Thứ sáu, 26/07/2024

Tĩnh Tâm Tháng 01.2023: Chúa Kitô Chịu Đóng Đinh Là Tâm Điểm Của Cuộc Đời Tôi

Cập nhật lúc 09:53 31/12/2022

 
CHÚA KITÔ CHỊU ĐÓNG ĐINH LÀ TÂM ĐIỂM CỦA CUỘC ĐỜI TÔI
(1Cr 2,1-5)
 
WMTGHH - Trong một bài giảng tại nguyện đường Thánh Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lấy lại kinh nghiệm tình yêu sâu đậm của Thánh Phaolô đối với Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh để diễn tả về mầu nhiệm trung tâm, đồng thời thánh nhân đề nghị mọi Kitô hữu phải đi vào mầu nhiệm trung tâm này: Chúa Kitô, Người đã yêu thương tôi và đã chết vì tôi ”.
Chúng ta đang bước vào những ngày khởi đầu của năm mới 2023, thời khắc của cột mốc thời gian mới làm chúng ta suy tư về cuộc hiện sinh của mình, điều gì là trọng tâm – là cùng đích mà ta đang khao khát đạt tới? Kinh nghiệm thiêng liêng của Thánh Phaolô về Đức Kitô, Đấng đã sống –  chết vì yêu tôi, có giục giã mời gọi tôi khám phá mầu nhiệm trung tâm của cuộc đời, đồng thời hướng trọn lòng trí và cuộc sống về Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh là đối tượng duy nhất.
Chúng ta có thể nói, cuộc đời của Thánh Phaolô, một cuộc đời thuộc trọn về Chúa Kitô trong tình yêu. Kể từ khi bị “quật ngã” trên đường Đamát, trọn vẹn con người của thánh nhân được xây dựng trên nền tảng duy nhất là tình yêu dành cho Chúa Giêsu. Nơi đó, Đức Kitô trở thành lẽ sống, trở thành nguyên lý, là động lực và mục tiêu để thánh nhân quy hướng mọi suy tư, mọi hoạt động của đời mình. Đối với ngài, Chúa Giêsu là linh hồn, là sự sống, là lý do hiện hữu, là tiêu chuẩn hướng dẫn mọi chọn lựa, là đối tượng phục vụ và là nguồn gợi hứng linh hoạt cho mọi hoạt động sứ vụ. Trong cảm nhận và niềm xác tín của ngài, đó là cuộc đời hoàn toàn bị Đức Kitô chiếm đoạt (x.Pl 3,12), một sự chiếm đoạt toàn diện và sâu xa đến độ như ngài chia sẻ: “Đối với tôi, sống chính là Chúa Kitô” (Pl 1,21),tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi (Gl 2,20);Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?; “Tôi đã không muốn biết điều gì khác, ngoài Chúa Giêsu Kitô, và là Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh” (1Cr 2,2);Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đã chấp nhận mất hết, và tôi coi tất cả như rác rưởi, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người (Pl 3,7-9).
Những lời xác tín trên không còn phải là câu chữ vô hồn, nó trở thành thịt máu, là hơi thở, là linh hồn về kinh nghiệm tình yêu cháy bỏng mà thánh Phaolô dành cho Đức Kitô. Và sau tất cả những gì diễn tiến nơi Mầu Nhiệm Thập Giá mà vị tông đồ thành Tácsô trải nghiệm, thánh nhân đã tự hào về điều gì: danh tiếng lẫy lừng – mọi người khen lao ca tụng tán dương về thành công sứ vụ, về tài ăn nói hùng biện thuyết phục người nghe? Không! Tất cả đều là không! Chúng ta nghe điều thánh nhân tự hào: “Nếu phải tự hào, thì tôi sẽ tự hào về những yếu đuối của tôi. Tôi rất vui mừng và tự hào về những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Giêsu ở mãi trong tôi. Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ ngặt nghèo vì Đức Kitô. Vì khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh” (2Cr 12,9-10).
Nghịch lý này của thánh Phaolô có dẫn chúng ta đến cuộc đối thoại với những tội lỗi của bản thân và dẫn chúng ta đến mầu nhiệm trung tâm, linh đạo Thập Giá, mầu nhiệm Chúa Giêsu - Đấng Chịu Đóng Đinh. Một nhà thần học đã nói: “Nếu bạn muốn biết Chúa là ai, bạn phải quỳ gối dưới chân thập giá và cầu nguyện”. Thánh Tôma Aquinô xác tín: “Tôi học biết nhiều điều khi quỳ dưới chân Thánh Giá hơn là tìm hiểu trong sách của các vị tiến sĩ”.  
Trong suốt cuộc đời thi hành sứ vụ, thánh Phaolô đã không ngần ngại sử dụng hình ảnh mộc mạc dân dã nhưng vô cùng thâm thúy về một cái gì đó rất cao quý, rất cao cả, nhưng lại được cất giữ trong một đồ vật dễ vỡ và tầm thường: “kho tàng được chứa đựng trong bình sành” (2Cr 4,7) khi nhìn nhận về những yếu đuối, giới hạn và sự giòn mỏng của bản thân trước những thực tại hoạt động của ân sủng và cách thức hoạt động của Thiên Chúa. Kinh nghiệm sứ vụ của thánh Phaolô cho thấy kiếp người chỉ là giòn mỏng và đổ vỡ, nhưng chính trong sự đổ vỡ đó lại chứng tỏ một sức mạnh vô biên của Thiên Chúa luôn hoạt động nơi các tín hữu và nơi con người giòn mỏng. Thánh nhân không bao giờ ngã lòng trước những thất bại, yếu đuối, không chùn bước trước những đau khổ, bị bách hại, bị gièm pha chỉ trích, bị sỉ nhục hay trước mọi hình thức gian truân trong cuộc đời sứ vụ (2Cr 4,7-12), những đau khổ mà ngài phải chịu trong thân thể như là dấu chỉ của sức mạnh tình yêu Thiên Chúa đang được biểu lộ.
Là một Kitô hữu tốt, tôi có thể chu toàn tốt mọi nhiệm vụ và còn làm được nhiều việc đạo đức tốt lành. Là người sống đời thánh hiến theo Linh đạo Mến Thánh Giá, tôi có thể tự hỏi mình: “Này bạn, bạn đã làm tất cả những điều ấy, nhưng bạn có ở trong mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô không? Bạn đang “quỳ” dưới chân thập giá với tâm tình và thái độ nào? Bạn đã đọc và hiểu được gì về khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa nơi Mầu Nhiệm Thập Giá Đức Kitô? Mầu nhiệm Đức Kitô Chịu Đóng Đinh trở nên trung tâm như thế nào trong đời sống thánh hiến và trong sứ vụ của bạn?” 
Ban Huấn Luyện
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log