Thứ sáu, 29/03/2024

Tĩnh Tâm Tháng 07.2021: Đời Sống Cầu Nguyện

Cập nhật lúc 08:33 28/06/2021
 
 
ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN

“Trước khi gieo vãi hạt giống Phúc Âm, hãy dùng lời cầu nguyện làm cho mưa móc sa xuống trên cánh đồng” (ĐC Lambert Ts.31)
Cầu nguyện là đáp trả một sự thúc bách từ bên trong, là cuộc gặp gỡ thân tình với Thiên Chúa, là hơi thở, quà tặng của Thiên Chúa ban cho con người. Chính Thiên Chúa đang khao khát và tìm đến gặp gỡ, ngỏ lời trước với con người (Ga 4,7). Đồng thời, Ngài khơi dậy nơi lòng mỗi người nỗi khát khao sâu thẳm, giúp con người khám phá ra Ngài là Đấng duy nhất có thể lấp đầy nỗi khát khao đó (x.Ga 4,10). Do đó, khi cầu nguyện, Chúa mong con người đến với Ngài bằng tất cả con người mình: tâm tình, tư tưởng, thái độ, lời nói, cử chỉ… đặc biệt là tấm lòng, nơi sâu kín nhất để gặp gỡ Chúa. Thiếu tấm lòng thì mọi hình thức và phương cách cầu nguyện đều vô ích. Vì cầu nguyện đưa con người đi vào tương quan hiệp thông huyền nhiệm với Thiên Chúa Ba Ngôi, một tương quan giao ước yêu thương với Chúa Cha, nhờ Chúa Con, bởi Chúa Thánh Thần.

1. Đức Giêsu, mẫu gương đời sống cầu nguyện
Kinh thánh cho ta thấy cuộc đời Đức Giêsu là một cuộc đời cầu nguyện. Mọi biến cố trong cuộc đời Ngài đều thân thưa với Cha trong cầu nguyện.
  • Biến cố năm 12 tuổi, Đức Giêsu đã bộc lộ việc cầu nguyện bằng tâm tình hiếu thảo với Chúa Cha (Lc 2,49).
  • Khi bắt đầu sứ vụ công khai, Ngài ăn chay - cầu nguyện cùng Cha suốt 40 đêm ngày trong sa mạc (Mc 1,11-12)
  • Ngài cầu nguyện với tâm tình ngợi khen Cha trong những phút giây đón nhận hồng ân: Con ngợi khen Cha vì Cha mạc khải cho người bé mọn (Mt 11,35-39) của Người luôn là tâm tình chúc tụng, ngợi khen, tạ ơn Cha trong tình yêu và hiệp thông sâu xa với Cha Ngài. 
  • Ngài cầu nguyện khẩn thiết với Cha trước các thời khắc quyết định: chọn nhóm 12 (Lc 6,12-16); cầu nguyện suốt đêm trong vườn cây Dầu để xin Cha nâng đỡ, ban sức mạnh can đảm bước vào cuộc khổ nạn….   
Kinh Thánh cho ta biết tâm tình cầu nguyện của Đức Giêsu với Cha
  • Lời nguyện nài xin Chúa Cha gìn giữ các môn đệ: “Lạy Cha Chí Thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong Danh Cha” (Ga 17,11),
  • Lời cầu nguyện xin được dâng hiến chính mình vì yêu nhân loại: “Vì họ Con xin Thánh Hiến chính mình Con”
  • Lời cầu nguyện xin tha thứ cho người gây đau khổ - và giết hại mình: Lạy Cha xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm (Lc 23,34).
  • Lời cầu nguyện phó thác trọn vẹn nơi Cha: Lạy Cha con, xin phó thác hồn con trong tay Cha.
2. Đức Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện
  • Cầu nguyện với sự cởi mở tâm hồn: Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta điều quan trọng cần có là  thái độ cởi mở tâm hồn cách chân thành và nói với Ngài ý hướng rõ ràng của ta.
  • Cầu nguyện với tâm tình hoán cải, nghĩa là sẵn sàng làm hòa, tha thứ cho kẻ thù, ngay cả những kẻ bách hại mình (x. Mt 5,23). Cầu nguyện phải phát xuất từ đáy lòng, với tâm hồn chân thật và tha thiết tìm kiếm Chúa. Lời cầu nguyện không dừng lại ở miệng lưỡi: “Lạy Chúa, lạy Chúa” nhưng là sẵn sàng thi hành thánh ý Cha (Mt 7,21), biết cảnh giác mình trước những cám dỗ để luôn qui hướng về Chúa trong mọi sự. 
  • Cầu nguyện với sự kiên trì nhẫn nại:  Người góa phụ quấy rầy (Lc 18,1-8), lời mời gọi kiên trì trong đức tin không mệt mỏi, và đừng bao giờ nản chí trước mọi tình thế. Thiên Chúa không bao giờ muốn trì hoãn hay đòi ta phải van lơn như một kẻ ăn mày, nhưng Ngài là Cha hết lòng yêu thương con cái, và luôn có một dự định rất tuyệt vời cho cuộc đời mỗi người chúng ta. Tâm ý cầu nguyện lớn lao nhất của đời ta là “ý Cha được nên trọn” trong cuộc đời mình, chứ không dừng lại ở những thỏa mãn riêng tư và nhỏ nhoi trong cuộc đời này.
  • Cầu nguyện với lòng tin tưởng vào Cha tốt lành: Người bạn quấy rầy (Lc 11,5-13) cho thấy Thiên Chúa không thể không ban ơn cho những ai thành tâm và tha thiết kêu cầu Ngài.“Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?" (Lc 11,13). Nếu ta không nhận được điều mình xin, không phải vì Chúa không sẵn lòng ban ơn, nhưng Ngài ban theo cách thức của Ngài hơn là theo dự định của ta, Ngài biết rõ ta muốn gì? Cần gì? Như trong Tv 138,4 đã nói: “Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời, thì lạy Chúa Ngài đã am tường hết”, Ngài bao bọc, gìn giữ, chở che, Ngài thấu hiểu tất cả những khao khát ước mong tâm tư của con người. vì thế, điều quan trọng là thái độ của tôi như thế nào trước mặt Chúa?
  • Cầu nguyện với sự khiêm nhường: Người biệt phái và người thu thuế ( (Lc18,9-14). Khiêm nhường chính là chìa khóa để mở ra cho ta đi vào trong tương quan với Thiên Chúa, chỉ khi tôi biết khiêm nhường cúi xuống, tôi mới nhận ra tôi là ai? Và tôi như thế nào? Đặc biệt trong cầu nguyện, tôi có khao khát kiếm tìm Chúa để đón nhận được tình yêu và ơn tha thứ không? vì thế, Chúa luôn muốn ta phải khiêm nhường thật lòng khi cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. 
3. Cầu nguyện trong đời sống thánh hiến
Người sống Đời Thánh hiến phải được chìm sâu trong cầu nguyện. Vì “cầu nguyện làm cho trái tim chúng ta lớn lên cho đến lúc nó có thể chứa đựng được cả chính Thiên Chúa” (thánh Têrêsa Calculta).  Cầu nguyện là chúng ta sống những giây phút bên Chúa, đi sâu vào trong tương quan với Thiên Chúa. Những giây phút kỳ diệu ấy cho chúng ta cảm nhận sự nâng đỡ, ủi an, và được tăng thêm nghị lực khi ta chán nản, buồn sầu vì bất cứ chuyện gì trong cuộc sống. Chúa luôn hiện diện, đồng hành trong đời ta, và chính chúng ta cũng đang hiện diện trong Chúa.  
Cầu nguyện phải là hơi thở trong đời sống thánh hiến. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nói: “Không cầu nguyện, đời tu không có ý nghĩa và không thể đạt được mục đích của mình.” Chính vì thế, Đức Giêsu mời gọi chúng ta cầu nguyện không nản chí: “Người kể cho các môn đệ dụ ngôn để các ông phải cầu nguyện liên không nản chí (Lc 18,1).  Như vậy, đời sống thánh hiến thực sự chỉ có ý nghĩa khi được gắn liền với đời sống cầu nguyện. Điều này cũng nói lên căn tính của đời tu: đời tu là đời cầu nguyện (GL 607).
Như thế, đời sống cầu nguyện phải trở nên căn cước của người tu sĩ, nghĩa là việc cầu nguyện được gọi là nghề của người tu sĩ, đó là nét nổi bật của đời sống tu trì. Người tu sĩ được mời gọi dấn thân bước theo sát Chúa Kitô không phải để trở nên những chuyên viên hay những kĩ thuật viên của xã hội, nhưng trở nên chuyên viên về cầu nguyện. Họ là những người biết dìm đời sống của mình trong Đức Kitô. Sống đời Thánh hiến là tìm kiếm và yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự. Vì thế, Hiến Chương Hội Dòng điều 55 viết: Đời sống cầu nguyện giữ vị trí cao nhất trong Hiến Chương cũng như trong đời sống mỗi chị em Mến Thánh Giá”, đời sống cầu nguyện chi phối toàn bộ đời sống của người tu sĩ, đòi buộc mỗi người phải ý thức sống gắn bó với Chúa hơn nữa trong đời sống cầu nguyện và kết hợp với Chúa trong công việc.
Đức Cha Lambert cũng là mẫu gương về đời sống cầu nguyện để chúng ta noi theo. Ngài yêu mến đời sống cầu nguyện, dành nhiều giờ để cầu nguyện lắng nghe Thần khí hướng dẫn. Những trang nhật ký thiêng liêng và những bút tích mà Ngài đã để lại cho thấy Ngài luôn dành thời giờ để kết hợp với Chúa. Đặc biệt, Đức Cha luôn để Thiên Chúa làm chủ đời sống nội tâm của mình, Ngài hoàn toàn buông mình để Thiên Chúa hướng dẫn, Ngài đã sống kinh nghiệm sâu xa của thánh Phaolô khi xác tín Chúa Kitô muốn mượn thân xác của mình để tiếp nối những hi sinh lao nhọc của Chúa:“Tôi hoàn tất nơi thân xác tôi những gì còn thiếu trong các nỗi gian truân Đức Kitô phải chịu cho Thân mình Người là Hội Thánh” (Cl 1,24) (Di Cảo số 4 Bài tự sự).
Ý thức tầm quan trọng của đời sống cầu nguyện như nhịp thở ra - hít vào, nuôi dưỡng đời sống tâm linh, mỗi người được mời gọi xét lại sự trung tín của mình với việc cầu nguyện chung và riêng. Và đời sống cầu nguyện có ảnh hưởng thế nào trong sự hiện hữu của mình.
Ban Huấn Luyện
Thông tin khác:
Phút Tạ Ơn (1) (31/12/2020)
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log