Thứ hai, 20/05/2024

Truyền Thông Trong Đời Sống Cộng Đoàn

Cập nhật lúc 09:00 07/11/2023


TRUYỀN THÔNG TRONG ĐỜI SỐNG  CỘNG ĐOÀN
(Ep 4, 25 – 5, 2)
 
Ngày nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, con người đang có trong tay những phương tiện truyền thông hiện đại giúp mở ra với thế giới, rút gắn khoảng cách không gian và thời gian. Với điện thoại thông minh và việc truy cập Internet vô giới hạn, con người có nhiều phương tiện để liên lạc với người khác hơn bao giờ hết. Nhưng cũng hơn bao giờ hết, con người lại cảm thấy cô đơn và xa cách với ngay những người ở bên cạnh mình, dù là cùng sống trong một cộng đoàn, dưới một mái nhà. Trong bối cảnh đó, có thể nói: “vấn đề truyền thông được coi là một trong những yếu tố nhân bản càng ngày càng có tầm quan trọng đối với đời sống cộng đoàn tu trì. Nhu cầu nâng cao đời sống huynh đệ trong cộng đoàn được cảm nhận sâu xa, kèm theo một nhu cầu tương ứng với sự truyền thông vừa rộng lớn, vừa mạnh mẽ hơn. Để trở nên anh em, chị em với nhau, cần phải hiểu biết nhau. Để hiểu biết nhau thì điều rất quan trọng là phải truyền thông nhiều hơn và sâu sắc hơn” (Huấn thị Đời Sống Huynh Đệ Trong Cộng Đoàn, số 29).
  1. Truyền thông, con đường đưa tới sự hiệp thông
Chiều kích cộng đoàn vốn là một “nét đặc thù của đời tu.” (VC, số 92), nơi đó “tất cả các thành viên được hiệp nhất với nhau trong Đức Kitô như trong một gia đình riêng” (GL 602). Đối với Dòng Mến Thánh Giá, Cộng đoàn “là một gia đình đích thực, được quy tụ nhân danh Đức Kitô Khổ nạn- Phục Sinh, muốn họa lại đời sống Giáo Hội sơ khai với hai nguyên mẫu tuyệt vời là gia đình Nadazet và cộng đoàn Ba Ngôi Thiên Chúa” (HC 41).
Là một gia đình, đời sống cộng đoàn đòi hỏi sự hiệp thông huynh đệ và sự liên đới giữa các thành viên. Thực tế cho thấy cộng đoàn là một tập hợp của những khác biệt: Các thành viên trong cộng đoàn khác biệt nhau về  hoàn cảnh xuất thân, về tuổi tác, tính tình, trình độ nhận thức, quan niệm sống...v.v... Một cộng đoàn tuyệt vời được tạo nên từ tính đa dạng và những tính cách khác biệt nhau của các thành viên. Tuy nhiên chính những khác biệt đó cũng gây nên không ít những khó khăn: khác biệt dẫn đến bất đồng quan điểm, dẫn đến xích mích, hiểu lầm lẫn nhau… làm cho đời sống cộng đoàn căng thẳng, mất đi sự hiệp thông cần thiết. Do đó, thật cần thiết việc truyền thông cho nhau để mọi người có thể hiểu biết nhau hơn, từ đó có thể đón nhận nhau, cảm thông và chia sẻ với nhau, để mỗi người có thể yêu thương người khác với tất cả sự khác biệt của họ và vì ích chung. “Truyền thông không phải chỉ là một cách bày tỏ ý kiến và cho biết cảm xúc, mà còn là trao ban chính mình trong yêu thương” (Hiệp thông và tiến bộ, số 11). Mỗi con người là một huyền nhiệm. Trong mỗi người luôn hiện diện một cái gì đó rất riêng, linh thiêng và bất khả xâm phạm, không ai có thể hiểu được thế giới bí ẩn này nếu chỉ dừng lại nơi những quan sát hay phân tích bên ngoài. Mỗi người là một độc đáo riêng biệt nhưng “không ai là một hòn đảo”. Vì thế, đã sống với, sống cùng ắt phải có tương quan. Tương quan để truyền thông cho nhau. Truyền thông là một trong những chìa khóa thích hợp để mở cánh cửa huyền nhiệm đó, để đi vào thế giới riêng này, để hiểu và cảm thông với nhau. Truyền thông để cùng nhau lớn lên, truyền thông giúp tạo nên sự nhạy cảm sâu sắc hơn và làm cho các thành viên gắn bó với nhau hơn xung quanh sứ mạng chung của cộng đoàn. Ngược lại, “sự thiếu sót hay giảm sút truyền thông thường dẫn tới sự suy giảm tình huynh đệ; nếu chúng ta biết ít hay không biết gì về đời sống của anh em hay chị em mình, thì họ sẽ là những người xa lạ với chúng ta, mối liên hệ sẽ trở nên vô danh, đồng thời tạo nên những vấn đề thực tế của cảnh cô lập và cô đơn” (Huấn thị Đời Sống Huynh Đệ Trong Cộng Đoàn, số 32).
  1. Truyền thông thế nào?
Trong đời sống cộng đoàn, điều quan trọng là mỗi người đi vào mối tương quan trực tiếp với những anh chị em khác, do đó phương thế truyền thông trước hết và trên hết là“mối quan hệ người với người”, người ta tìm kiếm nhau và trao đổi cho nhau mọi nhu cầu và tình cảm. Có thể thấy “sự truyền thông nảy sinh nhất là  trong việc chia sẻ các hồng ân của Thần Khí, chia sẻ đức tin và trong đức tin, ở đâu chúng ta càng chia sẻ những điều cốt lõi và sống động, ở đó mối dây huynh đệ càng lớn mạnh” (Huấn thị Đời Sống Huynh Đệ Trong Cộng Đoàn, số 32). Việc truyền thông ấy có thể được thực hiện bằng lời nói, bằng hành động, hay bằng chính sự thinh lặng.
  • Truyền thông bằng lời
Ngôn ngữ là một trong những phương tiện truyền thông hữu hiệu nhất mà Thiên Chúa đã ban cho con người. Là phương tiện để trao đổi thông tin, diễn đạt ý tưởng, để tỏ lộ cho nhau biết tình cảm, tâm tư của mình đối với người khác, nhờ lời nói mà con người dễ dàng thấu hiểu, cảm thông và xích lại gần nhau hơn.
Ngay từ thủa ban đầu, Thiên Chúa đã dùng “Lời” của Người để thông truyền với con người: Trong công cuộc tạo dựng, “Lời” Thiên Chúa đã tác thành vạn vật, và làm cho vũ trụ nên hình nên dạng (St 1-2). Hơn nữa, chính “Ngôi Lời” đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14), “Nơi Ngôi Lời đã thành xương thịt ấy, Thiên Chúa thông ban chính mình một cách dứt khoát. Qua những lời nói và việc Đức Giêsu làm, Lời có sức giải phóng, cứu độ hết mọi người. Thiên Chúa mặc khải mình một cách đầy yêu thương, còn con người đáp lại trong đức tin, cả hai làm nên một cuộc đối thoại sâu sắc.” (Hiệp Thông, Số 29 -30). Chúa Giêsu “Ngôi Lời” chính là khuân mẫu và chuẩn mực cho lời trong truyền thông.
Trong đời sống cộng đoàn, người tu sĩ có bổn phận làm cho “Lời” trở thành hiện thực trong cuộc sống thông qua những lời nói đầy hy vọng, những lời góp ý chân thành và có tính xây dựng, những lời nói đượm tình bác ái, yêu thương. Một lời nói đúng lúc, đúng chỗ là sẽ làm cho người chị em được an ủi, được khích lệ, tăng thêm lòng tin, niềm hy vọng, lời nói góp phần không nhỏ trong việc hàn gắn được những sự rạn nứt qua việc đối thoại chân thành, qua việc sửa lỗi huynh đệ, hay qua việc chia sẻ của các thành viên trong cộng đoàn. Song cũng không thiếu những lời nói gây hiểu lầm, gây mất đoàn kết và làm sáo trộn cộng đoàn. Do đó mỗi người “phải cẩn trọng trong lời nói, cố gắng giữ miệng lưỡi để không gieo những mối bất hòa hoặc kể lể những lỗi lầm và thiếu xót của người khác. Cái lưỡi là một trong những phần nhỏ nhất của thân thể, nhưng nó có thể gieo rắc sự chết. Chúng ta rất dễ phóng đại những thiếu xót của người khác, trong khi che giấu những lầm lỗi của mình.”(Jean Vanier.Thăng Tiến Cộng Đoàn.Tr 25).Trái lại cần thực hành lời dạy củaThánh Phaolô: “Mỗi người trong anh em hãy nói sự thật với người thân cận, vì chúng ta là phần thân thể của nhau… Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe… Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thóa mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác.” (Ep 4, 25-31).
  • Truyền thông bằng hành động
Đức Kitô “nhà truyền thông hoàn hảo” (Hiệp Thông và Tiến Bộ, Số 11), thông qua việc nhập thể, Người đã đồng hóa mình với những ai tiếp nhận sự truyền thông của Người. Người đã gửi thông điệp của Thiên Chúa không chỉ qua lời nói mà còn qua toàn bộ cuộc sống của Người. “Đức Kitô nói bằng các dụ ngôn và làm cho lời Ngài thành hữu hình bằng các hành động có tính biểu tượng... bởi các hành động và biểu tượng là phương tiện thích hợp nhất để chuyển giao các mầu nhiệm vượt quá mọi khái niệm và ngôn ngữ.” (Bernard Haring. Tự Do Và Trung Thành Trong Đức Ki tô. Tr 655)
Khi lời nói kết hợp với hành động có khả năng làm tăng hiệu quả truyền thông rất nhiều. George Kaitholil đã nói: “Ai trong chúng ta cũng đều nói một ít, nhưng chúng ta không luôn luôn thành công trong việc thiết lập một giao tiếp liên nhân vị thực sự… Có thể chỉ có một sứ điệp bằng lời được nói ra và một sứ điệp khác ở trong giọng nói, trong cử chỉ, trong cách ứng xử, trong đôi mắt, trên nét mặt. Không phải riêng lời nói, nhưng chính lời nói kết hợp với tất cả những yếu tố đó đã truyền thông sứ điệp. Tùy vào những sự kết hợp khác nhau, cùng một lời nói có thể diễn tả những điều khác nhau như tri thức, sự ấm áp, sự nguội lạnh và dửng dưng của con người, sự nhầm lẫn, lo lắng, nhát sợ, chấp nhận, từ khước, yêu thương, thù địch, v.v...” (Dr George Kaitholil, Hiệp Thông Trong Cộng Đoàn. NXB Phương Đông, Tr 122)
Trong đời sống cộng đoàn, với những hoạt động thường ngày: tham dự thánh lễ, các giờ kinh phụng vụ, giờ cầu nguyện, khi làm việc hay chơi chung với nhau…qua đó mọi người đang truyền thông cho nhau về bản thân mình, về đời sống thiêng liêng, về tính tình, khả năng, nhận thức, cho thấy tình trạng của cá nhân cũng như tình trạng của cả cộng đoàn có trưởng thành, có yêu thương, có hiệp nhất hay không. Một hành động đơn sơ như giúp nhau quét nhà, lau bàn, rửa bát, một nụ cười, một cái bắt tay… đó là một lối diễn tả tình yêu thương, hiệp thông, chia sẻ. Những hành động đơn sơ hàng ngày ấy đã giúp cho mọi người hiểu nhau, xích lại gần nhau hơn và đem lại cho cộng đoàn một bầu khí ấm áp, an vui. Và chính đời sống Cộng đoàn như thế trở nên chứng tá truyền thông cho mọi người về lòng tin và niềm hy vọng vào một Thiên Chúa tình yêu.
  • Truyền thông trong sự thinh lặng
Đức Giêsu,“Ngôi Lời Thiên Chúa” làm Người đã sống âm thầm lặng lẽ nơi gia đình trong làng Nazaret. 33 năm cuộc đời trần thế, sự thinh lặng biến thành một sự hiện diện để khiêm tốn liên đới với đời sống và lao nhọc của con người. Trong thinh lặng cầu nguyện, Người mở lòng để đón nhận chương trình của cha. Thinh lặng đối với Người thường là một điểm hẹn cho tình Cha Con. Và cuối cùng, sự thinh lặng chết trên Thập Giá là sự truyền thông mạnh mẽ nhất cho tình yêu của Thiên Chúa cho nhân loại. Có thể nói: Đức Giêsu, “Người vừa là Thiên Chúa, Đấng Thinh Lặng, vừa là Lời Thiên Chúa và là Đường Thinh Lặng của Thiên Chúa giữa dòng đời” (ĐC Phêrô Nguyễn Văn Viên, Đức Giê su Ki tô – Đường Thinh Lặng).
Trong đời sống cộng đoàn sự thinh lặng chiếm một vị trí quan trọng, vì để truyền thông thật sự, cần biết lắng nghe. Có thể nói, “Trong cộng đoàn, người nào sẵn sàng lắng nghe, thì chắc chắn người đó sẽ góp phần nhiều vào trong việc xây dựng những tương quan liên vị tích cực” (Truyền Thông Tin Mừng Trong Đời Người Tận Hiến, http://simonhoadalat.com/ HOCHOI/)
Theo Hiến Chương dòng Mến Thánh Giá: “Trong cuộc đối thoại giữa chị em và trong đời sống cộng đoàn, sự thinh lặng đúng lúc, đúng chỗ có tác dụng tích cực, sâu sắc vì nó diễn tả sự kính trọng hành trình thiêng liêng của từng người cũng như tác động huyền nhiệm của Chúa trong mỗi tâm hồn.” (HC 47,3). Hơn nữa, khi cầu nguyện một mình, học tập, lao động, hoặc cách đơn giản sử dụng thời gian thinh lặng, cũng là đang thực sự tham dự đầy đủ vào sự lớn mạnh của cộng đoàn. Không phải người ta chỉ xích lại gần nhau hơn khi nói chuyện, chơi đùa, hoặc làm việc chung với nhau. Chắc chắn trong những lần như thế cộng đoàn phát tiển mạnh, nhưng cộng đoàn cũng phát triển mạnh không kém khi chúng ta bước vào trong thinh lặng. Trong cô tịch ta đem theo người khác vào trong cô tịch với mình, và trong cô tịch ta khám phá ra nhau theo cách mà sự hiện diện thể lý khó có thể khám phá ra được.
Vậy tôi có muốn và sẵn sàng truyền thông với những người khác trong cộng đoàn của tôi không? Tôi đã truyền thông thế nào? Đâu là những cản trở khiến tôi không thể truyền thông, hay có “truyền” mà không “thông”?
Lạy Chúa Giêsu, Người vừa là “Lời”, vừa là “Hình Ảnh”truyền thông cho con người tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Xin cho con biết truyền thông làm sao để góp phần phong phú hoá bản thân và cộng đoàn, để cùng với chị em “nếm” được cái hay của những sự khác biệt và cùng nhau thăng tiến, với sự cộng tác, với tình liên đới và tôn trọng nhau, cùng nhau xây dựng cộng đoàn trong tinh thần hiệp nhất, yêu thương và phục vụ.

 
Ban Huấn Luyện
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log