Thứ bảy, 27/04/2024

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật V Thường Niên B (Mc 1,29-39)

Cập nhật lúc 09:59 01/02/2024
 
CẦU NGUYỆN – NHU CẦU CỦA CUỘC SỐNG

Con người hôm nay đang sống trong một xã hội phát triển không ngừng với công nghệ thông tin và kỹ thuật số. Do đó, mọi khoảnh khắc trong ngày sống của con người đều chịu tác động bởi chính xã hội này. Điều đó giúp con người tiết kiệm được nhiều thời gian và sức lực trong lao động và sản xuất, giúp chúng ta nối kết tương quan với những người có thể ở cách chúng ta cả nửa vòng trái đất. Thế nhưng nó lại làm cho những con người sống gần bên nhau, sống với nhau mà không thuộc về nhau. Cũng chính trong cuộc sống bộn bề những lo toan của cơm áo gạo tiền, công việc, nghề nghiệp… như vậy mà con người thấy mệt mỏi và muốn buông xuôi, muốn bỏ cuộc vì không thực sự tìm thấy niềm vui, bình an và lẽ sống cho bản thân. Và như thế, con người cần có một khoảng lặng để trở về, để gặp gỡ chính mình và gặp gỡ người khác, có một điều gì đó mà con người luôn khao khát và kiếm tìm, đó là nhu cầu tâm linh của mình. Cái gì đó hay ai đó chính là “Một Ai Khác” ở ngay trong chúng ta mà chúng ta không thể với tới và cũng không thấy nhưng lại luôn khắc khoải kiếm tìm, “Ai Đó” trong niềm tin của người Công Giáo là chính Thiên Chúa - Đấng Sáng tạo ra vũ trụ và điều khiển mọi loài.
Và để có thể đến được với Đấng ấy không có phương thế nào khác hơn là việc chúng ta cầu nguyện để gặp gỡ Người. Do đó, cầu nguyện là một nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người kitô hữu, qua cầu nguyện chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa, bày tỏ lòng biết ơn của chúng ta đối với Người. Cũng qua cầu nguyện, chúng ta xin ơn soi sáng hướng dẫn, chữa lành của Người cho mọi công việc, dự tính của chúng ta giúp chúng ta được biến đổi và bình an.
Bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta được chiêm ngắm mẫu gương về đời sống của Chúa Giê su, mặc dù bận rộn biết bao công việc trong ngày sống nhưng Ngài không quên dành thời gian để gặp gỡ và trò chuyện tâm tình với Cha qua những khoảng thời gian rất riêng tư và cá vị. Bởi đó chính là năng lượng cho cả ngày sống và hoạt động của Ngài: “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Ngài đã dậy đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó….”. Như vậy, đối với Chúa Giêsu, cầu nguyện không phải chỉ là bổn phận mà còn là một nhu cầu, là hơi thở và năng lượng cho cả ngày sống của Ngài, là giây phút để ở lại và gặp gỡ thân tình với Cha. Thánh sử Máccô đã thuật lại một ngày sống và làm việc của Chúa Giêsu, chúng ta thấy công việc của Ngài có thể nói là không có thời gian để ăn uống và nghỉ ngơi. Tuy nhiên, những ồn ào và bận rộn bên ngoài không làm cho Ngài quên đi việc ở lại, gặp gỡ Cha. Qua cầu nguyện Ngài nói với Cha đồng thời nghe Cha nói, đó chính là mẫu gương cho mỗi kitô hữu, cách đặc biệt là cho mỗi linh mục, tu sĩ, những người sống đời thánh hiến, học tập, noi theo và bước theo Đức Kitô để trở thành môn đệ của Người.
Thế nhưng trong thực tế cuộc sống hôm nay, có rất nhiều người nói rằng: Tôi bận lắm, tôi còn đi học, đi làm, lo vui chơi giải trí… không có thời gian cầu nguyện, không đến nhà thờ được đâu, hay việc cầu nguyện là việc của các cha, các dì, chứ không phải là việc của chúng con, nhưng tín hữu ở đời, lo làm ăn, sinh sống…. đó là những lí do mà chúng ta thường đưa ra để biện minh cho suy nghĩ của mình. Thật ra cầu nguyện là bổn phận chung của tất cả mọi người, là cách thế chúng ta thể hiện tình con thảo với Thiên Chúa, chúng ta cứ đến và thân thưa với Ngài như là khi chúng ta đến với cha mẹ mình chứ không phải là những lời mang tính thần học cao siêu, phức tạp hay tốn phí thời gian nhiều như chúng ta vẫn nghĩ, câu chuyện của Jim sẽ minh họa điều đó:
Vào buổi trưa mỗi ngày, có một người nông dân chỉ ghé qua nhà thờ một chút rồi rời đi ngay. Một hôm cha xứ tò mò gọi ông lại và hỏi: Mỗi ngày, cha thấy con qua nhà thờ, chỉ quỳ trong chốc lát rồi rời đi ngay, con làm sao mà cầu nguyện với thời gian ít ỏi như vậy được?
-Dạ thưa cha, cha biết là con không thể cầu nguyện lâu được, vì con chẳng biết nói gì, mỗi ngày ghé qua nhà thờ con chỉ nói với Chúa: “Chào Chúa, con là Jim đây” rồi con đi.
-Thời gian sau Jim bị tai nạn và phải vào nhà thương, anh tươi tỉnh và làm cho mọi người vui vẻ thoải mái đến nỗi các cô y tá phải ngạc nhiên, một cô y tá đã hỏi ông:
-Ông à! Tôi thấy ông bị thương khá đau, thế mà tại sao ông vẫn vui vẻ như vậy?
-Ông trả lời: Làm sao mà tôi không vui vẻ khi mà tôi luôn có người khách quý đến thăm tôi mỗi ngày.
-Cô y tá ngạc nhiên nói: tôi có thấy ai đến thăm ông đâu.
-Ông trả lời: có chứ cô, cứ vào mỗi buổi trưa, tôi thấy Ngài đến bên giường tôi và nói với tôi rằng: Jim à, Giêsu đây!
Như vậy có thể thấy trong cuộc sống hàng ngày, cho dù bạn là ai, có địa vị xã hội như thế nào, nhưng nếu bạn có đời sống cầu nguyện, luôn nhớ đến Chúa và sống trong sự hiện diện của Người trong từng giây phút, thì mọi công việc bạn làm sẽ mang lại kết quả như Chúa muốn, như lời của bài hát em cầu nguyện: “Khi hừng đông đến em cầu nguyện với Giêsu, khi trời trưa nắng em cầu nguyện với Giêsu, khi hoàng hôn xuống em quỳ gối dưới chân Ngài, Em trình bày mọi suy nghĩ ngày hôm nay. Khi buồn lo đến em thầm gọi tên Giêsu, khi phiền ưu đến em liền gọi tên Giêsu, lo buồn sung sướng em đều nhắc đến tên Ngài, không khi nào em không nhớ người em yêu, không khi nào em không nhớ người yêu em”.
 Như vậy, có thể thấy rằng cầu nguyện chính là nói với Chúa về tất cả những niềm vui, nỗi buồn, thao thức, băn khoăn và tất cả những nhu cầu, ước muốn của chúng ta về cuộc sống, tương lai của bản thân và của những người thân yêu. Hãy đến với Chúa và dâng lên Chúa tất cả tâm tình và suy nghĩ của chúng ta, trong cõi thinh lặng của tâm hồn, chúng ta sẽ cảm nhận được niềm vui, bình an sâu thẳm. Ngược lại nếu chúng ta thiếu đời sống cầu nguyện, thiếu sự gặp gỡ và lắng nghe tiếng Chúa mà chỉ cậy dựa vào sức riêng, vào khả năng và tài khéo của mình mà không cậy dựa vào ơn Chúa thì chúng ta sẽ không cảm nhận được niềm vui thật sự của tâm hồn. Vì chỉ có một mình Chúa là nguyên nhân và cứu cánh của cuộc sống chúng ta, như tác giả Thánh vịnh 126 viết: “Ví như Chúa chẳng xây nhà thợ nề vất vả cũng là uổng công”. Như vậy, tất cả con người và cuộc sống của chúng ta, những gì chúng ta đang có, đang là đều do bởi Chúa ban cho, nếu không có ơn Chúa thì tự sức mình chúng ta sẽ không thể làm được điều gì. Tác giả nhạc sĩ linh mục Thái Nguyên cũng viết: “Dù con có bao công sức tài năng, nhưng ích gì chăng nếu như không được Ngài, chính Chúa an bài tất cả là cho con, chính Chúa thương tình Ngài hằng luôn giữ gìn”. (Ví Như – Lm Thái Nguyên).
Vậy mà đã bao lần trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta đã sống vô tâm khi đón nhận ơn của Người, chúng ta thờ ơ như những người đã không đón nhận điều gì cả. Đó chính là những khi chúng ta nại vào công việc học tập, làm ăn và sứ vụ mà bỏ bê giờ kinh nguyện, thánh lễ hay thờ ơ khi lãnh nhận các bí tích. Chúng ta cứ tưởng như tự sức chúng ta có thể làm được tất cả mọi sự hay nghĩ rằng: Giờ ta còn trẻ còn phải lo cơm áo, gạo tiền, lo con cái học hành, công việc…. Còn đọc kinh, cầu nguyện, đi lễ là việc của các ông bà già, của các cha các dì, những người đi tu…. Cứ như vậy chúng ta dần xa nhà thờ, xa Chúa, ngại đọc kinh cầu nguyện và sống như người không có đức tin, không cần biết đến sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống hàng ngày của mình mặc dù Chúa vẫn có đó, luôn hiện diện bên chúng ta cách âm thầm lặng lẽ và không ngừng mời gọi: “Tất cả hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng nề, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng….” (x. Mt 11,28).
Xuyên xuất những trang Tin Mừng chúng ta thấy cuộc sống của Chúa Giêsu là một đời cầu nguyện liên lỉ, là một sự kết hợp hài hòa giữa cầu nguyện và hoạt động. Bởi với Người, cầu nguyện là gặp gỡ với Cha và ở lại trong Cha, để qua sự ở lại và gặp gỡ đó Chúa đi đến và thực hiện sứ mạng Cha trao phó với niềm xác tín sâu xa: “lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy”. (Ga 4,34). Cũng như vậy, cuộc sống của người kitô hữu cần trở thành một lời cầu nguyện liên lỉ trong từng giây phút và biến cố cuộc sống. Đó không phải là những lời cầu nguyện cao siêu với những tư tưởng thần học nhưng là một sự đơn sơ, chân thành với tâm tình của người con thảo đối với Cha của mình. Chúng ta hãy cầu nguyện như tâm tình của Jim trong câu chuyện mới kể trên, hãy luôn nhớ đến Chúa và thân thưa với Người: “Chúa ơi! Con đây ạ” chỉ cần như vậy là chúng ta đã cầu nguyện rồi. Vì Chúa thấy, Chúa biết tất cả từng người trong chúng ta, biết những nhu cầu và ước muốn của chúng ta, cả những băn khoăn, lo lắng, ưu tư khắc khoải của chúng ta, Ngài luôn chờ đợi và sẵn sàng ban ơn cho chúng ta.
Ước gì qua bài Tin mừng hôm nay, với mẫu gương về đời sống cầu nguyện của Chúa Giêsu, mỗi kitô hữu cách đặc biệt là những người sống đời thánh hiến, biết đặt lại bậc thang giá trị cho đời sống và các chọn lựa của mình. Luôn sống cho mục đích tối thượng của đời sống mình để chúng ta trở thành những người môn đệ đích thực của Chúa. Luôn ý thức sống sự hiện diện của Chúa trong từng chọn lựa, từng biến cố, từng giây phút cuộc sống, để đời sống chúng ta trở thành đời cầu nguyện. Như thế, cầu nguyện trở thành nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống của chúng ta như cơm ăn, nước uống, như không khí để thở.
Lạy Chúa! giữa những ồn ào và huyên náo của cuộc sống, xin cho chúng con biết dừng lại để tìm và gặp Chúa, nhờ đó chúng con sẽ thêm hiểu biết và yêu mến Chúa hơn, lắng nghe và tuân giữ lời Chúa dạy. Nhờ đó, chúng con đem ra thực hành trong đời sống hàng ngày, cùng với Chúa chúng con đi đến với anh chị em, với những mảnh đời cùng khổ và bất hạnh. Đem lại niềm vui, bình an cho những nơi mà chúng con hiện diện, cho mọi người mà chúng con gặp gỡ, để tất cả chúng con cùng với Chúa và với nhau tiến về quê hương đích thực trên trời, nơi hạnh phúc viên mãn bên Chúa mãi mãi. Amen.

 
Cộng Đoàn Mến Thánh Giá Vĩnh Lộc
                            

                                                                                     

HOA TRÁI CỦA CẦU NGUYỆN
 
 
Có rất nhiều mầm mống “ung thư” đang hủy diệt đời sống tinh thần của con người, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, thu hút con người sống trong một thế giới ảo mà ngại bước ra với những tương quan đời thường, tiêu tốn rất nhiều quỹ thời gian trong một ngày sống. Vòng xoáy của cuộc sống cuốn con người vào những bận rộn, ồn ào, áp lực với biết bao những lo toan, tính toán để mong có cuộc sống đầy đủ vật chất hơn. Khoảng thời gian các thành viên trong gia đình dành cho nhau ngày càng ít đi vì ai cũng “bận”, khiến không ít những người con  không cảm nhận được sự quan tâm, thấu hiểu của bố mẹ. Tỉ lệ ly hôn tăng nhanh vì đời sống vợ chồng không tìm được tiếng nói chung, không cảm nhận được tình yêu thương nơi gia đình. Số người trầm cảm, tự tử không ngừng gia tăng. Qua mỗi ngày người kitô hữu có nhiều lý do để giải thích cho việc mình không thể đến nhà thờ tham dự Thánh lễ, đọc kinh và lãnh nhận các Bí tích. Đời sống thiêng liêng của con người bị khủng hoảng trầm trọng.
Bài Tin Mừng hôm nay mời gọi mỗi người học nơi Chúa Giêsu bài học cầu nguyện để tâm hồn được chữa lành, kín múc được sức mạnh nội tâm giúp con người sống ý nghĩa và hạnh phúc cuộc đời mình.
Chỉ với một câu ngắn gọn: “Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện”, nhưng lại giúp mỗi người kitô hữu khám phá được rất nhiều bài học bổ ích cho đời sống cầu nguyện. Sáng sớm tinh sương là khoảng thời gian đầu tiên của một ngày mới, mỗi người có thể chọn cho mình một cách thức dậy khác nhau. Thức dậy với tâm tình tạ ơn Chúa sau một giấc ngủ bình an. Thức dậy ểu oải sau khi thức gần hết đêm chơi điện tử, vội vã đi làm với đôi mắt thâm đen vì thiếu ngủ. Thức dậy với điệp khúc quen thuộc của các em nhỏ: “ Cho con ngủ thêm, con sắp ốm rồi, con không muốn đi học”. Thức dậy với một ngày mới không biết bắt đầu từ đâu, với biết bao lo toan và khó khăn…Nhưng với Chúa Giêsu việc đầu tiên khi thức dậy là ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện. “Người chỗi dậy” như một lời mời gọi mỗi người thức tỉnh trước những thực tại đời sống của mình. Con người thường dễ “ngủ quên” trong mặc cảm tội lỗi, những đam mê bất chính, những đau khổ vấp ngã, những lo lắng sợ hãi, những băn khoăn tương lai. “Ra khỏi nhà” là ra khỏi bóng tối vây phủ tâm hồn mỗi người, bước ra khỏi những thói quen không tốt giam hãm con người như tính ích kỷ, đề cao cái tôi cá nhân, lối sống hưởng thụ ngại cho đi. “Đi đến nơi thanh vắng” giúp mỗi người thanh lọc lại tâm hồn mình khỏi những ồn ào, náo động nhờ đó tâm hồn mỗi người được chữa lành qua sự cầu nguyện gắn bó với Thiên Chúa. Hoa trái của đời sống cầu nguyện là sự gắn kết với Thiên Chúa. Chính nhờ sự gặp gỡ với Thiên Chúa giúp con người kín múc được sức mạnh thiêng liêng để “nâng cao sức đề kháng” trước những mầm mống ung thư hủy diệt sức sống nội tâm, niềm vui sự bình an trong tâm hồn.
Lạy Chúa! Khi thức dậy chúng con sẽ không thể biết trước những gì sẽ xảy đến trong ngày sống, điều chắc chắn nhất chúng con cần làm là tạ ơn Chúa đã ban cho một giấc ngủ bình an, tạ ơn Chúa vì ơn sự sống Chúa vẫn tiếp tục tặng ban. Xin giúp cho chúng con biết sống tâm tình tạ ơn Chúa nhiều hơn, để chúng con cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa trong mọi biến cố của ngày sống. Xin giúp chúng con biết tín thác hơn vào ơn Chúa để can đảm sống chứng tá cho Chúa giữa đời sống thường ngày. Xin cho chúng con biết học noi gương đời sống cầu nguyện của Chúa Giêsu, để chúng con biết dành khoảng thời gian ưu tiên đời sống cầu nguyện, gặp gỡ Thiên Chúa, dám chỗi dậy khỏi những thói quen xấu gây ảnh hưởng đến đời sống của chúng con, can đảm bước ra khỏi những định kiến, giận hờn, ghen ghét để sống yêu thương và cảm thông hơn. Thiên Chúa luôn muốn chúng con sống cuộc đời của chính mình hạnh phúc và bình an, xin cho mỗi chúng con biết gắn kết với Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện, để cho dù có khó khăn thử thách nào xảy đến, chúng con cũng cảm thấy an tâm vì tin có Chúa luôn hiện diện. Amen!

 
Cộng Đoàn Mến Thánh Giá Hà Nội
 
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log