Chúa nhật, 19/05/2024

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Giêsu Lên Trời Năm A (Mt 28,16-20)

Cập nhật lúc 08:46 16/05/2023


ĐƯỜNG VỀ QUÊ
 
“Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy sẽ lại đến để đưa anh em về với Thầy”. Đó là lời Đức Ki tô đã nói với các môn đệ khi còn ở với các ông. Hôm nay mừng lễ Chúa Lên Trời, niềm vui này thúc đẩy chúng ta mong ước lời hứa ấy được thực hiện. Người Kitô hữu sống ở đời với niềm tin hướng về trời là nơi mà Đức Kitô  đã mong muốn: Người ở đâu thì chúng ta cũng được ở đó. Biến cố Chúa Lên Trời hôm nay, mở ra cho con người niềm hi vọng tràn trề về phần thưởng nước trời mà Người đã hứa, Người đã khai mở cho chúng ta về một tương lai mới, đó là hạnh phúc Thiên Đàng.
Con người sống trên trần gian, dù là ai, dù tin vào tôn giáo nào cũng cảm nhận rõ thân phận lữ khách của mình. Trong bài hát “ Ở trọ” nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có viết: “ Con chim ở đậu cành tre, con cá ở trọ trong khe nước nguồn....Tôi nay ở trọ trần gian, trăm năm về chốn xa xăm cuối trời”. Chắc hẳn sau những lời hát đó là những cảm nhận thấm thía về sự chênh vênh, tạm bợ của kiếp người nơi gian trần. Biết chắc rằng, cuộc đời này sẽ mau qua đi và con người sẽ phải ra đi, nhưng nhiều người cũng chẳng biết mình sẽ đi về đâu. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng vậy, ông chỉ biết sau khi lìa khỏi cuộc đời sẽ đi về một chốn xa xăm nào đó ở cuối trời. Nhưng đâu là “ cuối trời”? Nhiều người khác cũng chung một cảm giác chơi vơi như thế, rằng: sau cuộc đời này, họ sẽ đi về chốn vĩnh hằng, chỉ biết đó là một nơi xa xôi không xác định, chẳng biết đường, cũng chẳng có ai dẫn lối. Còn người Ki tô hữu thì sao? Chúng ta mong chờ điều gì ở bên kia cuộc đời?
Sống trên trần gian, người Ki tô hữu cũng không ngoại lệ, cũng là những lữ khách đang rong ruổi trên hành trình dương thế. Họ cũng mong chờ, khắc khoải một chốn đi về. Nhưng khác với những người khác, người Ki tô hữu xác định chắc chắn về nơi mà mình sẽ trở về khi hành trình dương thế kết thúc: đó là trở về với Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng nên mình và đang chờ mình trở về.
Với những người con xa quê, xa tổ ấm thì nỗi niềm hằng thao thức là sự mong nhớ, thiết tha mong đến ngày hồi hương. Đó cũng là tâm trạng của người Kitô hữu sống trên trần gian mong về bến Thiên Đàng. Con đường trần gian dù dài đến mấy, dù gian nan có đầy hay cám dỗ có nguy nan thì niềm tin ấy vẫn thúc đẩy họ “ ái mộ những sự trên trời”. Khác với những người không có niềm tin, họ không biết sẽ đi về đâu sau cuộc đời này, người Ki tô hữu đã có chốn để đi về vì đã có Đức Kitô  dẫn đường chỉ lối và Người còn “ Dọn chỗ cho anh em”. Thật hạnh phúc biết bao cho những người Kitô hữu, niềm tin đó thúc đẩy chúng ta vượt qua những gian nan của cuộc đời, an tâm giữa những sóng gió trần gian để đi về nhà Cha trên trời.
Mỗi năm mừng lễ Chúa Lên Trời, là mỗi lần nhắc nhở chúng ta về niềm hạnh phúc lớn lao đang đợi chúng ta phía trước. Là lời cảnh tỉnh cho chúng ta về những ham mê sự thế, nhắc cho chúng ta rằng: chúng ta không thuộc về nơi đây, chúng ta chỉ là những người lữ khách đang tiến về Quê Trời, là nơi Đức Kitô đã đi trước để dọn chỗ cho mình.
Tuy nhiên khi nhìn lại thực tế cuộc sống, chúng ta cũng nhận thấy đã nhiều khi mình đánh mất ý thức thuộc về Thiên Đàng, vì chúng ta đã dính chặt vào những sự phù hoa thế gian. Quên đi quê hương vĩnh cửu để bám víu, tìm kiếm những sự giả trá ở đời, say mê thú vui chóng qua để quên đi hạnh phúc vĩnh cửu. Thật vậy, nhìn vào đời sống người Kitô hữu hôm nay, niềm tin và nỗi thao thức với cuộc sống vĩnh cửu dường như đã nhạt đi nhiều. Cuộc sống với những thú vui trước mắt khiến con người mê đắm, tiền bạc vinh hoa khiến họ lầm tưởng đó đã là hạnh phúc viên mãn rồi. Thế nên, chân vẫn đi trên hành trình ấy mà lòng không còn hướng về trời nữa, để rồi cuối cùng, khi cuộc đời đã đến đích, họ cũng mang một nỗi đau đớn, chơi vơi: Thế là hết!.
Phải làm sao để con đường trần gian dẫn chúng ta đến nơi Quê Trời? Đã có người chỉ đường vạch lối, việc của chúng ta là nhìn lên ánh sáng đó để tiến bước. Đức Kitô đã đến, Người đã chỉ đường và đã đi trước để dọn chỗ cho mỗi người, Người sẽ “ lại đến và đem anh em về với Thầy”. Đôi cánh đưa con người về với Thiên Đàng chính là việc tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa. “ Ai yêu mến Thầy, thì giữ các điều răn của Thầy. Cha Thầy và Thầy sẽ yêu mến người ấy và sẽ đến ở trong người ấy”. Chẳng phải, Người sẽ mang cả nước Thiên Đàng đến cho những ai yêu mến và giữ các điều răn của Người đó sao? Hãy tuân giữ những điều Thiên Chúa đã truyền dạy, hãy yêu mến Thiên Chúa và yêu tha nhân như chính Thiên Chúa đã yêu. Tuy rằng “ chỉ có thế” nhưng khi nhìn lại chúng ta nhận thấy sự mâu thuẫn nơi chính bản thân mình. Biết Chúa yêu mình như thế, biết Chúa bảo phải yêu mến tha nhân, nhưng nhiều khi chúng ta lại cảm thấy khó chịu với người anh em bên cạnh chỉ vì một lời nói hay một cái nhìn dù họ không đụng chạm gì tới mình. Chúng ta có thể lang thang hàng giờ trên các trang mạng, nhưng cảm thấy khó khăn quá khi dành trọn vẹn nửa giờ cho Chúa. Chúng ta khư khư với những gì có được dù biết chẳng phải do tự mình mà có, chúng ta thờ ơ với những nhu cầu của tha nhân dù biết mình có khả năng giúp đỡ. Và nhiều điều hơn thế, khiến cho đôi cánh thiêng liêng không thể có đủ sức mạnh để bay lên nhưng kéo ghì chúng ta chìm xuống với trần gian cát bụi.
Mừng lễ Chúa Lên Trời hôm nay, cho chúng ta cảm nghiệm niềm vui về quê hương thật của mình, và giúp cho chúng ta nhìn lại hành trình đã qua, xem chúng ta đã đi đến đâu rồi và trên vai chúng ta đã có hành trang nào. Lời Chúa cũng nhắc nhở mỗi người hãy chia sẻ niềm hạnh phúc Thiên Đàng cho những người còn chưa biết để họ cũng được hưởng niềm hạnh phúc đó. Nguyện xin Chúa cho mỗi người chúng con, những người lữ khách đừng bao giờ quên, đừng bao giờ thôi nhớ nhung nước Thiên Đàng mà Chúa đã dọn sẵn cho mỗi người chúng con. Xin giúp chúng con sống ở trần gian này, biết cố gắng can đảm hơn mỗi ngày, để mỗi bước chân chúng con đi ngày càng tiến về gần hơn đến quê trời. Amen.

 
Cộng Đoàn  Mến Thánh Giá Yên Bái

 
 
TẤT CẢ LÀ ĐỂ TRAO BAN
 
 “Chúa đã lên trời, núi đồi đưa mắt nhìn theo”.
Có phải đó là một sự tiếc nuối giữa con người, thiên nhiên với Chúa Giêsu chăng? Không, Chúa Giêsu lên trời là một cuộc trao ban, không phải là một sự tiếc nuối. Khi Ngài nói với các môn đệ:“Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em”(Mt 28,18-20).
Chúa Giêsu đã đón nhận và thực hiện những điều mà Chúa Cha đã ban như một món quà được gửi đến cho Ngài. Giờ đây, Ngài cũng trao món quà đó cho các môn đệ là những người thân tín mà Ngài luôn yêu thương. Ngài hẹn các môn đệ đến Galilê để gặp các ông ở đó, Ngài cũng muốn chính tại đây là nơi khởi đầu sứ vụ của ông. Ngài biết tâm trạng các ông lúc này đang rất hỗn loạn vì cái chết của Thầy, và một niềm tin chưa đủ mạnh vào Tin Mừng Phục Sinh. Chúa Giêsu đã hiện đến và trấn an các ông, không những thế, Ngài còn trao cho các ông toàn quyền để thực hiện công cuộc của Ngài dưới trần thế, là tìm kiếm chiên lạc và cho muôn dân nhận biết Chúa, đi theo để trở thành môn đệ của Ngài. Đây cũng là sứ mạng mà Chúa Giêsu muốn trao gửi cho mỗi người chúng ta, là những người đang bước theo sát dấu chân của Ngài. Vậy làm sao để cho mọi người nhận biết Chúa và đi theo Ngài, chúng ta phải sống và nói về Ngài như thế nào?
Những người môn đệ của Chúa phải là những người loan báo Tin Mừng của Chúa như lời Chúa nói: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy (Mt 28,19). Khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, mỗi người nhận lãnh vai trò ngôn sứ, có trách nhiệm mang Chúa đến với người khác. Vì thế, hãy mang Chúa đến cho tất cả mọi người bằng chính cuộc sống hiện tại của chúng ta, công bố Tin Mừng của cuộc đời chúng ta bằng cả tình yêu, sự bình an, niềm hy vọng trông cậy vào Chúa. Có như thế ta mới trở thành một người môn đệ đích thực ở nơi chúng ta đến và nơi chúng ta sống.
Hãy sống kinh nghiệm là người giảng dạy, để giảng giải cho mọi người. Trong trường học, chúng ta được học hiểu và biết về các môn học, môn chuyên ngành. Trong đạo Công Giáo, chúng ta được Chúa Giêsu dạy những bài học về đức tin, bài học yêu thương như Chúa yêu, bài học về sự tha thứ, bài học về lòng thương xót, bài học về lòng nhân từ…thông qua những người giáo lý viên, những bài giảng của Cha xứ giảng dạy cho chúng ta. Mỗi người hãy sống những điều được học, đừng cất giấu hay chôn vùi nó như người được lãnh một nén bạc, đem chôn cất không sinh lời, như vậy là chúng ta chưa sống cho đi, chưa trao ban tất cả những gì đã được lãnh nhận. Nhưng chúng ta hãy là người biết cho đi để làm chứng cho Chúa giữa cuộc sống hôm nay. Tuy Chúa không hiện diện một cách hiện hữu cùng với chúng ta, nhưng Người hiện diện trong Lời dạy của Người. Chúng ta hãy là những người làm cho Lời của Người trở nên thiết thực bằng những hy sinh và lòng quảng đại... khi đó ta mới sống vui tươi và đem Chúa trao cho tất cả những người hiện diện với chúng ta.
Thế nhưng, trong cuộc sống sẽ có những lúc khó khăn xảy đến, làm chúng ta mất đi niềm tin nơi Chúa, dễ nản lòng và buông xuôi mọi thứ. Khi đó, chúng ta hãy nhớ đến lời Chúa đã hứa, Ngài sẽ trở lại trong vinh quang, và vinh quang ấy đang chờ chúng ta can đảm bước đi và làm chứng cho Ngài. Sức mạnh của Ngài sẽ giúp chúng ta bước đi trên đường đời dù trông gai mấy thì cũng sẽ vượt qua. Lời hứa của Ngài cũng là lời động viên chúng ta bước đi, dù con đường này có như thế nào? Trao ban là thế đó, cho đi tất cả để người được nhận đón nhận tất cả. Sự hiện diện luôn là điểm tất yếu để làm nên tất cả, tuy Chúa Giêsu không hiện diện trực tiếp, nhưng Ngài đã xin Chúa Cha ban Chúa Thánh Thần xuống để Người ở và hoạt động trên chúng ta.
Hãy sống một cuộc đời vui tươi có sự hiện diện của Chúa Phục Sinh. Thánh Augustino nói: “Lúc này đây, Đức Ki-tô đang được tôn vinh trên trời, nhưng Người vẫn chịu đựng những nỗi khổ đau với chúng ta trên trần gian, là những chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Người mà Người phải mang.... Tuy trên thiên quốc, nhưng Người vẫn ở với chúng ta; và trên trần gian chúng ta cũng đang được ở với Người. Người hiện diện ở đây với chúng ta bằng thần tính của Người, và trong Người, chúng ta ở với Người bằng tình yêu”. Chúa đã Phục Sinh, chúng ta hãy vui mừng Alleluia, chúng ta hãy sống tiếp nối sự vui tươi đó trong cuộc hành trình của chúng ta. Niềm vui Chúa Phục Sinh vẫn ở với và ở cùng chúng ta, tuy Ngài đã lên trời, nhưng Ngài vẫn hiện diện trong mọi niềm vui nỗi buồn của chúng ta, đúng như lời thánh Augustino nói ở trên: tuy trên thiên quốc, nhưng Người vẫn ở với chúng ta. Đó là một bảo chứng cho chúng ta, chúng ta chỉ cần sống cuộc đời vui tươi của Chúa Phục Sinh, còn sự hiện diện là của Người.
Mừng lễ Chúa Giêsu Lên Trời hôm nay, toàn thể Giáo Hội vui mừng long trọng mừng lễ để tưởng niệm việc Chúa Giêsu lên trời. Đó là một cuộc trao ban mới, trao ban tất cả cho nhân loại. Chỉ vì yêu và thương con người, cho dù Chúa Giêsu lên trời nhưng người luôn hiện diện và ở với chúng ta. Yêu mến mọi người là yêu mến Chúa và chu toàn luật Chúa, cũng là chu toàn thánh ý Chúa trong mọi việc. Chu toàn để chúng ta trao ban, yêu mến để chúng ta cho đi. Vậy, chúng ta hãy sống một ngày lễ hôm nay thật sốt sắng, trong tâm tình người con thảo đối với Người, để chúng ta đón nhân và xin vâng với Lời của Ngài ban cho chúng ta: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em”(Mt 28,18-20).

 
Cộng Đoàn Mến Thánh Giá Camelo
 
 
RA ĐI TRONG TÍN THÁC
 
Lễ Thăng Thiên là kỷ niệm biến cố Chúa Giêsu lên trời được cử hành vào ngày thứ 40 sau lễ Phục sinh (Mc 16, 19-20; Cv 1, 1-11). “Thăng” là “Lên”, “Thiên” là “Trời”. Biến cố này muốn nói lên Chúa Giêsu không còn hiện diện hữu hình nữa nhưng Ngài  hiện diện trong Giáo Hội bằng cách thức mới cùng với sự hiện diện của Chúa Thánh Thần.
Với lệnh truyền “Hãy ra đi” là sứ mạng cấp thiết, là thông điệp yêu thương mà Chúa Giêsu muốn dành cho hết mọi người và mọi thời. Khi nói đến từ “ra đi” con người ta thường liên tưởng đến những gì là chia tay, xa cách hay mất mát điều gì đó. Thế nhưng, từ “ra đi” ấy được “mặc” một nghĩa tích cực hơn, sâu xa hơn và mang một giá trị thiêng liêng lớn lao bởi biến cố Chúa Giêsu lên trời được mừng trong ngày hôm nay. Mừng lễ Chúa lên trời không phải là chúng ta chỉ biết ngước mắt nhìn lên trời cao nhưng điều quan trọng hơn là chu toàn sứ mạng rao giảng Tin Mừng. Hay nói cách khác, thay vì chỉ biết ngồi nhìn, chúng ta được mời gọi hãy ra đi trong niềm tín thác bởi tin rằng Chúa vẫn đang ở thật gần với từng người chúng ta cách cá vị như lời Ngài đã hứa: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”(Mt 28,20).
Ra đi để mở rộng vương quốc Đức Kitô
“Mở rộng vương quốc Đức Kitô” có thể được hiểu là làm cho nhiều người nhận biết, tin theo và gia nhập vào vương quốc của Đức Kitô. Việc mở rộng vương quốc ấy được nói rõ qua lệnh truyền của Đức Kitô trước khi Ngài về trời. Trước khi về trời, Ngài trao lại sứ mạng cho các môn đệ tiếp tục rao giảng Tin Mừng, không giới hạn trong nước Do Thái, nhưng là Samari và cho đến tận cùng Trái Đất (Cv 1,8). Các môn đệ luôn tin tưởng vào Đức Giêsu và Lời của Ngài. Dù chưa thấy Chúa Phục sinh nhưng các ông vẫn đi đến một ngọn núi như Lời Chúa dạy. “Khi thấy Người, các ông bái lạy” (Mt 28,17). Lúc này đây, Đức Giêsu đã tỏ mình ra cho các môn đệ biết Ngài là chủ vũ trụ. Cũng chính lúc này, Ngài sai các môn đệ ra đi làm nhân chứng cho Ngài giữa trần gian. Chúa Cha đã trao toàn quyền cho muôn loài vũ trụ cho Chúa Giêsu. Chúa Giêsu là Đấng Trung gian, là con đường đến với Chúa Cha, là thẩm phán quyết định mọi sự. Quyền năng ấy Ngài trao lại cho các môn đệ với nội dung của việc truyền giáo rõ ràng: “làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy, làm phép Rửa cho họ. Dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy truyền dạy cho anh em” (Mt 28, 18-20a). “Trở thành môn đệ” bằng cách đón nhận phép Rửa nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần; sống tư cách các môn đệ bằng việc lắng nghe và tuân giữ lệnh truyền của Đức Giêsu. Ở đây ta thấy lệnh truyền “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” được bắt đầu bằng từ “vậy” cho thấy lệnh truyền đó được đặt nền tảng trên những gì đã khẳng định ở phía trước. Hay nói cách khác, nhiệm vụ thừa sai của Hội Thánh đặt nền tảng trên mầu nhiệm toàn quyền trên trời dưới đất đã được Chúa Cha trao cho Chúa Giêsu. Chúa Giêsu trao quyền cho các môn đệ không có nghĩa là Ngài không còn ở bên các ông nữa nhưng Ngài vẫn ở mãi, ở cùng “mọi ngày cho đến tận thế” (x. Mt 28, 20). Chúa bảo đảm cho các Tông đồ cũng như cho Hội Thánh sự hiện diện hằng ngày của Chúa trong công việc rao giảng Tin Mừng khắp thế gian. Bởi thế người Tông đồ sẽ không bao giờ sợ cô đơn vì luôn có Chúa ở cùng. Người tông đồ vẫn luôn bình an, vui tươi, hăng say, nhiệt tâm dù phải đối diện với biết bao khó khăn, thử thách và bắt bớ.
 Ra đi xây dựng Thiên đàng tại trần thế
Xây dựng Thiên đàng nơi trần gian là phương cách để loan báo Tin Mừng, là lời chứng sống động trong công việc truyền giáo. Thiên đàng không phải là nơi xa vời, ở trên cao hay chỉ có trong mơ nhưng là ở ngay trong mỗi người chúng ta, ngay ở trần gian này. Thiên đàng không phải là một “thứ làm sẵn” hay một “món ăn nhanh” nhưng là kết quả của một quá trình phấn đấu xây dựng. Chúa muốn mỗi người chúng ta cộng tác với Ngài chứ không phải chỉ biết khoanh tay đứng nhìn như các môn đệ xưa. Các ông mải đứng nhìn lên trời để chiêm ngắm vẻ đẹp của Chúa để rồi quên đi trần gian đến nỗi hai thiên thần phải đến nhắc nhở cho các ông hãy quay về với thực tại, nghĩa là hãy quay về với đời sống hằng ngày nhưng lòng vẫn hướng về trời. Như thế Thiên đàng ngay ở trần gian này, thực tại trần gian là Thiên đàng. Như thế Chúa lên trời không phải Chúa xa ta nhưng là Ngài biến đổi cách hiện diện. Ngài ở gần chúng ta nhưng điều quan trọng chúng ta có nhận ra Ngài hay không? Chúa muốn chúng ta tiếp tục sứ mạng của Chúa giữa trần gian này bằng chính thực tại cuộc sống của mỗi người. Khi ta chu toàn được sứ mạng ấy ta sẽ gặp được Chúa và cảm nghiệm được niềm hạnh phúc của Thiên đàng thực sự là chính Ngài.
Mừng lễ Chúa Lên Trời, không phải chúng ta chỉ biết ngước mắt nhìn lên cao mà điều quan trọng là chu toàn sứ mạng Chúa trao phó, là sẵn sàng “ra đi” trong sự tín thác vào Chúa và lời hứa của Ngài. Mỗi người hãy “ra đi” theo ý muốn của Chúa với tinh thần hăng say, nhiệt tâm, yêu mến và sáng kiến của mình ngõ hầu làm cho hết mọi người nhận ra Chúa, tin và đi theo Ngài.
Ra đi truyền giáo là lời mời gọi của Chúa dành cho hết mọi người chứ không phải dành riêng cho ai. Thế nhưng thực tế cho thấy vẫn còn một số người cho rằng đó là việc của các Giám mục, Linh mục và tu sĩ chứ không phải việc của giáo dân. Ước chi họ hiểu được rằng việc truyền giáo phải được coi là việc đầu tiên và quan trọng nhất bằng chứng tá đời sống Kitô hữu sâu xa với việc hy sinh và cầu nguyện (x. AG. 36) và mỗi Kitô hữu được mời gọi cộng tác vào công cuộc truyền giáo của Giáo Hội, tùy theo khả năng, đặc sủng và tác vụ của mình (x. AG. 28).
Ra đi loan báo Tin Mừng của Chúa đến với người khác cũng có nghĩa là ta phải chấp nhận từ bỏ, hy sinh và phục vụ. Tuy nhiên, sống trong một xã hội tiện nghi, thích hưởng thụ cũng khiến cho một số người còn ngại dấn thân, ngại hy sinh, sợ khó, sợ khổ, sợ thiệt về mình. Điều này cũng len lỏi phần nào vào đời sống mục vụ của người tu sĩ. Chúa vẫn đang chờ đợi và đặt hy vọng nơi từng người. Ngài tin vào khả năng và sự nhiệt tâm của mỗi người chúng ta. Vậy nên mỗi người chúng ta đừng tiếp tục “đứng nhìn lên trời” nữa mà hãy ra đi, ra khỏi sự an toàn của bản thân và sự tiện nghi để đem Chúa đến với mọi người và mọi nơi!
Lạy Chúa Giêsu! Chúng con cảm tạ Chúa vì Người đã chia sẻ sứ mạng của Người với chúng con. Đứng trước cánh đồng “đầy lúa chín” nhưng lại thiếu “thợ gặt”, con tin rằng Chúa vẫn luôn thao thức và chờ đợi chúng con ra đi cho dù những bước chân ấy còn chậm chạp vì e ngại. Nếu một lúc nào đó đôi chân chúng con ngần ngại, không dám bước đi thì xin Chúa thắp lên trong chúng con niềm hy vọng và can đảm để lên đường. Nếu khi nào vì quá mệt mỏi khiến chúng con lê bước thì xin Chúa ban thêm nghị lực cho chúng con. Nếu tệ hơn là khi bàn chân ấy muốn dừng lại và không muốn bước tiếp vì ngã quỵ và bao lần thất bại thì xin Người thương nâng con dậy và tiếp tục bước đi. Trong hành trình truyền giáo chắc hẳn chúng con gặp không ít khó khăn, thử thách nhưng con tin Chúa vẫn luôn ở đó, nâng đỡ, khích lệ và dẫn dắt từng bước chúng con đi. Xin cho chúng con biết đáp lại tình yêu của Chúa bằng chính cuộc sống chứng tá của mình, bằng đôi chân ra đi không biết mệt mỏi nhất là sẵn sàng dấn thân đi đến những vùng ngoại biên hầu mọi người có thể nhận biết và tin theo Chúa. Amen.

 
Cộng Đoàn Mến Thánh Giá Camelo
 

SỨ MẠNG CHÚA TRAO

Sau khi đã trải qua biết bao đau khổ sự dữ và cuối cùng là cái chết đau thương trên thập giá, Đức Giêsu đã phục sinh, Người phục sinh để đem lại ánh sáng, niềm vui và sự bình an cho muôn dân. Người phục sinh đã xoá tan đi sự đau thương mất mát, phá đi sự sợ hãi của các tông đồ để thay vào đó là lòng tin và sự xác tín nơi Thầy Chí Thánh. Đức Giê su phục sinh đã củng cố thêm lòng tin cho các môn đệ. Hôm nay đây, trước khi về trời Người đã trao ban bình an và trao lại sứ mạng cho các tông đồ “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ…Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28,20).
Sứ mạng Chúa trao lại cho các môn đệ, cũng là một lệnh truyền khẩn thiết hơn bao giờ hết. Khi Chúa Giêsu đã chuẩn bị hành trang cho các môn đệ một cách đầy đủ trong một thời gian dài, trải qua nhiều biến cố, qua thập giá đến vinh quang, giờ đây Chúa Giêsu cảm thấy các môn đệ đã có thể tự đi trên đôi chân của mình, dùng những phương thế Chúa ban để tuyên xưng đức tin và làm chứng cho Ngài. Đồng thời để rao giảng về Đấng Phục sinh, Người là ánh sáng, là con đường, là sự thật và là sự sống, ai tin vào Người sẽ không bao giờ phải chết và được sống muôn đời. Chính trong giây phút này, các ông nhận lãnh sứ mạng xây dựng Giáo hội, một Giáo hội có Thiên Chúa là Chủ và có nhau là anh em. Một Giáo Hội yêu thương, hiệp nhất.
Quả thật, lệnh truyền mà hôm nay các ông được trao ban không phải là một điều dễ dàng để thực thi. Bởi lời Chúa Giêsu đã từng nói: “Này Thầy sai anh em như chiên con đi vào giữa bầy sói”(Lc10,3). Thoạt tiên nghe câu nói này của Chúa, phàm ai trong chúng ta cũng cảm thấy lo lắng hoảng sợ. Với sức lực nhỏ bé của con người làm sao đánh đuổi được cả một bầy sói dữ, là bộ mặt thế gian với bao mãnh lực của nó.  Vì thế mà Chúa Giêsu căn dặn các môn đệ của mình: “anh em phải khôn như con rắn, và hiền lành như chim bồ câu” (Mc 10,16b).Thật thế, mang thân phận con người thấp hèn yếu đuối, và đặt mình vào tâm thế của các môn đệ cũng vậy. Khi nhận được lệnh truyền khẩn thiết của Chúa, có lẽ các ông cũng đầy hoang mang lo lắng.Thế nhưng, Chúa thấu hiểu môn sinh của mình; Chúa thấu biết nỗi ưu tư của các ông. Ngài đã hứa với các ông rằng “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Một lời hứa, một lời động viên an ủi một sự tiếp sức cho các môn đệ, để các ông can đảm bước xuống núi và tiếp tục sứ mạng của Chúa nơi trần gian này. Và các ông luôn xác tín rằng Thầy vẫn luôn đồng hành, hướng dẫn các ông trên mọi bước đường, giúp các ông hoàn thành sứ mạng tông đồ của mình: giảng dạy, chiến thắng thế lực sự dữ, chữa lành bệnh tật, làm cho mọi người nhận biết Chúa...
Tiếp nối các vị tông đồ, có biết bao nhiêu vị thánh đã tử đạo chỉ vì rao giảng về Đức Kitô và giữ vững đức tin của mình vào Đấng Phục sinh, đã có biết bao vị thừa sai tự nguyện đi đến những nơi rừng thiêng nước độc, đã bỏ cả mạng sống mình nơi đất khách quê người chỉ vì sứ mạng rao giảng về Đức Kitô. Động lực nào đã khiến cho các Ngài trở nên mạnh mẽ như vậy. Thưa bởi vì tình yêu. Các ngài đã nghiệm rằng: chính “Đức Kitô thúc bách tôi”,(2Cr5,14) và lời Chúa luôn vang vọng trong các ngài, dù có phải đầu rơi máu chảy “nhưng hãy can đảm lên, vì Thầy đã thắng thế gian” (Ga16,33).
Sứ mạng rao giảng về Đức Kitô của các tông đồ xưa là như vậy, của các vị thừa sai là thế đó. Vậy còn đối với mỗi người chúng ta thì sao? Chúng ta sẽ tiếp nối sứ mạng của các tông đồ để lại như thế nào? Ngay từ khi lãnh nhân bí tích Rửa Tội là chúng ta đã lãnh nhận sứ mạng loan báo Tin mừng. Mừng lễ Chúa Giêsu Lên Trời hôm nay, một lần nữa cho chúng ta cùng nhìn lại vai trò của một người sống chứng nhân và ngôn sứ của mỗi người trong xã hội hôm nay. Chúng ta đã làm tròn sứ mạng của Chúa đã đặt để nơi mỗi người chúng ta chưa?  Là những tu sĩ  bước theo Chúa trong linh đạo Mến Thánh Giá, chúng ta đã chu toàn sứ mạng Chúa đã trao phó cho chúng ta ra sao?
Đức Phaolô VI đã nói: “người thời nay cần chứng nhân hơn thầy dạy”. Mỗi chúng ta cần thấm nhuần những lời này để chúng ta thực thi lệnh truyền của Chúa một cách có hiệu quả. Và ta cũng cần nhớ rằng: không thể cho đi những gì ta không có. Bởi thế, để có thể “làm cho muôn dân trở thành môn đệ” Chúa, thì chính chúng ta hãy là những môn đệ đích thực của Chúa, hãy là những người có kinh nghiệm về Chúa, là những người sống và gắn bó mật thiết với Chúa một cách cá vị. Ta hãy là những người sống niềm vui của Tin Mừng, không chỉ những khi cuộc sống của ta êm đềm như dòng nước chảy xuôi, mà cả những lúc gặp sóng gió bão táp trong cuộc đời. Ta hãy là những người sống đức tin một cách sống động, để cho mọi người thấy được rằng: “Ngoài trái đất còn có trời. Ngoài cõi nhân sinh nhỏ hẹp còn có cõi thần linh bao la. Ngoài cuộc sống trần gian mau qua còn có cuộc sống thiên đàng vĩnh cửu” (trích bài giảng của Đức Tổng Giuse Nguyễn Năng). Ta hãy là những người sống trên trần thế này với đôi chân đạp đất, nhưng lòng hướng về trời cao, hướng lòng về quê hương đích thực, quê hương vĩnh cửu. Ta hãy là những nhân chứng cho thực tại Nước Chúa ngay hôm nay.
Nhìn vào dải đất hình chữ S thân yêu của chúng ta với dân số 99.542.404 người mà chỉ có 5,9 triệu người Công Giáo. Một con số quá ít, thế nên mỗi chúng ta cần phải nỗ lực, cần phải thấy được sự cấp thiết để có thể thực hiện được khao khát của Chúa. Bởi “Ngài đã đến ném lửa vào mặt đất, Ngài những mong cho ngọn lửa ấy cháy bùng lên”(Lc 12,49).
 Có lẽ mỗi chúng ta cần đặt ra cho mình câu hỏi: tại sao cho đến hôm nay, ước mơ của Chúa, khát khao của Chúa vẫn chưa trở thành hiện thực? Mỗi người tự suy nghĩ và đưa ra câu trả lời cho mình, nhất là trong vai trò là những người môn đệ bước theo sát Chúa trong ơn gọi thánh hiến.
 Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, Chúa đã chết và sống lại, lên trời ngự bên hữu Chúa Cha, và ở cùng chúng con cho đến tận thế. Chúa lên trời, khơi lên trong chúng con niềm hy vọng về cuộc sống mai sau. Nhưng Chúa không muốn chỉ một số người được về bên Chúa, hưởng hạnh phúc cùng Chúa, mà Chúa muốn “cho muôn dân”. Sứ mạng Chúa trao cho các tông đồ cũng là trao cho chính mỗi người chúng con. Xin cho chúng con thấy được rằng, chúng con thật hạnh phúc biết bao khi được Chúa mời gọi cộng tác với Chúa trong chương trình cứu độ của Ngài. Dẫu Chúa biết chúng con chẳng đáng, chúng con nhỏ bé, yếu hèn… Nhưng Chúa vẫn tin chúng con. Xin cho chúng con có một tâm hồn nồng nàn yêu Chúa, say mến Chúa, để ngọn lửa say yêu ấy bừng cháy trong trái tim của chúng con, thôi thúc chúng con quyết đứng lên, quyết tiến bước, quyết cùng Chúa “làm cho muôn dân trở thành môn đệ Chúa”. Amen
 
 Cộng Đoàn Mến Thánh Giá Vĩnh Lộc
 
 
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log