Thứ năm, 09/05/2024

Ngày 01.05: Thánh Gioan Louis Bonnard Hương, Linh Mục, Tử Đạo (1824-1852)

Cập nhật lúc 09:03 01/05/2020

Thánh Gioan Louis Bonnard Hương sinh ngày 1 tháng 3 năm 1824 tại Saint Christo-en-Jarret, thuộc giáo phận Lyon nước Pháp.

Cậu là con thứ 5 của ông Gabriel Bonnard và bà Anna Bonnier. Gia đình Công giáo thuần thành nổi tiếng là ngoan đạo, tốt lành từ nhiều đời. Nhưng gia đình lại rất nghèo khó, nghèo đến nỗi không có tiền cho con đi học. Từ năm 12 tuổi cậu đã ngỏ ý muốn đi học và mong ước làm linh mục Khi xưng tội rước lễ lần đầu, cậu đã phải đi chăn chiên thuê để lấy tiền may áo mới cho ngày rước lễ lần đầu.
Cha mẹ thấy cậu ngoan ngoãn và có lòng ước mong đi tu thì cố gắng làm việc tối đa, lao động vất vả để có tiền cho con vào nhà trường. Sau đó cậu được gửi vào học tại chủng viện của giáo phận Alix. Măc dầu trí khôn học hành không xuất sắc nhưng về hạnh kiểm và đạo đức thì cậu lại được xếp vào hạng nhất. Tính nết hiền hoà, nhu mì, nhanh nhẹn, thích giúp đỡ mọi người, rất dễ thương mến. Tại chủng viện, cậu được nghe Bề trên và các thầy giáo kể truyện về nhiều tấm gương anh hùng đi truyền giáo tại Á đông, nhất là tại Việt Nam, nên cậu cũng mơ ước có ngày được di truyền giáo theo gương của các bậc đàn anh tại những nơi đó.
Một hôm sau khi cầu nguyện sốt sắng, thầy gặp cha linh hướng của đại chủng viện Lyon, bày tỏ ý nguyện của mình, xin cha linh hướng chỉ dẫn. Cha linh hướng biết ý nguyện chính đáng của thầy thì khuyên thầy viết đơn xin gia nhập Hội Truyền Giáo Paris. Ngày 4 tháng 11 năm 1846, khi ấy thầy Gioan Louis Bonnard đã 22 tuổi viết đơn xin gia nhập và được Bề trên Hội Thừa Sai Paris chấp nhận.
Sau khi nhận, Bề trên cho thầy tiếp tục hoàn tất chương trình triết và thần học, ngày 24 tháng 12 năm 1848, được Bề trên gọi lãnh chức linh mục rồi ngay đầu năm 1849 cha được sai đi truyền giáo tại Việt Nam.
Lúc đầu Bề trên định gửi cha đi truyền giáo tại Ai Lao, nhưng sau Bề trên lại đổi ý, sai cha vào làm việc tại điạ phận Tây Đàng Ngoài. Đức Cha Retord Liêu vui mừng đón nhận cha và đặt tên Việt Nam cho cha là Hương.
Sau một thời gian học hỏi, Đức Cha sai cha coi hai xứ Kẻ Trình và Kẻ Báng Mùa Chay năm 1852, giáo dân Họ Bối Xuyên mời cha về giúp tuần đại phúc.cho giáo dân tại đó. cha do dự vì khi ấy vua Tự Đức đã ra chiếu chỉ cấm đạo gay gắt lắm rồi. Sau vì lời mời tha thiết, cha nhận lời. Ngày 21 tháng 3 năm 1852 tại Bố Xuyên, sau khi dâng lễ, cha ban bí tích Rửa Tội cho một số trẻ em thì thấy lính tráng đến bao vây làng. Cha vội cởi áo lễ, chạy băng qua đồng lúa. Nhưng quân lính đuổi theo, bắt được cha giải về nộp cho quan huyện. Sáng hôm sau quan huyện cho đưa cha lên tỉnh Nam Định. Tại đây cha bị đánh đập và tra khảo bốn lần rất tàn nhẫn. Quan Tổng đốc hỏi lý lịch của cha và lý do đến Việt Nam và đã làm những gì, cư ngụ ở đâu v.v..Tất cả cha chỉ trả lời:
-  Tôi đến đây để phục vụ và rao giảng đạo Thiên Chúa cho đến chết. Các ngài sẽ lầm to nghĩ rằng tôi sẽ khai báo những gì có hại đến các tín hữu. Tôi đã nói tôi không sợ đòn đánh lẫn cái chết. Tôi sẵn sàng chịu tất cả… Tôi không đến đây để chối đạo, hay làm gương xấu cho các Kitô hữu. 

Thấy cha trả lời cứng rắn và thẳng thắn. Quan tổng đốc cho lệnh đưa cha về nhà giam. Hôm sau quan đốc lại cho lệnh gọi cha tới. Quan tổng đốc khuyên cha vâng lệnh vua bước qua Thập Giá. Quan tổng đốc nói:
Ông đạp lên Thập Giá này. Nếu ông nghe theo, tôi sẽ trả tự do để ông về Âu Châu quê quán của ông, bằng không ông sẽ ăn đòn đẫm máu và bị xử tử.

Cha bình tĩnh trả lời:
-Bẩm quan tổng đốc, tôi đã tuyên xưng nhiều lần rằng tôi không sợ tra tấn, không sợ chết. Trái lại, tôi sẵn lòng chết vì đạo thánh Chúa tôi. Tôi không thể phạm tội như lời khuyên dụ của quan tổng đốc được.

Trong thời gian bị giam tù, cha Phaolô Lê Bảo Tịnh đã lén lút vào ngục giải tội và đưa Mình Thánh Chúa cho cha rước lễ lần cuối.
Qua 4 lần tra vấn không đạt được kết quả mong muốn, quan tổng đốc tỉnh Nam Định làm bản án đưa cho cha ký. Cha đòi giải thích nội dung cho cha hiểu. Sau cùng các quan yêu cầu cha ghi vào bản án một câu chú giải bằng Pháp ngữ, đại ý viết rõ tên cá nhân, tên quốc tịch và tư cách linh mục đạo trưởng. Ngày 5 tháng 4 năm 1852 bản án được gửi vào Huế. Ngày 8 tháng 4 cùng năm, cha Bonnard viết một thư gửi cho Đức Cha Retord Liêu  trình bày như sau: “Con đã được phúc chịu Mình Thánh Chúa sau khi đã xưng tội. Đã từ lâu được Chúa vào lòng, con cảm nghiệm một sự vui mừng chưa bao giờ từng thấy. Phải ở trong tù, khi tay chân bị xiềng xích và cổ phải đeo gông, lúc đó mới hiều được sự hiện diện Chúa trong linh hồn êm dịu chừng nào. Được chịu khó một chút cho Đấng đã yêu thương chúng ta quả là một hạnh phúc”.

Trong một lá thư khác gửi cho gia đình, trước ngày chịu tử hình, cha viết cho cha mẹ: “Khi thầy mẹ nhận được thư này, chắc đầu con đã rơi xuống đất vì thanh gươm sắc bén. Con sẽ thành lễ vật hy sinh như Chúa Kitô trên Thập Giá và con hy vọng sẽ được hưởng long nhan Chúa trên Thiên Đàng cùng với các Thánh. Do đó xin thầy mẹ và anh chị em thân yêu hay vui mừng vì hồn con sẽ bay thẳng về cõi phúc. Nếu con làm được gì bên toà Chúa, con đoan chắc sẽ không quên thầy mẹ và anh chị em đã thương con và đã nhiều công lao với con. Được chết cho Chúa như thế này quả là một hồng phúc lớn lao. Con vui sướng vì được đeo gông và mang xiềng xích. Hồi xưa còn trẻ, con vẫn ôm hoài bão này. Hôm nay Chúa đã cho nên con hôn kính gông cùm xiềng xích và con hết sức hân hoan vì thấy mình như được gắn huy chương Thiên quốc.
Thưa thầy mẹ, con biết nói gì hơn? Muốn được an ủi thầy mẹ, được lau nước mắt cho thầy mẹ và anh chị em, được bày tỏ hết tâm tình con lần cuối cùng ở trần gian này. Nhưng an ủi nào quí giá cho bằng sự an ủi bắt nguồn từ tử đạo cho Chúa. Nếu đọc những dòng chữ này thầy mẹ và anh chị em thương con, thì xin thầy mẹ và anh chị em hãy đinh ninh rằng: lúc mà thư con tới gia đình thì các hình khổ con rất hiên ngang chịu đựng cũng đã qua rồi và hồn con đã vào bên trong quê hương Nước Trời. Xin thầy mẹ và anh chị em hãy lo phần linh hồn mình, chứ của cải trần gian chỉ là phù du. Chúng ta phải ngửa mặt nhìn lên, vì ở đấy mới chính là nơi chúng ta sẽ gặp nhau vĩnh cửu”.
Bản án gửi về triều đã được vua Tự Đức xem xét kỹ lưỡng và châu phê ngày 30 tháng 4 năm 1853 rồi gửi trả về cho quan tổng đốc tỉnh Nam Định.
Trước ngày cha Bonnard Hương tử đạo, với tư cách là Giám mục, Đức Cha Retord Liêu đã gửi cha lá thư để an ủi cha như sau: “Cha xin tôi chúc lành. Phép lành này tôi đã cho từ ngày cha đặt chân trong giáo phận hôm nay vẫn còn giá trị. Và sẽ theo cha sang cõi trường sinh. Phép lành này tôi đã cho từ hôm đặt cho cha tên Việt Nam “cố Hương”. Hương có nghĩa là quê hương, là hương thơm. Phải, quê hương và cha sẽ là một trong những người sẽ định cư trong đó. Phải, hương thơm đó sắp sửa được đốt cháy trên bàn thờ tử đạo và sẽ toả bốc trước toà Thiên Chúa trường cửu. Hương thơm tuyệt diệu khác nào của Maria Madelena hồi xưa đã thành kính xức cho Chúa. Hương thơm này sẽ thiêu hoá đem lại sự mát dịu cho các Thiên Thần và loài người… Phải, cha thân mến, cha đã được chúc lành, và chúng tôi xin khi nào hưởng phúc Thiên Đàng, lúc đó đến lượt cha sẽ chúc lành cho chúng tôi, chúc lành cho giáo phận và giáo đoàn mà cha đã yêu mến. Cha sẽ là trạng sư, là người bảo trợ chúng tôi còn đang vất vả đi trong thung lũng trần gian và đang chờ ngày cùng với cha chúng tôi sẽ đồng hưởng hoan lạc muôn đời”.
Ngày 1 tháng 5 năm 1852 đúng như án lệnh, cha đã hiên ngang tiến ra pháp trường Bảy Mẫu để đón nhận cái chết tử đạo một cách vui mừng sung sướng. Đến nơi, cha quì trên chiếu cầu nguyện khá lâu. Ba hồi chiêng trống nổi lên, lính chém đầu cha rơi trên cát. Dân chúng xô nhau tới thấm máu. Đầu và thân mình cha bỏ trôi sông. Sau đó giáo hữu lén lút vớt được đưa về an táng tại chủng viện Vĩnh Trị.
Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã tôn phong cha lên bậc Chân Phước ngày 27 tháng 5 năm 1900 và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Ngài lên hàng Hiển Thánh Tử Đạo ngày 19 tháng 6 năm 1988.

Lm. Nguyễn Ðức Việt Châu, SSS
tonggiaophanhanoi.org
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log