Thứ năm, 02/05/2024

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật IV Phục Sinh Năm B – Lễ Chúa Chiên Lành (Ga 10, 11-18)

Cập nhật lúc 09:33 19/04/2024

 
TÌNH YÊU CỦA NGƯỜI MỤC TỬ
 
Hình ảnh mục tử chăn chiên là một hình ảnh rất cụ thể rõ nét và đặc trưng của người Do Thái. Đó là người chủ chăn của đoàn chiên. Người chủ chăn trực tiếp chăm sóc, bảo vệ đoàn chiên của mình. Họ ý thức đoàn chiên thuộc về mình, và vì thế họ sẵn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ cho đoàn chiên chứ không phải chỉ là những thợ chăn thuê. Chính sự gắn bó với đoàn chiên của  mình  mà chiên trong đoàn nhận biết chủ chiên qua tiếng gọi quen thuộc thân thuộc của ông. Trong Tin Mừng Gioan, Đức Giêsu quả quyết rằng Ngài chính là mục tử nhân lành. Mục tử nhân lành luôn tìm cách bảo vệ đoàn chiên của mình trước những nguy hiểm và đưa đoàn chiên tới nguồn nước trong lành đó chính là sự sống đời đời.
Nối tiếp niềm vui Phục Sinh, Giáo hội cho con cái mình trong Chúa nhật IV Phục Sinh chiêm ngắm rõ nét hơn vẻ đẹp của người mục tử nhân lành Giêsu. Người mục tử hết lòng yêu thương đoàn chiên, dám hy sinh mạng sống vì đoàn chiên ( Ga 10,15). Người mục tử Giêsu biết tất cả các chiên của mình (Ga 10,14). Biết tất cả các nhu cầu của chiên. Những chiên đau ốm, chiên đói, chiên khát nước, chiên lạc đàn,…( Ga 10,16). Vâng, vì biết chiên Người mục tử không ngại khó khăn, vất vả để ra đi tìm một con chiên lạc, bỏ lại 99 con chiên khác. Tất cả vì tình yêu. Vì tình yêu Chúa Giêsu không muốn mất một ai.
Tình yêu của người mục tử Giêsu luôn xuyên suốt trong cuộc đời của người từ khi Nhập Thể cho tới Tử Nạn và Phục Sinh. Tình yêu của mục tử Giêsu là tình yêu tự hiến, tự huỷ trong tình yêu vâng phục trọn vẹn ý Cha. Vị mục tử Giêsu hoàn toàn từ bỏ ý riêng hiến trọn vẹn con người cho nhân loại để mang ơn cứu độ đến cho con người, như lời thánh Phaolô đã viết: Bởi một người mà con người phải mang án chết, thì cũng nhờ một người mà con người được cứu độ. Tình yêu của Thiên Chúa luôn mời gọi mỗi người đáp trả và đáp trả trong sự tự do. Tình yêu của Thiên Chúa luôn đổ tràn trên mỗi người chúng ta qua những ơn sủng hằng ngày: sự bình an, ơn sự sống,…Tình yêu của Thiên Chúa luôn đổ tràn trên chúng ta cách nhưng không như thế.
Người mục tử biết chiên của mình. Và chiên biết mục tử khi nghe tiếng của chủ, và chúng đi theo Người. Chiên là loài vật được nuôi nhiều ở đất nước Do Thái, là một loài vật hiền lành. Chiên là một loài vật có thính giác tốt, vì vậy chúng nhận biết tiếng của chủ -khi chủ gọi, chúng sẽ đi theo sau. Đức Giêsu xưa đã dùng lời rao giảng để thu hút chiên, thu hút chiên bằng chính cuộc sống hăng say của mình. Cuộc sống của Người là phục vụ, thực vậy Người nói “ Ta đến không phải để được phục vụ nhưng là để phục vụ”. Đức Giêsu là lời chứng sống động cho tình yêu dấn thân và hiến mạng sống của người mục tử vì đoàn chiên. Và hôm nay đây Người cũng muốn những người mục tử trong Hội Thánh là hiện thân của Người bằng đời sống thánh thiện, gương sáng và sự dấn thân phục vụ. Ngay ở trần gian, Ngài là Đấng chăn chiên lành dám thí mạng vì đàn chiên, Ngài dám chịu mục nát đi như hạt giống gieo vào lòng đất. Như thế, sự sống đời đời Ngài ban cho chúng ta ngay tại thế này chính là cuộc sống yêu thương vô điều kiện. Và từ biến cố Phục Sinh, con người đã nên mới so với con người cũ, con người sống không còn bị đóng khung sau quyền lợi và giá trị riêng tư của mình, nhưng là một cuộc sống đầy yêu thương và luôn mở rộng ra đi với mọi người.
Sống giữa cuộc sống với bao điều hấp dẫn và lôi cuốn. Giữa một cuộc sống đề cao chủ nghĩa cá nhân, sự hưởng thụ, với nhiều lựa chọn tốt - tốt hơn. Chúa lại mời gọi mỗi người Kitô hữu hãy là người mục tử tốt và cũng hãy là con chiên ngoan của Chúa. Hãy là mục tử của chính mình. Biết Chúa, biết con là điều cần thiết để cậy dựa vào Chúa, không dựa vào sức riêng của bản thân mà kiêu căng nhưng sống trong khiêm tốn và phó thác. Là người mục tử của chính mình để biết lắng nghe những nhu cầu của đời sống thiêng liêng, biết vun xới cho đời sống trưởng thành hơn mà không ỷ nại, lười biếng, nhưng tích cực tập luyện nhân đức, trau dồi đời sống cầu nguyện để kết hợp với Chúa.
Nếu mục tử Giêsu biết chiên của Ngài, nghĩa là yêu thương đến nỗi nên một với chiên và hiến mạng vì chúng, thì mỗi người Kitô hữu cũng phải có trách nhiệm liên đới với anh chị em mình trong mọi hoàn cảnh sống để cùng nhau về nơi sự sống vĩnh cửu mà mục tử Giêsu đã dọn sẵn cho chúng ta. Hôm nay cũng là ngày thế giới cầu nguyện cho ơn gọi linh mục, tu sĩ, chúng ta cũng được mời gọi sống trọn ơn gọi của mình bằng cách lắng nghe và bước theo Thầy Chí Thánh để trở nên những mục tử tốt cho nhau. Nhất là chúng ta cầu xin Chúa ban cho Giáo hội có nhiều mục tử biết sống kết hiệp mật thiết với Đức Kitô, bằng việc nỗ lực thi hành từng ngày từng phút sống phù hợp với tiếng của Ngài không ngừng vang vọng trong tâm ta: “chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi”. Amen.
 
Cộng Đoàn Mến Thánh Giá Sơn Tây


NGƯỜI MỤC TỬ
 
Người mục tử luôn là hình ảnh thực tế và gần gũi trong văn hoá của người Do thái. Đặc biệt trong bài Tin Mừng Chúa Nhật IV Phục Sinh hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định rõ ràng Người chính là vị mục tử nhân lành - Đấng mà Giáo hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm để học hỏi nơi Đức Giêsu tấm lòng của vị mục tử đích thật.
Tấm lòng của vị mục tử đích thật nơi con người Đức Giêsu được thể hiện rõ với 3 đặc tính: mục tử nhân lành biết rõ chiên của mình, mục tử nhân lành luôn bảo vệ và tìm kiếm chiên; mục tử nhân lành sẵn sàng hy sinh mạng sống vì chiên.
Mục tử nhân lành biết rõ các chiên của mình, biết từng con một, và ngược lại chiên biết chủ chiên: “Tôi chính là mục tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi và chiên của tôi biết tôi” (Ga 10,14). Đức Giêsu biết chiên và chiên biết Người được so sánh với sự hiểu biết giữa Chúa Cha và Chúa Con. Thái độ “biết” ở đây không chỉ là “biết” của trí tuệ, nhưng còn là sự hiệp thông sâu xa, yêu thương và gắn bó, như Chúa Cha là một với Chúa Con (Ga 10,30). Đức Giêsu đã hiện diện giữa chúng ta như mục tử ở giữa đàn chiên. Ngài đã đến trần gian để hiệp thông và chia sẻ kiếp người với chúng ta. Người hòa mình vào dòng người dưới dòng sông Giođan để chịu phép rửa của ông Gioan, người chia sẻ niềm vui và chúc phúc cho đôi tân hôn tại tiệc cưới Cana, Người chạnh lòng thương con trai bà góa thành Nain, Người thổn thức rơi lệ khi đứng trước ngôi mộ của Lazarô, Người xao xuyến và sợ hãi trước chén đắng Cha trao.
Chúa Giêsu còn biết rõ từng người được Chúa Cha trao phó, với tất cả phẩm chất, tính tình, tâm tư và khát vọng. Biết Phêrô chối Thầy, biết Giuđa phản bội, biết môn đệ theo mình mang tà ý: tìm danh lợi, vị thế,… Ngài cũng biết cả những ưu điểm của mỗi con chiên. Chính vì thế, Ngài đã sử dụng những ưu điểm đó để trở thành công cụ loan báo Tin Mừng. Như thánh Phaolô với lòng hăng say, nhiệt thành: trước kia là lòng hăng say nhiệt thành bắt bớ đạo Chúa, nay được ơn hoán cải, ông lại trở nên hăng say loan  báo Tin Mừng về Đấng mà trước kia ông đi bắt bớ. Cái biết của Ngài thúc đẩy Ngài tìm cách giúp môn đệ thăng tiến hơn chứ không loại trừ các môn đệ. Kể cả khi biết môn đệ phản bội, chối từ, Ngài vẫn ban sự sống đời đời cho họ.
Mục tử nhân lành bảo vệ chiên và tìm kiếm chiên lạc trở về. Vì chiên là gia sản của mình nên người mục tử ra sức chăm sóc và dưỡng nuôi, gìn giữ và bảo vệ, không để thất lạc dù chỉ là một con. Còn kẻ chăn thuê, vì chiên không thuộc về anh nên anh ta “không thiết gì đến chiên”. Bởi vậy, khi sói đến người chăn thuê sẵn sàng “bỏ chiên mà chạy”, còn mục tử Giêsu “không để anh em mồ côi” (Ga 14,18); kẻ chăn thuê bỏ mặc chiên, để “sói vồ lấy chiên”, còn mục tử Giêsu bảo vệ chiên đến cùng “không ai cướp được chúng khỏi tay tôi” (Ga 10,28). Kẻ chăn thuê không thiết gì đến chiên và làm cho chiên tán loạn, còn mục tử Giêsu mải miết tìm kiếm và đưa chiên về thành đàn chiên duy nhất. Người yêu quý từng con, một con cũng như cả trăm con: sẵn sàng bỏ lại chín mươi chín con không lạc để đi tìm cho kì được con chiên bị lạc. Tìm được rồi anh vui mừng vác nó trên vai, đưa về đàn để chăm sóc. (Mt 18,12-13).
Người mục tử không chỉ mở lối tìm kiếm chiên lạc trở về nhưng còn thu thập các con chiên khác, quy tụ chúng lại trong một đàn chiên duy nhất: “Ta còn những chiên khác không thuộc đàn này; cả những chiên đó Ta phải mang về đàn…và sẽ có một đàn chiên và một chủ chiên” (Ga 10,16). Nhờ sự chết và Phục sinh của Đức Giêsu, Người đã phá đổ bức tường ngăn cách để mở rộng đàn chiên, bao trùm cả thế giới.
Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên. Sứ mạng và tình yêu thương của vị mục tử nhân lành đến là để cho chiên được sống và sống dồi dào. Người đã tự ý hy sinh mạng sống mình: “mạng sống của tôi không ai lấy đi được, những chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình” (Ga 10,18a). Đức Giê su đã tự nguyện chết và chết như một tên tử tội.
Như vậy, chúng ta có thể thấy người mục tử thật là người biết yêu thương đàn chiên, sẵn sàng hy sinh cho sự an nguy và hạnh phúc của đàn chiên. Chúa Giêsu đã tự nhận mình là người mục tử như thế. Người là vị mục tử tuyệt vời nhất, người sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên: “Mạng sống của tôi không ai lấy được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình” (Ga 10,18). Bởi lẽ, Người đến để cho chiên được sống và sống dồi dào (Ga 10,10).
Trong Chúa Nhật cầu cho ơn thiên triệu hôm nay, chúng ta cầu nguyện cách đặc biệt cho các vị mục tử trong Hội Thánh và cầu nguyện cho chính chúng ta, những người sống đời thánh hiến có được tấm lòng mục tử như Đức Giêsu, luôn hiểu biết các nhu cầu của chiên và quan tâm tới chiên; luôn yêu thương, chăm sóc và dẫn dắt chiên tới đồng cỏ xanh tươi và bảo vệ chiên khỏi sỏi dữ; và nhất là luôn biết xả thân, hy sinh quên mình vì hạnh phúc của tha nhân.
Lạy Chúa Giêsu là vị mục tử nhân lành duy nhất, Chúa đã đến để cho chiên được sống và sống dồi dào. Xin Chúa ban cho chúng con những vị mục tử tốt lành, những vị mục tử mang tấm lòng như Chúa, hầu cho đàn chiên Chúa mỗi ngày thêm sức sống và hiệp nhất yêu thương nhau.

 
Học Viện K6
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log