Thứ hai, 20/05/2024

Suy Niệm Chúa Nhật IV TN A

Cập nhật lúc 22:06 27/01/2023
HIẾN CHƯƠNG NƯỚC TRỜI
(Mt 5,1-12)




WMTGHH - Trong cuộc sống con người, để làm công dân chính thức của một quốc gia nào đó, cần phải có giấy tờ hợp pháp như thẻ căn cước hay chứng minh thư nhân dân. Cũng vậy, để trở nên công dân Nước Trời, người kitô hữu cũng cần phải có tấm thẻ căn cước mà Chúa Giêsu đưa ra. Đó là sống theo tinh thần của tám mối phúc thật mà Chúa dạy trong bài Tin Mừng hôm nay.
Thật vậy, Tám Mối Phúc là bài giảng đầu tiên trong năm bài giảng của Chúa Giêsu trong Tin Mừng theo thánh Matthêu được gọi là Hiến Chương Nước Trời. Bát phúc được coi như là bản hiến pháp của những ai muốn trở nên công dân Nước Trời, bên cạnh đó, nhiều tác giả còn gọi đây là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nhân loại. Vì thế, Tám Mối Phúc được coi như kim chỉ nam cho đời sống của người kitô hữu. Đức Thánh Cha Phanxico giải thích: "Bát phúc giống như thẻ căn cước của kitô hữu vậy. Nên nếu có ai hỏi: Tôi phải làm gì để là một kitô hữu tốt lành? Câu trả lời rất rõ, đó là hãy làm theo những gì Chúa Giêsu dạy trong bài giảng trên núi’’. Hay Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cũng nói: "Bát phúc là một chương trình sống mới để giải thoát con người khỏi những giá trị sai lạc của trần thế, và mở cho sự thiện hảo chân thật trong hiện tại và trong tương lai’’. 
Trong bài giảng trên núi, Chúa Giêsu cho chúng ta biết hạnh phúc thật là gì và thứ hạnh phúc này chỉ dành cho những ai có tâm hồn nghèo khó, hiền lành, có khát vọng sống công chính, biết xót thương người, có lòng trong sạch, xây dựng hòa bình, bị ngược đãi vì sống công chính. 
1. Mối phúc thứ nhất: ‘‘Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó" (Mt 5, 3). Có lẽ không phải tự nhiên mà trong bản Hiến Chương Nước Trời, mối phúc nghèo khó được đặt lên hàng đầu. Vậy “phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ” phải có tầm quan trọng và ý nghĩa sâu xa như thế nào thì mối phúc này mới được xếp vị trí hàng đầu trong tám mối phúc ấy? Sự thường ở đời, con người thường đi tìm kiếm sự giàu có trên tiền bạc, địa vị danh vọng, bởi con người ta vẫn quan niệm: “có tiền mua tiên cũng được”. Còn Đức Giêsu lại nói: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó”, phải chăng đó là một nghịch lý? Quả thế, với những người không có niềm tin thì đó là một điều không thể mang lại hạnh phúc mà chỉ mang đến sự bất hạnh, khinh bỉ mà thôi. Và phải chăng Chúa Giêsu chúc phúc cho cái nghèo? Chắc chắn không phải thế, bởi trọng tâm bài giảng mà Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến là “sự nghèo khó trong tâm hồn”. Người có tinh thần nghèo khó theo Tin Mừng là người không bám víu vào của cải vật chất đời này, nhưng biết nhận ra giá trị đích thực của mình và đặt niềm tin tưởng, phó thác nơi Chúa, biết sống cho Chúa và cho anh chị em đồng loại, lấy Chúa làm gia nghiệp và luôn sống tình liên đới với mọi người.
2. ‘‘Phúc thay ai hiền lành’’. Đó là mối phúc Chúa dành cho những người có lòng nhân từ đối với tha nhân, không lấy oán báo oán, không lấy lời nguyền rủa đáp lại lời nguyền rủa, nhưng trái lại luôn biết khiêm nhường tha thứ và yêu thương.
3. ‘‘Phúc thay ai sầu khổ’’. Đó là mối phúc Chúa dành cho những người khi gặp đau khổ, khó khăn thử thách luôn biết nhìn lên Chúa để thấy được giá trị thanh luyện của đau khổ, sẵn sàng chịu đựng mọi đau khổ về tinh thần hay thể theo thánh ý Chúa mà không kêu ca phàn nàn hay than trách.
4. ‘‘Phúc thay ai khát khao sống công chính’’. Đó là mối phúc Chúa dành cho những người luôn biết nhìn lên, biết hướng về những giá trị cao quý thiêng liêng trên trời, chứ không bám víu hay sống cho những giá trị chóng qua đời này.
5. ‘‘Phúc thay ai xót thương người’’. Đó là mối phúc Chúa dành cho những người có trái tim nhân hậu, bao dung, luôn biết quan tâm đến nhu cầu của anh chị em đồng loại, như lời thánh Phaolo: "Vui với người vui, khóc với người khóc’’.
6. ‘‘Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch’’. Đó là mối phúc Chúa dành cho những người có tâm hồn trong sạch, ngay thẳng không suy nghĩ những điều xấu xa, nhưng luôn sống thật thà, có nói có không nói không. Không lươn lẹo giả dối. Chính vì thế mà họ sẽ gặp được Thiên Chúa ngay trong cuộc sống đời này và được tận hưởng hạnh phúc đời sau.
7. ‘‘Phúc thay ai xây dựng hòa bình’’. Đó là mối phúc Chúa dành cho những người luôn biết sống chan hòa với mọi người, luôn biết xây dựng, kiến tạo sự hiệp nhất yêu thương trong đời sống.
8. ‘‘Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính’’. Đó là mối phúc Chúa dành cho những người, dù bị bách hại hay đau khổ thì họ vẫn tín thác và tin tưởng vào Chúa mà không hề nao núng như thánh Phaolo trong thư gửi Ti-mô-thê đã nói: ‘‘Tôi biết tôi tin vào ai’’ (x. 1Tm 1,12)
Bài Tin Mừng hôm nay là những lời dạy dỗ tâm huyết mà Chúa Giêsu không chỉ dành cho đám đông đảo dân chúng năm xưa và các môn đệ thân tín hiện diện ở đó. Nhưng Chúa Giêsu còn muốn rao giảng cho tất cả mỗi người kitô hữu hôm nay, để mọi người tin và đón nhận lời của Ngài, hầu được hưởng trọn vẹn nguồn hạnh phúc Chúa hứa ban.
Hạnh phúc luôn nằm trong tầm tay mỗi người, và điều quan trọng là mỗi người có lựa chọn để sống hạnh phúc theo thánh ý Chúa hay không! Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu đã chỉ ra phương thế để đạt đến hạnh phúc đời sau, đó là hãy sống theo bản Hiến Chương Nước Trời mà Ngài đã chỉ. Vì đó là con đường chắc chắn nhất để đạt được hạnh phúc Nước Trời.
Giữa cuộc sống xô bồ này, giữa biết bao những chọn lựa và đam mê mời gọi: Tiếng gọi của danh vọng, của tiền tài lạc thú, khoái lạc, hưởng thụ, của gian dối đảo điên...hẳn không dễ để mỗi người có thể chọn lựa và đi theo giáo huấn của Chúa. Vậy mỗi người hãy dành cho mình những khoảng lặng cần thiết để Chúa có chỗ trong tâm hồn mình, giữa những xao động nổi trôi của nhân thế. Để Chúa có thể ghé vào tai và chạm vào tận sâu thẳm con tim mỗi người và thì thầm những lời dạy đầy tình yêu của Ngài để lời của Chúa có sức biến đổi và đem lại một sự bình an hạnh phúc thẳm sâu trong Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho mỗi chúng con luôn yêu mến và năng suy niệm lời Chúa để lời của Chúa thấm nhập và hướng dẫn cuộc đời chúng con. Xin cho chúng con luôn yêu mến sự khiêm nhường nghèo khó để có thể dễ dàng trao hiến và phó thác hoàn toàn cuộc đời cho Chúa, như thế chúng con sẽ có được hạnh phúc Nước Trời như lời Chúa hứa: "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ". Amen.
 
                                                                                                Cộng Đoàn Camelo
 

TINH THẦN NGHÈO KHÓ
(Mt 5, 1-12a)
 
“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó vì Nước Trời là của họ” ( Mt 5,3).
Trong thực tế, tất cả chúng ta, ai cũng cần có cuộc sống đủ cơm ăn áo mặc, nhà ở việc làm, cơ hội học hành thăng tiến cho xứng đáng nhân vị đời sống con người. Và nhất là trong thời đại hôm nay, thời đại người ta chạy theo tiền bạc để tìm kiếm một thứ sức mạnh nào đó như nhiều người vẫn thường nói: "Đồng tiền là tiên là phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già, là cái đà của danh vọng, là cái lọng che thân, là cán cân công lý. Đồng tiền là hết ý". Và trải dài theo lịch sử nhân loại, đói nghèo cũng là luôn một đề tài được nhiều người quan tâm, các nhà lãnh đạo quốc gia chú trọng. Họ tìm cách giành chiến thắng trong cuộc chiến chống đói nghèo. Biết bao tổ chức thiện nguyện giúp đỡ  người nghèo hầu, mong xóa đói giảm nghèo, vậy mà Đức Giêsu lại tuyên bố: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3). Phải chăng Đức Giêsu lại muốn con người sống nghèo khổ? Chẳng lẽ Đức Giêsu lại muốn chúng ta đi ngược lại với nhu cầu thiết yếu của con người? Chắc chắn là không. Vậy, chúng ta phải hiểu như thế nào về mối phúc này?  
Đời sống con người đâu chỉ có nhu cầu thể lý, nhưng còn có nhu cầu tinh thần, nhu cầu thiêng liêng nữa. Người nghèo khó trong tâm hồn là người nhìn nhận Chúa là Chủ đời mình và sống bác ái, chia sẻ với mọi người xung quanh mình. Chính tình liên đới đó làm cho cuộc sống có ý nghĩa, có hạnh phúc. Hơn nữa, chính khi ta có tinh thần nghèo khó, ta sẽ nhận ra được những giới hạn nơi sâu thẳm của tâm hồn mình, ta sẽ thấy mình chẳng có gì cả và tất cả những gì ta có đều là do hồng ân Chúa ban.
Chắc hẳn khi đưa ra mối phúc này, Đức Giêsu đã sống và thực hành. Lật lại những trang Tin Mừng, ta thấy khi đến trần gian, Chúa Giêsu đã chọn con đường nghèo khó như lời thánh Phaolô nói trong thư gửi tín hữu Philipphê: "Đức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế (Pl 2,6-7); sống kiếp phàm nhân Ngài đã trở nên người nghèo khó Ngài chấp nhận sinh ra trong cảnh nghèo khó (Lc 2,12 ); sống nghèo khó “con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng con người không có chỗ tựa đầu” (Lc 9, 58). Thật vậy, vì lòng gắn bó với chương trình cứu độ của Chúa Cha, Chúa Giêsu đã có thái độ siêu thoát với của cải trần thế. Thánh Phaolô tông đồ đã viết: "Người vốn giầu sang phú quý, nhưng đã tự ý  trở nên nghèo khó, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có"  (2Cr 8,9).
Như vậy, đâu phải Chúa Giêsu  muốn chúng ta sống nghèo khó, đâu phải Chúa muốn chúng ta đi ngược lại với nhu cầu cần thiết của con người. Sự nghèo khó mà Chúa Giêsu nói ở đây là sự nghèo khó nơi tâm hồn con người, có nghĩa là không phải Ngài muốn chúng ta sống nghèo khó, thiếu thốn về phần xác nhưng là một sự thanh thoát, không dính bén, không ham mê tiền bạc và của cải vật chất, tiện nghi xa hoa…vì “kho tàng của anh ở đâu thì lòng anh ở đó” (Mt 26,21). Là những người kitô hữu, nhất là đối với những ai bước theo Đức Giêsu trên con đường thánh hiến, chắc hẳn không còn xa lạ với mối phúc này. Hơn nữa, đây còn là một trong ba lời khấn làm nên cái cốt yếu của đời sống tu trì: khiết tịnh, nghèo khó, vâng phục. Với lời khấn khó nghèo được thôi thúc bởi tình yêu Thiên Chúa và tha nhân, người tu sĩ cam kết sống tiết độ, từ bỏ mình để làm nhân chứng cho đời. Từ bỏ mọi sự vì chính Chúa, khước từ mọi sự để chọn Đức Giêsu làm tất cả cho mình.
Cũng chính nhờ lời khấn khó nghèo, người tu sĩ khiêm nhường nhận ra mình là người tội lỗi, bất lực và nhỏ bé để có thể đặt hy vọng hoàn toàn vào Đức Giêsu, gia nghiệp của đời mình. Thế nhưng sống trong một xã hội mà người ta đang đề cao tiền bạc, hưởng thụ và cái nghèo bị coi là điều bất hạnh. Người tu sĩ cũng rất dễ rơi vào vòng xoáy đó. Bởi lẽ, nhìn ra xã hội chúng ta thấy đủ loại hình thức quảng cáo, tiếp thị khuyến khích người trẻ hưởng thụ những tiện nghi vật chất, nhưng lại hạ thấp và quên đi những giá trị tinh thần cao đẹp của con người. Nhìn vào bạn bè cùng lứa tuổi thì họ đã có sự nghiệp gia đình ổn định, còn mình chẳng có gì cả từ những so đo tính toán đó, người tu sĩ dễ rơi vào những cám dỗ về phương tiện vật chất. Nếu không cẩn thận các tu sĩ sẽ quên mất lời khấn khó nghèo và dễ cổ suý cho sự giàu có với khẩu hiệu “phương tiện phục vụ cho sứ vụ” hay đôi khi ta vịn cớ phải mua sắm các thiết bị hiện đại và giá trị một mức cần thiết hoặc ăn uống không đủ vật chất không đủ sức khỏe để lao động và học tập cũng như thi hành sứ mạng. Đâu chỉ dừng lại ở những điều đó, cách thức ăn mặc cũng làm cho người tu sĩ thay đổi khi giảng dạy, khi giao tiếp ngoài xã hội. Muôn việc phải làm, phải lo. Thế nên nhu cầu ăn mặc cũng phải được thay đổi tùy công việc ”Y phục xứng kỳ đức”  đi đâu làm gì quần áo cũng phải tươm tất, phải hợp thời hợp mốt.
Bản thân tôi cũng là một người tu sĩ. Thế nhưng khi nhìn lại đời sống của mình tôi nhận thấy tôi đã và đang chưa thực sự sống đúng với lời khấn của mình nhất là với lời khấn khó nghèo. Rất nhiều lần tôi mua sắm thứ thứ không cần thiết từ quần áo giày dép...ngay cả đến đời sống tâm linh tôi cũng chưa ý thức sống tinh thần nghèo khó dễ mơ tửơng ảo mộng những thứ không thuộc về mình.
Lời Chúa hôm nay không chỉ là một lời mời gọi như là một lời thức tỉnh cho mỗi người. Tôi đã sống tinh thần nghèo khó thế nào? Tôi có ý thức đời sống và tinh thần nghèo khó như Chúa Giêsu? Tôi cần phải thay đổi lối sống của mình để phù hợp với tinh thần nghèo khó như Chúa?
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã mời gọi những ai theo Người sống một cuộc sống nghèo khó, từ bỏ hết mọi sự để trở nên giống như Người và tự do đón lấy Nước Trời. Chính Người đã nêu gương cho chúng con qua việc Người chọn sinh ra trong máng ăn của súc vật chứ không chọn cho mình một cung điện nguy nga lộng lẫy, không chọn cho mình một gia đình cao sang quyền quý. Người hài  lòng làm con của một người phụ nữ nghèo và chấp nhận hạ sinh nơi máng cỏ (Lc 2,12). Hơn nữa, Người chấp nhận một cuộc sống bấp bênh: "con chồn có hang chim trời có tổ nhưng con người không có chỗ tựa đầu" (Lc 9,58). Người đã không bao giờ lấy của cải trần gian làm nơi nương tựa cho mình.Điểm tựa duy nhất của Ngài là tình yêu của Cha và khát mong thi hành thánh ý Chúa Cha (Ga 3,34). Xin cho chúng con ghi nhớ và thực hành tinh thần nghèo khó như Chúa để chúng con cũng có Chúa là gia nghiệp đời mình.  Amen.
Cộng Đoàn Tình Lam
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log