Thứ năm, 02/05/2024

Ngày 22.01: Thánh Matthêu Anphong Leziniana (Đậu) – Linh Mục (1702-1745)

Cập nhật lúc 21:10 21/01/2021

Cha Matthêu An Phông Sô Leziniana Đậu sinh ngày 26 tháng 11 năm 1702 tại Nava del Ray thuộc Tây Ban Nha. Ngay từ nhỏ, lúc mới 15 tuổi, cậu đã xin nhập dòng Đa Minh tại tu viện Sancta Cruz ở Segovia. Năm 1723 thầy đã khấn 3 lời khấn của Dòng và hoàn tất chương trình triết học và thần học Tới năm 1727 thầy lãnh chức linh mục lúc mới 25 tuổi.

14315 St Mattheu Dau

Chịu chức linh mục được ít lâu thì tháng 11 năm 1730 cha được Bề trền chỉ định cùng với 24 linh mục tu sĩ khác cùng với cha Phanxicô Gil de Federich Tế sang truyền giáo tại Phi Luật Tân, rồi sau một thời gian thăm dò hoàn cảnh và xã hội Việt Nam, các đấng mở rộng môi trường hoạt động sang truyền giáo tại Việt Nam nữa.
Ngày 13 tháng 2 năm 1731 cha Mathêu Leziniana Đậu và cha Phanxicô Gil de Federich Tế được lệnh đáp tầu từ Manila đi Việt Nam. Sau gần một năm trời vượt qua bao sóng gió hãi hùng và nguy hiểm tới ngày 19 tháng 1 năm 1732, hai nhà truyền giáo trẻ trung mới đặt chân được trên đất Việt Nam yêu quí. Cha Mathêu Anphongsô Leziniana Đậu được chỉ định về Trung Linh để học tiếng Việt và tìm hiểu phong tục tập quan của người Việt Nam.
Cuộc đời của nhà truyền giáo trẻ trung khởi đầu bằng những thách đố không ngừng. Tới Việt Nam được năm tháng thì cuộc bắt đạo đã trở nên gay gắt. Đàng khác ngay tại địa phương đã có nhà sư tên Thịnh là người nằm vùng, trước kia đã tố cáo định bắt cha Phanxicô Gil de Féderich Tế. Vì hoàn cảnh khó khăn như vậy nên nhà truyền giáo Leziniana Đậu của chúng ta được nếm thử ngay những cảnh bị truy lùng, phải trốn lánh, gặp rất nhiều khó khăn vất vả. Nhưng trước những thách đố và nguy hiểm, các chiến sĩ truyền giáo của Chúa vẫn hiên ngang tiến bước, không hề lo sợ, nao núng Chính vì lòng nhiệt thành rao giảng Đạo Chúa nên ngày 19 tháng 1 năm 1732, Cha Matthêu Anphongsô Leziniana Đậu được chỉ định tới lo việc truyền giáo tại Bắc Hà.
Ngay khi vừa tới địa phận Đông Đàng Ngoài, Ngài đã hăng say bắt tay vào công việc rao giảng Tin Mừng. Lòng nhiệt thành và lời rao giảng của Ngài cùng với ơn Chúa, đã được đông đảo người Việt Nam đón nhận và xin được lãnh nhận bí tích Rửa Tội để được làm con cái của Chúa và gia nhập đại gia đình Hội Thánh Chúa. Vì số người theo Đạo Chúa rất đông nên Ngài đã phải vất vả coi sóc nhiều giáo xứ giữa cơn bách hại Đạo Chúa đời chúa Trịnh. Mặc dù đã có lệnh cấm Đạo và truy bắt người theo Đạo, Cha Leziniana Đậu vẫn một lòng bền chí, say sưa lo việc mở rộng Đạo Chúa trong lớp người nông dân chân thành, chất phác và dễ thương này.
Nhưng rồi một chuyện đau buồn đáng tiếc xẩy đến. Đó là vào một buổi sáng cuối năm 1743, giữa lúc Cha đang dâng thánh lễ thì quân lính đã ào ào kéo nhau tới vây bắt Ngài trong thánh đường. Sau này người ta mới biết rằng Ngài bị bắt là do lời tố cáo của một người phản giáo, đã bỏ Đạo. Người phản giáo này đã đi tố cáo Ngài với nhà cầm quyền để lấy tiền thưởng của nhà vua.
Cha Matthêu Anphongsô Leziniana Đậu bị xích tay, đeo gông nặng nề, bị đánh đập tàn nhẫn, bị hành hạ cách dã man và chịu tống giam trong tù một thời gian khá lâu.
Ngày 18 tháng 12 năm 1833, cha Mathêu Anphongsô Leziniana Đậu bị điệu ra toà.để thẩm vấn. Phiên toà hôm nay do quan Đề Lĩnh, con rể ông Thị Trưởng, chưa bao giờ gặp được đạo trưởng ngoại quốc nên ông Đề Lĩnh nhận chủ toạ cuộc thẩm vấn này. Quan Đề Lĩnh hỏi cha:
– Ông là người ngoại quốc tới xứ này được bao lâu rồi?
Cha trả lời:
–  Thưa quan lớn, từ 12 năm
– Ông tới đây có mục đích gì? Quan hỏi.
– Thưa quan lớn, tôi có trách vụ dạy lề luật Thiên Chúa, là lề luật thánh thiện, chân chính. Do đó tôi đến dạy cho người ta.
Quan hỏi tiếp:
– Ông dạy thế nào cho người ta tôn trọng luật này?
Cha trả lời:
– Tôi dạy về Thiên Chúa và ba vị đóng vai trò làm Chủ, tức là Thiên Chúa ở trên trời, ông vua trong một nước và cha mẹ trong gia đình.
Nói xong cha Leniana Đậu đọc cho quan nghe 10 Điều Răn trong đạo.
Quan khen hay rồi nói tiếp:
– Vua đã nghiêm cấm không cho ông giảng đạo trong nước. Tại sao ông còn ngoan cố tới đây và liều mình với bao nhiêu vất vả, nguy hiểm gian nan?
Cha trả lời:
– Tôi biết nhà vua cấm, do đó tôi không xuất hiện nơi công cộng. Tôi phải di chuyển, đi lại trong đêm để giảng lề luật của Chúa, Đấng ngự trên trời. Tôi khuyên bảo người ta ăn ngay ở lành, tập luyện nhân đức và phải xa lánh những điều bất chính, tội ác.
Quan cười và nói tiếp:
– Nghe ông nói, tôi biết ông rất thành thật. Vậy ông từ nước nào tới đây?
– Thưa quan lớn, tôi đến từ nước Tây Ban Nha, gần nước Bồ Đào Nha
Sau cuộc tra vấn này, quan Đề Lĩnh ra lệnh tháo gông cho cha. Nhưng lại xiềng xích tay chân cha lại. Trong lao tù lúc ấy có cha Phanxicô Gil de Féderich Tế cũng đang bị giam. Hai cha cố gắng tìm mọi cách để liên lạc với nhau và có thể được giam chung với nhau nữa. Và thật may mắn, cầu được ước thấy, ngày 30 tháng 5, ngày lễ Chúa Ba Ngôi hai cha cùng quốc tịch Tây Ban Nha, cùng dòng Đa Minh được xum họp với nhau trong cùng một nhà giam, hai cha vui mừng có cơ hội để tâm sự với nhau, khuyến khích nhau, nhất là xưng tội và dâng lễ với nhau nữa
Khi phải đối chất với các quan, cha Mathêu Leziniana Đậu luôn tỏ ra bình tĩnh, không khiếp sợ, mặc dầu trước những hình phạt ghê gớm. Trước mặt các quan, quan chánh án hỏi cha:
– Ông biết là lệnh vua cấm truyền bá đạo Gia Tô là đạo của tây phương. Tại sao ông còn cố chấp gieo rắc những sự sai lạc trong dân chúng như thế?”
Cha bình tĩnh giải thích và nói về đạo cho các quan nghe:
– Trước hết vua và các quan hiểu lầm, cho đạo Gia Tô là đạo tây phương. Không phải thế. Đạo Gia Tô do Chúa Giêsu truyền dạy và mạc khải cho chúng ta, mà Chúa Giêsu là người Đông Phương, xuất xứ từ Đông Phương chứ đâu có phải đạo của tây pbương. Đàng khác, đạo Gia Tô khuyên dạy người ta kính thờ Thiên Chúa là Đấng tạo dựng trời đất và chúng ta nữa. Đạo dạy ăn ngay ở lành, hiếu thảo với cha mẹ, với vua quan, yêu thương mọi người. Tại sao quan lại nói là chúng tôi gieo rắc những sự sai lạc?.
Quan lại hỏi:
– Ông nói đạo dạy hiếu thảo với vua quan. Vậy tại sao ông không vâng lệnh vua bỏ đạo? Nếu ông vâng lệnh vua bỏ đạo, vua sẽ ban bổng lộc và cho ông làm quan, được ở bên cạnh vua nữa. Vua rất quí trọng các ông mà!
Cha đáp lại:
– Thưa quan lớn! Chúng tôi không thể vâng lời vua mà bỏ đạo Chúa được. Chúng tôi phải vâng lệnh Thiên Chúa trước đã. Vì Thiên Chúa còn trọng hơn vua. Chúa dựng nên vua mà! Tôi đã bỏ mọi sự, bỏ quê hương và gia đình cùng mọi người thân yêu để tới đây chỉ có một mục đích duy nhất là rao giảng cho nhiều người nhận biết Thiên Chúa mà thôi, nên sự giầu sang, chức quyền, của cải mà quan nói, tất cả những sự ấy tôi không cần. Tôi xin cám ơn quan lớn.
Quan lại hỏi:
– Ông bị tra tấn, bị đánh đau đớn như thế, tại sao ông không khai báo tên và nơi trốn lánh của các đạo trưởng khác? Ông có bùa thuật nào để chịu được sự đau đớn như vậy?
Cha tươi cười trả lời:
– Làm gì có bùa thuật nào để chiụ được những cuộc hành hạ đau đớn như vậy! Vì lòng yêu mến Thiên Chúa và Thiên Chúa giúp nên tôi sẵn lòng chịu mọi đau đớn và hành hạ vì Chúa mà thôi. Còn các đạo trưởng khác thì bị truy lùng, bắt bớ, mỗi người đi một nơi. Tôi không biết hiện nay các vị đó đang ở đâu. Các quan mà không biết thì tôi biết làm sao được?.
 Sau nhiều lần tra hỏi và khuyên dụ, khi thì ngọt ngào thân thiện, khi thì gay gắt và bị đánh đập tra xét, Nhưng lần nào các quan cũng thất bại, vì không thể thuyết phục được Ngài nên các quan bàn định làm án tử hình về tội đã rao giảng Đạo Chúa rồi chuyển án về triều đình, xin vua châu phê.
Ngày 22 tháng 1 năm 1745, sau khi đã dâng lễ, cha Phanxicô Tế bị điệu đi xử và cha Mathêu Leziniana Đậu cũng được theo chân bạn ra tận pháp trường để cùng chịu trảm quyết ngay hôm đó. Lịch sử còn ghi lại một vài chi tiết rất lạ lùng. Sáng hôm ấy bầu trời rất quang đãng, trời đẹp. Nhưng khi quan quân áp giải hai cha Phanxicô Tế và cha Mathêu Leziniana Đậu từ nhà giam ra pháp trường Đông Mơ trời đang trong sáng bỗng tự nhiên tối sầm lại cho tới khi hai chiếc đầu của hai vị tử đạo rụng xuống thì trời lại tươi sáng trở lại. Và hai chiếc đầu còn dính đầy máu thì từ đâu hai con chim bồ câu trắng bay tới lượn trên cao, rồi lại bay sà xuống đất, bay nhiều vòng liên tục.
Sau khi hai chiếc đầu rơi xuống đất thì những người chứng kiến cả lương lẫn giáo, người ta đổ xô tới thi nhau thấm máu và chia nhau lấy những mảnh vải áo của các Ngài. Nhờ những tấm khăn thấm máu này nhiều ơn lạ đã xẩy ra. Nhiều bệnh nhân và nhiều chứng bệnh nan y lâu ngày chữa trị không khỏi, nay lấy những miếng bông hay vải thấm máu các Ngài đặt lên chỗ đau hay để trên ngực rồi cầu xin các Ngài mà được khỏi bệnh.
Trước những sự lạ lùng như thế, người tín hữu trở nên mạnh bạo, không còn sợ hãi, lén lút nữa mà trở nên can đảm, tinh thần vững mạnh và xuất hiện công khai để lo thu lượm di hài và rước về mai táng cách long trọng và công khai đặt dưới bàn thờ Đức Mẹ Mân Côi của nhà thờ xứ Lục Thủy.
Đức Giáo Hoàng Piô X đã tôn phong Ngài lên bậc Chân Phước ngày 20 tháng 5 năm 1906, và ngày 19 tháng 6 năm 1988 Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Ngài lên hàng Hiển Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Lm. Nguyễn Đức Việt Châu SSS
tonggiaophanhanoi.org
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log