Thứ sáu, 29/03/2024

Tĩnh Tâm Tháng 3

Cập nhật lúc 16:08 02/07/2018

 
Đề Tài: Tâm Tình Mùa Chay (Sám Hối – Khổ Chế)
Tĩnh Tâm Tháng 3/2018
Sống trong Mùa Chay, mỗi người được Lời Chúa mời gọi Sám hối và thay đổi đời sống (Mc1,15). Mùa chay mời gọi chúng ta thực hiện việc sám hối cách cụ thể đó là ăn chay, cầu nguyện và bố thí. Việc Sám hối cụ thể này sẽ giúp ta dễ dàng khổ chế để thanh luyện bản thân và cho ta cơ hội trở về với Chúa như lời Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong sứ điệp mùa chay 2018: “Mùa Chay như một dấu chỉ bí tích sự hoán cải của chúng ta. Mùa Chay thôi thúc chúng ta, và cho chúng ta cơ hội trở về với Chúa hết lòng và trong mọi khía cạnh của cuộc đời chúng ta”.
Thật vậy, cầu nguyện là làm mới lại tương quan với Thiên Chúa, từ bỏ những gì làm ta xa Chúa và dứt bỏ mọi tội lỗi quen phạm. Đồng thời, cầu nguyện còn giúp ta nhổ tận gốc khỏi con tim mình những lời dối trá bí ẩn và những hình thức tự lừa dối và tìm thấy niềm an ủi mà Chúa mang đến cho ta (Sứ điệp Mùa Chay 2018). Bên cạnh đó, bố thí là chia sẻ của cải cho những người nghèo hơn, tự nguyện bỏ bớt một phần tiện nghi để giúp những ai đói khổ. Trong sứ điệp Mùa Chay 2018 ĐGH Phanxico nói: “Sự bố thí giải thoát ta khỏi lòng tham và việc chia sẻ của cải như một chứng tá hữu hình về sự hiệp thông trong Giáo hội”.
Tiếp đến, Chay tịnh còn làm cho thân xác, tâm hồn mình trở nên nhẹ nhàng, thoát khỏi những nặng nề bởi cám dỗ sống hưởng thụ, ích kỷ, từ đó, giúp ta hàn gắn lại tình bạn với Chúa và lớn lên trong sự thân mật đối với Ngài. Đồng thời, chay tịnh giúp ta tránh tội và tránh cả những dịp tội; giúp ta thoát ra khỏi sự thèm muốn tự nhiên về cơm bánh vật chất, để nếm cảm sự cần thiết của tấm bánh tinh thần. Nhờ ăn chay con người thấy mình được tự do hơn để sống theo ý Chúa.
Khi chịu đói nơi thân xác, ta sẽ thấy tim mình đói khát Thiên Chúa và mong Ngài đến với ta để làm ta mãn nguyện. Do đó, Chay tịnh phải là một thái độ thấm vào cuộc sống của ta khi bớt nuông chiều những đòi hỏi ngày càng nhiều của thân xác và thắng dẹp những cám dỗ của thèm muốn vô độ. ĐGH Phanxicô nói trong sứ điệp Mùa Chay 2018: “Chay tịnh thể hiện sự đói khát thiêng liêng của chúng ta và lòng khao khát cuộc sống trong Chúa. Chay tịnh thức tỉnh chúng ta và làm cho chúng ta chú ý hơn đến Thiên Chúa và người láng giềng của mình. Chay tịnh làm sống lại trong ta mong muốn vâng lời Thiên Chúa, là Đấng duy nhất có thể thỏa mãn cơn đói của chúng ta”. Vì thế, để sống tinh thần Mùa Chay cách đích thực, mỗi người cần phải biết mình để Sám hối và Khổ chế để tiến tới sự hoán cải đích thực.
 
I. Sám Hối (Mc 1,15)
Sám hối không chỉ là có ý thức về tội và có lòng hối hận về tội, mà phải thay đổi cả con người của mình. Có 3 đặc tính của Sám hối đích thực:
- Sám hối theo nguyên ngữ Hy lạp “Metanoia” mà Thánh Luca dùng, có nghĩa là “Sự thay đổi cả đầu óc lẫn con tim cách trọn vẹn”, không còn tập trung về mình, không còn chiều chuộng mình, không dễ dãi với mình mà ngược lại phải vượt ra khỏi mình để quay về với Thiên Chúa.
- Lòng sám hối chân thật bao giờ cũng có niềm vui và sự bình an đi kèm, vì đó là ơn ban của Chúa Thánh Thần cho ta sau khi ta ăn năn tội vì đã làm mất lòng Chúa, đánh mất tình yêu với Ngài do tội mình phạm. Thật vậy, qua việc sám hối tội lỗi của mình, ta lại tìm được Chúa, cảm nhận được Chúa yêu ta, Ngài tha thứ và quên hết những xúc phạm của ta. Đây chính là lý do để ta vui mừng vì Thiên Chúa - người Cha tuyệt diệu của chúng ta sẵn lòng xóa hết mọi tội của chúng ta, để ôm chúng ta vào lòng mà trao lại chúng ta cho Đức Giêsu Kitô, Con Một chí ái của Người.
- Lòng sám hối đi liền sau khi được gặp Chúa Giêsu: cần có lòng sám hối thì mới đi tới kinh nghiệm sâu sắc hơn về Chúa Giêsu. Nhưng chỉ sau khi gặp gỡ Chúa Giêsu ta mới hiểu ý nghĩa đầy đủ của Sám hối, mới hiểu thế nào là tội, thế nào là tình yêu Thiên Chúa dành cho ta (ICr 15,9; Lc 7, 36-39; Lc 19, 1-10). Do vậy, làm sao ta có thể sám hối vì đã xúc phạm Chúa Giêsu nếu trước đó chúng ta không còn yêu Người nữa? Làm sao yêu được Chúa nếu trước đó chúng ta không tiếp cận với Người và có kinh nghiệm về Người? Vì thế, có thể nói sám hối cuối cùng có nghĩa là yêu mến Chúa và để cho Chúa yêu ta.
Vậy, sau khi nhận ra được những mê lầm và tội lỗi của mình tôi cần phải thay đổi đầu óc và con tim làm sao để có được lòng sám hối đích thực, gặp gỡ được Chúa Giêsu và yêu mến Ngài cách sâu xa hơn?
 
II. Khổ Chế
Xe cần phải có phanh, ngựa cần phải có cương mới điều khiển được. Cũng vậy, con người muốn tiến đức cần phải biết khổ chế. Lm. Phạm Châu Diên nói: “Khổ chế là cầm hãm các khuynh hướng xấu, bắt nó phục tùng ý chí và bắt ý chí phục tùng Thiên Chúa”. Khổ chế bao gồm chế thể và chế tâm: Chế thể là cầm hãm thân xác và ngoại quan còn chế tâm là sửa trị vật dục, hãm dẹp nội quan, giáo dục trí năng và ý chí. Hơn nữa, đối với người tu sĩ, việc khổ chế cần phải đi sâu vào  việc thực hiện 3 lời khuyên Phúc Âm. Bởi vì ngày nay có rất nhiều thách đố trong việc sống 3 lời khuyên Phúc Âm này. Do vậy, trong Tông Huấn Đời Sống Thánh Hiến, người tu sĩ được mời gọi trở nên chứng tá sống động cho thế giới hôm nay về 3 lời khấn: Khiết Tịnh – Nghèo Khó – Vâng Phục:
- Sống trong nền văn hoá hưởng thụ đang tháo gỡ mọi quy tắc đạo đức khách quan của tính dục, giản lược tính dục thành một thứ trò chơi và một món hàng tiêu thụ, cũng như tôn thờ bản năng tính dục dẫn đến những vi phạm luân lý, kèm theo vô vàn đau khổ về mặt tâm lý và đạo đức cho nhiều cá nhân và nhiều gia đình. Do đó, việc vui vẻ thực hành đức khiết tịnh hoàn hảo như một chứng tá về quyền năng của tình yêu Thiên Chúa trong sự mỏng dòn của thân phận con người. Trong Đức Kitô, người thánh hiến có thể yêu mến Thiên Chúa với hết cả con tim, đặt Người lên trên mọi mối tình, và yêu thương mọi thụ tạo với sự tự do của Thiên Chúa ! Đây là một trong những chứng tá cần thiết hơn bao giờ hết dành cho mọi người hôm nay về gương sáng của những người nữ sống đức khiết tịnh mà vẫn quân bình, làm chủ được chính mình, có sáng kiến, trưởng thành tâm linh và tình cảm, có khả năng yêu mến triệt để và phổ quát, có sức mạnh để tự chủ và kỷ luật cần thiết để khỏi bị nô lệ giác quan và bản năng (Số 88)
- Trong một xã hội thiên về chủ nghĩa vật chất, chiếm hữu, dửng dưng với những nhu cầu và đau khổ của người yếu đuối... Do vậy, sự khó nghèo theo Tin Mừng giúp người thánh hiến trở thành những nhân viên bác ái đầy sáng tạo, có một lòng quảng đại không mệt mỏi và làm cho thế giới này trở nên nhân đạo hơn (Số 89). Thật vậy, ý nghĩa tiên khởi của khó nghèo là làm chứng cho Thiên Chúa, kho tàng đích thực của trái tim con người. Đức khó nghèo phản đối quyết liệt việc tôn thờ Tiền Tài, đòi phải tôn trọng và bảo vệ công trình tạo dựng bằng cách giảm bớt tiêu thụ, biết sống thanh đạm và tự đặt cho mình bổn phận kìm hãm những ước muốn của mình. Những người tận hiến được mời gọi làm chứng cho Tin Mừng một cách mới mẻ và mạnh mẽ về sự từ bỏ và tiết độ, bằng một nếp sống huynh đệ với nét nổi bật là đơn sơ và hiếu khách, chia sẻ điều kiện sống của những người cùng khốn nhất (Số 90)
- Đề cao tự do quả là một giá trị chân chính, gắn liền với sự tôn trọng con người. Nhưng ai lại không thấy những bất công trầm trọng và cả những bạo hành khủng khiếp do việc sử dụng lệch lạc quyền tự do trong đời sống cá nhân và các dân tộc? Đức vâng phục thánh hiến giới thiệu một cách thật hùng hồn việc Đức Kitô vâng phục Chúa Cha như một gương mẫu điển hình. Đức vâng phục tu trì minh chứng rằng vâng phục và tự do không mâu thuẫn với nhau. Thật vậy, thái độ của Chúa Con biểu lộ cho thấy mầu nhiệm tự do của con người là một con đường vâng phục ý Chúa Cha, và mầu nhiệm vâng phục là một con đường để dần dần chinh phục sự tự do chân chính. Người tận hiến diễn tả mầu nhiệm đó qua lời khấn tuân phục (Số 91)
Phương thế để thực hiện tốt 3 lời khuyên Phúc Âm này là hiệp thông với Thiên Chúa, bằng cách: năng tham dự phụng vụ thánh (đặc biệt trong việc cử hành Thánh lễ và các giờ kinh phụng vụ), năng đón nhận Bí tích Hòa giải, khiêm tốn tìm đến linh hướng và siêng năng lần chuỗi Mân Côi (Số 95). Hơn nữa, việc đi theo làm môn đệ Đức Kitô - Sequela Christi và trong tình yêu dành cho Người, khổ chế trở thành một sự canh tân thực sự đối với người tu sĩ hôm nay.
Vậy, tôi đã thực hành việc khổ chế như thế nào theo như tông huấn ĐSTH chỉ dạy để canh tân đời sống của mình và bước theo Đức Kitô?
 
III. Những cách thế thực hiện khổ chế để đưa đến việc hoán cải đích thực
Thực hiện khổ chế cần phải khổ chế cả hồn lẫn xác, cả bề trong lẫn bề ngoài, thì mới trông giữ mình khỏi tội và giúp ta tiến tới việc hoán cải cách đích thực. Đây là một số cách khổ chế cụ thể giúp ta hoán cải đích thực:
  • Khổ chế thân thể: giữ mình nết na trong cách đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng, và ăn mặc sao cho xứng kỳ đức.
  • Khổ chế thị giác: hãm tính tò mò, tránh xem những phim xấu và hình ảnh khêu gợi tình tư dục.
  • Khổ chế thính giác và ngôn từ: không nên nói và cũng chẳng nên nghe những chuyện xấu, tránh nói lời chỉ trích và châm chọc người khác…
  • Khổ chế nội quan (trí nhớ và tưởng tượng): loại bỏ những hình ảnh vô ích và ngăn chặn những ký ức hiểm nguy. Muốn vậy, phải để hết tâm lực vào công việc bổn phận, nuôi dưỡng hình ảnh thánh thiện, tốt lành mà ta gặp được trong Kinh Thánh và hạnh các thánh.
  • Khổ chế các đam mê hỷ, nộ, ai, cụ, ái, ố, dục (vui, giận, buồn, sợ, yêu, ghét, muốn): Điều tiết các đam mê cho đúng chỗ, hướng về sự thiện, giữ mực điều hòa và nghe theo lý trí, nghĩa là bắt các đam mê của mình vâng phục trí năng và ý chí dưới sự hướng dẫn của ân sủng và đức tin.
  • Khổ chế trí năng và ý chí: Dùng trí khôn để nhận biết chân lý và để nhận biết Thiên Chúa. Vì thế, cần chăm chỉ học hành về khoa học tự nhiên và nhất là khoa học thiêng liêng về Thiên Chúa.
Với những cách khổ chế trên, mỗi người tự kiểm điểm lại bản thân xem mình đã thực hiện việc khổ chế như thế nào để đi đến sự hoán cải đích thực? Điều gì tôi cần phải khổ chế nhất trong Mùa Chay này?
 
*************
Sống tâm tình Mùa Chay thánh, mỗi người được mời gọi thực hiện hành trình Mùa Chay với sự nhiệt tình, được duy trì bởi cầu nguyện, bố thí và chay tịnh. Bên cạnh đó, mỗi người cũng được mời gọi Sám hối và Khổ chế để thanh luyện bản thân, thay đổi đời sống, hầu trở về với Thiên Chúa là cùng đích và lẽ sống của người Tu sĩ. Ước gì mỗi người biết quảng đại đáp lại lời mời gọi của Chúa mà sống một Mùa Chay thật ý nghĩa, là trở về với Chúa hết lòng và trong mọi khía cạnh của cuộc sống.
 
Ban huấn luyện
Thông tin khác:
Tĩnh Tâm Tháng 4 (02/07/2018)
Tĩnh Tâm Tháng 5 (02/07/2018)
Tĩnh Tâm Tháng 6 (02/07/2018)
Tĩnh tâm tháng (02/07/2018)
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log