Chúa nhật, 28/04/2024

Ngày 02.05: Thánh Giuse Nguyễn Văn Lựu, Giáo Dân, Tử Đạo (1790-1854)

Cập nhật lúc 09:31 01/05/2020

Thánh Giuse Nguyễn Văn Lựu sinh năm 1790 tai Cái Nhum, tỉnh Vĩnh Long. Từ nhỏ, Ngài đã được giáo dục trong một gia đình nề nếp, đạo đức. Lớn lên, Ngài lập gia đình với cô Marta Thế người xứ Mặc Bắc và cũng là một trưởng gia đình gương mẫu về lòng đạo đức, sốt sắng và nhiệt thành.

Khi được giữ chức Trùm Chánh xứ đạo, Ngài  nhiệt tình phục vụ, chăm lo mọi việc một cách tận tình nên được mọi người quí mến. Nếu các gia đình trong xứ có điều gì bất hoà, cãi cọ hay kiện cáo nhau, Ngài tìm đến, khôn khéo khuyên giải, phân xử phải trái một cách ôn hoà. Nhờ uy tín sẵn có và lòng đạo đức của Ngài mà mọi người đều chấp nhận, nghe theo cách dễ dàng. Ngài cũng hợp tác với các linh mục trong việc giảng dạy giáo lý, coi sóc thiếu nhi, chăm lo giúp đỡ người nghèo và bệnh tật. Ngài cũng  đặc biệt lưu ý tới việc dọn dẹp bàn thờ trước và sau khi cha dâng lễ. Ngài có nhiều ruộng đất, nên đã dâng cúng  nhiều ruộng đất cho nhà thờ nhà xứ, và đã  xây cất luôn một tu viện cho các nữ tu. Ngài thật là một người Công giáo tốt lành, rộng rãi chia sẻ của cải và giúp đỡ rất nhiều người trong  xứ đạo.
Thời kỳ cấm đạo dưới triều vua Tự Đức rất nghiêm ngặt, nhưng ông Trùm Lựu luôn tin cậy vào Chúa. Ông không sợ hãi, luôn tìm mọi cách để  giúp đỡ các linh mục, tìm chỗ để các linh mục ẩn trốn, để các linh mục vẫn có thể dâng thánh lễ, cử hành các bí tích  một cách âm thầm bí mật cho các tín hữu.
Ngày 26 tháng 2 năm 1853, quan  quân kéo nhau về Mặc Bắc bắt cha Lựu, vì lúc ấy cha Lựu đi vắng chỉ có cha Phan Văn Minh cũng đang ấn lánh tại nhà ông Trùm Lựu. Vì đã được báo cáo là cha Lựu đang ẩn trốn tại nhà ông Trùm Lựu nên quan quân kéo nhau tới xông vào lục soát, lúc ấy ông Trùm Lựu can đảm đến trước mặt quan và nói:
“Ở đây không có cha Lựu, nhưng có tôi là Trùm Lựu đây, Lựu chính là tên Trùm Lựu Họ Đạo này”

Quan thấy ông bạo dạn xưng mình là Trùm Lựu nhưng biết ông không phải là đạo trưởng nên ra lệnh lục soát nhà kỹ hơn. Lúc ấy cha Philipphê Phan Văn Minh đang ẩn trốn trong nhà ông, biết không thoát được nên đã can đảm ra trình diện. Quan nghĩ đó là cha Lựu nên ra lệnh cho quân lính bắt trói cha Minh lại cùng với ông Trùm Lựu và sáu người tín hữu khác giải về tỉnh Vĩnh Long.
Áp giải các Ngài từ Mặc Bắc về Vĩnh Long mất ba ngày đường, tất cả đều mệt nhọc, đói khát. Tới Vĩnh Long, các Ngài phải ra tòa trình diện các quan lớn trong tỉnh. Trước toà, ông Trùm Lựu hiên ngang nhận mình đã đón tiếp và chứa chấp các linh mục trong nhà mình. Các quan hỏi tại sao ông lại cho các đạo trưởng ở trong nhà thì ông thẳng thắn trả lời:
- Cha tôi tới nhà thì tôi đón tiếp cha tôi, đó là lòng hiếu thảo của người Việt Nam chúng ta. Ai mà chả làm như thế.
- Nhưng ông phải biết những ông này là đạo trưởng Đạo Gia Tô, đức vua đã ra lệnh cấm đạo Gia Tô và bắt hết các đạo trưởng  thì ông không được phép chứa chấp.
- Vậy nếu là cha mẹ của các quan lớn thì các quan lớn cũng xua đuổi, không đón tiếp à?
- À, ông này không được cãi lại lời của quan lớn. Một tên lính tát ông và nói như thế.

Ông trùm Lựu nghiêm nét mặt và nói lại:
Này anh, tôi nói để quan lớn hiểu chứ tôi không cãi lại lời quan lớn. Anh nên cân nhắc đàng hoàng, không được hàm hồ, nghe chưa.

Quan nhìn ông, không hỏi gì thêm rồi các quan bắt cha Minh  bước qua Thập Giá, cha Minh cương quyết nhất định không bước qua. Quan bắt ông Trùm Lựu bước qua Thập Giá. Ông cũng nhất quyết không bước qua và mạnh dạn nói:
Cha tôi chết thì tôi chết theo. Tôi nhất quyết không bước qua tượng ảnh Chúa tôi. Xin các quan đừng bắt ép tôi.

Các quan thấy không thuyết phục được cụ già và thấy cụ trả lời lý sự thì các quan quyết định cho trở về nhà giam.
Trong tù, Ngài bị mang xiềng xích, gông cùm nặng nề, bị tra tấn, chịu đòn vọt nhiều lần, Ngài luôn vui vẻ chấp nhận mọi đau đớn vì đạo Chúa. Lúc nào Ngài vẫn cũng tỏ ra cương quyết giữ vững Đức Tin, dù có phải chết thì Ngài cũng sẵn lòng chấp nhận. Vì tuổi già sức yếu, lại phải đeo gông mang xiềng xích năng và chịu nhiều cực hình đến kiệt sức nên vào khoảng 3 giờ sáng ngày 2 tháng 5 năm 1854, Ngài đã lặng lẽ trút hơi thở cuối cùng, để về Thiên Quốc lãnh nhận triều thiên Tử Đạo trong lúc cổ còn đang đeo gông và hai chân vẫn còn bị cùm trong xà lim..
Buổi sáng hôm ấy, các quan tới khám xét thì thấy Ngài đã tắt thở, nét mặt tươi sáng đẹp đẽ. Các quan cho tháo xiềng xích tay chân Ngài rồi trao xác cho gia đình đem về an táng tại Mặc Bắc. Mặc dù đang trong thời cấm đạo rất khắt khe thế mà lễ an táng Ngài được cử hành rất đặc biệt, có 4 linh mục và tới hai ngàn giáo dân tham dự tiễn đưa chôn táng Ngài trong khu thánh đường xứ Mặc Bắc. Mọi người trong xứ đều mến tiếc ông Trùm đạo hạnh, đầy lòng nhiệt tình phụng vụ Chúa và yêu thương giúp đỡ mọi người trong mọi hoàn cảnh kho khăn, nhất là trong thời kỳ cấm đạo này.
Đức Giáo Hoàng Piô X đã tôn phong Ngài lên bậc Chân Phước ngày 2 tháng 5 năm 1809 và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Ngài lên  hàng Hiển Thánh Tử Đạo ngày 19 tháng 6 năm 1988.

Lm. Nguyễn Ðức Việt Châu, SSS
tonggiaophanhanoi.org
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log