Thứ hai, 29/04/2024

Ngày 04.08: Thánh Gio-an Ma-ri-a Vi-a-nê - Linh mục (1786 – 1859)

Cập nhật lúc 21:33 03/08/2020

1. Ghi nhận lịch sử - phụng vụ

Lễ thánh Jean-Marie Vianney được mừng vào ngày Ngài qua đời là 4 tháng 8 năm 1859. Được phong thánh năm 1925 và Đức Giáo Hoàng Piô XI tuyên bố là bổn mạng các Cha xứ khắp thế giới, năm 1929.
Jean-Marie Vianney sinh ngày 8 tháng 5 năm 1786 ở làng Dardilly gần thành phố Lyon trong một gia đình nông dân. Mặc dầu có những dặt dè về phía ông bố, Gioan vẫn muốn làm linh mục và mãi tới 20 tuổi mới bắt đầu đi học ở nhà trường do linh mục Balley thành lập gần Ecully. Được nhận vào chủng viện Verrières, rồi chủng viện Lyon, Gioan gặp rất nhiều thử thách. Vì từ chối đăng ký theo lệnh Napoleon, Gioan phải trốn tránh trong vòng một năm rưỡi. Lại thêm ít khả năng học tập, Gioan bị đuổi khỏi chủng viện Lyon với lời phê “debilissimus” (rất yếu). Tuy nhiên nhờ sự giúp đỡ của linh mục Balley, người đã nhận ra ơn gọi của học trò mình, Gioan được chấp thuận cho thụ phong linh mục tại Grenoble ngày 13 tháng 8 năm 1815, lúc 29 tuổi, tân linh mục được chỉ định làm cha phó tại Ecully, bắt đầu thực tập công tác mục vụ với Balley, về sau được bổ nhiệm làm cha sở giáo xứ Ars, năm 1818. Cha ở lại giáo xứ bé nhỏ miền Dombes này suốt bốn mươi hai năm, cho đến ngày qua đời, mặc dù đã có những lần thử trốn trách nhiệm giáo xứ để sống đời chiêm tu.
Cha Gioan Maria Vianney đã từ bỏ chức kinh sĩ, bán chiếc áo khoác kinh sĩ lấy tiền giúp người nghèo cũng như cả cái huy hiệu Bảo Quốc huân chương nhận được năm 1843. Ngài qua đời vì kiệt sức ở tuổi bảy mươi tư, mà theo lời một người chứng kiến, “trong ánh mắt biểu lộ một vẻ tin tưởng và đơn sơ lạ thường”. Trong những năm cuối đời của thánh Gioan, khách hành hương đến Ars ngày càng đông, có thể đến trăm nghìn người.

2. Thông điệp và tính thời sự
Lời nguyện trong ngày khẳng định thánh Gioan Maria Vianney thực là một “linh mục đáng khâm phục, tận hiến cho chức vụ”. Quả thế, Ngài đã tận hiến cho sứ mệnh linh mục cho đến kiệt sức, tự đặt ra cho mình những việc đền tội nặng nề với mục đích cải tạo giáo xứ mình, và luôn sẵn sàng ngồi tòa cáo giải đến mười sáu giờ hoặc mười tám giờ mỗi ngày. Các bài giảng của Ngài, buổi đầu chịu ảnh hưởng của chủ trương nghiêm ngặt phái Jansenime, nên khá nghiêm khắc, về sau trở nên quân bình hơn, nhờ sự dịu dàng và đơn sơ. Ngài đã viết trong cuốn Giáo lý (xem Phụng vụ bài đọc): “Cầu nguyện không gì khác hơn là hiệp nhất với Chúa”.
Lời nguyện trong ngày cũng xin Chúa cũng ban cho chúng ta một đức bác ái có khả năng chinh phục các linh hồn về cho Chúa. Quả thật, nỗi ưu tư là một mục tử tốt của giáo dân trong xứ đã thúc đẩy Cha thánh xứ Ars thực hiện một công cụ dạy giáo lý liên tục bằng những lời dạy cũng như những thúc giục đánh động lòng tín hữu. Họ thường bảo: “Chưa bao giờ có linh mục nào nói với chúng tôi như thế”. hoạt động mục vụ của Cha cũng thực hiện cả trong lĩnh vực giáo dục những bé gái nhà nghèo, nên năm 1824 Cha đã mở một trường nữ miễn phí cho các em. Cha cũng lập một nhà mồ côi và tới đây dạy giáo lý mỗi ngày. Hoạt động mục vụ của vị linh mục thánh thiện này cũng nhằm chiến đấu chống phong trào xa rời Kitô giáo của dân chúng, không còn thánh hóa Chúa nhật và đôi khi còn sa đà vào rượu chè, trụy lạc. Còn việc chiến đấu với ma quỷ – Ngài thường gọi là Grappin , Ngài phải chịu đựng khá lâu năm, từ 1824 đến 1858.
Lời nguyện tạ lễ nhắc chúng ta nhớ rằng Cha thánh xứ Ars đã chịu đựng “một mâu thuẫn chống đối không sờn lòng”. Quả thế, Ngài từng là nạn nhân chính của một số anh em linh mục, thậm chí người ta còn vu oan cho Ngài, nhưng Ngài đã chịu đựng tất cả một cách rất Kitô giáo, đón nhận sức mạnh và can đảm trong sự sùng kính cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu và nơi Thánh Thể. Vào cuối đời, vị mẫu gương lớn trong việc truyền giáo, người mục tử lớn sẽ nói rằng: “Tốt lành biết bao được chết sau khi từng sống trên thập giá !”

Enzo Lodi
tonggiaophanhanoi.org
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log