Thứ bảy, 11/05/2024

Ngày 03.11: Thánh Phêrô Phanxicô Nêron Bắc - Linh mục (1818-1860)

Cập nhật lúc 16:09 02/11/2020

Thánh Phêrô Phanxicô Nêron Bắc sinh ngày 23 tháng 9 năm 1818 tại Bornay tỉnh Jura, thuộc giáo phận Saint Claude, nước Pháp.

Gia đình thuộc thành phần nông dân nghèo túng, cha mẹ không có tiền cho con ăn học. Do đó cậu Nêron từ nhỏ tới năm 17 tuổi đã phải lao động vất vả và phải chăn nuôi gia súc giúp đỡ gia đình. Tuy hằng này phải làm ăn vất vả, cậu Nêron cũng cố gắng tìm những giờ rảnh rỗi để tự học, trau dồi kiến thức.Lúc ấy Nêron còn dồi dào sinh lực, con người cao ráo mạnh khỏe, khi làm việc thì hăng say với công việc, khi rảnh rỗi thì đùa dỡn, la hát nhộn nhịp khắp xóm làng. Nêron có tinh thần văn nghệ, thích hát xướng mua vui cho bạn bè. Khi giáo xứ có dịp tổ chức văn nghệ thì không lần nào mà không có sự góp mặt của Nêron. Thấy cậu con trai của mình có vẻ ham thích văn nghệ thì mẹ cậu tỏ vẻ ái ngại, có lần bà gặp cha Clément là cha chánh xứ Bornay, Bà tâm sự với ngài rằng:
- “Thưa cha, xin cha khuyên bảo Nêron giúp con. Nó thích vui đùa thì tốt nhưng con chỉ sợ nó vui quá rồi quên Chúa, quên cầu nguyện thì con sợ lắm.
Cha chánh xứ trả lời bà:
- Này bà, tôi biết bề ngoài nó như thế đấy. Nhưng trong tâm hồn nó vẫn mang nặng mối suy tư. Tôi đã thấy nhiều lần nó lén vào chỗ thanh vắng cầu nguyện sốt sắng lắm. Hình như nó đang ăn vạ Chúa điều gì đó. Nhiều lần tôi thấy Nêron lần hạt Mân Côi cầu nguyện với Đức Mẹ. Bà cứ an tâm cầu nguyện cho nó.
Thế rồi một hôm trời lạnh. Cả gia đình ngồi quây quần bên lò sưởi, Nêron chăm chú cầm trên tay tập sách nhỏ. Cuốn: Pensez-y bien (Mối suy tư của bạn). Cậu Nêron đọc và nhận ra tiếng Chúa gọi mình, cậu muốn dâng hiến cuộc sống của mình cho việc truyền giáo. Từ đó cậu thay đổi hẳn, cuộc sống, bỗng trở nên trầm lặng hơn, thích đọc sách và cầu nguyện âm thầm một mình.
Một hôm Nêron đón gặp cha Clément, cha chánh xứ Bornay. Cậu ngỏ ý muốn đi tu. Hôm đó là ngày đầu tháng 11 năm 1837, lúc ấy cậu Nêron đã 19 tuổi. Cha Clément nghe cậu Nêron xin đi tu thì rất ngạc nhiên. Cha đề nghị với cậu vào làm “ông từ” nhà thờ, vừa lo dọn bàn thờ, thu dọn đồ lễ, mở và đóng cửa nhà thờ. Đó là những công việc của ông từ nhà thờ. Làm như thế để cậu có dịp làm quen với công việc phụng tự hằng ngày, vừa có thời giờ để học tiếng La tinh bên cạnh Ngài nữa. Nêron đã đạt được ý nguyện sau một thời gian kiên trì học tập ở gần cha Clément. Ngày 14 tháng 1 năm 1839, cậu được nhận vào chủng viện Nozeroy. Cậu Nêron to con, 20 tuổi ngồi chung với các bạn đồng lớp 14, 15 tuổi, đối với người khác thì mắc cỡ, nhưng với Nêron thì là điều phải chấp nhận để đạt tới lý tưởng linh mục. Học qua chương trình Trung Học, tới năm 1845 cậu được nhận vào Đại chủng viện Lons-le-Saunier. Năm 1846 thầy xin đổi sang Đại chủng viện Hội Thừa Sai Paris. Trong suốt ba năm trong Đại chủng viện này, thầy Nêron đã là tấm gương sáng sống động về lòng đạo đức siêu nhiên. Thật là ơn Chúa làm việc cách rõ ràng nơi đời sống của người Chúa thương yêu.
Ngày 17 tháng 6 năm 1848, thầy Phêrô Phanxicô Nêron thụ phong linh mục bởi tay Đức Cha Affre, Tổng giám mục giáo phận Paris. Hai tháng sau ngày thụ phong linh mục, bề trên HộI Thừa Sai Paris cho lệnh cha rời Paris xuống tầu đi truyền giáo tại Việt Nam Để tới Việt Nam, tầu phải qua ngả Hồng Kông và Macao. Tầu lênh đênh trên biển cả mãi trung tuần tháng 2 năm 1849 mới tới nơi, cha thuê một chiếc tầu buôn của người Trung Hoa chạy theo ven biển Bắc Việt đi tới La Phù là họ đạo đầu tiên giáp Quảng Đông. Đi dần xuống mạn Nam ngày 28 tháng 3 năm 1849 cha tới Hà Nội, đến trình diện Đức Cha Retord Liêu. Đức Cha cho cha về Chủng viện Vĩnh Trị để học tiếng Việt và nhận tên mới là Nêron Bắc. Sau bốn tháng cha Nêron Bắc bắt đầu làm mục vụ cho giáo dân ngay tại giáo xứ Hà Nội. Một năm sau, tức năm 1850 cha Nêron Bắc theo Đức Cha Retord Liêu về kinh lý miền Kim Sơn thuộc giáo phận Phát Diệm ngày nay, mở tuần đại phúc trong nhiều địa sở. Chỉ trong một tháng, cha tính sổ đã giải tội được một ngàn lần, phần nhiều về ban đêm
Năm. 1854 cha Nêron Bắc được bổ nhiệm làm giám đốc chủng viện Kẻ Vĩnh có chừng 150 chủng sinh. Là Giám đốc chủng viện có trách nhiệm huấn luyện và đào tạo các linh mục tương lai cho nên cha sống đời gương mẫu, sống khắc khổ, giữ chay các ngày thứ Sáu trong tuần  Nhưng vì tình thế bắt đạo rất ác nghiệt nên chủng viện phải đóng cửa và cha phải bỏ Kẻ Vĩnh đi công tác truyền giáo tại Xứ Đoài miền Sơn Tây. Miền này có 16 ngàn tín hữu cũng là nơi còn in sâu nhiều kỷ niệm của hai vị Thừa Sai là cha Cornay Tân và cha Schoeffler Đông đã bị bắt tại đây và đã tử đạo năm 1837 và năm 1851.
Cha đã bị bắt một lần và Đức Cha Retord Liêu đã vận động giáo dân xin chuộc lại. Tới năm 1858 cha lại bị bắt lần thứ hai và giáo dân cũng đã tích cực chuộc cha lại với số tiền 300 lạng bạc.
Vì sự thất bại trong việc quan hệ với Pháp, vua Tự Đức bực bội ra một chiếu chỉ cấm đạo ác nghiệt hơn. Chiếu chỉ viết: “Tất cả các quan phải triệt để thi hành chiếu chỉ của Trẫm. Nếu theo ý riêng mình như đã xẩy ra trước đây, sẽ bị nghiêm phạt như kẻ vi phạm luật nhà nước”. Đọc chiếu chỉ này, các quan địa phương không ai còn dám lơ là trong việc bách hại đạo nữa. Cha Nêron Bắc là người Tây phương, cao ráo, trắng trẻo nên rất dễ dàng nhận diện. Giáo dân các giáo xứ không ai dám cho cha ẩn trú. Do đó cha phải lẩn trốn vào trong rừng cây, sống chui rúc trong những khóm cây rậm rạp. Có lần cha bị  mất liên lạc với giáo dân nên phải nhịn đói nhịn khát, bị kiệt sức ngất xỉu dưới gốc cây. May mắn sau đó dân làng Tạ Xá tìm thấy, liền lấy nước cháo cho cha từ từ uống. Sau cả tiếng đồng hồ cha mới tỉnh lại rồi đón cha về cho ẩn trong một cái hầm. Nhưng rồi mau chóng, nhiều người biết cha đang ở Tạ Xá, dân làng lo sợ xin lỗi cha rồi mời cha xuống một chiếc ghe đưa cha đến làng Yên Tập. Dân làng thấy cha, vừa vui mừng vừa hoảng hốt lo sợ. Họ liền cử một cụ già dẫn cha lên một đỉnh núi vắng vẻ, ở trong một chiếc lều lợp lá chuối. Cha ở đó với cụ già được ba tuần lễ cha lại phải di chuyển về làng Suồng ở được ba tháng trong một gia đình ngoại giáo rất có lòng quí mến các vị Thừa Sai, cha lại di chuyển tới Chiêu Ứng. Tại đậy bị quan quân rượt bắt, cha lại chạy sang làng Ru Bơ ẩn trong rừng chừng hai tuần lễ. Cuối cùng cha lại trở về Yên Tập, Tạ Xá và bị bắt tại vùng đất này.
Dù trốn lánh ở đâu thì cha cũng cố gắng liên hệ với giáo dân, ban đêm cha tìm cách lui tới, gặp gỡ để giảng dạy giáo lý hay ban các bí tích giải tội, dâng lễ v.v...Chính vì thế mà tại đây có anh giáo gian tên là Phan Luyện, đánh bạc thua, nợ ông lý trưởng 100 quan. Ông hứa sẽ tha nợ cho anh, nếu anh chỉ chỗ trú ẩn của cha Nêron Bắc. Anh này vì nợ nên đã âm thầm chỉ chỗ cho ông lý.
Ngày 5 tháng 8 năm 1860, theo sự chỉ điểm của anh giáo gian Phan Luyện, ông Lý Trưởng Tạ Xá và ông Cai Tổng Xuân Trình đem lính tráng tới vây bắt cha Nêron Bắc. Họ vật ngã cha xuống đất, đánh vào hai ống chân, rồi trói lại đem lên thuyền chở về tổng Xuân Trình. Tin đồn tới Sơn Tây. Ông tỉnh trưởng liền gửi ngay một đội quân 50 vệ binh đến bắt cha Nêron Bắc, đeo xiềng xích, nhốt trong một chiếc cũi gỗ khiêng về toà tỉnh trưởng ngày 7 tháng 8 năm 1860. Trước mặt quan tỉnh trưởng Sơn Tây cha luôn luôn bình tĩnh, khẳng khái và cẩn trọng. Quan hỏi cha đã gặp những ai, ở những nơi nào và đã được những ai giúp đỡ. Cha thẳng thắn trả lời:
- Xin quan đừng hỏi làm chi. Tôi sẽ không khai ai và những vùng nào. Tôi không muốn những người ấy hay những vùng ấy bị các quan làm khó dễ. Xin quan cứ xử tôi.
Quan truyền đánh cha 40 roi. Nhưng cha cắn răng cam chịu. Cha không khai một ai và cũng không la lối một lời. Điều làm cho quan và lính ngạc nhiên hơn cả là cha đã nhịn ăn 21 ngày liền, mỗi ngày chỉ uống một chén nước. Ngồi trong cũi chật hẹp mà nét mặt cha lúc nào cũng tươi vui. Các vết thương lở loét, không có thuốc chữa trị mà cha vẫn vui vẻ. Nhiều người nói cha quả là vị Thần Sống. Họ đồn thổi với nhau: Cha đúng là Thần Sống rồi. Không ăn đã  21 ngày mà vẫn sống, vẫn tươi cười, thật là lạ lùng!
Ngày 2 tháng 9 năm 1860 quan lại gọi ra công đường thẩm vấn lần thứ hai. Lần này tàn khốc hơn. Quan chất vấn về cuộc hành quân của Pháp và Tây Ban Nha tại Nam Việt. Cha Nêron Bắc vì không dính líu với chuyện chính trị nên không biết gì để khai. Các quan thấy vậy nổi xùng, cho lệnh bắt cha nằm xuống đất rồi quất luôn 40 roi dữ dội, nát thịt, bắn máu, chảy ướt luôn cả quần lẫn áo. Thế là cha bắt đầu tiếp tục tuyệt thực! Mỗi buổi sáng rửa mặt, uống một ly nước lạnh rồi chui vào cũi,ngồi lần hạt đọc kinh. Thật vậy, các quan tưởng cha định tự tử nên lại ra vẻ nhân từ khuyên cha nên ăn một chút để dưỡng sức. Nhưng cha vẫn một mực lắc đầu từ chối.
Một lần khác, các quan tỏ ra thân thiện vui vẻ khuyên cha ký vào tờ giấy thú nhận là đã tham gia vào phiến loạn thì sẽ tha. Nhưng cha cương quyết từ chối:
- Tôi đến Việt Nam chỉ có mục đích duy nhất là rao giảng Đức Tin Công Giáo, là tin Thiên là đấng tạo dựng trời đất và muôn vật muôn loài, là đấng đã dựng loài người chúng ta cho nên ta phải kính thờ ngài. Từ khi tôi tới Việt Nam đến nay, tôi chỉ giảng dạy như thế, tôi không hề tham gia vào đảng phái nào, tôi không biết bọn phiến loại là ai.
Nghe cha phân trần như thế các quan không nói gì thêm. Thấy để cha sống lâu, dân chúng kính trọng, quả là bất lợi cho vua quan. Do đó quan án tỉnh Sơn Tây là Trương Quốc Dung, Phan Huy Vinh và Phan Xuân đã gửi về triều đình bản án xin chém đầu và bêu đầu ba ngày giữa chợ rồi buông sông. Vua Tự Đức đọc bản án liền châu phê y án. Bản án viết như sau: “Tên bị cáo là Nêron Bắc quả thật là đạo trưởng đạo Gia Tô đã có gan lén lút vào trong nước ta giảng tà đạo và lừa bịp quần chúng. Được gọi ra toà y nhất định nói dối, không chịu khai một số sự kiện, do đó y bị án là ngoan cố. Chúng tội lệnh cho y phải trảm quyết ngay, đầu y phải bêu ba ngày rồi quang xuống sông. Lệnh này cần phải thi hành”.
Ngày 3 tháng 11 năm 1860 cha Phêrô Phanxicô Nêron Bắc được áp giảI ra pháp trường Sơn Tây. Đi từ thị xã Sơn Tây lên phía làng Bách Lộc chừng một nửa dặm đã biến thành cuộc nghênh đón trọng thể thật vui mắt. Đi đầu là một vệ binh giơ cao bản án, phía sau có kèn trống, chiêng bạt, có cờ xí, theo sau là bốn tên lính cầm gươm sáng lóng đi hai bên cha Nêron Bắc. Sau cùng là một đại đội binh sĩ cầm đòng dưới quyền chỉ huy của viên trung tá cỡi ngựa có hai chếc lọng che. Hai bên đường đông đảo dân chúng cả lương lẫn giáo vì yêu mến hay hiếu kỳ muốn tới chứng kiến những giây phút cuối đời của nhà truyền giáo anh dũng.
Tới nơi xử, cha thản nhiên quì xuống chiếc chiếu trên đất, miệng lẩm bẩm cầu nguyện. Quân lính tới tháo xiềng xích ở tay chân. Giờ phút này chính tên đạo phủ cảm thấy ớn lạnh, hai tay run sở cầm ba nén bạc đi quanh nhờ người nào khác làm thay nhiệm vụ của mình. Nhưng không ai dám nhận. Cả viên trung tá cũng xuống ngựa tới gần cha, trân trọng phân phô: “Thưa ông, nhà Vua và các Thượng chức trong triều cũng như quan chức Sơn Tây đã lên án kết tội ông. Xin ông tha lỗi cho chúng tôi. Xin ông nhớ đến chúng tôi khi ông sang quê hương mới bên kia”. Nói xong, ông nhảy lên ngựa và quát lớn:
- Đã sẵn sàng chưa?
- Dạ rồi!
- Sau ba hồi chiêng trống, ai nấy phải thi hành mau lẹ!
Theo đúng chỉ thị, tiếng chiếng trống cuối cùng, chỉ một nhát gươm của tên đao phủ chuyên nghề, đầu cha rơi xuống đất. Nhóm vệ binh cởi áo dài đen của cha, họ đòi giữ làm kỷ niệm vì họ tin cha là Thần Sống nhịn ăn 21 ngày mà vẫn sống khỏe mạnh. Bổn đạo xin mua lại nhưng họ nhất định không bán. Cha Độ là cha chánh xứ Bách Lộc khi ấy đã nhờ một người lương đến xin thi thể vị tử đạo để chôn cất, nói rằng: “Tội nghiệp ông Tây không có thân nhân nên làm phúc để đức cho con cháu”. Ba ngày sau cha Độ tìm cách chuyển thi hài về an táng ở nhà xứ. Thủ cấp bị ném xuống sông Hồng, giáo dân đi tìm vớt mà không thấy. Năm 1880, vâng lệnh Đức Cha Gendreau Đông, hài cốt cha thánh được bốc lên và đem về đặt tại giữa lòng nhà thờ Bách Lộc
Theo cha A. Launay MEP. viết trong: “Les Bienheureux Martyrs de la Société des Missions Etrangers”, Paris 1921 kể thì ngày 3 tháng 11 năm 1860 hôm đó trời thanh quang mát mẻ, nhưng vào lúc thì hành bản án, chính lúc đầu cha Nêron Bắc rơi xuống thì một cơn giông rất mạnh bất thần thổi rồi mưa tầm tã đổ nước xuống như thác lũ. Những người lương dân chứng kiến tại chỗ đều nói: “Tại vì ông cố Tây sống đời độc thân lành thánh, nay bị xử tử bất công, làm cho cả trời đất cũng phải rung chuyển.”
Đức Giáo Hoàng Piô X đã suy tôn Ngài  lên bậc Chân Phước ngày 2 tháng 5 năm 1909 và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Ngài vào hàng Hiển Thánh Tử Đạo Việt Nam ngày 19 tháng 6 năm 1988.

Lm. Nguyễn Đức Việt Châu, SSS
tonggiaophanhanoi.org
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log