Thứ bảy, 11/05/2024

Ngày 01.11: Thánh Phêrô Almatô Bình - Linh mục (1831-1861)

Cập nhật lúc 11:01 31/10/2020

Thánh Phêrô Almatô Bình sinh đúng ngày lễ kính Các Thánh, ngày 1 tháng 11 năm 1831 tại làng San Feliz Sarerra, thuộc giáo phận Vich, miền Cataluna nước Tây Ban Nha.

Thận phụ cậu là ông Salvio Almatô làm nghề y sĩ và thân mẫu là bà Antinia. Cậu có người bác là linh mục kinh sĩ phụ trách giải tội cho khắp giáo phận và người em gái sau này cũng là một nữ tu. Cuộc đời của cậu là một chuỗi những biến cố bất thường và thật khó hiểu theo những phán đoán thông thường của con người trần gian. Về thể xác thì cậu Phêrô Almatô mảnh khảnh, yếu đuối, hay ốm đau, hầu như không đủ sức khoẻ để theo học tới nơi tới chốn, nhất là sau này cậu lại mơ ước trở nên một chiến sĩ đi truyền giáo ở nước ngoài. Bù lại, về lòng đạo đức thì cậu lại là một người con rất đáng hãnh diện. Cậu Almatô rất thích đọc tạp chí mang tên là “Kỷ Yếu Hội Truyền Bá Đức Tin”. Trong đó có tường thuật rất nhiều về đời sống, nhiều khi rất mạo hiểm của những nhà truyền giáo nơi các vùng xa xôi đầy hiểm trở. Cậu Almatô rất thích thú và quyết chí sau này sẽ dấn thân theo vết chân của các nhà truyền giáo này.
Tháng 8 năm 1847 lúc cậu vừa 17 tuổi, Almatô xin phép cha mẹ để nhập dòng Đa Minh. Cậu được bề trên nhận vào tu viện và ngày 25 tháng 9 cũng năm ấy, thầy Almatô được mặc áo dòng, bắt đầu năm tập theo luật dòng và ngày 26 tháng 9 năm 1848 thầy chính thức khấn Dòng. Sau đó thầy học thần học để chuẩn bị lãnh chức linh mục. Đang học thần học thì bất thần lệnh bề trên gửi tới, thầy phải chuẩn bị lên đường đi Phi Luật Tân. Tháng 9 năm 1849, thầy Almatô cùng với các bạn đồng hành tới Manila, tiếp tục học thần học và trau dồi ngôn ngữ và tìm hiểu phong tục, văn hoá của các nước vùng Viễn Đông. Ngoài việc trau dồi kiến thức và trí tuệ, thầy còn dành nhiều thời giờ để suy niệm, cầu nguyện và đọc sách thiêng liêng. Năm 1854 thầy được thụ phong linh mục tại Manila rồi năm sau cha được lệnh xuống tàu cùng với hai linh mục khác qua Việt Nam. Ngày 4 tháng 8 năm 1855, cha Almatô tới giáo phận Đông Đàng Ngoài tức Bùi Chu. Ở đây cha Almatô gặp Đức Cha Hermôsilla Liêm và một số đông anh em dòng Đa Minh về dự lễ tấn phong Giám mục cho Đức Cha Garcia Sampedro Xuyên. Sau đó vâng lệnh Đức Giám Mục cha Phêrô Almatô nhận tên Việt Nam là Bình và ở lại học tiếng Việt với cha Gaspar Nghĩa tại Nam Am, Đông Xuyên rồi Kẻ Mốt. Gần một năm sau, cha được cử đi lãnh nhận hạt Thiết Nham làm cơ sở mục vụ. Đức Cha Hermôsilla thấy cha Phêrô Almatô Bình còn trẻ trung, hăng say việc truyền giáo nhưng sức khỏe của cha lại quá mong manh, nhất là lại phải sống chui rúc trong hầm dưới lòng đất, trong bụi rậm bụi tre, ăn mặc thô sơ, thiếu tốn mọi sự cần thiết. Hơn nữa Việt Nam trong thời điểm này lại đang bị cấm cách gay gắt nên sợ nguy hại đến tính mạng của cha. Do đó, Đức Cha Hermôsilla Liêm cho lệnh thay vì ở Việt Nam thì cha Almatô Bình phải sang truyền giáo ở Trung Hoa. Thật là một tiếng sét đánh bên tai, cha Almatô Bình rất buồn khi nhận được tin này. Nhưng vì đức vâng lời, cha cũng mau mắn thu xếp hành lý lên đường. Cha phải bí mật tìm đến địa điểm hẹn tại ven bờ biển. Khi tới điểm hẹn thì được biết tin con thuyền chở các ngài đi Trung Hoa bị động nên nhóm linh mục đồng hành đã quyết định vội vã nhổ neo đi gấp ngay từ đêm hôm trước. Bị lỡ một chuyến tàu, cha Almatô Bình được lệnh đi phục vụ tại một họ lẻ miền Hải Dương từ năm 1850 tới năm 1861. Từ đầu tháng 8 năm 1861 do sắc lệnh Phân Sáp nên hàng giáo sĩ hầu như không thể tìm được nơi nào an toàn để ẩn trú. Cha Almatô Bình rời Thiết Nham di chuyển sang Kẻ Né rồi tới trú ngụ ở Thọ Ninh, nay lại xuống thuyền cùng đi với Đức Cha Valentinô Berrio Ochoa Vinh xuôi theo dòng sông Thái Bình, tới Hải Dương. Các Ngài gặp Đức Cha Hermôsilla Liêm và thầy Giảng Giuse Nguyễn Duy Khang. Các Ngài trao đổi tâm sự rồi ngay sau đó mỗi người lại tìm đường trốn lánh. Ngày 20 tháng 10 năm 1961 khi Đức Cha Hermôsilla Liêm và thầy Giảng Giuse Nguyễn Duy Khang bị bắt thì Đức Cha Valentinô Berriô Ochoa Vinh và cha Phêrô Almatô Bình cũng đang ở trên một chiếc thuyền khác, nhưng may mắn đã chạy thoát được.
Thấy Đức Cha Hermôsilla Liêm và thầy Giảng Giuse Nguyễn Duy Khang bị bắt rồi, Đức Cha Berrio Ochoa Vinh và cha Almatô Bình nghĩ rằng trốn dưới thuyền chắc không ổn nên ông Cựu Trọng là một tín hữu rất tốt bàn với Đức Cha là ông sẽ giới thiệu với một người bạn rất tốt là ông Lang Thừa. Ông này tuy ngoại giáo nhưng rất tốt và luôn che chở cho người Công giáo. Hai vị đã tới đó và được đón tiếp rất nồng hậu, thân tình. Trú ẩn được ít ngày thì một chuyện bất hạnh xẩy ra, đó là ông Lang Thừa có một người cháu tên là Khán Cáp. Anh này biết trong nhà ông Lang Thừa chứa chấp Đạo Trường, anh vội đi báo để lấy 300 quan tiền thưởng. Nhưng để tránh tiếng xấu cho ông, anh liền bày kế là đứa Đức Cha và cha Bình đi trốn nơi khác, lấy lý do là đã có người biết Đức Cha và cha Bình đang ẩn trốn tại nhà ông lang Thừa. Anh này dẫn Đức Cha và cha Bình ra đồng mía trú ẩn rồi cấp báo cho quan huyện Thanh Hà đưa 300 quân lính về vây bắt tại chỗ trong ruộng mía. Thấy không thể lẩn tránh được nữa, Đức Cha Valentinô Berrio Ochoa Vinh đứng thẳng lên dõng dạc nói:
- Chúng tôi không cần trốn tránh nữa. Nếu các ông muốn bắt chúng tôi thì cứ bắt.
Thế là họ xông vào bắt trói hai nhà truyền giáo của Chúa, hôm đó là ngày 20 tháng 10 năm 1861. Họ bắt các Ngài đeo gông rồi giải về nộp cho quan tổng đốc Hải Dương. Tới cổng thành Hải Dương, họ đã đặt một cây Thánh Giá thật lớn ngay giữa lối đi. Họ yêu cầu các Ngài bước qua nhưng hai Ngài đã dừng lại. Đức Cha Ochoa Vinh và cha Almatô Bình tới quì gối cung kính hôn kính Thánh Giá rồi Đức Cha Valentinô Berriô Ochoa Vinh hiên ngang đứng dạy nói:
- Chúng tôi sẽ không bước qua nếu các ông không di chuyển cây Thánh Giá này đi nơi khác. Dù có phải chết, chúng tôi sẵn sàng chết ngay tại chỗ này.
Thấy thái độ khẳng khái và cương quyết như thế, họ phải chịu thua, di chuyển cây Thánh Giá đi, lúc ấy các Ngài mới tiếp tục bước vào công đường. Quan tổng đốc Hải Dương là Nguyễn Quốc Cẩm thấy hai vị đạo trưởng tây phương dáng vẻ hiền lành nên không đành tâm đối xử tàn tệ. Ông chỉ hỏi sơ qua về danh tính, tuổi tác và việc giảng đạo như thế nào. Quan hỏi cha Almatô:
- Tên ông là gì?
Cha Bình thản nhiên trả lời:
- Tôi là linh muc Almatô Bình. Người nước Tây Ban Nha, sang An Nam giảng đạo Thiên Chúa được bảy năm tại nhiều nơi.
Sau đó ông ra lệnh giam mỗi vị ở một chiếc cũi nhưng cho lệnh viên cai ngục phải đối xử tử tế và nghiêm cấm không được nói năng vô phép với các Ngài. Thái độ dễ dãi này đã được báo cáo tới quan tống đốc Nam Định là Nguyễn Đình Tân. Biết tin, ông này đã đích thân tới Hải Dương và dùng quyền ép quan tổng đốc Hải Dương phải lên án trảm quyết ngay.
Theo quyết định của quan tổng đốc Nam Định Nguyễn Đình Tân, cha Phêrô Almatô Bình bị lãnh án trảm quyết cùng với hai Đức Cha Hermôsilla Liêm và Đức Cha Valentinô Berriô Ochoa Vinh, ngày thi hành án lệnh được quyết định là ngày 1 tháng 11 năm 1861, chính là ngày lễ kính Các Thánh nam nữ ở trên trời.
Như đã ghi lại trong chuyện thánh Giám mục Valentinô Berriô Ochoa Vinh, ngay từ sáng sớm ngày 1 tháng 11 năm 1862, đoàn quân hùng hậu nghiêm chỉnh hai hàng, Đi đầu là một con voi lớn, theo sau là ba chiếc cũi nhốt ba nhà truyền giáo tây phương. Ở giữa là chiếc cũi nhốt Đức Cha Valentinô Berriô Ochoa Vinh, bên phải là chiếc cũi nhốt Đức Cha Hermôsilla Liêm, bên trái là chiếc cũi nhốt cha Phêrô Almatô Bình. Theo sau xa xa là một số đông dân chúng cả lương lẫn giáo muốn chứng kiến cái chết anh hùng của các chiến sĩ Đức Tin Công giáo.
Tới nơi các quan ra lệnh mở các cũi để các ngài bước ra. Các Ngài vui vẻ, thản nhiên quay nhìn mọi người, cúi đầu chào và hai Đức Cha thì giơ tay ban phép lành lần cuối cho các tín hữu. Sau đó ba Ngài quì xuống đất, sốt sắng cầu nguyện mấy phút. Ba hồi chiêng trống nổi lên, các lý hình đã sẵn sàng giơ cao những lưỡi gươm sắc bén, đợi tiếng chiêng trống cuối cùng thì các lý hình chém một nhát, ba chiếc đầu rơi xuống đất. Mọi người chứng kiến ở vòng ngoài hồi hộp nín thở. Có tiếng kêu lớn từ xa vọng lại:
- Trời ơi! Đầu các Ngài rơi xuóng đất rồi! Ghê sợ quá!
Những người dân cả lương lẫn giáo xô nhau tới thấm máu các Ngài. Thi thể các Ngài được an táng ngay tại pháp trường. Một thời gian sau giáo dân cải táng rước về đặt tại Thọ Ninh. Hiện nay thủ cấp của cha thánh Phêrô Almatô Bình được chuyển về tôn kính ở Tây Ban Nha, quê hương của Ngài, còn thi hài được an táng trong thánh đường Hải Dương.
Đức Giáo Hoàng Piô X đã suy tôn Ngài lên bậc Chân Phước ngày 20 tháng 5 năm 1906. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng cha Phêrô Almatô Bình lên hàng hiển thánh Tử Đạo Việt Nam ngày 19 tháng 6 năm 1988.

Lm. Nguyễn Đức Việt Châu, SSS
tonggiaophanhanoi.org
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log