Thứ sáu, 26/04/2024

Tĩnh Tâm Tháng 08.2021: Tâm Hồn Thanh Sạch Theo Mối Phúc Và Đức Khiết Tịnh Thánh Hiến

Cập nhật lúc 16:30 27/07/2021



TÂM HỒN THANH SẠCH THEO MỐI PHÚC

 ĐỨC KHIẾT TỊNH THÁNH HIẾN
 
 “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8)
 
Không có niềm hạnh phúc nào lớn hơn niềm hạnh phúc được chiêm ngưỡng Thiên Chúa. Đó là lý do người ta gọi là thị kiến diễm phúc và là hồng ân cuối cùng mà Thiên Chúa ban thưởng cho những người có tâm hồn trong sạch: “Phúc thay ai có TÂM HỒN TRONG SẠCH, vì họ sẽ được NHÌN THẤY THIÊN CHÚA” (Mt 5,8). Dịp tĩnh tâm tháng 8, chúng ta suy ngẫm về một “tâm hồn thanh sạch” và Đức khiết tịnh thánh hiến.
1. Tâm hồn thanh sạch theo mối phúc
Hai chữ “thanh sạch” ở đây không hiểu theo nghĩa hẹp như việc giữ phép vệ sinh nơi thân xác, kiểu mỗi buổi sáng khi thức dậy lấy nước đánh răng, rửa mặt hay tắm giặt hằng ngày, cũng không hiểu theo nghĩa rộng, nói về tình trạng tâm hồn không vướng mắc tội lỗi. Vậy “người có tâm hồn thanh sạch” nghĩa là gì? Trong buổi chia sẻ giáo lý về Tám Mối Phúc ngày 01.04.2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã giải nghĩa như sau:
Người có tâm hồn thanh sạch là sống sự hiện diện của Thiên Chúa, gìn giữ trong tâm hồn mình điều xứng đáng với tương quan với Ngài, chỉ như thế họ mới có một cuộc sống hiệp nhất, nhất quán, không quanh co dối trá, nhưng đơn giản.
Tâm hồn thanh sạch là quá trình giải phóng và từ bỏ. Người có tâm hồn thanh sạch không phải sinh ra đã được như vậy, nhưng họ đã trải qua một sự đơn giản hóa nội tâm khi học cách chối từ sự ác trong chính mình, điều mà Kinh thánh gọi là cắt bì tâm hồn (x. Đnl 10,16; 30,6; Ed 44,9; Gr 4,4). Cắt bì nội tâm có nghĩa là nhìn nhận rằng có một phần của tâm hồn mình chịu ảnh hưởng của sự ác, nhìn nhận cái phần xấu, phần bị che mờ bởi sự ác, để biết học nghệ thuật để cho mình luôn được dạy dỗ và hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần. Hành trình từ trái tim bệnh tật tội lỗi, từ tâm hồn không thể nhìn thấy điều thiện vì bị che chắn bởi tội lỗi, đến một trái tim tràn đầy ánh sáng là hoạt động của Chúa Thánh Thần. Chính Ngài hướng dẫn chúng ta đi qua hành trình thanh luyện này. Qua hành trình này của trái tim cho chúng ta sẽ “nhìn thấy Thiên Chúa”.
Ai trong sạch nơi tâm hồn sẽ nhìn thấy Thiên Chúa trong cõi vĩnh hằng. Nhưng ngay cả bây giờ, trong cuộc sống này, họ vẫn có khả năng nhìn thấy Thiên Chúa hành động. Một tâm hồn thanh sạch sẽ nhìn thấy Thiên Chúa, là nhìn ra kế hoạch của Chúa nơi những điều xảy ra trong cuộc sống đời rất đặc biệt của mình, nhìn ra sự hiện diện của Chúa nơi các Bí tích, sự hiện diện của Ngài nơi anh chị em mà ta gặp gỡ thường ngày, nơi người nghèo khổ… nơi tất cả vạn vật…
Và Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận, một tâm hồn thanh sạch làm chúng ta có khả năng lắng nghe khát mong điều thiện đang hiện diện trong chúng ta, và ý thức về việc sống với lòng bao dung thương xót, một hành trình giải thoát bắt đầu được kéo dài trong suốt cuộc đời và dẫn đến tận Thiên đàng.
 
2. Đức khiết tịnh thánh hiến
Đức Khiết tịnh thánh hiến, biểu lộ một con tim không chia sẻ dâng hiến cho Thiên Chúa (x. 1Cr 7,32-34), là phản ảnh của tình yêu vô biên đang nối kết Ba Ngôi Vị Thần Linh trong chiều sâu nhiệm mầu của đời sống Ba Ngôi (VC, số 21), một tình yêu mà Ngôi Lời nhập thể làm chứng đến nỗi hy sinh mạng sống; tình yêu “đã được đổ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần” (Rm 5,5), tình yêu thúc bách người tu sĩ đáp trả với trọn tình thương dành cho Thiên Chúa và anh em. Như thế, một tâm hồn thanh sạch toàn vẹn nơi người Kitô hữu đạt tới độ cao nhất khi họ cam kết dấn thân sống Đức Khiết tịnh bằng lời khấn dòng, họ muốn  bước theo Đức Kitô như gương mẫu của người có tâm hồn thanh sạch – thanh khiết, sống mầu nhiệm “tự hủy” một cách tuyệt hảo để hiến dâng trọn cho Thiên Chúa Cha và yêu thương đồng loại.
Theo Đức cha Lambert, đức Khiết tịnh thánh hiến không chỉ mời gọi người tu sĩ giải phóng mọi đam mê xác thịt, nhưng đòi buộc người tu sĩ “khước từ trọn vẹn mọi khoái cảm cố ý tìm kiếm nơi bất cứ tạo vật nào, ngay cả khoái cảm – niềm vui có thể nhận được do những ân huệ trên trời. Như thế, một tâm hồn khiết tịnh không tìm kiếm chính mình, nhưng chỉ tìm thực hiện ý Chúa (x. Hc điều 13).
Để sống trọn vẹn Đức khiết tịnh thánh hiến, trung tín dành trọn tình yêu cho Thiên Chúa và đạt tới Đức Ái hoàn hảo trong phận người yếu hèn, không phải là điều luôn dễ dàng. Người tu sĩ thánh hiến cho Thiên Chúa với trọn vẹn con người tự nhiên, những khuynh hướng thúc đẩy theo bản năng còn nguyên đó. Qua lời khấn khiết tịnh, chúng ta khước từ sống theo bản năng ấy. Vì thế, sự từ bỏ này nhiều khi mang đến cho chúng ta một cảm giác cô đơn và trống rỗng.
Sự ray rứt cô đơn, hay sự “trống rỗng” nội tâm được coi như nét đặc trưng của sự khước từ những đói khát tình yêu tự nhiên không được thỏa mãn… Sự  “trống rỗng” này chỉ có thể  được lấp đầy bằng đời sống gắn kết liên lỉ với Thiên Chúa. Sự ray rứt cô đơn được xoa dịu bằng tình yêu nồng nàn dành cho Đức Kitô và sự dấn thân phục vụ tha nhân.
Xin mượn “Lời kinh chiều Chúa Nhật” của Michel Quoist như lời kết gợi suy tư (trích đoạn):
“Lạy Chúa, con đã 35 tuổi, với một thân thể như bao nhiêu người, với đôi tay còn khỏe để lao động, một con tim luôn sẵn để yêu thương, thế mà con đã hiến dâng.
Đã dâng Chúa tất cả, nhưng rất cam go, lạy Chúa. Cam go khi dâng thân xác mình, thân xác cũng muốn trao dâng cho người khác. Cam go khi yêu cả thế gian mà chẳng giữ ai lại cho riêng mình. Cam go khi siết chặt một bàn tay mà chẳng được giữ lại… Cam go khi phải sống một mình…
Này con, con đâu có một mình, Ta vẫn ở với con, và con cũng chính là Ta. Ta cần nhiều người nữa để tiếp tục cuộc nhập thể của và cứu độ. Từ ngàn đời, Ta đã chọn con, đã cần con.
Ban Huấn Luyện
Thông tin khác:
Phút Tạ Ơn (1) (31/12/2020)
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log