Thứ tư, 24/04/2024

Ngày 01.08: Thánh Đa Minh Nguyễn Văn Hạnh, Linh Mục (1772-1838)

Cập nhật lúc 15:00 31/07/2020

Thánh Đa Minh Nguyễn Văn Hạnh sinh năm 1772 tại làng Năng Á, tỉnh Nghệ An, nay thuộc giáo phận Vinh, trong một gia đình Công giáo đạo đức tốt lành.

 Nhờ lòng đạo đức sẵn có của cha mẹ nên ngay từ nhỏ cậu Hạnh đã được bà mẹ dạy cho biết nhiều điều về giáo lý và đời sống đức tin. Cậu Hạnh hay đi nhà thờ viếng Mình Thánh Chúa và có lần gặp Đức Cha Delgado Y cậu xin Đức Cha đi tu và bày tỏ lòng ao ước muốn làm linh mục. Đức Cha thấy cậu bé kháu khỉnh dễ thương nhận rồi trao cho cha Liêm dạy La tinh và hướng dẫn đời sống tinh thần. Sau nhiều năm coi sóc, cha Liêm nhận thấy cậu Hạnh trí óc thông minh, hiền lành và nhất là lòng đạo đức vững chắc nên gửi vào chủng viện học triết và thần học. Khi đã hoàn tất chương trình huấn luyện để làm linh mục, cha Liêm trình Đức Cha và xin Đức Cha truyền chức linh mục cho thầy. Sau khi lãnh chức linh mục, cha Đa Minh Nguyễn Văn Hạnh xin bề trên vào dòng Đa Minh. Được các bề trên chấp thuận, cha sung sướng gia nhập dòng rồi qua những năm tập luyện theo luật dòng, ngày 22 tháng 8 năm 1826 cha bề trên Amandi Chiêu cho cha khấn ba lời khấn của dòng, khi ấy cha đã 54 tuổi. Từ đó, cha lại càng hăng say lo việc truyền giáo theo tinh thần của dòng.
Mặc dù thời gian đó cũng chính là thời điểm vua Minh Mạng ra lệnh bắt đạo rất gay gắt, nhưng cha vẫn không sợ hãi, cha vẫn tìm mọi cách lén lút thi hành mục vụ ngày đêm không biết mệt mỏi. Năm 1838, cha ẩn lánh để làm mục vụ khá lâu  tại Quần Anh Hạ, vì ở đây có rất đông người Công giáo. Nhưng không may có mấy người lương dân bắt gặp cha nên giáo dân lo sợ phải di chuyển cha tới xứ Trung Thành. Thế rồi một hôm có hai anh tên là Hảo Hội và Nhiêu Hậu tỏ lòng thương cha và xin tình nguyện đem cha đi ẩn lánh vì quan quân đang truy lùng khắp nơi để bắt cha. Hai anh giả nhân giả nghĩa nói:
- “Thưa các ông, nếu cứ để cha ở đây thì thế nào cũng bị lộ và cha sẽ bị bắt. Vậy chúng tôi xin tình nguyện đón cha đi trốn lánh ở một chỗ kín đáo bảo đảm hơn”.
Các ông viên chức xứ Trung Thành nghe nói thì tin ngay:
- “Cám ơn các anh, nếu được như thế thì chúng tôi mừng lắm. Chúng tôi hoàn toàn tin cậy nơi các anh”.
Hai anh lại nói với cha Hạnh:
- “Xin cha cứ tin tưởng chúng con. Chúng con sẽ bảo đảm an toàn cho cha. Xin cha đi theo chúng con”.
Thế là hai anh dẫn cha đi. Trên đường đi trốn, hai anh đã ngầm báo cho quan quân vậy bắt cha. Kế hoạch hai anh đã thành công! Cha bị bắt và hai anh đã lãnh được một số tiền thưởng khá lớn. Câu chuyện xẩy ra tối ngày 7 tháng 6 năm 1838. Cha bị bắt ngay trên đường đi chạy trốn, bị đeo gông và xiềng xích tay chân rồi giải thẳng về nộp cho quan Tổng đốc Trịnh Quang Khanh.
Về tới cửa thành Nam Định, cha Hạnh đã thấy họ đặt một tượng Thánh Giá trên mặt đất ngay lối vào, cha đứng lại nhất định không bước qua. Cha yêu cầu quan cho lính cất tượng thì cha mới bước vào trong thành. Quan nhìn cha một hồi lâu rỗi cũng miễn cưỡng ra lệnh cho lính cất Thánh Giá đi để cha bước vào.
Khi hầu toà quan Tổng đốc hỏi cha:
- “Ông quê quán ở đâu, năm nay đã bao nhiêu tuổi?
Cha Nguyễn Văn Hạnh trả lời:
- “Tôi sinh quán tại Nghệ An, năm nay được 66 tuổi”
Quan hỏi tiếp:
- “Vậy ông dạy dân chúng những gì”?
Ngài dõng dạc đáp lại:
- “Tôi chỉ dạy người ta làm điều lành, tránh điều dữ mà thôi”.
Quan lại hỏi:
“Tại sao ông không bước qua Thánh Giá?
Ngài thẳng thắn trả lời:
- “Thánh Giá đối vối tôi là biểu tượng của ơn cứu chuộc, nên không ai được phép chà đạp, vì đó là trọng tội”.
Quan Tổng đốc vui vẻ nói:
“Nhưng ông xem kìa, đạo trưởng Duyệt đã bước qua và bỏ đạo nên ta đã tha cho về. Nếu ông cũng làm như thế ta cũng sẽ tha cho về như đạo trưởng Duyệt”.
Thấy cha Duyệt vâng lệnh quan bước lên Thánh Giá Chúa, Ngài đau lòng quá, nổi nóng, chỉ thẳng vào mặt cha Duyệt mà nói:
“Ông khốn nạn kia! Hãy xem đầu mình đã bạc còn sống được bao lâu nữa mà cả lòng bỏ Chúa. Ông làm ô danh đạo Chúa, ô danh đấng bậc mình để được lòng vua quan. Ông thêm cực lòng cho Giáo Hội đã nuôi và dạy dỗ ông bấy lâu. Nay ông đi làm bạn với ma quỉ, làm hại đời mình”.
Cha Duyệt lặng lẽ cúi mặt xuống đất không dám nhìn ai. Sau đó Ngài laị bình tĩnh giải thích cho quan nghe các lẽ đạo rồi kết luận:
- “Ai trung thành thờ phượng Chúa khi chết sẽ được lên Thiên Đàng”.
Quan hỏi vặn lại:
- “Vậy những người không thờ phượng Chúa, chết sẽ đi đâu?”
Ngài thẳng thắn đáp:
- “Những người ấy chết sẽ phải xuống hoả ngục”.
Nghe nói thế, quan tức quá, tay đang cầm quạt, liền lấy cán quạt đập ngay vào đầu cha một cái thật mạnh, chửi mắng cha tàn tệ rồi hạ lệnh đánh cha 15 roi thật đau, ra lệnh cha phải đeo gông, xiềng xích tay chân, tống cha vào ngục, ban đêm hai chân phải cùm. Cha Hạnh vẫn hiên ngang chịu đánh đập và muôn vàn cực hình khác, trong lòng sung sướng vì được chịu những khổ nhục này vì danh Chúa.
Lần khác, quan Tổng đốc lại đặt ảnh Đức Mẹ dưới đất rồi gọi cha tới bắt bước lên ảnh Đức Mẹ thay vì phải bước lên Thánh Giá. Khi thấy ảnh Đức Mẹ đặt trên mặt đất, cha trân trọng cầm ảnh Đức Mẹ hôn kính. Quan nổi giận truyền đánh ngay 100 roi. Nhưng cha rất vui mừng vì hôn ảnh Mẹ một lần mà phải chịu 100 roi đòn cũng sung sướng.
Ý Chúa thật nhiệm mầu, Chúa để cha Đa Minh Nguyễn Văn Hạnh cùng được giam chung với cha Bernadô Võ Văn Duệ nên hai cha thường khích lệ nhau, cầu nguyện chung với nhau và nhiều khi phải ra tòa đối chất với các quan, cha già Duệ vì ốm yếu quá nói không được thì cha Hạnh nói thay cho cha già.
Nay thì các quan thấy đã giam giữ đã lâu và đã hết lời thuyết phục hai Ngài bỏ đạo mà không thành công nên cùng nhau quyết định làm bản án gửi về kinh đô xin vua châu phê. Nội dung bản án dự thảo như sau:
“Chúng tôi đã tra khảo hai tên Vũ Văn Duệ và Nguyễn Văn Hạnh. Chúng đã bị bọn Tây lừa mà theo đạo Gia Tô đã lâu. Chẳng những chúng tin mà còn giảng đạo ấy cho nhiều người khác tin theo nữa. Xem ra đạo ấy đã thấm vào tâm can bọn chúng đến nỗi không thể bỏ được. Vậy chúng tôi luận cho chúng án trảm quyết (chém đầu) để ai nấy đều biết tội chúng nặng, đáng phải phạt thể ấy”.
Bản án gửi đi ngày 28 tháng 6 thì ngày 30 tháng 6 bản án được vua Minh Mạng chấp thuận ngay. Tuần lễ cuối cùng ở trong nhà tù, cha Hạnh không còn phải chịu những trận đòn nát xương xé thịt nữa. Nhưng được tự do tiếp xúc với những bạn tù và những người tới thăm nuôi. Trong số những người tới thăm cha, có ông tên là Hân, quan cho ông này vào thăm là để xúi dục cha bỏ đạo. Ông Hân nói:
- “Này cha ơi! Cha phải chết, nếu cha không bỏ đạo. Vậy xin cha hãy bước lên Thánh Giá một lần thôi thì cha được về".
Ngài trả lời:
- “Tôi rất sẵn sàng chết vì Chúa. Trước tôi cứ tưởng là được cùng chết với cha Hiền, mà không được, tôi buồn lắm.”
Ông Hân lại nói:
- “Cha à! Quan tổng đốc nói với con, nếu cha bỏ đạo thì quan sẽ đề nghị cho cha làm quan. Xin cha bỏ đạo đi, chết uổng lắm.
Cha nói lại:
- “Dù có được làm quan ngay bây giờ thì tôi cũng không bỏ Chúa đâu. Ông đừng khuyên tôi bậy bạ như thế. Tôi chỉ ước mong được làm con Đức Chúa Trời là đủ rồi”.
Để thi hành án lệnh, quan tổng đốc tỉnh Nam Định quyết định ngày 1 tháng 8 năm 1838 sẽ xử hai cha Duệ và Hạnh. Hai cha được tin, lòng tràn ngập hân hoan và vì đã dọn mình từ lâu rồi nên hai Ngài rất thư thái bình an. Sáng hôm ấy, ngay từ sớm hai Ngài đã thức dậy thật sớm, đọc kinh cầu nguyện sốt sắng rồi chào biệt các bạn tù, cám ơn những người đã giúp đỡ các Ngài. Sau đó, các Ngài theo đoàn quân lý hình do quan Giám sát hướng dẫn tiến ra pháp trưởng Bảy Mẫu.
Tới pháp trường, cha Hạnh quay lại nói với những người thân quen theo các Ngài:
- “Anh chị em ở lại bình an. Chúng tôi về Thiên Đàng hưởng phúc vui vẻ muôn đời”.
Rồi Ngài nói nhỏ với cha Duệ:
- “Đến nơi rồi. Chúng ta cùng quì cầu nguyện sốt sắng, dâng phó linh hồn chúng ta cho Chúa".
Cha Duệ ngước mặt nhìn chung quang rồi nói:
“Chúng con tạ ơn Chúa muôn đời”.
Hai đấng còn đang cầu nguyện thì lý hình lại gần, tháo gông và xiềng xích rồi trói hai Ngài vào cột.
Những người tín hữu đi theo đứng đàng xa thấy lý hình trói vào cột, bị xúc động quá kêu lên:
- “Lạy Chúa! Người ta sắp chém đầu các cha của chúng con rồi. Xin Chúa thương ban phần thưởng Nước Trời cho các Ngài”!
Khi ba hồi chiêng trống vừa chấm dứt thì lý hình vung gươm thật cao một nhát thật mạnh, đầu rơi xuống đất, đoạn lý hình cầm tung đầu lên cao. Đoàn người không phân biệt lương giáo xô nhau vào thấm máu hai thánh tử đạo của Chúa. Thi hài được chôn ngay tại pháp trường Bảy Mẫu. Sau một thời gian giáo dân Lục Thủy đã cải táng đưa về an táng tại nhà thờ Lục Thủy, thuộc giáo phận Bùi Chu.
Đức Giáo Hoàng Leô XIII đã tôn phong Ngài lên bậc Chân Phước ngày 27 tháng 5 năm 1900. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Ngài lên hàng Hiển Thánh ngày 19 tháng 6 năm 1988.

Lm. Nguyễn Ðức Việt Châu, SSS
tonggiaophanhanoi.org
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log