Thứ tư, 08/05/2024

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật II Mùa Chay Năm B (Mc 9,2-10)

Cập nhật lúc 09:04 24/02/2024
 
CUỘC BIẾN HÌNH CỦA ĐỨC GIÊSU KITÔ
 

Chúng ta đang bước vào những ngày đầu của mùa Chay thánh. Trong Chúa Nhật II này, Giáo Hội cho chúng ta cùng nhau chiêm ngưỡng Chúa Giêsu trên núi, nơi đây Chúa đã thực hiện một cuộc biến đổi diệu kỳ. Qua đó, chúng ta được chiêm ngưỡng một Thiên Chúa quyền năng và một Thiên Chúa uy nghi. Vậy biến cố của Chúa có ý nghĩa gì trong cuộc đời mỗi người Ki tô hữu?
Thánh sử Máccô cho biết việc Chúa Biến Hình xảy ra sau 6 ngày. Các môn đệ được Đức Giêsu đưa lên núi, bỗng chốc “Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng” (Mt 17, 2). Y phục màu trắng báo hiệu ánh sáng quang vinh thần thánh nơi các thiên sứ  (Mc 16,5),  hay nơi những kẻ được chọn (Kh 3,5). Hơn nữa, ánh sáng vinh quang nơi Đức Kitô, không phải là điều gì đến từ bên ngoài, nhưng là sự biểu lộ của vẻ đẹp vẫn gắn liền với "Đấng từ trời xuống". Như vậy, Đức Giêsu đã che giấu vinh quang của Người, và giờ đây, trong một khoảng thời gian ngắn, Người rời bỏ nhân tính để con người có thể chiêm ngắm vinh quang và nhận ra căn tính đích thực của Người chính là Con Thiên Chúa.
Các môn đệ rất ngạc nhiên và bất ngờ trước dung nhan sáng ngời của Đức Giêsu, đồng thời họ nhìn thấy “ông Môsê và ông Êlia hiện ra đàm đạo với Người” (Mt 17, 3). Môsê chính là đại diện cho Lề Luật Do Thái. Trong sự hiện diện đầy uy nghi của Thiên Chúa trên núi Sinai, ông đã tiếp nhận Lề Luật (x. Xh 19 và 20). Bốn thế kỷ sau, tiên tri Êlia cũng đã hành hương lên chính núi thánh Sinai để gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống (x. 1V 19,1-13). Môsê và Êlia vẫn được truyền thống Do Thái xem như là những người đã được chiêm ngưỡng vinh quang của Thiên Chúa. Môsê đại diện với tư cách nhà làm luật vĩ đại của Israel. Còn tiên tri Êlia là đại diện cho các ngôn sứ. Môsê và Êlia hiện ra đàm đạm với Đức Giêsu, điều này chứng minh Ngài đã hoàn tất lời hứa về Đấng Mêsia theo như Kinh Thánh đã làm chứng về Ngài.
Khi được chứng kiến tận mắt cuộc Hiển Dung của Đức Giêsu lòng các môn đệ rất vui mừng và Phêrô nhanh nhảu đòi dựng ba cái lều tại đó. Ông không hiểu ý muốn của Thiên Chúa nên mới tìm cách hưởng lấy sự vinh quang và ông muốn hình ảnh đó được tồn tại mãi. Nhưng ngay lúc đó có tiếng phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!” (Mt 17, 5). Tiếng nói ấy đào sâu lời mời gọi mà chính Đức Giêsu khi khởi đầu sứ vụ rao giảng đã ngỏ lời với các môn đệ, mời họ từ bỏ cuộc sống bình thường mà theo Người.
Sự kiện Biến Hình đánh dấu một thời điểm quyết định trong sứ vụ của Đức Giêsu, nhằm củng cố niềm tin, tăng thêm sức mạnh, chuẩn bị cho các môn đệ đi vào tấn bi kịch thập giá và báo trước vinh quang Phục Sinh của Người. Cuộc sống vẫn phải là cuộc hành trình của niềm tin, của sự gắn bó với Chúa Giêsu, dù rằng Ngài đang tiến đến thập giá. Vinh quang chỉ có thể đến ngang qua đau khổ. Trong khoảnh khắc của sự vinh quang đó các ông cảm thấy như được đưa vào thế giới vĩnh cửu. Thế rồi bất chợt phải trở lại với thực tế thường nhật, các ông chỉ còn thấy một mình Đức Giêsu trong tình trạng khiêm nhường của bản tính nhân loại và họ được mời xuống núi, để chia sẻ những nỗ lực của Người trong việc thực hiện chương trình của Thiên Chúa và can đảm đi vào con đường thập giá.
Các môn đệ sau khi được tách riêng ra, được ở với Chúa, được củng cố niềm tin, được nếm hưởng hạnh phúc và được Ngài huấn luyện kỹ càng thì giờ đây, Ngài sai các ông xuống núi để thi hành nhiệm vụ. Vì cuộc Biến Hình không chỉ mạc khải vinh quang mà còn chuẩn bị để các môn đệ đón nhận một nhiệm vụ mới. Như thế, người môn đệ có nhiệm vụ làm chứng tá cho tình yêu Thiên Chúa bằng cách bắt chước Đức Giêsu sống một cuộc đời hoàn toàn phục vụ Thiên Chúa và phục vụ tha nhân, làm cho người khác thấy được sự hiện diện yêu thương và cứu độ của Đức Kitô - Đấng được Chúa Cha thánh hiến và sai đi. Xuống núi cũng là trở về với những thực tế thường nhật, là đón nhận một thực tế đầy phiền phức vì những va chạm, tranh chấp, chống đối của con người. Đức Giêsu mà các môn đệ thấy sau giây phút vinh quang lại là một Đức Giêsu trong bản tính nhân loại, là một Đức Giêsu còn phải chịu đau khổ, chịu vác thánh giá, chịu đóng đinh, chịu chết rồi mới Phục Sinh. Vì thế, các ông được mời gọi xuống núi để chia sẻ những đau khổ của Người.
Qua biến cố Biến Hình của Chúa Giêsu giúp cho các môn đệ những người theo Chúa có thêm niềm tin, hy vọng và một sự can đảm, xác tín hơn khi các ông đã từ bỏ mọi sự để sẵn sàng đi theo Chúa. Và nhất là giúp các ông thêm mạnh mẽ để đối diện với các sự việc sắp xảy ra cho Thầy mình và cho chính mình.
Lạy Chúa Giêsu! xin biến đổi lòng trí chúng con, xin ban thêm niềm tin cho chúng con, xin giúp chúng con biết can đảm đón nhận những khó khăn trong cuộc sống và nhận ra tiếng Chúa trong cõi thâm sâu của cõi lòng và nhận ra Chúa đang hiện diện nơi anh chị em của chúng con. Amen.
 
Maria Nguyễn Khánh - Học Viện K6 
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log