ, hờ hững với nhau thì Chúa muốn chúng ta phải quan tâm và biết xót thương người khác; giữa lúc mà ai ai cũng muốn tìm cho mình những sự hưởng thụ và khoái lạc của  các đam mê thì Chúa muốn chúng ta sống trong sạch. Đức Giêsu vẫn luôn mời gọi con cái của Người sống những điều như đi ngược với lối sống của con người thời đại nhưng thực chất lời mời gọi sống của Ngài mới đưa con người tới nguồn sung mãn của sự sống. Cuộc sống sẽ ý nghĩa hơn khi mỗi người biết mang tình yêu đến cho người khác, biết chia sẻ cho tha nhân, biết sống cho nhau, biết xây dựng hòa bình loại trừ bạo lực, loại bỏ sự ích kỉ, và sống công bằng chính trực.
Đáp lại lời mời gọi của Đức Giêsu, các thánh mà hôm nay Giáo hội mừng kính, các ngài là những con người đã sống theo những lời mời gọi của Chúa. Chính sự tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa mà các ngài đã lãnh triều thiên sự sống và được chung hưởng niềm vui thiên quốc bên hữu Thiên Chúa.
Các thánh là ai? Các ngài là ông bà, cha mẹ, tổ tiên, anh em họ hàng,.. với chúng ta. Các ngài đã nên thánh và chúng ta cũng được mời gọi để nên thánh như các ngài qua đời sống bác ái, yêu thương, qua mỗi bậc sống, qua ơn gọi, qua tinh thần phó thác và yêu mến Chúa Giêsu. Hãy để tình yêu của Thiên Chúa trở thành động lực thôi thúc chúng ta nên hoàn thiện mỗi ngày để giống Cha chúng ta ở trên trời và cùng với các thánh chiêm ngắm ánh sáng muôn gàn đời rực rỡ và cuộc sống hạnh phúc viên mãn bên hữu Thiên Chúa.
Lớp Thần học K6- MTGHH
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log