Chúa nhật, 28/04/2024

Ngày 12.08: Thánh Giacôbê Đỗ Mai Năm , Linh Mục (1781-1838)

Cập nhật lúc 09:13 11/08/2020

Thánh Giacôbô Đỗ Mai Năm, tên trong sổ là Mai Ngũ, sinh năm 1781 tại làng Đông Biên, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, dưới đời Tây Sơn.

Vì có lòng yêu mến việc nhà Chúa và rất thích đi tu nên ngay từ nhỏ cha mẹ đã gửi Ngài vào Nhà Đức Chúa Trời để tập tu và học kinh sách. Sau đó, Ngài được bề trên gửi vào Chủng Viện Kẻ Vĩnh để học La tinh. Khi mãn trường la tinh Ngài được lệnh ở lại giúp Chủng viện. Nhờ tính tính vui vẻ, cởi mở và dễ dàng hoà đồng với mọi lớp tuổi cho nên Ngài được các chủng sinh quí mến, dễ dàng bày tỏ tâm sự và xin Ngài giúp đỡ, hướng dẫn về tinh thần. Ngoài việc giúp Chủng viện, Ngài còn được Đức Cha sai đi giúp Bệnh viện Kẻ Vĩnh nữa. Ban ngày Ngài giúp các bệnh nhận với vai trò Tuyên Úy bệnh viện, tối đến Ngài lại đi dạy giáo lý cho thanh thiếu niên trong xứ đạo. Ở đâu và bất cứ công việc gì, Ngài đều tận tụy, làm việc hết mình, cho nên ở đâu Ngài cũng thành công một cách tốt đẹp.
Sau đó ít năm, bề trên lại gửi Ngài về học triết và thần học để chuẩn bị lãnh chức linh mục. Năm 1813, Đức Giám mục giáo phận quyết định sẽ truyền chức cho Ngài. Ngày lễ truyền chức được tổ chức long trọng tại nhà thờ chính tòa và Ngài đã được lãnh chức linh mục năm 32 tuổi. Giáo dân Kẻ Vĩnh tham dự thánh lễ truyền chức của Ngài rất đông. Mọi người đều hoan hỉ vui mừng vì thấy thầy Mai Năm đạo đức và tính tình lại rất dễ thương. Có người đi dự lễ trên đường về đã phát biểu:
- “Tôi dự lễ truyền chức linh mục của cha Giacôbê Đỗ Mai Năm, tôi thấy Ngài sốt sắng quá! Hai tay chắp trước ngực, trang nghiêm bước lên Cung Thánh trông thánh thiện quá! tôi cứ tưởng như là vị thánh sống vậy”.
Bà trùm Kính xen vào:
- “Thánh chứ còn gì! Ngài đạo đức lắm, chẳng ai theo kịp đâu! Một tuần Ngài ăn chay đánh tội 3 lần đấy. Ngài kính mến Đức Mẹ lắm. Ngài thường khuyên chúng tôi mỗi khi có sự gì vui buồn trong gia đình phải đến cầu nguyện với Đức Mẹ đấy”.
Sau ngày chịu chức, Đức Giám mục sai Ngài đi giúp các xứ đạo trong vùng. Vì lúc này cũng là lúc đạo Chúa đang bị cấm cách, tuy chưa tới thời gay gắt, Ngài thường linh động chỗ ở để không bị người lương dòm ngó. Tuy thời thế khó khăn như thế, nhưng công việc mục vụ của Ngài rất thành công. Từ tuổi già đến tuổi trẻ, thành phần nào cũng được Ngài lưu ý cách đặc biệt vì vậy mà thành phần tuổi tác nào cũng quí mến Ngài và tìm đến gặp Ngài mỗi khi có những khó khăn trong đời sống đức tin.
Sau cùng năm 1830, Đức Cha lại gọi Ngài về coi nhà chung Kẻ Vĩnh. Làm việc trong nhiệm vụ mới này được hơn hai năm thì vua Minh Mạng lại ra sắc chỉ cấm đạo khắt khe hơn. Các chủng viện phải đóng cửa, nhiều cơ sở Công giáo bị phá hủy, các vị Thừa Sai cũng như các linh mục đều được chỉ thị triều đình phải bắt cho bằng hết, phải tận diệt.
Trước tình thế vô cùng khó khăn và nguy hiểm này, Nhà Chung phải đóng cửa, cha Mai Năm cũng phải ẩn trốn. Ngài âm thầm đến nhà ông trùm Tôn thuộc họ Kẻ Nguội ẩn lánh tại đó chừng bốn năm. Khi thấy tình hình tạm lắng dịu, Ngài lại trở về Nhà Chung để dễ dàng làm việc mục vụ hơn. Nhưng cũng chỉ được một thời gian rất ngắn rồi lại phải vội vàng tìm đường ẩn lánh đi nơi khác.
Ông trùm Đích là người làng Kẻ Vĩnh, thấy cha phải trốn tránh khổ cực quá thì xin cha về ẩn tại nhà ông. Vì nhà ông có mảnh vườn rất rộng, khi cùng cực quá có thể ẩn lánh trong vườn nhà ông được. Ông tìm đến thưa với cha:
- “Thưa cha, xin cha tới ẩn lánh tại nhà con. Nhà con vừa kín đáo lại vừa rộng rãi. Nhất là có khu vườn cây rộng lắm”.
Cha Đỗ Mai Năm biết ông trùm Đích là người tốt lành lại rất ngoan đạo và là người có uy tín trong dân làng, nên cha nhận lời ngay. Cha hỏi lại:
“Nhưng có sợ phiền hà gì cho gia đình ông không?
Ông trùm Đích thẳng thắn trả lời:
- “Sao cha lại nói phiền hà? Gia đình con rất hạnh phúc được đón rước cha”
Thế là cha Đỗ Mai Năm đến ẩn lánh tại nhà ông trùm Đích. Dân làng rất xôn xao khi biết tin cha đã âm thầm đi ấn trốn. Không ai biết cha đi đâu nhưng lâu lâu lại thấy cha xuất hiện trong đêm tối để thăm viếng và ban các phép bí tích cho giáo dân mà thôi. Đang khi cha ấn lánh trong nhà ông trùm Đích thì có hai chàng thanh niên tên là Tỷ quê ở Đông Mạc và tên Xuân quê ở Tiểu Tức Mạc, huyện Mỹ Lộc được các quan tỉnh Nam Định sai đi thăm dò các nơi có đạo trưởng ẩn trú. Hai chàng thanh niên này đến làng Kẻ Vĩnh, dò hỏi biết ông trùm Đích làm trùm xứ Kẻ Vĩnh, lại giầu có nên hai anh này đã đến xin làm thuê cho gia đình ông trùm Đích. Ông trùm Đích không biết là những tên do thám nên đã mượn hai anh này làm việc trong nhà. Dân làng cũng không ai nghĩ hai anh này là những tên dò thám do các quan tỉnh Nam Định gửi về. Hai anh này làm việc cho ông trùm Đích được một thời gian rồi xin nghỉ việc. Hai tên này đã biết chắc chắn cha Đỗ Mai Năm đang ở trong nhà ông trùm Đích, hai anh này liền đi tố cáo với quan Tổng đốc Trịnh Quang Khanh, được báo cáo rành mạch chi tiết, quan Tổng đốc liền ra lệnh đem hai đạo quân: một đạo quân đi theo đường bộ và một đạo quân đi theo đường thủy do chính ông chỉ huy, kéo về vây làng Kẻ Vĩnh.
Sáng ngày mồng 3 tháng 7 lúc mặt trời chưa rạng đông thì quan quân đã vây bốn mặt làng Kẻ Vĩnh. Quan tổng đốc đi đường thủy, tới nơi vào ngôi đình làng, kêu lý trưởng trong làng ra hầu quan. Lý trưởng làng  Kẻ Vĩnh khi ấy là ông Nguyễn Huy Mỹ, con rể ông trùm Đích. Khi ông lý Mỹ ra đình gặp quan thì quan ra lệnh kêu gọi mọi người từ 18 tuổi trở lên phải ra trình diện tại đình làng. Quan tổng đốc còn bắt ông lý Mỹ phải làm tờ cam kết phải bắt tất cả các đạo trưởng. Trong khi đó thì hai tên Tỷ và Xuân hướng dẫn đoàn quan hùng hậu tới thẳng vây bắt tại nhà ông trùm Đích. Lúc biết tin quan quân đến vây làng thì cha Đỗ Mai Năm định thắt lưng, xắn quần xắn áo đi trà trộn vào với đám dân đi làm cơm cho quan quân ăn. Nhưng cha chưa kịp đi thì lính đã xông tới vây kín cả nhà. Một toán khác vào thấy cha, họ hỏi:
- “Ông có phải là đạo trưởng không”
Ngài trả lời:
- “Phải, tôi là người nhà này”
Bấy giờ hai tên chỉ điểm là Tỷ và Xuân la lên:
- “Ông ấy là đạo trưởng Năm. Chính cụ đang ở trong nhà này.
Ngài điềm đạm trả lời:
- “Phải, tôi là cụ ở đây!”
Ngài vừa nói xong thì đoàn lính xông vào bắt trói cha và ông trùm Đích giải ra đình làng nộp cho quan đang ngồi chờ đợi ở đó. Ra tới đình làng, trước mặt quan cha cũng tự xưng mình là đạo trưởng. Quan vui vẻ nói với cha:
- “Đức vua đã nghiêm cấm đạo Gia Tô, sao ông không trở về nhà lo làm ăn, mà còn ngoan cố đi loan truyền thứ đạo rối ấy nữa? Bây giờ ông có bỏ đạo ấy không?
Ngài rất tin tưởng trả lời:
- “Bẩm quan lớn, không bao giờ chúng tôi bỏ đạo.”
Quan hỏi sơ qua mấy điều rồi truyền lệnh đóng gông cha Giacôbô Đỗ Mai Năm, ông trùm Antôn Nguyễn Đích và ông Micae Nguyễn Huy Mỹ, lý trưởng làng Kẻ Vĩnh rồi đưa xuống thuyền giải về tỉnh Nam Định.
Về tới Nam Định, cha Đỗ Mai Năm phải tống giam vào ngục ngay. Sáng hôm sau quan gọi ra hầu toà. Quan tra khảo, cho đánh đập rồi bắt cha bước qua Thánh Giá. Quan trịnh trọng hỏi cha:
- “Ông sẽ phải đánh đập đau đớn hơn nữa. Vậy bây giờ ông có sẵn lòng bỏ đạo chưa?
Ngài đáp lại:
- “Thưa quan lớn, tôi là đạo trưởng mà tôi bỏ đạo hay bước lên ảnh tượng Chúa tôi sao được. Tôi vẫn khuyên người ta phải vững lòng giữ đạo dù có phải chết, thì tôi phải giữ lời ấy, dù có phải chết”.
Quan tổng đốc nói:
- “Ông cứ nói giọng điệu này thì ông sẽ phải chết. ta thấy ông hiền lành ngay thẳng, nên ta khuyên ông nên nghe lời đức vua mà bỏ đạo, ta sẽ cho về.
Ngài  đáp lại:
- “Tôi đã bằng này tuổi đầu rồi, tôi không sợ chết. Quan tha thì tôi về mà quan không tha thì tôi sẵn lòng chịu chết vì đạo, vì Chúa tôi tôn thờ”.
Các quan thấy Ngài có tuổi, ăn nói lịch thiệp, hiền lành, ngay thẳng và ý chí cương quyết nhất định không thể nào khuyên dụ, hay thuyết phục Ngài được. Các quan cũng rất trọng nể Ngài nên không đánh đập tra khảo nữa và cũng để Ngài đi lại dễ dàng trong nhà tù. Được dịp tốt, Ngài lui tới khuyên bảo, khích lệ những người bị bắt vì đạo Chúa. Với những người không Công giáo thì Ngài an ủi, giảng dạy họ.
Riêng trường hợp ông trùm Đích vì tuổi đã cao, Ngài sợ ông trùm Đích chịu không nổi những hình khổ thì nản lòng trước những thử thách và đòn vọt, nên cha lại càng ở sát bên ông để cầu nguyện, khích lệ, Ngài thường nói với ông:
-“Với ơn Chúa giúp thì dầu hình khổ đau đớn mấy đi nữa chúng ta vẫn có thể chịu được, như thánh Laurensô bị nướng trên giường sắt, ba trẻ em đi trong lò lửa v.v. Chúng  ta hãy luôn tin cậy, kêu cầu Chúa giúp sức cho trong giai đoạn thử thách cực kỳ gay go này.”
Nhờ những lời khích lệ như thế mà ông trùm Đích tuy tuổi già nhưng vẫn luôn hăng hái can đảm trước mọi khổ nhục và vui mừng chấp nhận được chết vì Chúa cùng với cha Giacôbê Đỗ Mai Năm và người con rể là Micae Nguyễn Huy Mỹ. Trong thời gian bị giam chung hơn một tháng, các Ngài hằng ngày đọc kinh sáng tối chung với nhau to tiếng mà không bị ngăn cấm.
Biết không thể thuyết phục được các Ngài nên ngày 7 tháng 8 các quan bàn tính làm bản án xử trảm cho cả ba người gửi về kinh đô xin châu phê. Nhận được bản án, vua Minh Mạng chuẩn y ngay và ngày 11 tháng 8 quan tổng đốc tỉnh Nam Định Trịnh Quang Khanh nhận được án lệnh gửi về.
Sáng sớm ngày hôm sau, tức là ngày 12 tháng 8 hai quan giám sát cùng 200 lính cờ quạt, trống chiêng điệu ba tôi tớ anh dũng và trung thành của Chúa ra pháp trường Bảy Mẫu, Nam Định để hành quyết các Ngài. Ba vị tôi trung của Chúa, lòng hân hoan, chân bước đều đều, miệng ca hát chúc tụng Chúa, đoàn dân đông đảo lũ lượt theo sau. Người tin hữu thì thương khóc, vợ con gia đình ông trùm Đích và ông lý Mỹ thì nét mặt u buồn chậm chạp bước từng bước, hai hàng nước mắt chảy đầm đìa. Cha Đỗ Mai Năm tươi cười quay lại nói với những người quen biết:
- “Thôi nhé! Anh chị em đừng khóc nhưng hãy vui mừng vì chúng tôi sắp được lên Thiên Đàng với Chúa rồi. Anh chị em ở lại, vững lòng tin thờ Chúa nhé!”
Anh Định con trai cụ trùm Đích nói trong nghẹn ngào:
“Chúng con tạm biệt bố, anh Mỹ và cha. Khi lên Trời nhớ đến mẹ và chúng con”.
Ông trùm Đích nói:
Các con hãy chăm sóc mẹ chu dáo. An ủi mẹ. Bố sẽ xin Chúa phù hộ cách đặc biệt cho mẹ và các con.
Ông lý Mỹ định nói thì bọn lính đã đẩy các Ngài đi vào phía trong. Những người đi theo nói vọng vào:
- “Ba đấng này chết oan, chim này sẽ  đem đơn lên Trời để kiện các quan đã làm án xử ba đấng này”.
Tới nơi xử, bọn lý hình trói các đấng, mỗi đấng một cột rồi ba hồi chiêng trống nổi lên, âm u cả một bầu trời. Tiếng chiếng thứ ba thì lý hình vung cao gươm lên chém một nhát đứt cổ Ngài. Mọi sự xong xuôi, quan quân kéo nhau ra về, ông lý Thi xin phép nhận xác đặt vào ba quan tài rồi rước về Kẻ Vĩnh. Người dân làng Kẻ Vĩnh kéo nhau ra tỉnh tranh nhau khiêng xác ba đấng về làng. Về tới Kẻ Vĩnh thì trời đã tối nên dân làng phải đốt đèn, đốt đuốc lũ lượt ra đầu làng rước thi hài các đấng về làm lễ an táng ba đấng rất trọng thể. Cha Giacôbê Đỗ Mai Năm an táng đầu nhà thờ Kẻ Vĩnh, còn đầu của Ngài phải treo ở tỉnh ba ngày, sau xin đưa về Kẻ Vĩnh đặt trong cái vại an táng ở đầu quan tài của Ngài.
Ngài tử vì đạo ngày 12 tháng 8 năm 1838 khi Ngài vừa bước vào tuổi 57 và đã thi hành chức vụ linh mục đúng 25 năm.,
Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã tôn phong Ngài lên bậc Chân Phước ngày 27 tháng 5 năm 1900. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Ngài lên hàng Hiển Thánh Tử Đạo ngày 19 tháng 6 năm 1988.

Lm. Nguyễn Đức Việt Châu, SSS
tonggiaophanhanoi.org
Thông tin khác:
Thánh Gioan Vianne (03/08/2020)
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log