Thứ tư, 08/05/2024

Suy Niệm Mùng 2 Tết

Cập nhật lúc 23:03 10/02/2024
Tình Cha Nghĩa Mẹ
 
Theo văn hóa Việt, dịp Tết Nguyên Đán là dịp cho con cháu trở về xum vầy bên gia đình và người thân để chúc tuổi, để trao tặng cho nhau những điều tốt đẹp nhất trong năm mới. Bầu khí ấm áp của bữa cơm gia đình trở thành một điểm không thể thiếu để mang lại sự vui tươi và gắn kết các thành viên với nhau. Hơn nữa,  đối với các Kitô hữu, dịp tết Nguyên Đán còn là dịp để con cái báo hiếu ông bà, cha mẹ, nhất là Giáo Hội dành riêng ngày mùng hai tết để kinh nhớ ông bà tổ tiên cách đặc biệt. Đây là cách thức mà mỗi Kitô hữu tỏ lòng biết ơn đấng sinh thành, các bậc tiền nhân đã ra đi trước. Mặt khác, đó cũng là cơ hội để mỗi ki tô hữu nhìn lại công lao của các bậc tiền nhân và thành kính tri ân. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Điều đó cho thấy công cha nghĩa mẹ cao vời khôn ví, nhưng khi càng đề cao ơn nghĩa cha mẹ thì lại càng làm rõ hơn nghĩa vụ mà phận làm con phải thi hành. Về điểm này, chính Đức Giê su đã tái khẳng định cho những người Phariseu khi họ dựa vào truyền thống mà vi phạm giới răn của Thiên Chúa.
Đức Giê su đã nhấn mạnh giới luật của Thiên Chúa “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử” (Mt 15,4).  Qua đó, Người muốn khẳng định lại nghĩa vụ mà mỗi người con phải thi hành với cha mẹ của mình. Nhất là, Đức Giêsu đặt việc thảo kính cha mẹ vào vị trí thứ bốn trong mười giới răn đòi buộc mỗi người tín hữu phải tuân giữ và thi hành. Đặc biệt, trong bài Tin Mừng hôm nay, Người nói một cách rất mạnh mẽ về vấn đề này khi tranh luận với những kinh sư và Phariseu, bởi họ chỉ sống dựa trên những truyền thống của họ mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa. Khi Chúa dạy rằng “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, kẻ nào nguyền rủa cha mẹ thì phải bị xử tử” (Mt 15, 4). Còn họ lại cho rằng  “Ai nói với cha mẹ rằng những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không cần phải thờ cha kính mẹ nữa”. Chính cái tư tưởng đầy mánh lới của nhóm Biệt phái đã làm Chúa Giêsu phải lên tiếng.  Người mạnh mẽ lên án thái độ không mấy tốt lành của họ, nhưng đồng thời muốn mỗi người hiểu rằng việc thảo kính cha mẹ là một việc cần thiết cần phải thực hiện cho đến suốt cuộc đời. Sự hiếu thảo không chỉ dựa trên hình thức là những thứ của cải vật chất, hay chỉ bằng những lời nói suông mà cần được thể hiện bằng những hành động cụ thể và thiết thực trong cuộc sống. Như trong sách Huấn Ca dạy rằng Hãy thảo kính cha con bằng lời nói việc làm, để nhờ người mà con được chúc phúc, vì phúc lành của người cha làm cho cửa nhà con cái bền vững. Lời nguyền rủa của người mẹ làm cho trốc rễ bật nền”.(Hc1, 8-9).
Qủa thế, dẫu cho cha mẹ còn sống hay đã khuất, khỏe mạnh hay ốm đau thì nghĩa vụ của một người con không bao giờ được lãng quên. Phải sống thế nào cho tròn chữ hiếu với tổ tiên ông bà cha mẹ. Nếu cha mẹ còn khỏe, ta phải tạ ơn Chúa vì Chúa đã ban cho ta lá chắn che chở suốt đời mình. Nếu cha mẹ già yếu, con cháu phải tránh coi thường và coi các ngài như gánh nặng. Hãy nói với các ngài bằng những lời thưa gởi hiếu kính, cảm thông với những sự lẩm cẩm của các ngài và đừng bao giờ tỏ thái độ vô lễ to tiếng cãi lại hoặc khinh thường cáu gắt với các ngài. Hãy luôn tôn trọng các ngài vì chính các ngài cũng đã từng phải kiên nhẫn ân cần chăm sóc, bú mớm dọn dẹp vệ sinh khi ta còn thơ bé. “Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già, bao lâu người còn sống chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người” (Hc 13, 13-14). Đặc biệt, khi cha mẹ qua đời ta càng phải năng đọc kinh cầu nguyện, xin lễ và làm các việc lành để các ngài sớm được hưởng nhan Thánh Chúa.  Hãy luôn nhớ đến các ngài trong những ngày giỗ Tết, để giữa người sống và người đã khuất vẫn luôn giữ được mối dây liên kết và tình hiệp thông với nhau trong tình mẫu tử thiêng liêng và cao cả.
Mỗi dịp tết đến ai đi xa cũng mong quay về mái nhà, nơi đó có mẹ và có cha, có tình nghĩa anh em. Bởi lẽ, nếu không có cha mẹ, cũng không có ta như ngày hôm nay. Công ơn cha mẹ suốt đời chẳng thể nào ngơi trong sâu thẳm cõi lòng của mỗi người. Mẹ mang thai chín tháng mười ngày, bao vất vả, đau đớn nặng nề để sinh ta ra và nuôi nấng ta cho đến khi trưởng thành. Dù con có lớn vẫn là con của mẹ, đi suốt cuộc đời lòng mẹ vẫn theo con. Cha âm thầm lặng lẽ đi về nắng mưa mong cho con được lớn khôn bằng người. Những giọt mồ hôi, cùng giọt nước mắt hàng ngày vẫn tuôn rơi trên khuôn mặt, hằn sâu những nỗi lo lắng vì ghánh nặng gia đình, lo cho đàn con… Hình ảnh, những người cha người mẹ, với đôi mắt đầy ắp nỗi ưu tư, cùng với đôi tay xù xì mặt mày dạn dày gió sương để lo toan cho cuộc sống. Đây cũng chính như một lời nhắc nhở với mỗi người trong thân phận làm con, phải sống làm sao để đền đáp cho cân xứng với những công ơn của các ngài mang lại cho ta. “Hãy luôn nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành, công ơn ấy, con sẽ lấy chi đền đáp cho cân xứng?” (Hc8, 28)”
Để thấy được công ơn trời biển của cha mẹ, không chỉ được thể hiện qua những câu ca dao tục ngữ, trong những lời bài hát, hay từ những cảm nghiệm rất thực tế của các nhạc sĩ. Tình mẹ cha thiêng liêng cao cả là như vậy đó. Thế nhưng, mỗi khi nhắc đến trong mỗi người không tránh khỏi những ngậm ngùi và ân hận khi nghĩ lại biết bao lần mình đã làm cho ông bà và cha mẹ phải đau lòng trong quá khứ. Tuy nhiên, trong thực tế không phải ai cũng cho rằng mình sống có hiếu với ông bà cha mẹ. Bởi ngày hôm nay, có quá nhiều những sự thật đau lòng vẫn diễn ra hằng ngày, đâu đó đưa tin chỉ vì của cải tài sản mà những người con sẵn sàng ra tay hại chính bậc sinh thành dưỡng dục nên mình. Để rồi từ đó dẫn đến những hậu quả không đáng có trong cuộc đời, mất đi người thân, phải chịu trách nhiệm về hành vi mình làm trước pháp luật. Hay đâu đó, vẫn có những người con, chỉ vì ham mê những thú vui, chạy theo những cám dỗ để rồi xa đà vào các trò chơi vô bổ, cờ bạc, nghiện hút... Lại cũng có những người vì không chịu đựng được sự lẩm cẩm già yếu của các ngài nên đã để các ngài sống một mình chịu đựng sự cô đơn của tuổi già mà không được con cháu quan tâm chăm sóc...Những sự việc đó vẫn đang diễn ra hằng ngày xung quanh cuộc sống của ta. Có khi nào ta tự đặt ra câu hỏi tại sao bố mẹ tôi phải buồn vì tôi, hay tôi phải sống như thế nào để báo đáp công ơn cha mẹ. Bởi “Công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” dựa vào sức nhỏ bé của ta sao có thể đền đáp được công ơn trởi biển ấy. Thế nhưng, ta cần nhớ rằng cha mẹ không đòi hỏi nơi mỗi người phải bù đắp tất cả công ơn của các ngài, mà điều các ngài cần là những đứa con mà các ngài dứt ruột sinh ra, bao năm bú mớm bao công dưỡng dục. Đó là biết sống làm sao cho tròn chữ hiếu, biết phụng dưỡng cha mẹ lúc tuổi đà xế bóng. Hãy nhớ rằng đi khắp thế gian không ai bằng mẹ, gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha.
“Lạy Chúa là Cha của chúng con, chúng con tạ ơn Chúa đã gìn giữ con và gia đình chúng con luôn được bình an và hạnh phúc trong một năm qua. Hôm nay, Chúa ban cho chúng con cơ hội để nhìn lại chữ hiếu của mình đối với tổ tiên, ông bà cha mẹ. Tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con một gia đình thật tuyệt vời như gia đình Thánh Gia xưa. Xin cho mỗi người chúng con, ý thức về sống trọn chữ hiếu của phận làm con, xin cho chúng con luôn biết sống trong tâm tình thảo kính với Chúa và hiếu thảo với cha mẹ của chúng con. Nhất là trong ngày mùng hai Tết này, là dịp để mỗi người kính nhớ ông bà tổ tiên, con nguyện cầu Chúa xuống ơn cho mẹ cha, dù cuộc sống khó khăn hơn ngày qua, Chúa theo đường xa giúp cho mẹ cha trung kiên niềm tin thiết tha. Xin Chúa thương ban mọi ơn lành cho cha mẹ chúng con trong Năm Mới này, để các ngài luôn được bình an mạnh khỏe nhờ đó các ngài vẫn có thể đồng hành cùng chúng con tiến bước trên quãng đường dương thế. Xin Chúa cũng tỏ lòng thương xót với ông bà tổ tiên chúng con đã qua đời hầu mong các ngài sớm được hưởng nhan thánh Chúa muôn đời. Amen.”
Lớp Học Viện K6


TÌNH CHA NGHĨA MẸ
 
Hai tiếng “Cha mẹ” nghe thật thân thương và ấm áp khiến ai ai cũng phải cảm thấy hạnh phúc mỗi khi nhắc đến. Tuy thật đơn giản nhưng không phải ai cũng được cất lên  tiếng gọi “Mẹ ơi, cha ơi!”, vì đâu đó còn có biết bao em bé đang phải lang thang nơi đầu đường góc phố vì không có nơi để về, không được một lần cất tiếng gọi cha gọi mẹ. Hạnh phúc biết bao vì chúng ta có cha có mẹ, mặc dù cha mẹ chúng ta có thể không hoàn hảo nhưng tình yêu và sự hy sinh của các ngài dành  cho chúng ta luôn hoàn hảo. Được xum vầy bên cha mẹ trong những ngày tết đó là một hồng ân Chúa ban, là món quà không phải ai cũng có được. Vì thế hôm nay Giáo hội mời gọi, cách đặc biệt mỗi người chúng ta hãy luôn biết trân trọng những gì mình đang có là cha mẹ và sống chữ “Hiếu” với các ngài khi họ còn sống cũng như khi họ đã qua đời.
Ca dao tục ngữ Việt Nam có câu: “Công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Một câu nói đầy ý nghĩa nhưng cũng đặt ra cho mỗi người những câu hỏi: Chúng ta đã cảm nhận tình thương của cha mẹ dành cho mình chưa? Chúng ta phải sống chữ “Hiếu” với cha mẹ của mình như thế nào trong xã hội hôm nay? Một xã hội mà con người dễ dàng đánh đổi tình nghĩa cha mẹ bằng đồng tiền và có thể đặt lợi ích của bản thân trên những lợi ích của người khác. Đối với người công giáo, đạo hiếu không chỉ là một bổn phận phải có đối với các bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ mà còn là một đòi hỏi, một lệnh truyền, một giới răn của chính Thiên Chúa. Khi hiếu kính với tổ tiên, chúng ta sẽ được Thiên Chúa chúc phúc và tha thứ lỗi lầm, vì: “Ai tôn thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu” (Hc 3,3-4). Thánh Phaolô thêm: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo (Ep 6,1-3) vì: “Ai vâng lời cha mẹ trong mọi sự sẽ đẹp lòng Chúa” (Cl 3,20). 
Trong tất cả tình yêu, có lẽ chỉ có tình cha, tình mẹ là bền bỉ, là kiên vững nhất, là trung thành nhất và sẽ luôn còn mãi. Cha mẹ đã đánh đổi cả cuộc đời mình, chỉ mong cho con cái được lớn lên thành người. Niềm vui, niềm hạnh phúc và tự hào của cha mẹ là nhìn thấy những đứa con trưởng thành về cả nhân bản, tri thức và đức tin. Cho dù  vì con cái  mà cha mẹ phải vất vả hao gầy, cha mẹ vẫn không sờn lòng mà vẫn cảm thấy vui khi nhìn thấy con cái lớn khôn mỗi ngày. Chính nhờ công ơn của cha mẹ lớn lao như thế, những người con khi đã lớn khôn, trưởng thành, thành công trong cuộc đời  cần phải luôn nhớ đến những hy sinh mà cha mẹ đã dành cho mình. Sự nhớ ơn không chỉ qua lời nói  trên môi miệng, nhưng cần được thể hiện bằng những hành động cụ thể như: quan tâm, lo lắng và chăm sóc cha mẹ khi đã về già, cầu nguyện xin lễ cho cha mẹ khi cha mẹ đã qua đời. Nhưng trong cuộc sống không phải mọi điều mình muốn  đều có cơ hội để làm. Vì thế mỗi người con hãy luôn biết trân trọng những gì mình đang có đó là cha mẹ, họ là tài sản chúng ta không thể mua được bằng tiền.
Ngày Mồng Hai Tết là dịp đặc biệt để chúng ta sống chữ hiếu với mẹ cha qua việc đi tham dự thánh lễ và cầu nguyện cho các ngài. Ngày tết chúng ta thường dành cho cha mẹ những món quà là những gói bánh, những chiếc áo mới, những bao lì xì …. Những món quà rất quý, rất cần và rất đáng trân trọng, nhưng chưa phải là những món quà mà cha mẹ mong muốn nhận được từ con cháu của mình. Món quà mà cha mẹ mong muốn nhất đó là: chúng ta sống hạnh phúc và yêu thương nhau, chúng ta sống đức tin, chúng ta sống bác ái. Ai cũng mong ngày tết được đoàn tụ bên gia đình, ai cũng mong những giây phút linh thiêng nhất của ngày đầu năm được ở bên cha mẹ ông bà và những người thân. Những giây phút đó thực sự hạnh phúc khi tình yêu Thiên Chúa thực sự hiện diện trong gia đình. Những tiếng cười, niềm hạnh phúc, tình liên đới, sự sẻ chia, tình hiệp thông sẽ luôn còn mãi trong tâm trí nơi các thành viên trong gia đình khi ngày tết qua đi. Đó thực sự là nguồn động viên lớn nhất mà những đứa con dành cho cha mẹ của mình, mặc dù trong cuộc sống họ không thể hiện diện bên cha mẹ cách thường xuyên.
Lạy Thiên Chúa là Chúa của mùa xuân, là Chúa của tình yêu nơi con người.Tạ ơn Chúa đã cho mỗi người chúng con được lớn lên, được bao bọc trong tình yêu của cha và của mẹ, ơn nghĩa ấy chúng con không biết đền đáp sao cho cân xứng. Xin Chúa tuôn đổ phúc lành trên ông bà cha mẹ của mỗi chúng con, để các ngài luôn được sống an vui và hạnh phúc trong tuổi già. Xin Chúa cho chúng con là những người con trong gia đình luôn biết noi gương Chúa Giêsu để sống hiếu kính với cha mẹ. Đặc biệt là xin cho mỗi người chúng con dù đi đâu, dù làm gì, dù sống trong môi trường nào chúng con cũng luôn sống tâm tình biết ơn với cha mẹ của mình.
 
                                                                              Monica Trần Hương – CĐ Hàm Rồng
 

LÒNG HIẾU THẢO
 
Lời bài hát nhớ về tổ tiên của nhạc sĩ Ân Đức có viết: “ Chim có tổ suối có nguồn, con người cũng có tổ tiên.” Phần nào diễn tả cho ta thấy được nguồn gốc của mình. Ta được sinh ra trên đời không do sự ngâu nhiên nhưng là nhờ sự xếp đặt kỳ diệu của Thiên Chúa. Ngài ban cho ta có hình hài vóc dáng, ban cho có gia đình; nơi ấy là nơi ta được thuộc về, được quan tâm, được nuôi dưỡng… và mời gọi ta có bổn phận sống hiếu thảo với hết mọi người trong gia đình theo tinh thần của Chúa.
 Xuân về là dịp mà những ngườ con ở khắp mọi mền tổ quốc trở về với gia đình, xum họp bên mân cơm kể cho nhau nghe những câu chuyện trong một năm qua. Tuy nhiên nó không chỉ đơn giản như vậy mà còn là thời gian để những người con tỏ lòng hiếu nghĩa với tổ tiên, ông bà, cha mẹ ngang qua việc tập chung đọc kinh cầu nguyện, xin lễ cho những người đã qua đời trong gia đình và sống yêu thương với những người còn sống.Để việc làm ấy có ý nghĩa và mang lại giá trị, mỗi Ki-tô hữu chúng ta được mời gọi sống lòng hiếu thảo đối với Thiên Chúa từ đó ta phát triển tương quan với những người đã đi trước và những người chung quanh. Trong tương quan với Thiên Chúa ta phải dành cho Ngài chỗ danh dự nhất trong đời ta vì Ngài là Đấng dựng nên ta và ta với bổn phận là thụ tạo phải phụng thờ, tôn kính, yêu mến, biết ơn Ngài. Đây là điều răn thứ nhất ta phải trung thành tuân giữ. Để có được tâm tình như thế ta phải xây dựng trên nền tảng là lời Chúa ngang qua việc năng suy gẫm lời và để cho lời chất vấn lương tâm ta. Về điểm này Thánh vịnh một trăm mười chín đã minh chứng cho ta thấy rõ: “ Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi.” (Tv 119, 105) Vâng chỉ có Lời mới đủ sức dẫn ta đi đúng đường. Ngoài ra ta còn phải trung thành tuân giữ những giới răn của Chúa nữa vì Ngài nói: “ Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy.”  (Ga 14, 15) Đây là một việc làm đòi hỏi rất nhiều vì thế ta phải không ngừng trông cậy vào Chúa và xin ơn trợ giúp từ Ngài vì: Không có Chúa ta không làm gì được.( Ga 15, 5)  Bên cạnh tương quan với Chúa chúng ta cần nhớ đến bổn phận của mình đối với những người đã đi trước chúng ta họ là: tổ tiên, ông bà, bà con hàng xóm của chúng ta ngang qua việc nhớ tới công lao của các ngài, vì ta phải nhớ rằng mình có được như ngày hôm nay là không thể thiếu công lao của các đấng bậc đã đi trước, các ngài đã phải vất vả thế nào để bảo vệ truyền thống, đức tin, cái chữ… Bao người đã phải hy sinh cả mạng sống mình để cho ta được sống. Máu của các ngài đã đổ xuống trên mảnh đất Việt thân yêu này để rồi nảy sinh ra biết bao hạt giống đức tin là các ki-tô hữu. Nếu không có sự hy sinh cao cả ấy, liệu ta có được như ngày hôm nay? Chính vì thế, ngay trong hiện tại này ta phải luôn nhớ đến và biết ơn các ngài, đồng thời cũng lấy các gương sáng ấy mà áp dụng vào trong đời sống của mình để ta không kêu ca phàn nàn trước khó khăn thử thách nhưng luôn tin tưởng và hy vọng nơi Chúa.
Cuối cùng, ta được mời gọi sống hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, những người còn sống. Trong mười điều răn Chúa truyền cho ông Mô-sê trên núi Khô-rép đã dành điều răn thứ tư để nói tới bổn phận của người làm con là: “Thảo kính cha mẹ.” Tại sao Chúa lại đặt ngay sau những điều răn ta phải chu toàn với Chúa. Chắc hẳn Ngài có lý do và Ngài muốn nói với chúng ta: khi dặt Thiên Chúa làm trung tâm thì ngay sau đó ta phải có bổn phận đối với cha mẹ của mình. Vì các ngài đã cộng tác vào trong chương trình của Thiên Chúa để sinh thành dưỡng dục ta nên người với biết bao khó nhọc vất vả. Khi thấy được sự vất vả ấy có người con đã viết nên lời thơ: thương cha vất vả giữa dòng, mẹ thời tất tả gánh gồng nuôi con. Hay: cánh cò cõng nắng cõng mưa, mẹ tôi cõng cả bốn mùa gió sương. Gian khổ và vất vả là như thế nhưng có bao giờ ta thấy cha mẹ kêu than hay kể công với chúng ta. Nhưng có mấy người con hiểu và cảm thông cho cha mẹ của mình. Hôm nay đây thánh phao-lô mời gọi ta: “kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” ( Ep 6, 1-3) Đó là bổn phận mà bất cứ kẻ làm con nào cũng phải thi hành. Chính Chúa Giê-su cũng đã đi trước để nêu gương cho ta khi Ngài vâng lời cha mẹ trần gian và vâng ý Cha ngay cả khi thấy khó hiểu. Ta được mời gọi noi theo cách sống của Ngài. Như vậy để sống trọn chữ hiếu không phải là điều dễ dàng, nó đòi hỏi ta phải hy sinh và khi biết hy sinh ta nhận lãnh được niềm vui từ chính Chúa ban tặng.
Nhìn vào xã hội ngày hôm nay, với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin cùng với đó con người đòi hỏi tự do cá nhân. Chính tự do ấy đã bóp chết bao người làm cho họ không thể là mình được nữa.Vì mải miết đi tìm thú vui bên bàn nhậu, bên những đam mê với bạn bè… mà nhiều Ki-tô hữu đã bê trễ trong việc tham dự thánh lễ, lãnh nhận các bí tích hay tập chung đọc kinh trong gia đình giờ đã trở nên khó khăn. Như thế làm sao họ có thể tở lòng tôn kính Chúa cho nên vì trong sách Đệ nhị luật có chép: “ Hãy yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, hết lòng hết dạ, hết sức anh em.” (Đnl 6,5) Đáng lý ra Chúa phải được đặt làm trung tâm thì nay đã trở nên yếu thế. Ngoài việc tỏ lòng tôn kính đối với Chúa thì việc nhớ tới tổ tiên, ông bà, những người đã đi trước như đang dần rơi vào quên lãng vì có nhiều người cho rằng: các ngài đã sống quá xa với thời đại của họ giờ không còn liên hệ gì nữa. Những con người ấy họ đâu biết rằng các ngài đang cầu thay nguyện giúp cho họ trước tòa Chúa. Một tình trạng đáng để ta suy nghĩ trong thời đại hôm nay đó là: có những người con chỉ vì vì một chút đất đai hay quyền lợi nào đó mà đang tâm sát hại chính cha mẹ đã từng cưu mang và chăm sóc họ bấy lâu. Hoặc có những người con phải chăm sóc cha mẹ khi các ngài ốm đau thì tính từng ngày mà họ không nghĩ tới những ngày tháng cha mẹ phải thức khuya dậy sớm khi họ ốm mà chẳng hề tính cũng như mong được trả công. Lại có những người con khi cha mẹ về già không thể đỡ đần được gì nữa thì họ cho các ngài là gánh nặng. Vậy giữa biết bao loại con đó, tôi đang là kiểu con nào trong cách tôi đối xử với cha mẹ của mình?
Trước những thực trạng ấy, ta còn thấy đâu đó bóng dáng của những ki-tô hữu đạo đức họ sống hiếu kính đối với Thiên Chúa; sống hiếu thảo đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ và những người chung quanh. Vì họ tin rằng: mình có đượ như ngày hôm nay là do ý định của Thiên Chúa cùng với sự chăn sóc không mệt mỏi của các bậc sinh thành và được kế thừa một gia sản thiêng liêng là đời sống Đức tin nhờ những chứng nhân đã anh dũng hy sinh là một món quà vô giá. Nhờ đó, họ luôn sống trong tâm tình biết ơn với những người đã qua đời và hiếu thảo với những người còn sống vì đó là cơ hội giúp họ sống xứng đáng là người con cái Chúa.
Từ hoàn cảnh xã hội con nhìn vào đời sống hiện tại của mình trong tương quan với Chúa và tha nhân. Đối với Chúa con chưa sống tốt điều ấy vì có những lúc con đến với Chúa chưa phát xuất từ lòng mến của mình, Chúa chưa phải là đối tượng duy nhất mà con cần chọn lựa mỗi ngày. Vì thế tương quan giữa con với Chúa chưa có chiều sâu nên các tương quan khác cũng chưa được tốt. Đặc biệt con nhìn tới tương quan của mình đối với gia đình thiêng liêng là Hội Dòng. Chúa mời gọi con có bổn phận biết ơn các đấng tiền nhiệm đã hy sinh vất vả để con có được như ngày hôm nay. Khi nhìn lại đời sống của mình con thấy mình thật vô ơn khi hưởng dùng gia sản cao quý đã trả qua hơn tám mươi năm mà không nghĩ tới những người đã vất vả để gầy dựng và gìn giữ gia sản ấy. Hoặc có những khi con nhớ tới các dì các chị trong ngày dỗ mà đọc kinh cầu nguyện còn những ngày khác như dần bị lãng quên. Đây là một thiếu xót rất lớn mà con cần phải thay đổi nó ngay lập tức. Giả như không có sự hy sinh của các dì các chị đã đi trước cùng với những hy sinh của bề trên thì làm sao con có được những điều kiện thuận lợi như ngày hôm nay để giúp con an tâm tu. Ngay lúc này con cần phải trở về nguồn để sống lòng biết ơn và nhắc nhở bản thân cần phải xem lại thái độ sống của mình với các dì, các chị em đang cùng sống và hiện diện với con. Để con sông xứng đáng với những gì con đã được lãnh nhận từ nơi Hội Dòng.
 Lạy Chúa Giê-su, con cảm tạ Ngài vì đã đến để trở nên một mẫu gương sáng về lòng  hiếu thảo cho con học theo và dạy con biết xây dựng các mối tương quan khác trên nền tảng đó. Con nhận thấy nơi mình còn nhiều thiếu xót, tự sức con khó có thể khắc phục được. Vì thế con xin Chúa giúp con luôn biết xây dựng mọi tương quan khác trên nền tảng là chính Chúa và luôn chọn Chúa trong mọi hoàn cảnh. Xin cho con luôn ý thức sống lòng hiếu thảo đối với Chúa và với hết thảy mọi người theo như ý Chúa muốn. Nhờ đó con sống lòng biết ơn một cách sâu sắc hơn đối với Chúa, với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, với các chị em trong Hội Dòng để rồi con được triển nở hơn trong đời sống thánh hiến con đang theo đuổi. Amen.
 
                                                                   Têrêxa Vân Khánh - Học Viện


 
NGƯỜI CÔNG GIÁO VỚI ĐẠO HIẾU THỜ KÍNH TỔ TIÊN

Khi thời tiết chuyển dần sang Xuân, những cành đào, cành mai đua nhau khoe sắc báo hiệu Tết cổ truyền của dân tộc đã về, thì cũng là lúc con cháu gần xa trở về quê nhà, vừa để đón một cái Tết đầm ấm bên gia đình, vừa để báo hiếu tổ tiên. Đối với người Công giáo Việt Nam cũng vậy. Tuy nhiên, Giáo Hội còn dành cách riêng ngày Mùng 2 Tết để đặc biệt nhắc nhở mọi Ki-tô hữu về đạo hiếu đối với ông bà, cha mẹ còn sống cũng như đã qua đời.
Việc thờ kính tổ tiên, ông bà, cha mẹ là một trong những truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, lại cũng là một trong những giới răn của người Công giáo. Như vậy, người Công giáo sống thảo hiếu với ông bà, cha mẹ vừa là duy trì và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, vừa giữ trọn giới luật của Thiên Chúa. Thật thế, đối với niềm tin của người có đạo, nghĩa vụ thờ kính ông bà tổ tiên, hiếu thảo với cha mẹ đã được nói đến ngay ở những trang đầu của lịch sử Cựu Ước. Khi giải thoát Is-ra-el ra khỏi ách nô lệ Ai Cập, Thiên Chúa đã chọn dân làm dân riêng của Ngài. Thiên Chúa đã kí kết Giao Ước với dân qua trung gian là ông Mô-sê trên núi Xi-nai, và trao cho dân 10 Điều răn khắc vào hai tấm bia đá. Một  trong số 10 Điều răn ấy chính là giới răn thảo hiếu: “ Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi”(Xh20,12). Sau này, giới răn thảo hiếu được Giáo hội đặt ngay sau ba giới răn nói về bổn phận đối với Thiên Chúa, đứng đầu các giới răn nói về bổn phận giữa con người với nhau.
Là những người làm con, chúng ta không thể phủ nhận công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Cha mẹ đã hy sinh cả cuộc đời cho chúng ta, thậm chí, có những bậc sinh thành sẵn sàng hy sinh cả mạng sống mình cho con cái. Sự hy sinh cao cả đó đã được nói lên qua những câu ca dao tục ngữ của dân tộc:
                               “Công cha như núi Thái Sơn,
                             nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”
hay               
                         “Đố ai đếm được lá rừng
                           Đố ai đếm được mấy tầng trời cao
                          Đố ai đếm được vì sao
                          Đố ai đếm được công lao mẹ hiền”
 
Vì lẽ đó, bổn phận thảo hiếu với ông bà , cha mẹ - những người sinh thành , dạy dỗ, chăm sóc ta- là điều buộc mọi người làm con phải thi hành. “Cha con, con hãy hết lòng tôn kính,và đừng quên ơn mẹ đã mang nặng đẻ đau. Hãy luôn nhớ công ơn dưỡng dục sinh thành, công ơn ấy, con sẽ lấy chi đáp đền cho cân xứng?”(Hc7,27-28). Khi còn nhỏ, ta hiếu thảo với ông bà, cha mẹ bằng thái độ vâng phục, ngoan ngoãn. Như trong thư của Thánh Phao-lô Tông đồ gửi giáo đoàn Ê-phê-sô, ngài đã nhắc nhở như sau: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Thiên Chúa”(Ep6,1). Khi ta lớn khôn, thì cũng là lúc cha mẹ đã già, ta càng phải hiếu thảo với cha mẹ hơn nữa , “Con ơi, hãy săn sóc cha con khi người đến tuổi già. Bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người”(Hc3,12-13). Ta vừa phải hiếu thảo với cha mẹ bằng việc phụng dưỡng vừa phải bằng thái độ kính trọng, yêu thương, “hãy thảo kính cha con bằng lời nói việc làm”(Hc3,8). Đó là sự thảo hiếu không chỉ trên môi miệng, nhưng là sự thảo hiếu đi vào hành động. Không ít những người làm con khi khôn lớn, thành công đã lãng quên, coi thường, không chăm lo cho cha mẹ. Họ coi cha mẹ của mình là phiền phức, là gánh nặng, là cản trở cuộc sống hạnh phúc của họ. Họ không muốn chăm sóc cha mẹ vì thấy nặng nề, khó khăn và mất thời gian. Chính những kinh sư và Pha-ri-sêu của người Do-thái xưa cũng đã dựa vào truyền thống của tiền nhân mà dạy dân rằng: “Ai nói với cha mẹ rằng: ‘Tất cả những gì con có để giúp cha mẹ đều là lễ phẩm dâng cho Thiên Chúa rồi’ thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa.” (Mt15,5). Chúa Giê-su đã lên án họ là những kẻ đạo đức giả vì thái độ thờ ơ đối với cha mẹ như vậy. Việc thảo hiếu đâu được tính bằng số quà cáp, “lễ phẩm”, nhưng là bằng lòng kính yêu, tôn trọng, phụng dưỡng đối với những bậc sinh thành.  Thiên Chúa chỉ vui lòng khi con người thực hành bổn phận của mình với cha mẹ mà thôi, vì cha mẹ là những người thay mặt Chúa dưỡng dục, chăm lo, bảo ban ta.
Bổn phận thờ kính tổ tiên, thảo hiếu với ông bà, cha mẹ không chỉ buộc mọi Ki-tô hữu chu toàn khi ông bà, cha mẹ còn sống, nhưng còn buộc mọi người con phải kính nhớ khi các ngài đã qua đời. Theo niềm tin của người Công Giáo: con người chết không phải là hết, nhưng là đi vào cõi sống vĩnh cửu. Mọi Ki-tô hữu là con cái phải có bổn phận đọc kinh, cầu nguyện, xin lễ cho linh hồn tổ tiên đã qua đời, để các ngài sớm được hưởng hạnh phúc Thiên Đàng. Bởi lẽ, khi đã qua đời, linh hồn tổ tiên, ông bà cha mẹ không thể làm gì cho phần rỗi của mình được nữa mà chỉ trông chờ vào sự nhớ đến của con cháu còn sống trên trần gian. Sẽ là một thiếu sót lớn nếu ta lãng quên bổn phận cầu nguyện cho các ngài.
Thiên Chúa đã ban cho mỗi người được sinh ra bởi cha và mẹ, trong một gia đình, một dòng dõi. Vậy là những người con, ta phải đặc biệt sống trọn bổn phận của mình đối với tổ tiên,  ông bà, cha mẹ. Hiếu thảo với các ngài là ta đang tỏ lòng biết ơn đối với Thiên Chúa nhân lành.
Lạy Chúa, chúng con xin tạ ơn chúa vì muôn ơn lành Chúa ban xuống cho chúng con và gia đình chúng con trong một năm qua. Trong năm mới này, xin Chúa tiếp tục nâng đỡ, hướng dẫn chúng con trong các bổn phận với Chúa, với tha nhân, đặc biệt là bổn phận của chúng con với tổ tiên, ông bà, cha mẹ là những người đã đi trước, đã hết lòng dạy dỗ, dưỡng dục chúng con. Xin Chúa cho chúng con luôn hết lòng kính yêu, tôn trọng và vâng lời các ngài, cùng xin cho chúng con luôn nhớ đến để chăm chỉ cầu nguyện cho tổ tiên đã qua đời. Như thế, chúng con sẽ trở thành những người con thảo hiếu trong gia đình, là người con cái của Thiên Chúa, và chúng con sẽ làm cho mọi người chưa biết Chúa và Đạo Công giáo được hiểu hơn về tôn giáo của mình. Amen.
                                                                             Anna Thảo – Tập viện
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log