Thứ tư, 24/04/2024

Tĩnh Tâm Tháng 02.2021: Sứ Vụ Duy Nhất Của Chúng Ta Trong Đức Kitô

Cập nhật lúc 09:05 25/01/2021


SỨ VỤ DUY NHẤT CỦA CHÚNG TA TRONG ĐỨC KITÔ

 (Tông huấn Ơn gọi nên thánh số 19)
  1. Sứ vụ của người Kitô hữu là “ở trong Đức Kitô”
Trong bất cứ môi trường nào, khi nói tới sứ vụ, ngay lập tức sẽ nảy lên trong đầu chúng ta một loạt những công việc phải làm khi đi mục vụ hay những công việc phải hoàn thành trong gia đình, trong giáo xứ và trong các cộng đoàn Dòng tu, mà ít ai nghĩ đến việc “sống trong Đức Kitô chính là một sứ vụ”. Là Kitô hữu, hễ nghĩ đến sứ vụ của mình, ta phải thấy ngay “sứ vụ” ấy là một nẻo đường để nên thánh, vì đó là ý muốn Thiên Chúa (1 Tx 4,3).
Trong Tông huấn “Ơn gọi nên thánh”, ĐTC nói: Cuộc sống không có sứ vụ mà là một sứ vụ. Các con cần nhìn toàn bộ cuộc đời các con là một sứ vụ. Hãy cố gắng nhìn như thế bằng cách lắng nghe Thiên Chúa trong cầu nguyện và nhận ra những dấu chỉ, những lời mời gọi mà Ngài đang khơi lên trong các con. Vì thế mọi quyết định trong đời, các con hãy hỏi Thần Khí xem Chúa Giêsu đang chờ mong gì nơi các con. Hãy để cho Thần Khí rèn đúc nơi các con mầu nhiệm cuộc đời của các con, một mầu nhiệm có thể phản ánh Đức Giêsu Kitô cho thế giới hôm nay (x.số 23). Hãy để cho Thiên Chúa biến đổi các con. Hãy để cho Thần Khí canh tân các con. Hãy để cho điều ấy xảy ra nơi các con, nếu không các con sẽ thất bại trong sứ vụ cao cả ấy. Thiên Chúa sẽ đem sứ vụ ấy tới chỗ thành toàn, bất kể những khiếm khuyết và vấp ngã của các con, miễn là các con không rời bỏ con đường tình yêu ấy, nhưng luôn mở ra cho ân sủng siêu nhiên, ân sủng luôn thanh luyện và soi sáng của Ngài (x.số 24).
  1. Những hoạt động luôn thánh hóa
Chúng ta sẽ không hiểu được Đức Kitô nếu không dấn mình vào việc xây dựng Nước Thiên Chúa. Sẽ không lành mạnh khi yêu mến sự cô tịch mà lại trốn tránh việc tiếp xúc và phục vụ tha nhân. Bên cạnh đó ĐTC vạch ra một vài những cạm bẫy: Bất cứ việc gì ta làm vì lo âu, kiêu hãnh hay vì nhu cầu muốn gây ấn tượng trên người khác đều không đưa tới sự thánh thiện. Ở đây ta bị thách thức là mọi việc dấn thân của ta đều phải rập khuôn theo tinh thần Tin Mừng và được đồng hóa với tinh thần của Đức Kitô (số 28). Tiếp theo ĐTC nói: cuộc sống của chúng ta đang thiếu đi một sự tĩnh mịch cần thiết. Sự hiện diện của các đồ đạc, các vật dụng, những công việc, những chương trình, những tư tưởng, dự phóng… cứ tràn ngập và lúc nào cũng chất ngất nơi cuộc đời, nơi tâm trí, nơi cõi lòng chúng ta, khiến chúng ta không có chỗ để nghe tiếng Thiên Chúa, để khám phá lại ý nghĩa cuộc đời. Cần thiết phải tranh đấu làm ngưng lại tất cả những thứ đó để phục hội lại không gian tĩnh mịch cần thiết của bản thân. Tìm lại không gian ấy sẽ khiến ta đau đớn nhưng là điều kiện để sinh hoa trái (x.số 29). Lời cảnh báo tiếp theo của ĐTC: chúng ta có khuynh hướng tuyệt đối hóa các giờ rảnh rỗi đến độ ta có thể hiến mình hoàn toàn cho những thú vui tiêu khiển trên các trang mạng và các phương tiện, cho những chương trình giải trí vô bổ, những niềm vui tạm bợ chóng qua…kết quả ta dễ bực bội với sứ vụ, chểnh mảng với việc dấn thân, mất đi sự kiên nhẫn với tha nhân, mất đi lòng quảng đại, sự nhiệt huyết và tình yêu của thuở ban đầu, tinh thần suy thoái đến mức hủy hoại hoàn toàn kinh nghiệm thần linh của chúng ta (x.số 30).  Bởi thế cần một tinh thần thánh thiện có khả năng lấp đầy cả sự cô tịch lẫn việc phục vụ của ta, lấp đầy cả đời tư lẫn những nỗ lực loan Tin mừng của ta, để mỗi giây phút đều có thể là một biểu hiện của TÌNH YÊU TỰ HIẾN trong mắt Chúa. Có thế, mỗi giây phút đời ta mới có thể là một bước trên nẻo đường dẫn đến sự trưởng thành về thánh thiện (x.số 31).
  1. Ở trong Đức Kitô nghĩa là sống động hơn, nhân bản hơn
Những lời mời gọi đầy sự khích lệ của ĐTC cho chúng ta: Đừng sợ sự thánh thiện. Đừng sợ lời mời gọi. Đừng sợ sự đáp trả. Đừng sợ khó nhọc. Đừng sợ vươn cao lên… vì sự thánh thiện sẽ không lấy mất chút năng lượng, sức sống hay niềm vui nào của các con. Trái lại, các con sẽ trở thành điều Thiên Chúa Cha muốn khi tạo dựng nên các con và nhờ đó các con mới trung thành với chính con người sâu thẳm nhất của mình. Sự lệ thuộc vào Thiên Chúa sẽ giải thoát chúng ta khỏi mọi hình thức nô lệ và đưa chúng ta đến chỗ nhận ra phẩm giá cao quý của mình (x.số 32). Càng lớn lên trong sự thánh thiện, chúng ta càng mang lại hoa trái cho thế giới.
Đừng sợ nhìn lên cao hơn, hãy cho phép mình được Thiên Chúa yêu thương và giải phóng. Đừng sợ để cho mình được Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Sự thánh thiện sẽ không khiến chúng ta trở thành kém chất người đi, vì nó là một cuộc gặp gỡ giữa sự yếu đuối của các con và quyền năng của ân sủng Thiên Chúa. Cuối cùng, như Léon Bloy đã nói, “trên đời chỉ có một bi kịch lớn nhất, ấy là không trở thành một vị thánh” (x.số 34).
Bởi thế ta chỉ có thể hiểu được trọn vẹn ý nghĩa sứ vụ cao cả ấy nơi Đức Kitô và nhờ Đức Kitô. Vì tự cốt lõi, thánh thiện chính là sống những mầu nhiệm của cuộc đời Đức Kitô, trong sự kết hợp với Ngài. Vì thế sứ vụ đầu tiên và trước hết đòi buộc ta kinh nghiệm về một sự hiệp thông sâu xa với Đức Kitô và về các mầu nhiệm cuộc đời của Ngài. Kinh nghiệm về đời sống ẩn dật củ Đức Giêsu, về đời sống cộng đoàn, đời sống sứ vụ, sự gần gũi với mọi người, đặc biệt những người bị ruồng bỏ, thái độ của Ngài khi đối diện với những khó khăn thử thách, cách Ngài bày tỏ tình yêu tự hiến trên Thập giá…Và khi chiêm ngưỡng các mầu nhiệm ấy sẽ luôn đưa dẫn ta tới chỗ để cho những tâm tình và thái độ của Chúa thấm vào và trở thành những chọn lựa -thái độ sống của ta. 
Ban Huấn Luyện
Thông tin khác:
Tĩnh Tâm Tháng 3 (02/07/2018)
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log