Thứ ba, 23/04/2024

Tĩnh Tâm Tháng 09.2021: Sống Nghèo Khó Để Trở Nên Giàu Có

Cập nhật lúc 09:30 30/08/2021




SỐNG NGHÈO KHÓ ĐỂ TRỞ NÊN GIÀU CÓ
         (Pl 2,6-11; 2Cr 8,9)

Đức Giêsu mà chúng ta nguyện chọn làm “Đối Tượng Duy Nhất” của lòng trí mình, Đấng đã đến “cắm lều” giữa nhân loại, đã trút bỏ tất cả thân phận cao quý để mặc lấy kiếp “nô lệ”. Ngài đã sống trọn kiếp nghèo và đi đến tột cùng của cái nghèo. Nhưng rồi Thiên Chúa, Cha của Ngài cũng là Cha chúng ta đã trao lại cho Ngài vinh quang, “danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu”(Pl 2,6.9), trao lại cho Ngài những gì Ngài vốn có, và Ngài trở nên thật giàu có.
Chúng ta, những người sống đời thánh hiến, tự nguyện cam kết sống tinh thần khó nghèo theo gương Chúa Giêsu. Khi sống trọn vẹn tinh thần nghèo khó thánh hiến, chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu, điều này muốn nói lên là khi chúng ta dám khước từ tất cả, chúng ta lại có TẤT CẢ trong Đấng mà chúng ta bước theo. Tuy nhiên, thực tế cho chúng ta nhận thấy hôm nay trong đời sống thánh hiến, là Đức Giêsu, với một đời sống nghèo khó, vẫn luôn sống động bên ta, nhưng chúng ta dễ nhìn gương Ngài một cách rất mờ nhạt, dễ nhìn Ngài chỉ như một “mẫu gương tốt trong quá khứ xa xăm” (ĐGH Phanxicô- Christus vivit), nên ta nhận thấy vẫn còn đó những khó khăn khi bước lại những bước của Ngài. Vì thế, sống nghèo như Chúa, không chỉ là bắt chước, mà điều quan trọng là theo bước Đức Kitô; nghĩa là “bước lại trong thời đại hôm nay những bước mà Đức Kitô đã đi trong thời của Ngài” (M.Azevedo - Tu Sĩ Ơn Gọi và Sứ Mạng).
Để có thể thực sự bước những bước nghèo như Chúa, và để có thể trở nên giàu có như Chúa, chúng ta hãy chiêm ngắm những cái NGHÈO cụ thể nơi Chúa Giêsu và cảm nếm hương vị hoa trái mà Đức Nghèo Khó đem lại.

1. Chiêm ngắm những cái nghèo của Chúa Giêsu
  1. Cái nghèo sở hữu: là cái nghèo về chất, của cải tiền bạc... Đức Giêsu đã sống cái nghèo này, khi chấp nhận một nếp sống với Mẹ Maria và Thánh Giuse nơi thôn quê Nazaret, với nghề thợ mộc. Tiếp đến trong những năm hoạt động công khai, Ngài đã chấp nhận cảnh sống không một “chỗ tựa đầu”(Mt 8,20), chẳng có một nơi chốn nào cố định cho đời sống của Ngài. Đó là một cuộc sống bấp bênh, nay đây mai đó, Ngài sống như một kẻ vô gia cư, Ngài tạm trú nơi nhà của một số người mở lòng đón nhận. Ngài đã sống với cái nghèo vật chất thật sự từ Belem cho đến thập giá, trên đỉnh đồi Calvario.
  2. Cái nghèo hiện hữu: là cái nghèo tinh thần, khước từ những ham muốn, đam mê quyền lực địa vị, ảnh hưởng, tiếng tăm... Cùng với cái nghèo vật chất, cái nghèo này sẽ giúp cho người tu sĩ chúng ta sống một cách triệt để trọn vẹn nhân đức Khó nghèo.
Đức Giêsu cùng với sự chấp nhận một cuộc sống nghèo cơm áo gạo tiền, thì với cái nghèo tinh thần này, Chúa đã đi tiên phong trong việc thực hiện nó. Ngài đã không màng chi danh tiếng những khi làm phép lạ, mọi người trầm trồ, khen ngợi tôn vinh Ngài là Vua, nhưng Ngài lại tìm rút lui vào nơi thanh vắng để gặp gỡ Cha trong cầu nguyện. Cũng thế, bao người ngây ngất trước uy quyền về những lời giảng dạy của Ngài (Mc 1,21-28), nhiều người tuyên xưng Ngài “thật là vị ngôn sứ, thật là vị Tôn sư” (Ga 3,2). Nhưng tất cả những điều ấy chẳng làm cho Ngài bận lòng. Khi Chúa sống triệt để cái nghèo hiện hữu này, chúng ta thấy Ngài thật sự trở nên giàu có: giàu có trong mối tương quan thân tình với Cha, giàu có về lòng xót thương, giàu có về sự bén nhạy trước những nhu cầu của con cái mình, đặc biệt sự giàu có trong tình yêu, để rồi Ngài chấp nhận trả giá cho tình yêu đến cùng ấy bằng cái chết đau thương trên thập giá. Khi người thánh hiến bước lại những bước sống khó nghèo này như Thầy mình, chúng ta cũng đón nhận một sự giàu có thật phong phú như những điều Thầy có được. Và hơn thế nữa, chúng ta còn có thể khám phá ra qua những hoa trái của tinh thần khó nghèo.
 
2. Những hoa trái của Đức Khó Nghèo
  1. Sự tự do: Sống tinh thần nghèo giúp ta không nao núng, chao đảo, không bị tác động bởi sự đàm tiếu của dư luận, khi bị người khác hiểu lầm, hoặc bị bắt bớ, đối xử bất công… Tinh thần nghèo giúp ta không đặt hy vọng quá nhiều vào người đời, hay một chuẩn mực nào đó, để rồi nó làm ta dễ rơi vào thất vọng, trái lại, nó giúp ta chỉ nương tựa vào một mình Chúa. Ta tự do trong việc phụng sự Chúa, không bị nô lệ bất cứ thứ dính bén nào, cả về phương diện vật chất cũng như tinh thần. Bởi ta dễ rơi vào tình trạng như Chúa nói “kho tàng anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó” (Mt 6,21)
  2. Sự bình an: khi nhìn lại bản thân mình, ta khám phá ra những khiếm khuyết, những giới hạn, những yếu đuối, lầm lỗi… ta không ngã lòng, mà dám đứng lên tiếp tục tiến bước cùng với Chúa. Chấp nhận tất cả những gì ta có, ta là, mà không ảo tưởng, không“dán vào mình những cái mác mà mình không có” (Anthony De Mello-Thức Tỉnh) như: khả năng chuyên môn, tài khéo về những lĩnh vực khác nhau. Ta bằng lòng và trân quý những nén bạc Chúa trao, bình an đón nhận và từng giây phút gắn bó với Chúa, cùng với Chúa để sinh lợi cho Chúa qua những nén bạc ấy. Từ đó làm cho đời sống của ta có được sự bình tâm, không nghiêng chiều về bất cứ điều gì “đến nỗi chúng ta không ước muốn sức khỏe hơn bệnh tật, giàu sang hơn nghèo khổ, danh vọng hơn nhục nhã; cũng không ước muốn sống thọ hơn chết trẻ và tương tự thế đối với mọi sự khác, nhưng chỉ ước muốn và lựa chọn điều gì dẫn đưa chúng ta hơn tới cùng đích.” (Thánh I-nhã, Linh Thao số 23). Và như thế đời sống chúng ta càng trở nên phong phú - giàu có và ý nghĩa hơn.
  3. Sự thật: sự giàu có ta thủ đắc được khi sống cái nghèo hiện hữu đó còn là sự thật. Sự thật ấy chính là ‘tìm thấy chính mình’. Khi ta ý thức rõ về con người của mình với tất cả những giới hạn, về những gì ta có, ta là, về một thực tại ta chỉ là một thụ tạo trong lòng bàn tay Chúa, mà thụ tạo có nghĩa là chẳng có gì, tất cả những gì mình có cũng là nhờ Tạo Hoá ban cho. Sự hiện hữu của ta là một sự “vay mượn, nhờ lòng thương xót và trắc ẩn của Thiên Chúa”(Pr Lê Hoàng Nam SJ - Ý Nghĩa Của Sự Khó Nghèo Trong Đời Tu). Từ đó, ta sẽ sống thành thật, không mang mặt nạ để khiến người khác không ảo tưởng, hay hiểu tốt một cách không đúng về mình, và ta sẽ không cho rằng mình thuộc một tầng lớp cao hơn những người khác.
Thật vậy, nếu ta thủ đắc được những điểm trên thì ta đang thật sự giàu có. Nhưng sự giàu có không chỉ dừng lại ở những hoa trái trên, mà điều quan trọng hơn, cao quý hơn ta chiếm hữu được, khi ta chấp nhận sống như Đức Giêsu: xóa mình đi, để chỉ còn lại Cha và Thánh ý Cha. Chúng ta cũng vậy, khi sống cái nghèo hiện hữu với một sự khiêm hạ thẳm sâu, hủy mình đi, để tất cả trong ta trở nên trống rỗng, trở nên trong sạch, và khi đó ta chiếm hữu được kho tàng vô giá chính là Đức Giêsu Chịu Đóng Đinh - Đấng mà ta đã nguyện chọn làm đối tượng duy nhất cho cuộc đời mình. Khi ta chiếm được rồi, ta sẽ được cùng với Chúa hưởng một sự giàu có viên mãn với Chúa, không chỉ đời sau mà ngay ở đời này, đó là những tâm hồn được hoán cải, những thành quả mà ta đã khổ công cầu nguyện, tìm kiếm bằng mọi phương thế qua chính Linh đạo, Đặc sủng của Dòng mình.  
Đời sống thánh hiến hôm nay, hơn bao giờ hết, chúng ta đang đứng trước một bối cảnh xã hội đặt nặng vấn đề hưởng thụ, thèm khát chiếm hữu mọi sự để được thoả mãn. Nhiều cộng đoàn dòng tu hôm nay nói chung, cách riêng mỗi người tu sĩ không còn quá thiếu vật chất, có khi còn khá dư giả, nhưng lại quá nghèo đói một điều, đó là đói Chúa.
Nhìn lại đức nghèo khó thánh hiến, chúng ta tự vấn lòng mình để nhận ra mình đã thật sự “chạm” tới sự giàu có khi ta sống triệt để ý nghĩa của lời khấn khó nghèo? Chúng ta đã thật sự cảm nếm được niềm vui – niềm hạnh phúc khi ta dám sống cái nghèo sở hữu và cái nghèo hiện hữu như Chúa Giêsu?
Lạy Chúa, Chúa đã tự ý trở nên nghèo khó vì chúng con. Chúa đã lấy cái nghèo của mình mà làm cho chúng con được giàu có. Xin cho mỗi chúng con trong mọi hoàn cảnh luôn nhận ra giá trị cao quý của đức nghèo khó thánh hiến, và luôn nhớ rằng, nghèo khó là điều kiện không thể thiếu trên hành trình theo Chúa. Và chỉ khi nào chúng con dám khước từ tất cả như lời thánh Phaolô quả quyết “Vì Người tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác rến để được Đức Kitô”(Pl 3,8) thì chúng con mới thực sự cảm nếm được sự giàu có qua lời khấn Khó Nghèo. Amen.
Ban Huấn Luyện
Thông tin khác:
Phút Tạ Ơn (1) (31/12/2020)
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log