Thứ tư, 30/04/2025

Gợi Ý Tĩnh Tâm Tháng 04.2025 - Niềm Vui Loan Báo Tin Mừng Phục Sinh

Cập nhật lúc 17:05 02/04/2025
 
WMTGHH - Trong thông điệp Ngày Thế Giới Truyền Giáo năm 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định: “Chiều kích truyền giáo thuộc về chính bản chất của Giáo hội, và nó cũng là bản chất của mọi hình thức đời sống thánh hiến… Ai theo Chúa Kitô không thể không trở thành người truyền giáo”. Như thế, người Kitô hữu và người sống đời thánh hiến, chúng ta mang trên mình sứ vụ loan báo Tin Mừng. Chúng ta không thể chối bỏ sứ vụ này, đến nỗi nói như Thánh Phaolô Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (Cr 9,16). Trong tâm tình những ngày cuối mùa chay thánh, chuẩn bị đón mừng Chúa Phục Sinh, chúng ta cùng nhau nhìn lại hành trình sứ vụ của mình để cảm nghiệm niềm vui loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Niềm vui này không chỉ đơn thuần là cảm xúc thoáng qua, nhưng là sức mạnh thiêng liêng thúc đẩy chúng ta dấn thân trong hành trình ơn gọi, trở nên cánh tay hữu hình của Chúa Giêsu Kitô, hân hoan làm chứng về Đức Kitô Tử Nạn và Phục Sinh.
 
1. Đời sống thánh hiến với sứ vụ loan báo Tin Mừng
Loan báo Tin Mừng là trách nhiệm của toàn thể Giáo Hội, của mỗi người Kitô hữu và đặc biệt của những người sống đời sống thánh hiến. Trong Tông huấn Đời sống thánh hiến (Vita consecrata), Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cho chúng ta thấy rõ sự liên hệ chặt chẽ giữa đời sống thánh hiến và sứ vụ:
“Những người tận hiến sẽ trở thành những nhà truyền giáo trước tiên bằng việc thường xuyên ý thức sâu xa rằng họ đã được Thiên Chúa kêu gọi và chọn lựa, nên phải quy hướng và dâng hiến cho Người toàn thể cuộc đời của họ và tất cả những gì họ có, bằng cách tự giải thoát khỏi những trở ngại làm trì trệ việc đáp trả trọn vẹn trong tình yêu. Như thế họ sẽ trở thành một dấu chỉ trung thực về Đức Kitô trong thế giới. Lối sống của họ phải phản ánh lý tưởng họ tuyên xưng, khi xuất hiện như là những dấu chỉ sống động của Thiên Chúa và là những nhà rao giảng Tin Mừng đầy sức thuyết phục, cho dù họ thường im hơi lặng tiếng.” (VC 25)
Ngài khẳng định tiếp: “Trong Giáo Hội và trong thế giới, đời thánh hiến có sứ mạng đặc biệt là làm chứng cho Đức Kitô bằng cuộc sống, bằng việc làm và lời nói”. (VC 109). Có thể nói, việc thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng được thực hiện qua toàn bộ đời sống của người tu sĩ và ở bất cứ môi trường nào, dù là vang tiếng nơi thị thành hay thầm lặng giữa núi rừng. Dù có thể có những người bôn ba đây đó rao giảng Tin Mừng, hay âm thầm bằng những hy sinh nhỏ bé, với những lời kinh nguyện hàng ngày… Thì như được nói trong Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng (Evangelii Gaudium) “Lý do đầu tiên cho việc loan báo Tin Mừng là tình yêu của Chúa Giêsu mà chúng ta đã lãnh nhận” (EG 264).  Nói như Thánh Phaolô là“tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng tôi” (2 Cr 5,14). Nói cách khác, nguồn mạch thúc đẩy cho đời sống sứ vụ đó chính là “tình yêu”, yêu mến Thiên Chúa và yêu thương con người. Chính tình yêu đã thúc đẩy chúng ta đến với sứ vụ loan báo Tin Mừng, để mọi người được nhận biết và được sống trong tình yêu của Chúa, để Nước Chúa được mở rộng khắp nơi.
Để sống và thi hành sứ vụ, để dấn thân cách sáng suốt và can đảm cho công cuộc loan báo Tin Mừng, Hiến Chương dạy chúng ta “hãy sống đúng ơn gọi và chân tính của mình, làm cho đời sống tu trì thực sự thấm nhuần tinh thần tông đồ và mọi sinh hoạt tông đồ thấm nhuần tinh thần tu trì … Mọi sinh hoạt bên trong và bên ngoài cộng đoàn, kể cả tình trạng bệnh tật đau yếu của chị em, đều hướng tới mục đích cuối cùng là sống và loan báo Tin Mừng” (HC 71). Hơn thế nữa, “việc hiến dâng cho Chúa Giêsu càng đi vào nội tâm, cách sống cộng đoàn càng đậm tình huynh đệ, sự dấn thân vào sứ mạng đặc thù của tu hội càng hăng say, thì đời tu càng có giá trị tông đồ” (VC 72).
Trong tâm tình đó, chúng ta tự hỏi mình: Tôi đã ý thức về sứ vụ loan báo Tin Mừng như thế nào? Tôi có sẵn sàng trở thành người loan báo Tin Mừng bằng chính đời sống của mình không?

 
2. Chúa Phục Sinh, nguồn mạch của sứ vụ loan báo Tin Mừng
Trong thư gửi tín hữu Côrintô, Thánh Phaolô đã nói “nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng.… Nhưng không phải thế! Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu.” (1Cr 15, 14. 17. 20). Với những lời này, Thánh Phaolô đã khẳng định Chúa Giêsu Phục Sinh chính là nền tảng của niềm tin Kitô giáo, đồng thời là trung tâm của lời rao giảng của các tông đồ. Và như thế, “Mầu nhiệm vượt qua cũng là nguồn mạch của chiều hướng truyền giáo” (VC 25).
Sứ mạng của chúng ta không dừng lại ở việc chiêm ngắm mầu nhiệm Phục Sinh, mà còn là ra đi loan báo Tin Mừng ấy cho mọi người. Như những người phụ nữ đã gặp Chúa Phục Sinh và vội vã loan báo tin mừng ấy cho các môn đệ (Mt 28,8), chúng ta cũng được thúc đẩy mang tin vui Phục Sinh đến với những người xung quanh. Và trên hành trình ấy, chúng ta không bước đi một mình, nhưng luôn có Chúa đồng hành, dẫn đường chỉ lối cho chúng ta. Đức Kitô Phục Sinh chính là suối nguồn hy vọng của chúng ta, và Người sẽ luôn ở cùng chúng ta như Người đã nói với các môn đệ “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. (Mt 28, 20)

 
3. Niềm vui chứng tá loan báo Tin Mừng Phục Sinh
Trong đời sống con người, chúng ta có thể có những nỗi buồn, bên cạnh đó cũng có không ít những niềm vui. Đơn giản như vui vì một manh áo mới, một món ăn ngon, một món quà nho nhỏ, một người bạn thân tình, hay vui vì một thành công trong cuộc sống. Hơn thế nữa, là người kitô hữu, chúng ta vui vì được nhận biết Thiên Chúa, được làm con của Người. Cùng với đó, là niềm vui của việc chia sẻ, làm chứng cho Chúa qua sứ vụ của mình, niềm vui của người loan báo Tin Mừng.
Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng (Evangelii Gaudium), cho chúng ta thấy: “Niềm Vui của Tin Mừng đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp Chúa Giêsu” (EG 1). Khi gặp gỡ với Chúa Kitô Phục Sinh, khi được tràn đầy niềm vui có Chúa, chúng ta cũng muốn mau chóng chia sẻ niềm vui đó với người khác. Như Maria Madalena và những người phụ nữ đi viếng mộ Chúa, khi được Thiên Thần báo tin Chúa đã sống lại, và chính các bà cũng đã thấy Chúa (x.Mt 28, 9-10),  như Kính Thánh nói, “Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giêsu hay” (Mt 28,8). Quả thật, những ai gặp được Chúa không chỉ cảm nhận được niềm vui từ Tin Mừng Cứu Độ mà còn mang theo niềm hân hoan, hăm hở loan báo Tin Mừng ấy cho người khác, muốn chia sẻ niềm vui ấy cho những người mình gặp gỡ.
Tuy nhiên, chúng ta biết rằng, trên hành trình sứ vụ, để đem Chúa đến cho người khác, có đầy rẫy những khó khăn, có những nụ cười và cả nước mắt. Sứ vụ đòi hỏi chúng ta phải ra đi, phải dấn thân, phải hy sinh. Sự ra đi, dấn thân và hy sinh ấy sẽ làm cho chúng ta lo lắng, sợ hãi và cảm thấy sự mất mát, thua thiệt… làm chúng ta nản chí, sờn lòng. Trước tình cảnh đó, Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II trong thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Thế đã nhắc nhở chúng ta: “một việc dấn thân truyền giáo cần thực sự và hoàn toàn ban tặng bản thân mình, cần những nỗ lực mới mẻ và vững mạnh. Vì thế, các nhà truyền giáo nam nữ, thành phần hiến cả đời mình vào việc làm chứng cho Chúa Phục Sinh nơi các dân nước, không được để cho mình cảm thấy lung lạc bởi bị ngờ vực, hiểu lầm, loại trừ hay bách hại” (RM 66).
Chúng ta có thể làm được điều đó với sự khích lệ của Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng, Ngài nói: “không một ai bị loại trừ khỏi niềm vui mà Chúa Giêsu đem đến… Với một sự dịu dàng không bao giờ gây thất vọng nhưng luôn luôn có sức phục hồi niềm vui của chúng ta, Ngài làm cho chúng ta có thể ngẩng đầu lên và bắt đầu lại. Chúng ta đừng chạy trốn sự Phục Sinh của Chúa Giêsu, chúng ta đừng bao giờ ngã lòng, bất luận điều gì xảy ra. Chúng ta đừng để điều gì thúc đẩy chúng ta hơn là sự sống của Ngài, sự sống thôi thúc chúng ta tiến bước!” (EG 3). Vững tin điều đó, là những người sống sứ vụ loan báo Tin Mừng, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi chúng ta, những nhà truyền giáo: “không bao giờ được mang bộ mặt của một người vừa đi đưa đám về! Chúng ta hãy lấy lại và đào sâu sự phấn khởi của mình, đào sâu niềm vui dịu ngọt và phấn khởi của việc loan báo Tin Mừng, cả khi chúng ta phải gieo trong nước mắt... Và chớ gì thế giới của thời đại chúng ta, một thế giới đang kiếm tìm, khi thì trong lo âu, khi thì trong hi vọng, có thể nhận được tin mừng không phải từ những người rao giảng rầu rĩ, chán nản, mất kiên nhẫn hay lo âu, nhưng từ những thừa tác viên Tin Mừng đang sống một cuộc đời đầy nhiệt huyết, những người trước đó đã nhận được niềm vui của Đức Kitô” (EG 10).
Trong linh đạo “Mến Thánh Giá”, chúng ta được mời gọi bước theo Chúa Kitô chịu đóng đinh, nhưng đó không phải là một con đường u sầu hay đau khổ, mà là con đường dẫn đến vinh quang Phục Sinh. Thập giá không phải là dấu chấm hết, nhưng là nhịp cầu dẫn đến sự sống mới. Chúng ta cũng được mời gọi chia sẻ niềm vui Phục Sinh ấy. Chính niềm vui Phục Sinh giúp chúng ta vượt qua những khó khăn trong sứ vụ, để tiếp tục yêu thương, phục vụ và hy sinh. Trên hành trình sứ vụ, chúng ta không bước đi một mình, nhưng luôn có Chúa đồng hành, có sức mạnh của Thánh Thần hướng dẫn và luôn có cộng đoàn đỡ nâng. Để rồi, dù là nơi phố phường tấp lập, hào nhoáng với những ánh đèn lấp lánh, hay là vất vả ngược xuôi nơi xa xôi với núi rừng, với những bản làng đơn xơ thiếu thốn... thì những nụ cười vẫn luôn thắm nở trên môi.
Xin Chúa Phục Sinh ban cho chúng ta ơn can đảm, lòng nhiệt thành và niềm vui đích thực, để chúng ta tiếp tục hăng say dấn thân trên hành trình sứ vụ, làm chứng cho sự sống mới mà Đức Kitô đã mang đến cho nhân loại.
Lạy Giêsu Phục Sinh, Chúa đã sống lại mở ra cho nhân loại một sự sống mới. Xin Chúa củng cố đức tin và ban tràn đầy ân sủng cho chúng con cảm nhận được niềm vui Phục Sinh của Chúa trong cuộc đời chúng con. Xin cho chúng con biết sống và chia sẻ niềm ấy, để ánh sáng Tin Mừng của Chúa được lan tỏa đến muôn nơi. Amen.

 
Ban Huấn Luyện
Thông tin khác:
Bộ Mẫu Dâng Hoa Kính Đức Mẹ Tháng 5/2025
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log