Thứ hai, 20/05/2024

Người Tu Sĩ Sống Đức Nghèo Khó Trong Thế Giới Hôm Nay

Cập nhật lúc 16:22 26/08/2023

Xã hội mà chúng ta đang sống, có thể nói, phần lớn con người tranh đua tìm kiếm để sở hữu nhiều tiền bạc, cuộc sống tiện nghi vật chất với thiết bị hiện đại tối tân…, trong khi người sống đời thánh hiến chọn lối sống đơn Nghèo. Việc người tu sĩ tự do lựa chọn giữa một bên là niềm vui hạnh phúc của lối sống giản dị và bên kia là sức quyến rũ lôi kéo của tiền tài, danh vọng… nơi trần gian, có vẻ như đi ngược lại với xã hội. Nếp sống khó nghèo của người tu sĩ  không phải là “cái nghèo xã hội”, nhưng là một thái độ không đề cao tiền tài danh vọng như là mục tiêu phấn đấu của cuộc đời mình. Vậy người tu sĩ tuyên khấn trung thành sống nghèo vì những mục đích nào?

1.  Khó nghèo để chiếm hữu kho báu Nước Trời
Trong Tin Mừng, Đức Giêsu đặt việc chiếm hưởng Nước Trời (như kho báu) làm mục tiêu cho sự khó nghèo: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mt 19, 21). Việc bán hết tài sản chia sẻ cho người nghèo đem đến cho người thanh niên cơ hội được chiếm hữu kho tàng trên trời và cho anh cơ hội được đi theo Chúa, trở nên môn đệ của Chúa. Không biết sự lựa chọn cuối cùng của người thanh niên là gì, anh có đi theo Chúa hay không, chỉ thấy anh “buồn rầu bỏ đi vì anh có nhiều của cải” (Mt 19, 22). Còn mỗi người chúng ta thì sao? Chúng ta được mời gọi sống khó nghèo, thanh thoát với của cải trần gian để được tự do hoàn toàn hướng lòng về Chúa và tiến đến sự hoàn thiện. Nói cách khác, chính đời sống không bám víu của cải vật chất của người tu sĩ như là một lời vang vọng cho con người hôm nay ‘tôi đã được chính Chúa’ và ‘Ngài chính là gia nghiệp và kho tàng của đời tôi’ (x. TV 15). Mặt khác, người tu sĩ sống nghèo còn cho thấy một sự dấn thân vào thế giới tục hoá duy vật để làm chứng cho một Đức Giê-su Ki-tô trần trụi và tự huỷ hoàn toàn (x. Pl 2, 6-11). Đức Giê-su đã sống nghèo từ khi sinh ra cho đến khi trút hơi thở cuối cùng trên cây Thập giá. Alfred Plumer, một học giả Thánh Kinh người Anh có lần phát biểu: “Cuộc đời Chúa Giêsu bắt đầu trong một chuồng bò đi mượn và kết thúc trong một ngôi mộ cũng đi mượn”. Đó chính là thực trạng trần trụi, khó nghèo của Chúa Giêsu “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8, 20). Ngài đã trở nên mẫu gương tuyệt vời cho mỗi người chúng ta noi theo trong cuộc đời dâng hiến. Khi chúng ta sống “nghèo cả về thực chất lẫn tinh thần, cần cù và thanh đạm, không dính bén của cải thế gian, lệ thuộc và bị hạn chế trong viêc sử dụng và định đoạt tài sản” (Giáo Luật 1983, điều 600). Chúng ta được mời gọi hiến dâng cho một lý tưởng cao đẹp là “làm chứng cho Thiên Chúa, Đấng là kho tàng đích thực của trái tim con người” (Tông huấn Đời Sống Thánh hiến, số 90). Và qua đó chứng tỏ cho thế gian thấy rằng trên đời này không có thành trì nào vững chắc (x. Hs 3, 4). Hạnh phúc viên mãn của con người là ở nơi Thiên Chúa chứ không phải nơi những giá trị vật chất ở trần gian này.  
Người tu sĩ không những phải từ bỏ những tiện nghi, những của cải vật chất, nhưng còn phải từ bỏ luôn cả cái ước muốn và khao khát chiếm hữu nó. Họ không được dính bén với của cải cũng như không được tích trữ tài sản riêng cho mình, không để cho những giá trị vật chất chi phối lối sống và hành động của mình. Nói như vậy không phải những ai đi tu thì không cần đến tiền của vật chất hay những tiện nghi hoặc khinh chê những thứ đó. Chúng ta phải khẳng định rằng người tu sĩ không chê ghét tiền của, vật chất, nhưng họ tự nguyện chọn lối sống nghèo để lòng mình không bị những cái hữu hình kìm kẹp, không bị dính bén với kho tàng ở dưới đất vì “kho tàng của anh ở đâu thì lòng anh ở đó” (Mt 6, 21). Như thế, họ có thể toàn tâm toàn ý phụng sự Chúa vì chính Chúa đã nói: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được” (Mt 6, 24). Sự khó nghèo chỉ mang ý nghĩa tròn đầy khi nó được yêu mến và tự nguyện tuân giữ như một điều gì đó quý giá. Bằng không, đó chỉ là một sự gượng ép, cố gắng chịu đựng rồi đến một lúc nào đó, khi có cơ hội, người ta sẽ tìm cách thủ đắc, thu vén lại những gì mình đã từ bỏ như một sự bù trừ.
Vì thế, việc sống đức Khó Nghèo cũng là một thách đố cho mỗi người tu sĩ hôm nay. Chúng ta phải chiến đấu không ngừng, bởi vì chung quanh chúng ta đầy rẫy những cạm bẫy, những lời mời gọi lôi cuốn khiến con tim chúng ta dễ đi vào những mê cung của hưởng thụ, lệ thuộc vật chất của cải. Nếu không tỉnh táo và nếu không có đủ tình yêu dành cho Thiên Chúa, cho lý tưởng tu trì thì rất có thể chúng ta sẽ trở thành người sống hai mặt. Môi miệng luôn nói trung thành với Chúa, với lý tưởng nhưng trong thực tế lại chạy theo những vật chất hào nhoáng bên ngoài. Khi đó chúng ta chỉ đang sống nghèo theo luật lệ, chứ không phải là cho tình yêu của Thiên Chúa và tha nhân. Đời tu của ta chỉ còn cái vỏ ngoài, còn trong thâm tâm ta đã thuộc về trần gian và lòng ta chiếm hữu đủ mọi thứ. Điều kiện quan trọng nhất, cần thiết nhất để theo Chúa trọn vẹn, ngoài việc khước từ tất cả những gì cồng kềnh, cản lối, đòi chúng ta phải chấp nhận từ bỏ “cái tôi” của mình, từ bỏ “ý riêng”, những ước muốn, những tương quan không phù hợp với đời sống thánh hiến. Nếu không từ bỏ “cái tôi” đầy cản trở, ham hố của mình, dù có theo Chúa, cũng chỉ là theo kiểu “hữu danh vô thực”. Ước gì chúng ta luôn biết ‘vét rỗng’ lòng trí ta khỏi những ham muốn, để Chúa ‘rót đầy’ vào lòng ta sự hiện diện của Chúa, vì chỉ khi thấy mình “trống rỗng” thì Thiên Chúa mới có chỗ trong cuộc đời mình. Khi đó chúng ta sẽ trở nên một “dấu chỉ rạng ngời của việc bước theo Đức Giêsu” trong xã hội hôm nay (Sắc lệnh Perfectae Caritatis, số 13).

2. Sống khó nghèo để biết tín thác vào một mình Chúa
Người tu sĩ tự nguyện chọn lối sống nghèo khó, không tìm cậy dựa nơi của cải vật chất để biết tín thác vào Chúa hơn. Sự nghèo khó đưa người tu sĩ đến gần Chúa và xác tín rằng chỉ nơi Ngài, họ mới có thể tìm được nguồn vui và hạnh phúc đích thực. Tiền bạc, vật chất, tiện nghi … chỉ là gió thoảng mây bay, có đó rồi lại mất, chẳng phải là nơi trú ẩn an toàn. Vì thế, bước theo Chúa trong cuộc đời dâng hiến, người tu sĩ phải ý thức rằng, từ nay mình được mời gọi ‘ném mình’ cho Chúa, tin tưởng phó thác hoàn toàn nơi Thiên Chúa. Chỉ có Chúa là gia nghiệp, là kho tàng duy nhất mà tôi phải tìm kiếm. Nếu không có Chúa không gì có thể lấp đầy khoảng trống trong tâm hồn chúng ta. Vì mọi sự trên đời này là phù vân nối tiếp phù vân mà thôi. Khó nghèo giúp người tu sĩ trở nên khiêm nhường hơn, hạ mình hơn, vì họ chẳng có gì trong tay để tự mãn, ngoại trừ một mình Chúa. Ước gì chúng ta có thể nói như Thánh Phao-lô, người Tông đồ dân ngoại rằng: “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người” (Pl 3, 7-8). 

3. Sống khó nghèo để biết chia sẻ
Đức Giê-su là Thiên Chúa nhưng đã tự nguyện rời bỏ địa vị giàu sang của ngôi vị Thiên Chúa để đến trần gian, chấp nhận thân phận phàm nhân yếu đuối, chung chia cảnh nghèo khổ của kiếp người, chấp nhận chịu giới hạn trong không gian và thời gian. Cả cuộc đời của Ngài mang dấu ấn của sự nghèo khó. Ngài đến để chia sẻ thân phận con người với chúng ta. Chúng ta cũng được mời gọi sống nghèo theo gương Chúa Giê-su. Điều này hướng chúng ta đến một thực tại siêu nhiên hơn, tích cực hơn khi ta làm chứng cho các giá trị của Tin Mừng. Sống nghèo sống trọn đức ái, để chia sẻ và trao ban, để sống tình liên đới với tha nhân, đặc biệt là người nghèo. Trước hết, sự nghèo khó khởi đi từ một lối sống khiêm nhường: trong lời nói, trong cách cư xử với nhau, trong việc đón nhận những giới hạn của bản thân và cả những yếu đuối của tha nhân để cảm thông, để hiểu nhau, để sống yêu thương gắn bó với nhau hơn. Sau nữa, sống nghèo là không xét đoán, không nói xấu nhưng biết ý thức trách nhiệm về lời nói của mình. Sống nghèo là biết quảng đại tha thứ cho những lỗi lầm của người khác. Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài chia sẻ với giới trẻ đã nói: “Với sự tha thứ, với tình yêu dành cho kẻ thù của chúng ta, chúng ta trở nên nghèo hơn. Tình yêu làm nghèo chúng ta đi, nhưng cái nghèo ấy là hạt giống sinh hoa kết quả và đem lại tình yêu cho tha nhân”. Như thế, Cái nghèo không phải là một cứu cánh, nó chỉ có giá trị khi là dấu chỉ, là chứng tá của một tình yêu luôn luôn muốn chia sẻ.
Chiêm ngắm cái nghèo của Chúa Giê-su để nhìn lại đời sống của mình. Ngày hôm nay tôi sống khó nghèo như thế nào? Cái nghèo nhất của tôi là gì? Cái giàu nhất trong tôi là gì? Chúa Giêsu ở trong tôi, Ngài giàu hay nghèo?
Lạy Chúa, xin cho con cảm nghiệm sâu xa ý nghĩa và niềm vui của việc từ bỏ, để con luôn được tự do thuộc về Chúa. xin cho con luôn ý thức chính con đã chọn và đã khấn sống nghèo khó, đã trở thành một người nghèo tự nguyện, để những khó khăn vất vả, những giới hạn và thiếu thốn trong cuộc sống không làm con phiền lòng hay né tránh, nhưng tâm hồn luôn thanh thoát và tràn đầy niềm vui, vì đã có Chúa là có tất cả, vì “ngoài Chúa ra đâu là hạnh phúc” (Tv 15, 2). Amen.

 
Ban Huấn Luyện
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log