Thứ tư, 08/05/2024

Suy Niệm Tin Mừng Lễ Kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam -Chúa Nhật XXXIII Thường Niên A

Cập nhật lúc 16:14 17/11/2023
                
    
 SỐNG CHỨNG NHÂN NGÀY NAY

Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói “Người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có tin vào thầy dạy là vì các thầy dạy ấy đã là những chứng nhân”. Đúng vậy, Giáo Hội ở bất kỳ thời đại nào cũng luôn cần có những người dám sống và dám làm chứng nhân cho Chúa trước mặt người đời. Vậy, là những người kitô hữu chúng ta sẽ sống như thế nào để làm chứng nhân cho Chúa trong xã hội hôm nay.?
Con người của thế giới hôm nay thích chạy theo tiền bạc, danh vọng, quyền lực và họ sống buông mình theo những lạc thú, họ không còn sống cho những giá trị Tin Mừng nữa. Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay như một lời khẳng định của Chúa Giêsu dành cho tất cả những người kitô hữu “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23). Để theo Chúa chúng ta phải sẵn sàng từ bỏ mọi sự trần gian này như tiền tài, danh vọng, quyền lực, và từ bỏ ngay cả mạng sống của mình. Chúng ta theo Chúa với đầy dẫy những thứ cồng kềnh, vướng bận thì thật khó mà theo sát Chúa được. Đã là con người để có thể từ bỏ những thứ bên ngoài như tiền tài, danh vọng, quyền lực đã là một sự khó khăn, thế mà Chúa đòi hỏi chúng ta từ bỏ tận căn đó là từ bỏ chính mình, từ bỏ cái tôi, từ bỏ ý riêng của mình điều đó thì thật khó biết bao. Như Alexande đã từng nói “ thắng được vạn quân còn dễ hơn thắng được chính mình”. Đúng vậy, bản tính của con người rất dễ kiêu ngạo, muốn hơn người, muốn thể hiện mình và luôn muốn mọi người theo ý mình, dường như họ thiếu sự khiêm tốn và thiếu đi tinh thần phục vụ mọi người như Chúa mong muốn. Nhưng chính sự khiêm tốn và tinh thần phục vụ tha nhân vô vị lợi lại là điều kiện của thập giá và là điều kiện để theo Chúa, nên giống Chúa và là chứng nhân cho đức tin của chúng ta.
Bước theo Chúa không phải đi trên con đường của nhung lụa, nhẹ nhàng, êm ái nhưng là con đường của thử thách, khổ đau, bấp bênh, sỉ nhục và theo Chúa đòi hỏi phải hy sinh. Những hy sinh mà Chúa đòi hỏi nơi mỗi người đó là việc chúng ta chu toàn bổn phận hằng ngày, vui lòng đón nhận những trái ý của nhau, tha thứ, quảng đại và phục vụ nhau bằng tất cả tình yêu và lòng yêu mến.
 Nhìn vào các thánh tử đạo Việt Nam mà hôm nay Giáo Hội mừng kính chúng ta noi gương các ngài đã một lòng theo Chúa các ngài là gương sáng trong việc từ bỏ mọi sự trần gian này, các ngài coi tiền tài, danh, vọng chỉ là phù vân, ngay cả mạng sống của mình các ngài cũng từ bỏ một cách dễ dàng để làm chứng cho Chúa. Các ngài đã sống triệt để Lời Chúa dạy “ Vì người nào được cả thế giới mà đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì” ( Lc 9, 25). Các ngài coi mối lợi trần gian này chỉ là phân là rác, mối lợi tuyệt vời các ngài muốn hướng đến đó chính là Đức Giêsu, Đấng mang đến cho các ngài hạnh phúc mai sau, mang đến sự sống đời đời. Chúng ta ngày hôm nay dù không phải đổ máu và không phải chết đi cách trực tiếp như các thánh tử đạo xưa, nhưng với một xã hội rất tinh vi, thâm hiểm, một xã hội đề cao tiền bạc, khoái lạc, tiện nghi và nhất là đề cao sự tự do của thời đại ngày hôm nay lại đòi hỏi chúng ta những người kitô hữu phải làm chứng cho Chúa một cách mạnh mẽ và can đảm hơn nữa. Chúng ta phải sống đức tin bằng cách chết đi mỗi ngày vì những cuộc bách hại êm ái nhưng khủng khiếp mà con người đang phải đối diện. Chúng ta làm chứng cho Chúa bằng việc chu toàn bổn phận với Chúa, với tha nhân, những lời Chúa dạy, vâng phục những chỉ dạy của Giáo Hội mà tuân giữ lề luật của Chúa.
Lạy Chúa Giêsu! Các thánh tử đạo Việt Nam xưa đã can đảm từ bỏ mọi sự và sẵn sàng vác thập giá theo Chúa. Chính việc từ bỏ và vác thập giá đó đã cho các ngài được hạnh phúc đích thực là được hưởng niềm vui trọn vẹn với Chúa trên Nước Trời. Ngày hôm nay, chúng con khi bước theo Chúa là chúng con cũng chấp nhận tử đạo một cuộc tử đạo can trường và trường kỳ với biết bao gian nan, thử thách và những bách hại của thời đại này. Xin cho chúng con dám từ bỏ tất cả những gì không thích hợp với tinh thần của Chúa, để chỉ sống theo những giá trị Tin Mừng, những lời Chúa chỉ dạy, nhất là chúng con can đảm sống niềm tin bằng tất cả lời nói việc làm cụ thể không ngại khó khăn, gian khổ để chúng con làm chứng nhân cho Chúa trong thế giới hôm nay bằng tất cả tình yêu, lúc đó chúng con sẽ sống xứng đáng làm con cái Chúa, xứng đáng với các thánh tử đạo Việt Nam thân yêu của chúng con. Amen.
 
Học Viện K6

    
  NIỀM TIN KIÊU HÙNG

 
Giáo Hội Việt Nam hân hoan mừng kính trọng thể Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Trong lịch sử Công Giáo Việt Nam, suốt hai thế kỉ bách hại đạo (TK17-19) sổ sách ghi hơn một trăm ngàn người đã chết vì đạo, trong số đó có 58 Giám mục và linh mục ngoại quốc. Trong tổng số 150 linh mục Việt Nam, 340 thầy giảng, 01 chủng sinh, 270 nữ tu dòng Mến Thánh Giá và 99.182 giáo dân. Trong hàng ngũ đông đảo có 117 vị được tuyên phong hiển thánh ngày 19.06.1988. Các ngài là những con người can trường đã dùng cái chết để làm chứng cho Đức Kitô.
Các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã viết lên trang sử hào hùng bằng chính máu đào của mình. Các ngài vượt qua biết bao gian khổ lớn lao, can đảm thà chết chứ không chối bỏ đạo. Ngoài các giám mục, linh mục, còn có cả giáo hữu thuộc nhiều tầng lớp khác nhau. Quan trường có Thánh Hy, quan án có Thánh Khảm, các binh sĩ tầm thường. Hương chức có những tránh tổng lý trưởng. Xét về nghề nghiệp có thầy lang, thợ may, thợ mộc, dân chài nhưng đông đảo nhất vẫn là giới nông dân. Dù thuộc nhiều giai cấp trong xã hội nhưng các ngài đều có một niềm tin bất khuất can trường, phụng sự Chúa và giúp đỡ mọi người. Các ngài là niềm tin  kiêu hùng cho dân tộc Việt Nam. Khi ôn lại đời sống và chứng tá của các Thánh tử đạo, chúng ta là hậu sinh hôm nay không khỏi ngỡ ngàng, làm sao những người dân quê suốt đời chân lấm tay bùn, lại có thể trở thành những nhân chứng trung kiên, can đảm đối diện với các nhà cầm quyền hùng mạnh với những hình khổ dã man? Câu trả lời là do bởi ơn Chúa ban cùng với lòng yêu mến Thiên Chúa các ngài đã hi sinh anh dũng, miễn sao Đức Kitô được rao giảng.Chí khí như Bà Đê (Lê Thị Thành) vị thánh nữ Việt Nam duy nhất, không thua kém các bậc nam nhi. Quan quân cho cột các ống áo rồi bỏ rắn vào trong người, nhưng Bà vẫn đứng yên không nhúc nhích, không sợ hãi. Con cái vào tù thăm khóc lóc khi thấy thân thể mẹ bầm tím, áo bết những vết máu, Bà mỉm cười an ủi: “Sao con lại buồn, mẹ mặc áo hoa hồng đấy con ạ”.  Bà coi những vết máu như vòng hoa khoác lên cổ người chiến sĩ thắng trận trở về (Hạnh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam). Dù bị tra tấn dã man, bị gông cùm xiềng xích các ngài không oán trách, không kêu ca nhưng với lòng bao dung tha thứ. Tấm gương của thừa sai Gagelin Kính gửi thư cho bạn bè “ Tôi sẵn lòng tha thứ cho những kẻ áp bức tôi”. Hay linh mục Viên trên đường ra pháp trường, đã giải tội cho hai phụ nữ tố giác nơi cha trú ẩn,  và còn rất nhiều tấm gương khác. Lòng bao dung tha thứ được thể hiện trên khuôn mặt rạng rỡ, không chút bất mãn, ngước nhìn trời cao trong niềm hân hoan tin tưởng, Được hưởng phúc thiên đàng đời đời. Các ngài đã không làm theo lệnh vua quan là đạp lên Thánh Giá nhưng các ngài đã ôm lấy, vác lấy thánh giá mà tuyên xưng Chúa cho đến trót cuộc đời. Dù cho những cực hình rất dã man: bị xử trảm, xử giảo, bị thiêu sống, lăng trì hay tứ mã phanh thây. “Trên mảnh đất đã gieo nhiều hạt giống đẫm máu, mảnh đất đó càng phát sinh nhiều vị tử đạo và rồi hạt giống đó sẽ kết thành mùa lúa vàng của Giáo Hội. Các Thánh tử đạo đã chết đi càng là chứng nhân cho Chúa Kitô hơn là lúc còn bình sinh. Ngày nay các ngài vẫn còn đang nói, vẫn còn đang giảng thuyết. Miệng lưỡi còn im bặt, nhưng bao nhiêu sự việc còn vang dội sâu xa” ( Thánh Augustinô). Quả thật, máu của các ngài đổ ra thấm vào mảnh đất quê hương làm cho công cuộc loan báo Tin Mừng sinh hoa quả tốt đẹp.
Với trang sử hào hùng của các vị tử đạo Việt Nam, chúng ta là hậu duệ, chúng ta phải biết ơn các ngài vì các ngài đã anh dũng để giữ lấy đức tin cho con cháu. Chúng ta có bổn phận viết tiếp những trang sử rạng ngời mà cha ông đã viết. Những trang sử hiện đại không viết bằng máu nhưng bằng những cố gắng đem Đạo vào đời. Nhìn lại lịch sử, chúng ta càng thêm tin tưởng vào Lời Chúa, nếu đang gặp phải khó khăn trong đời sống đạo, chúng ta hãy an tâm. Như Chúa Giêsu đã chịu biết bao gian nan khốn khó, phải chịu bắt bớ, nhục mạ, Ngài chịu chết tủi hổ trên thánh giá, các môn đệ con cái Chúa không thể đi con đường nào khác ngoài con đường mà Chúa Giêsu đã đi. Như các bậc tiền nhân đã đổ máu đào để bảo vệ đức tin cho con cháu, chúng ta không được phúc tử đạo như các ngài nhưng chúng ta có nhiều hình thức tử đạo khác: bằng việc chúng ta đón nhận những đau khổ, khó khăn vất vả với tất cả lòng tin yêu phó thác cho Chúa. Hay chỉ một việc rất nhỏ chúng ta hy sinh một câu nói khi bị sỉ nhục tha thứ cho họ với tấm lòng bao dung. Là khi chúng ta dám nói lên sự thật và sống cho sự thật, sống yêu thương chân thành với hết mọi người. Nếu chúng ta vẫn trung thành với Chúa, với đức tin qua mọi gian nan thử thách chắc chắn Ngài sẽ ban ơn cần thiết cho chúng ta.
Mừng kính lễ Các Thánh Tử Đạo là dịp để chúng ta kể lại cho nhau nghe những điều kì diệu Chúa đã làm nơi các ngài. Những con người yếu đuối mỏng dòn thường ngày, nhờ ơn Chúa đã trở nên can đảm phi thường. Xin cầu cho cho chúng con là con cháu các ngài biết can trường sống đức tin của bậc cha anh trong một thế giới mà nhiều người chưa tin nhận Chúa, biết nhiệt thành làm chứng về tình yêu bằng một đời hiến thân phục vụ. Ước gì ngọn lửa đức tin mà các ngài đã thắp lên bằng cuộc sống và cái chết, được bừng tỏa trên Tổ quốc Việt Nam. Amen.
 
Tập Viện
 

 
TÌNH YÊU MẠNH HƠN SỰ CHẾT
 
 
Làm sao nói yêu mà lại không hy sinh, không trao ban, không dám chết đi cho nhau. Tình yêu chỉ thực sự khi ta dám đánh đổi tất cả, để mang lại niềm vui hạnh phúc người ta thương yêu, cho dù điều đó có phải hy sinh đến cả mạng sống của mình. Các thánh tử đạo đã chọn và đã đi con đường tình yêu ấy. Chính tình yêu đã làm nên sức mạnh trong con người của các ngài, ngay cả đến sự chết cũng không dập tắt được tình yêu phi thường ấy. Tình yêu đã đưa các ngài lên đỉnh vinh quang cùng với Đấng đã hy sinh cứu độ các ngài và toàn thể nhân loại.
 
Đoàn người đông vô kể
Vừa đi vừa ca hát
Tay cầm cành là thiên tuế
Áo trắng như tuyết pha
Từ khắp miền huyết lệ
Từ đau khổ bao la
Tôn vinh Con Thiên Chúa
Tề tựu trước ngai tòa.
 
Thánh thi giờ kinh sáng diễn tả về một đoàn người hân hoan trong tay cầm cành lá thiên tuế vừa đi vừa ca hát, đến từ khắp miền, được tề tựu trước ngai tòa để tôn vinh Thiên Chúa, sau khi trải qua đau khổ và thử thách lớn lao. Lật lại những trang lịch sử của Giáo hội Việt Nam, ta thấy các bậc anh hùng tổ tiên của chúng ta, đã trải qua biết bao thăng trầm, những cơn cấm cách đạo dữ dội và biết bao người đã anh dũng đứng lên để bảo vệ đức tin, bảo vệ tình yêu của mình “ thà tôi bị lưu đày và phải chết vì Chúa, chứ tôi không chối đạo” (Thánh Anrê Thông). Các ngài chẳng phải là những con người còn mang trong mình nhiều yếu đuối và những giới hạn, xuất phát từ những vùng quê nghèo khổ đấy ư? Nhưng đâu là động lực làm cho các ngài hy sinh đến cả mạng sống mình? Đâu là lí do làm cho niềm tin của các ngài trở nên sắt đá như vậy? Sức mạnh nào đã giúp các ngài vượt qua những cực hình dã man và tàn bạo ấy. Thưa, đó là tình yêu, vì tình yêu Đức Kitô đã làm cho các ngài vượt qua nỗi sợ hãi trước những đau khổ tột cùng. Vì yêu nên các thánh sẵn sàng mang vào mình nỗi đau chỉ vì muốn được nên giống Đấng mình yêu mến, dù có phải lao tù, xiềng xích, gông cùm hay phải chịu nhiều đau đớn cũng không làm lay chuyển ý chí và niềm tin của các ngài. Tình yêu đã tạo nên sức mạnh trong con người các thánh tử đạo, tình yêu đã làm cho thân xác yếu đuối của các ngài trở thành những chứng nhân can trường, niềm tin đó đã lên tiếng bằng hành động, để rồi đây các ngài dứt khoát theo chân Chúa Giêsu lên đồi Canvê. Vì tin rằng sức mạnh của Đức Kitô tiềm tàng trong thân mình các thánh và không ai có thể tách các ngài ra khỏi tình yêu kì diệu ấy. Những cực hình các ngài đã chịu trở nên của lễ tinh tuyền dâng lên Thiên Chúa. Những giọt máu của các thánh tử đạo đã thấm xuống miền đất Việt làm trổ sinh hoa trái là các tín hữu. Cuộc đời các ngài đã thấm đượm Lời của Vị Thầy chí thánh: “Nếu hạt lúa mì gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình, còn nếu nó chêt đi, nó mới sinh nhiều hạt khác (Ga 12, 24). Các ngài đã chấp nhận là hạt lúa được gieo vào lòng đất chịu nghiền nát, chịu thối đi để sinh ra bông hạt. Chính tình yêu dành Đức Kitô đã đẩy các ngài đến sự chết nhưng chính nhờ tình yêu này các ngài được sống mãi trong tình yêu Chúa vì Lời Chúa Giêsu đã nói: “Ai yêu quý mạng sống mình thì sẽ mất còn ai coi thường mạng sống mình thì sẽ giữ lại được sự sống đời đời”( Ga 12, 25).
Với cái nhìn của người đời, thì hành động của các thánh thật khờ dại và điên khùng, vì đã tin theo một niềm tin hão huyền, một sự mê tín, một thứ “tả đạo”. Các ngài bị coi là bất hạnh, bị trừng phạt và đáng bị khai trừ. Những đòn roi, những cực hình phải chịu về thân xác hay chịu sỉ nhục về Đấng mà các ngài yêu mến. Tất cả những thứ đó là cái giá của người môn đệ phải đón nhận – phải vác – phải yêu. Các ngài chấp nhận lội ngược dòng để minh chứng cho tình yêu. Như có vị thánh đã thốt lên khi trên đường ra pháp trường “ tình yêu đáp lại Tình Yêu”.Vì chỉ có Chúa mới là sức mạnh, là nơi các ngài nương tựa, chỉ có Chúa mới làm cho các ngài được sống, như lời xác tín của thánh Phêrô Vũ Văn Truật “Ai khôn mới biết hiến mình cho chân lí, để chiếm hữu phần gia nghiệp muôn đời. “Vì linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa và chẳng cực hình nào động tới được nữa” (Kn 3,1). Chúa đã thử thách họ và thấy họ xứng đáng với Người. Người đã tinh luyện họ như thử vàng trong lửa và chấp nhận họ như của lễ toàn thiêu. Giờ đây các ngài được cùng với Con Thiên Chúa hưởng hạnh phúc vô biên.
Niềm tin và tình yêu của các thánh tử đạo Việt Nam đã trở nên mẫu gương kiên trung cho người kitô hữu noi theo, để họ cũng trở nên những chứng tá của Chúa trong thời đại mới này. Nếu như xưa các thánh tử đạo đã đổ máu mình ra để làm chứng cho niềm tin, làm chứng cho tình yêu thì người kitô hữu hôm nay, ta được mời gọi nối tiếp và làm mới lại tình yêu của mình để sống giá trị Tin mừng cách triệt để hơn trong cuộc sống thường ngày. Với một xã hội đề cao sự hưởng thụ, người ta lấy tình yêu là nhu cầu để thỏa mãn với những đòi hỏi của bản thân, quyền lực mới nâng cao phẩm giá, danh vọng hay tiền tài là cái mà người ta luôn tìm cách để chiếm đoạt. Thì người kitô hữu được mời gọi chết đi cho cái tôi của thỏa mãn, chết đi cái tôi của kiêu căng, chết đi cho cái tôi sự ích kỷ, của sự tham lam. Hành trình tử đạo đó không chỉ diễn ra cách nhanh chóng, nhưng là từng phút, từng giây ta phải chiến đấu liên lỉ trong cuộc đời. Như thánh Phaolô đã từng viết “lấy đai thắt lưng là chân lí, mình mặc áo giáp là sự công chính, mũ chiến là ơn cứu độ, và cầm gươm của Thần Khí ban cho, là Lời Thiên Chúa”. Đây chính là hành trình tử đạo lâu dài đòi hỏi người kitô hữu phải hết lòng cậy trông phó thác vào Chúa. Vì chỉ có Chúa mới là sự vững chắc và là sự sống đích thực cần phải tìm kiếm. Là những người con được sinh ra từ máu các bậc anh hùng tử đạo, ta phải tỏ lòng biết ơn đối với các ngài bằng cách đón nhận mọi gian lao thử thách để trung thành theo Chúa tới cùng.
Là người môn đệ bước theo Chúa Kitô trên đường Thánh giá, người nữ tu Mến Thánh Gía chấp nhận bước vào con đường hẹp, từ bỏ và chết đi với đam mê dục vọng và tất cả những gì thế gian tìm kiếm. Tình yêu của người nữ tu Mến Thánh giá phải được biểu lộ cách rõ nét và sâu đậm đối với Đấng Chịu Đóng Đinh mà mình đã chọn để bước theo. Một tình yêu xuất phát từ một hiến tế đặc biệt, tình yêu ấy là khởi điểm cho đời sống mới của người nữ tu trong Đức Kitô. Để dành trọn vẹn tình yêu cho Đấng Chịu Đóng Đinh, người nữ tu đón nhận mọi khó khăn thử thách và những ràng buộc bởi lời khấn. Đó cũng chính việc ta chết đi từng ngày cho ý riêng của bản thân, chết đi cho những đòi hỏi của bản năng, chết đi cho sự tự do để phụ thuộc vào Chúa. Vì chỉ khi nào ta dám chết đi con người tự nhiên của chính mình, thì lúc đó tình yêu mà ta dâng hiến cho Chúa mới có cơ hội được lên tiếng, được trổ sinh và cũng là dấu chỉ của người môn đệ đang đi đúng đường.
Lạy Chúa! chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho Giáo hội Việt Nam những chứng nhân kiên cường và anh dũng. Nhờ đó những hạt giống đổ xuống mà chúng con mới nhận biết Tin Mừng Cứu Độ, xin cho chúng con cũng noi gương các ngài để sống một cuộc đời trao ban, một cuộc đời phục vụ tha nhân và hiến tế cho Chúa.   
Tập Viện
 


DẤU CHỨNG TÌNH YÊU
 
Mỗi người sinh ra trên thế giới không phải để tan biến đi như những hạt cát vô danh, nhưng là để in lại dấu chân trên mặt đất, in dấu trong lòng những người khác. Một cử chỉ yêu thương, một việc tốt, một câu nói giá trị, một tác phẩm nghệ thuật hay một thành quả khoa học kĩ thuật đã để lại cho con người những ấn tượng và sự vinh danh lớn. Vậy thì, hành động của con người dám chết vì người mình yêu lại càng để lại những dấu ấn sâu sắc hơn, mạnh mẽ hơn. Chúng ta có thể tìm thấy vẻ đẹp này nơi các vị anh hùng tử đạo của Giáo hội nói chung và của dân tộc Việt Nam nói riêng. Giáo hội đã coi các ngài “như một món quà đặc biệt và như bằng chứng trọn vẹn nhất về tình yêu” (Hc Lumen Gentium, 42). Cuộc đời và hành động cao đẹp của các ngài trở nên lời mời gọi và động lực cho mỗi người tín hữu: hãy luôn là những dấu chứng của tình yêu trong lòng thế giới.
Ngược dòng lịch sử Giáo hội Việt Nam, chúng ta không khỏi ngậm ngùi khi dừng chân tại thời kỳ Giáo hội bị bách hại. Con số 118 là những vị đã được tôn phong lên hàng hiển thánh trong số hàng ngàn các vị anh hùng đã can đảm tuyên xưng đức tin bằng cả giá máu. Quả thật các ngài là những “hoa trái chín mọng và tuyệt vời trong vườn nho của Chúa, đó là Giáo hội” (ĐTC Phanxico). Đức tin của dân Việt được đón nhận từ các vị thừa sai cứ thế được nảy nở và lớn lên, tưởng chừng như chỉ là một lựa chọn đơn thuần cho đời sống tâm linh. Song như hạt kia được gieo trồng, nó âm thầm nảy mầm và lớn lên. Để rồi người ta thấy được sức mạnh của nó khi bão táp mưa giông ập đến. Niềm tin vào Đức Kitô và khao khát được bước theo Người, được kết hiệp trong Người trở thành sức mạnh để các vị tử đạo vượt bao đau đớn, thử thách hầu chứng minh cho đức tin của mình: “Tôi ước mơ trở thành cho bụi để kết hợp với Chúa Kitô. Tôi từ giã cõi đời này không hề thương tiếc điều gì, chỉ nhìn lên Chúa Kitô chịu đóng đinh, đủ an ủi tôi về mọi đau khổ và cả cái chết nữa. Tất cả ước vọng của tôi là sớm thoát khỏi thân xác này, để kết hiệp cùng Chúa Giêsu trong nơi vĩnh phúc” (Phanxico Kính). Quả thật “Đạo đã nhập vào xương tuỷ tôi, làm sao tôi có thể bỏ được” (Giuse Nguyễn Văn Lựu). Nên các ngài đã thốt lên: “Chớ gì máu tôi hoà với máu Đức Kitô trên đồi Canve” (ĐC Giuse An). Các ngài đã sống và để lại cho chúng ta một bí quyết của đức tin Kitô giáo: “Ai khôn mới biết hiến mình cho chân lý, để chiếm hữu phần gia nghiệp muôn đời” (Pr Vũ Văn Truật). Mỗi tấm gương trong lời nói và hành động của các vị tử đạo đều là những hình ảnh của Đức Kitô Người đã hiến mạng vì con người.
Còn chúng ta ngày hôm nay cần sống lời tuyên xưng đức tin như thế nào? Ta sẽ tìm được câu trả lời trong Hiến chế Ánh sáng Muôn dân của Công đồng Vatican II: “Mặc dù chỉ một số ít người được ơn tử đạo, nhưng tất cả đều phải sẵn sàng tuyên xưng Đức Kitô trước mặt mọi người và bước theo Người trên con đường Thập giá giữa những cuộc bách hại không bao giờ thiếu vắng trong xã hội” (số 42). Hãy nhìn xem, chúng ta đang nâng niu một thế giới vĩ đại, một xã hội văn minh vật chất, công nghệ tối tân, tiện ích đa dạng, song cũng phải đối mặt với những kinh hoàng của chiến tranh, khổ đau của bạo lực… Phải làm thế nào để có thể làm chủ nó và luôn chủ động sống đức tin hầu trở nên chứng tá của Tin Mừng trong bối cảnh xã hội hiện tại? Đúng, đây có thể là những thách thức cho người sống đức tin song chúng ta hoàn toàn có thể lấy đây là cơ hội để sống và làm chứng cho đời sống đạo của mình. Chính Đức Giêsu hôm nay đã chỉ cho ta con đường tốt nhất, con đường mà Người đã sống và thực hành. Đó là con đường “từ bỏ mình và vác thập giá mình để theo Chúa” (Mt 16,24). Các thánh tử đạo xưa đứng trước lựa chọn giữa sự sống trần thế với sự sống vĩnh cửu, các ngài đã tuyệt đối, quyết liệt lựa chọn hạnh phúc đời sau. Chấp nhận chịu nhiều đau đớn, ngay cả tính mạng cho sự lựa chọn của mình. Quả thật các ngài đã khôn ngoan, đã biết từ bỏ cái tầm thường để lựa chọn điều cao quý, dám từ bỏ cái tạm bợ để lựa chọn điều vĩnh cửu, vượt qua cái tương đối để có được cái tuyệt đối là chính Thiên Chúa.
Cuộc sống hôm nay cũng đặt chúng ta trước nhiều lựa chọn: đứng trước những bất công tôi chọn im tiếng để an phận hay lên tiếng để tìm chân lý dù phải thiệt thân? Tôi chấp nhận sự thiếu thốn và thiệt thòi để nói không với những hành động phi nhân hay vì tiền, vì quyền, vì danh tôi sẵn sàng chà đạp lên bất cứ ai? Tôi chọn làm bạn với người nghèo, người không địa vị, không giúp ích gì cho tôi hay chọn bạn sang, chọn bạn tôi có thể lợi dụng để thăng tiến bản thân? Tôi dành thời gian cho điện thoại, Internet hay dành thời gian để ưu tư, để hướng về và đồng cảm với anh chị em vô tội đang là nạn nhân của chiến tranh, bạo lực?....
Giáo hội cần những chứng nhân, cần những vị tử đạo, đó chính là các vị thánh, những vị thánh trong cuộc sống thường ngày đang phấn đấu mỗi ngày để trở nên giống Thầy mình là Đức Kitô “Tử đạo là hành vi làm cho người môn đệ nên giống Thầy mình, Đấng đã tình nguyện chấp nhận cái chết để cứu độ thế giới” (Hc Lumen gentium, 42). Nhìn vào gương các thánh tử đạo, trong mọi thử thách chúng ta “hãy đứng vững: lưng thắt đai là chân lý, mình mặc áo giáp là sự công chính, chân đi giày là lòng hăng say loan báo Tin Mừng, hãy luôn cầm khiên mộc là đức tin, mũ chiến đội đầu là ơn cứu độ” (Ep 6,11). Để cuộc đời tôi là “một hiến tế sống động, thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa và không rập theo trần gian” (Rm 12,1-2). Nhất định “không được chốn tránh những cực nhọc và lao phiền” (2Cr 11,27). Vẻ đẹp của người tín hữu sẽ rạng rỡ trong một tình yêu thuần khiết và mạnh mẽ dành cho Thiên Chúa và tha nhân.
Quả vậy chỉ có tình yêu mới làm nên vẻ đẹp sâu sắc nơi con người. Có thể nói “tình yêu” chính là nét độc đáo của các vị tử đạo Việt Nam và nói chung là các thánh tử đạo Kitô giáo. Chân lý này được khởi đi từ chính Đức Giêsu Kitô là trung tâm của Kitô giáo. Đấng đã hiến mình làm của lễ tình yêu. Cùng với các thánh tử đạo, chúng ta hãy noi gương Chúa Giêsu và với ân sủng của Người, biến những thử thách thành một cơ hội cho tình yêu. Một tình yêu sẵn sàng “tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cr13, 7).  Một tình yêu dám từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Đức Giêsu. Amen
                                               
                                                                                    Cộng Đoàn Mến Thánh Gía Bách Lộc
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log