Thứ tư, 08/05/2024

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật IV Mùa Chay Năm B (Ga 3,14-21)

Cập nhật lúc 08:50 08/03/2024

 
TIN ĐỂ ĐƯỢC YÊU VÀ TIN ĐỂ ĐƯỢC CỨU ĐỘ
 
Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một để ai tin vào con của Người thì được sống muôn đời”. ( Ga 3,16)

Thiên Chúa yêu thế gian nên Ngài đã không muốn con người phải chết do tội lỗi. Và trên tất cả Ngài chỉ cần con người một điều đó là “tin”. Tin vào sự tồn tại của thứ gọi là tình yêu mà Thiên Chúa đã dành cho con người một tình yêu, vẫn yêu, mãi yêu và quá yêu. Tin vào Đức Giêsu Kitô là Con Một Thiên Chúa – bằng chứng cao cả nhất của tình yêu Thiên Chúa ban tặng cho nhân loại.
Tin là gì? Tin là sự tin tưởng, tin cậy là chấp nhận một điều gì đó là sự thật cho dù ta không thấy. Người Kitô hữu tin vào sự sống đời sau; người Phật tử tin vào kiếp luân hồi; người vô thần tin cuộc sống này chỉ là một, chết là hết. Niềm tin có một vai trò hết sức quan trọng trong cuộc sống con người giúp định hướng và đưa ra những quyết định quan trọng. Người Kitô hữu tin vào sự sống đời sau họ tận dụng cuộc sống hiện tại này để làm những việc lành, việc tử tế: yêu thương, chia sẻ và giúp đỡ mọi người cả những người không dễ để yêu với niềm tin để được gia tài trên trời mà Chúa sẽ dành cho ai sống theo luật Chúa. Người Phật tử thì theo niềm tin về kiếp luân hồi và luật nhân quả mà họ cố gắng để sống tốt với mình với tha nhân và tốt với mọi sinh linh để kiếp sau được hồi sinh làm người với nhiều phước lộc.
Không chỉ vậy, niềm tin chi phối cho mọi suy nghĩ, thái độ và cách sống của chúng ta. Niềm tin tiêu cực đưa chúng ta tới những suy nghĩ tiêu cực, hành động tiêu cực và lối sống tiêu cực, không có mục tiêu, động lực, không thấy ý nghĩa trong cuộc sống. Cain vì không tin Thiên Chúa thương mình, anh trở nên ganh tỵ sẵn sàng ra tay giết chính đứa em ruột thịt. Hình ảnh của các anh em ông Giuse cũng vì không cảm nhận được tình yêu của người cha là Giacóp đã dẫn đến những hành động của sự ganh ghét, loại trừ, chia bè và bán chính đứa em của mình. Xã hội hôm nay cũng có biết bao gia đình chém, giết hại lẫn nhau, lợi dụng nhau, sống trong sự hoài nghi, không còn tin tưởng,.. được đăng tải trên các mạng xã hội.
Trái với niềm tin tiêu cực đó là niềm tin tích cực. Niềm tin tích cực dẫn ta vượt qua mọi khó khăn, đạt được mục tiêu và sống hạnh phúc, niềm tin tích cực dẫn chúng ta đến với nhau bằng tình thương, sự đồng cảm, tha thứ và trở nên con người lạc quan tạo ra những năng lượng tích cực cho bản thân và lan tỏa cho những người xung quanh. Nhân vật Giuse trong câu chuyện Cựu Ước tuy bị các anh em loại trừ, ganh ghét, bán đứng nhưng bằng trái tim được lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ đã cho anh một niềm tin tích cực giúp ông vượt qua mọi khó khăn, có khả năng tha thứ và tìm ra được ý nghĩa, giá trị của đời mình là cứu sống chính gia đình mình nơi có những con người đã từng làm ông bị tổn thương. Câu chuyện về vị thánh trẻ Carlo Acutis đã vượt qua mọi khó khăn từ gia đình cũng như những quan niệm về một môi trường không mấy tốt đẹp từ internet, bằng niềm tin tích cực anh vượt qua những cái nhìn và suy nghĩ tiêu cực đó để đưa Chúa đến với mọi người. Anh trở nên một vị thánh - tấm gương cho tất cả những bạn trẻ sống trong thời đại công nghệ 4.0 hôm nay.
 Có thể nói rằng, đằng sau niềm tin tiêu cực đó chính là sự trống rỗng của một nhu cầu nào đó trong con người khi không được thỏa mãn: nhu cầu được thể hiện bản thân, được tôn trọng, nhu cầu về tình cảm, nhu cầu an toàn và nhu cầu sinh lý. Và trên hết với người Kitô hữu thì đó là vì  chúng ta không cảm nhận được tình yêu của một Thiên Chúa dành cho chúng ta; một Thiên Chúa nói yêu nhưng lại đem đến cho con người biết bao đau khổ, bất hạnh; những đứa trẻ mồ côi đang phải cố gắng bán vé số để lo cho từng ngày sống; những tai nạn giao thông cướp đi những người thân trong gia đình, thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, thất nghiệp,...Tại sao dù cho tôi có cố gắng làm việc, có sống tốt thì thất bại, khó khăn, những chuyện không lành vẫn xảy ra. Thiên Chúa ở đâu khi tôi gặp khó khăn,...Đó quả là thử thách của đức tin đối với những linh hồn mới bước trên đường nên thánh.
Còn đối với những người có đức tin thì sao? Trước những thử thách của đức tin, họ cũng đau khổ nhưng sự đau khổ trong niềm tin và hy vọng. Thử thách là lò lửa để tôi luyện cho đức tin trở nên vững chắc hơn. Đức tin của họ không còn dừng lại ở hình thức bề ngoài, chỉ tin khi cuộc sống êm trôi, nhẹ nhàng, khi họ đạt được điều mình muốn, được thành công, may mắn,...Và họ sẽ là những người được cảm nếm sâu sắc hơn, ngọt ngào hơn tình yêu của Thiên Chúa qua lời thú nhận của Đức Giêsu với Nicôđêmô: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi..” một tình yêu đến nỗi không còn gì để có thể làm để minh chứng. Ngài yêu thế gian, thế gian là đối tượng Ngài yêu. Thế gian là nhân loại, là mỗi người chúng ta và Ngài yêu mỗi người chúng ta.
Nhiều người hôm nay cho rằng chẳng có gì là mãi mãi và tình yêu cũng vậy. Đặc biệt khi nhìn vào xã hội hôm nay thì điều đó càng trở nên đúng hơn. Giữa ông bà, cha mẹ, vợ chồng, các bạn trẻ, trong các hội đoàn và cả trong đời sống thánh hiến; sự phản bội, bất trung, ngoại tình, chia rẽ, nói xấu, xúc phạm, loại trừ,....không còn là tình thân; sự lắng nghe, thấu hiểu, là đón nhận và nâng đỡ nhau. Con người là thế nhưng tình yêu của Thiên Chúa và những người mang trong mình trái tim của Chúa thì không phải vậy. Sự trung thủy được chứng minh qua sự hiện diện của chính Con Một Ngài. Ngài chấp nhận vượt ra khỏi ranh giới, vị trí của một Thiên Chúa để đến và trở nên một con người bình thường như chúng ta.
“Thiên Chúa yêu đến nỗi đã ban Con Một”, Người là Đức Giêsu Kitô Đấng đã mạc khải cho chúng ta về tình yêu của Thiên Chúa. Ánh mắt nhân từ tha thứ cho người tội lỗi can đảm đến với Chúa “Tội của chị đã được tha; lòng tin của chị đã cứu chị” (Lc 7,36-50). Lời nói yêu thương của Chúa Giêsu để nâng đỡ những tội nhân: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11). Không dừng lại ở một ai nhưng vươn ra đến tất cả mọi người "Tất cả những ai đang mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho các ngươi được an nghỉ. Hãy mang lấy ách của Ta và học theo Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường, và các ngươi sẽ tìm được sự an nghỉ cho tâm hồn mình. Vì ách của Ta nhẹ nhàng và gánh của Ta êm ái." ( Mt 11,28-30). Đức Giêsu với một đôi chân không ngừng nghỉ để lên đường đến với tha nhân “Ta còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa, vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó.” (Lc 4,43) và một đôi tay luôn dang rộng để chạm vào những người đau yếu, bị loại trừ "Trong ngày Sabbat, được phép chữa bệnh hay không?; "Trong các ngươi, ai có con lừa hay con bò sa xuống giếng, há chẳng tức thì kéo nó lên trong ngày Sabat sao?" (Lc 13, 3-5) và đỉnh cao là chính cái chết mình trên cây thập tự để đền thay tội lỗi cho nhân loại chúng ta. Đó là hình ảnh của một vị Thiên Chúa qua Đức Giêsu đã đến để nâng đỡ, đồng hành, chữa lành và biểu lộ tình yêu của Ngài dành cho chúng ta. Khi đến với chúng ta Ngài cũng chấp nhận mọi sự đáp trả cho sự trung thành với tình yêu mà Ngài đã dành cho nhân loại đó có thể là: sự trung thủy, cùng Chúa đi đến cùng, tin tưởng cậy trông vào Chúa trong mọi hoàn cảnh hay là sự bất trung, phản bội, cứng lòng tin...Thiên Chúa đã làm tất cả những gì Ngài có thể làm cho một tình yêu không giới hạn của mình, còn việc tin để được cứu độ, được sống trong tình yêu của Chúa hay từ chối để sống trong đam mê và những dục vọng của chính mình thì đó là quyền tự do của mỗi người chúng ta. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3,16).
Câu hỏi được đặt ra cho mỗi người chúng ta? Bạn có tin vào điều đó không? Bạn chứng minh đức tin của mình như thế nào? Đức tin người Kitô hữu chúng ta không dừng lại ở các việc tham dự cử hành nghi lễ và cũng không dừng lại ở việc hoàn toàn phó thác cho Chúa vì biết đức tin là ơn Thiên Chúa ban. Nhưng đức tin của chúng ta được mời gọi làm sao để diễn tả được hình ảnh của Thiên Chúa yêu thương cách cụ thể và sống động bằng chính đời sống của mình. Sống như Chúa đã dạy và đã sống “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em, ở điểm này mà mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy” (Ga 13,34-35).
Mùa Chay là dịp để mỗi người chúng ta cùng nhau nhìn ngắm tình yêu của Chúa cũng như nhìn lại đức tin của chúng ta dành cho Chúa đang được thể hiện ở mức độ nào trong cuộc sống của chúng ta.
Lạy Chúa! chúng con không phải là các vị thánh để có thể nói lời yêu thương, cử chỉ yêu thương một cách dễ dàng. Vẫn còn đó những đố kỵ, ganh ghét, nghi ngờ những hận thù, những lời nói và suy nghĩ tiêu cực; một lối sống quá dễ dãi với những nhu cầu, đam mê của chính mình, sống ảo, sống theo bản năng và theo những lời mời gọi của thế gian: danh vọng, tiền tài, địa vị... Lời Chúa hôm nay cho chúng con biết Ngài không đến để lên án chúng con nhưng là để chúng con tin vào tình yêu của Ngài. Chính sự trung thủy trong tình yêu của Chúa là bằng chứng để chúng con đặt niềm tin nơi Chúa, để Chúa biến đổi chúng con trở nên giống người mình yêu là Chúa. Xin ánh sáng là Lời Chúa chiếu rọi vào tâm hồn đang bất ổn của chúng con giúp chúng con can đảm đối diện với chính mình. Dám chấp nhận cùng chết đi những thói hư, tật xấu với Chúa để được Chúa kéo ra khỏi những gông cùm, xiềng xích đang kìm hãm chúng con và để rồi chúng con được sống lại trong tình yêu của Ngài, can đảm ra khỏi cái tôi của mình để nối kết lại với tha nhân bằng tình yêu của Chúa.
Lạy Chúa Giêsu! trước và trong suốt hành trình Thương khó trong sự im lặng của Chúa Cha, sự phản bội của các môn đệ thân thiết cũng như sự ghét bỏ của con người thì chính đức tin đã giúp Chúa vượt qua tất cả để chọn lựa trung thành với Cha và để có thể yêu nhân loại chúng con đến cùng. Xin Chúa thêm ơn đức tin và giúp chúng con biết dùng chính đức tin mà Chúa đã đánh đổi bằng chính mạng sống mình để giữa những khó khăn và thử thách, những thất bại và những đau khổ xảy đến chúng con biết sẵn sàng lựa chọn trung thành với tình yêu của Chúa trong mọi suy nghĩ, hành động, lời nói của mình vì biết rằng...cuối con đường khổ giá chính là niềm vui, bình an của Chúa dành cho những ai dám tin vào Ngài. Amen.

 
Cộng Đoàn Mến Thánh Giá Camelo


VẾT THƯƠNG LÒNG
 
Phật giáo có câu: “Đời là bể khổ”. Nghe qua thì có vẻ bi quan, yếm thế, nhưng đó là một sự thật của kiếp người. Sinh ra trong cuộc đời, ai rồi cũng sẽ trải qua ‘sinh, lão, bệnh, tử’; và người ta hay ghép với nhau những cụm từ: đau khổ, buồn khổ, đói khổ... Đành rằng đau khổ luôn đi liền với nhau. Tuy nhiên, có những nỗi đau mà lại không khổ như nỗi đau thể lý của các thánh tử đạo lại là niềm hạnh phúc của các Ngài. Nỗi đau của người mẹ khi sinh con về thể lý nhưng lại là niềm hạnh phúc vì có đứa con chào đời. Ngoài ra, nỗi đau thể lý khác với nỗi đau tinh thần; cái đói thể lý cũng khác xa với cái đói tâm hồn và cái buồn thể lý cũng khác với nỗi buồn trong tâm hồn. Như vậy, đau khổ hay hạnh phúc đều phụ thuộc vào mỗi chúng ta.
Một điều chắc chắn rằng, không ai trên đời này lại ham thích sự đau khổ, hay tìm kiếm sự đau khổ, cũng không ai muốn điều đó với người thân yêu của mình; tất cả những nỗi đau của chúng ta nằm ngoài ý muốn, hay bị người khác cố ý gieo cho chúng ta. Thế nhưng, có một Đấng lại dại khờ vì điều đó, chính Ngài đã tự nguyện ôm lấy mọi nỗi đau, mọi sự sỉ nhục chỉ bởi hai chữ “vì yêu”. Bạn biết đó là ai? Đó chính là Chúa Giêsu Kitô.
Tại sao vậy? Đơn giản vì Người là “tình yêu” và Người đến thế gian cũng vì lý do đó. Bởi vậy, Chúa luôn yêu thương con người dù chúng ta còn nhiều lỗi lầm, bất tín, bất trung, và lỗi nghĩa với Chúa. Nhưng, “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc thế nào, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3,14-15). Hình ảnh con rắn đồng chính là hình ảnh Chúa chịu giương cao để đền tội thay cho cả nhân loại và Ngài mời gọi mọi người hãy chạy đến với Ngài để cảm nghiệm được tình yêu thương Ngài dành cho con người.
Chúa Giêsu trên cây thánh giá luôn im lặng. Người tùy thuộc vào sự sắp đặt của con người. Cây thánh giá được mọi người treo trên tường, nơi nguyện đường, trong phòng kín hoặc nơi nghĩa trang.... Thế nhưng, từ sự im lặng của Chúa có biết bao điều Chúa muốn nói với con người mà chỉ khi chiêm ngắm Chúa và thực sự lắng nghe thì con người mới hiểu được. Đặc biệt, qua vết thương ở nương long Chúa đã cho con người được an ủi rất nhiều. Đó là “một vết thương lòng biết nói”.
Giữa cuộc sống càng hiện đại như ngày hôm nay thì dường như con người lại càng sống thu mình hơn trong không gian riêng của mình, lòng tin giữa con người với nhau cũng không còn nữa. Chính vì thế, người ta không muốn người khác biết những vết thương của mình. Người ta cũng sợ phải đối diện với những tổn thương của mình. Trước tất cả những vết thương ấy, Chúa mời gọi mọi người hãy đến với Chúa, chiêm ngắm vết thương lòng của Chúa và đặt những vết thương nhỏ của ta vào vết thương của Chúa. Đừng sợ mở lòng ra với Chúa, vì Chúa là người có kinh nghiệm về mọi vết thương.
Mỗi chúng ta có những vết thương khác nhau, có những vết thương không hề nhỏ. Thậm chí có những vết thương lòng khiến người ta mất niềm tin vào người khác. Nhưng tất cả những vết thương của phận người theo thời gian sẽ trở thành những vết sẹo. Vết sẹo còn đó, nhưng chạm vào nó sẽ không đau nữa. Còn vết thương bên cạnh nương long Chúa thì sao? Đã hơn hai nghìn năm rồi, vết thương ấy không ngừng rỉ máu. Vết thương đó chưa lúc nào ngừng đau. Bởi vì, chỉ khi nào không còn sự hận thù, chia rẽ, chiến tranh... trên thế giới này thì vết thương của Chúa mới ngừng đau. Chúa đã chọn vết thương đó để thể hiện tình yêu với nhân loại.
Thật vậy, là một người bình thường thì không ai mong mình bị những vết thương. Vậy nhưng, vết thương lại có một giá trị vô cùng lớn. Vết thương là bằng chứng của tình yêu. Như chính Chúa Giêsu đã chọn con đường đau khổ và đón nhận tất cả những vết thương để chứng tỏ tình yêu của mình với nhân loại. Chính vì thế, Chúa cũng mời gọi mỗi người hãy biết đón nhận những vết thương của đời mình như cơ hội để thể hiện tình yêu và sự trông cậy vào Chúa. Chúa mời gọi mỗi người hãy mở lòng ra để giãi bày mọi tâm tư của mình, để Chúa chữa lành mọi vết thương của ta.
Lạy Chúa Giêsu! xin cho mỗi chúng con luôn biết chiêm ngắm vết thương của Chúa trên cây thánh giá. Để từ đó chúng con cũng dễ dàng đón nhận và vượt qua những vết thương của bản thân.
“Lạy Chúa Giêsu con tin tưởng nơi Chúa. Lạy Chúa Giêsu con tín thác vào Chúa. Vì ngoài lòng Chúa xót thương không còn nguồn hy vọng nào. Chúng con đặt vào Chúa niềm tín thác của mỗi chúng con”. Amen.

 
Học Viện K6
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log