Thứ sáu, 26/04/2024

Ngày 24.07: Thánh Giuse Ferandez Hiền, Linh Mục (1775-1838)

Cập nhật lúc 16:26 23/07/2020

Thánh Giuse Fernandez Hiền sinh ngày 3 tháng 12 năm 1775 tại làng Ventosa de la Cuesta trong giáo phận Avila, tỉnh Valladolid, nước Tây Ban Nha. Ngay từ khi còn nhỏ, Fernandez đã mong ước được dâng mình cho Chúa, và cha mẹ khi biết được ý nguyện của cậu con trai yêu quí cũng rất vui mừng, vì ông bà rất đạo đức và hằng cầu nguyện xin Chúa soi sáng cho con mình mong muốn đi tu làm linh mục.

Chính vì những lý do đó mà cậu Giuse Frenadez đã sớm được vào nhà Chúa. Cậu xin cha mẹ để vào dòng Đa Minh tại tu viện thánh Phaolô ở Valladolid. Cha mẹ chấp thuận ngay. Cha mẹ và toàn thể gia đình đều hân hoan cho đó là một đặc ân Chúa ban cho gia đình. Được nhận vào dòng ngay từ nhỏ, cậu Giuse Fernandez có nhiều cơ hội và thời giờ học tập chữ nghĩa và rèn luyện các nhân đức. Năm 1796, lúc ấy Ngài đã 21 tuổi thì tuyên khấn trọn đời rồi theo lệnh Bề trên Ngài học chương trình Triết và Thần học để chuẩn bị lãnh chức linh mục.
Khi đã hoàn tất chường trình đào tạo linh mục thì năm 1804 Ngài lãnh chức linh mục. Vì ước mong đi truyền giáo tại Á Châu cho nên Ngài xin chuyển sang tỉnh dòng Đức Mẹ Mân Côi tại Manila, Phi Luật Tân  Được các Bề trên chấp thuận, ngày 16 tháng 4 năm 1805 Ngài xuống tầu đi Manila. Tới năm 1806, Ngài được cử làm đại diện cho Hội Dòng Truyền Giáo nên ngày 18 tháng 2 năm 1806 Ngài lại phải đi Macao. Ở Macao một thời gian ngắn, Bề trên lại cử Ngài đi truyền giáo tại Việt Nam. Ngài đi tầu đến cửa Thuận An, Đà Nẵng thì gặp bão lớn Ngài phải lên đất liền đi bộ ra Bắc Việt. Vì đương xá xa xôi, hiểm trở nên ra tới Bắc Việt thì Ngài bị kiệt sức, bị bệnh, phải nghỉ ngơi, dưỡng bệnh một thời gian khá lâu. Lúc ấy là thời vua Gia Long trị nước, đạo Chúa chưa bị cấm cách, đất nước bình an, các Thừa Sai ngoại quốc được đi lại tự do dễ dàng, nhất là được tự do truyền đạo.
Tới được Việt Nam, cha Giuse Fernandez có tên Việt Nam là An. Cha Giuse An rất chăm chú trau dồi tiếng Việt và học hỏi về phong tục, tập quán của người Việt Nam. Nhờ vậy mà chỉ trong một thời gian ngắn Ngài đã nói và nghe thông thạo tiếng Việt. Nhờ tính tình dễ dãi, vui vẻ, hiền lành và khiêm nhường nên ngay từ buổi đầu Ngài đã chiếm được cảm tình của dân chúng. Người Công giáo cũng như không Công giáo ai ai cũng thương mến Ngài. Ngài đã sống với dân làng Xuân Dục một thời gian khá lâu, nhờ vậy mà nhiều người lương dân đã trở lại đạo và Xuân Dục đã trở nên một xứ đạo nổi tiếng là dân làng có đức tin mạnh mẽ. Sau đó, bề trên lại đổi Ngài về làm cha xứ Kiên Lao, một xứ đạo lớn có tới 5 ngàn giáo dân khi cuộc bách hại của vua Minh Mạng bùng nổ. Sau đó Ngài lại vâng lời về nhận chức giám đốc trường Lý Đoán rồi cuối năm 1837 Ngài lại chuyển về Ninh Cường coi sóc trường La tinh tại đây. Trong thời gian này Ngài bị bệnh kiết lị rất năng nguy kịch đến nỗi suýt chết.
Mùa Xuân năm 1838 Ngài lại được anh em bầu làm Bề trên Phụ Tỉnh Dòng nhưng Ngài chưa kịp thi hành chức vụ thì cuộc cấm đạo lại bùng nổ, quan tổng đốc Trịnh Quang Khanh lại gắt gao thi hành lệnh vua ban xuống, lúc ấy Ngài đang ở Ninh Cường. Theo lời yêu cầu của một số giáo dân Ninh Cường xin Ngài đi ẩn trốn, nếu không họ sẽ phải liên luỵ. Thấy dân yêu cầu như thế, Ngài trốn xuống Quần Liêu. Giáo dân Quần Liêu cũng khiếp sợ như giáo dân ở Ninh Cường nên Ngài lại phải tìm đường trốn lánh. Chưa biết đi đâu thì may mắn Ngài gặp được cha xứ Lác Môn là cha Phêrô Nguyễn Bá Tuần thấy Ngài quá khổ sở như vậy thì động lòng xót thương, tận tình giúp đỡ. Nhưng chỉ hai ngay sau tình thế quá nguy hiểm cả hai Cha phải vượt sông qua điạ phận Tây Đàng Ngoài ghé vào xứ Kim Sơn. Cha xứ Kim Sơn cũng hết lòng giúp đỡ, nhưng vừa tới nơi thì đã nhận được tin quan tỉnh Ninh Bình cũng đã ra lệnh cho quân địa phương lùng bắt các đạo trưởng vì có mật báo cho biết hiện đang có các đạo trưởng Thừa Sai đang ẩn trốn trong vùng này.
Giáo dân sợ hãi quá vội mời hai cha lên chiếc thuyền nhỏ, rồi bí mật đưa các Ngài vào khu xình lầy gần đó ẩn lánh. Hai ngày sau, cha xứ Kim Sơn thấy tình trạng các ngài khổ cực quá thì lại đưa các ngài về gửi gắm nhà ông Bát Biên. Ông này là người ngoại giáo, nhưng lại là người chịu ơn cha xứ Kim Sơn rất nhiều và rất tốt với Ngài. Cha xứ tin tưởng ông. Trong 8 ngày đầu, ông Bát Biên xử với hai cha rất tốt.  Nhưng sau vì quá tham tiền do nhà vua hứa trọng thưởng cho những ai tố cáo đạo trưởng, ông này nổi máu tham nên đã tìm kế hoạch nộp các Ngài để lấy tiền thưởng.
Tối ngày 18 tháng 6, ông bày mưu lừa dối nói với các Ngài rằng: “Chúng con nghe tin quan biết hai Cha đang trốn lánh ở đây. Quan quân sắp tới vây và khám xét trong làng. Vậy chúng con đem hai Cha đi nơi khác an toàn hơn”.
Rồi ông mời hai Cha xuống thuyền, chở đi nộp cho quan quân trên bờ sông Qui Hậu, Nhờ công này mà ông Bát Biên được phong chức quan và nhận được 100 nén bạc tiền thưởng do vua ban.
Cha Giuse Hiền 62 tuổi bị nhốt trong cũi tre. Cha Phêrô Nguyễn Khắc Tuần 72 tuổi thì bị đeo gông nặng nề giải về tạm giam tại Ninh Bình bốn ngày, rồi sau đó bị điều về Nam Định nộp cho quan tổng đốc Trịnh Quang Khanh.
Về tới nhà tù Nam Định, cha Giuse Frenandez Hiền bị nhốt trong cũi ở trong một chỗ xa xôi nhất của nhà tù, nên rất khổ cực, phải chịu cực hình khủng khiếp như phải đói khát, bị nóng nực, ngày đêm nằm gò người trong chiếc cũi tre chật hẹp. Nhờ có một nguời Công giáo rất giầu có tên Dương đã đút lót cho viên cai tù để lén lút vào thăm nuôi, nếu không có lẽ Ngài đã phải chết rũ tù vì đói khát và cực khổ quá sức chịu đựng. Những ngày đầu anh Dương còn phải đút từng miếng cơm và đưa nước vào miệng Ngài, vì Ngài qúa kiệt sức, không còn sức để đưa lương thực vào miệng nữa.
Khi sức khoẻ Ngài đã trở lại thì nhiều lần quan Lê Văn Đức đã bắt Ngài ra toà để bị tra vấn. Quan hỏi Ngài về lý lịch, đến Việt Nam khi nào, làm những gì v.v. Ngài cố gắng trả lời ngắn và gọn để không ai bị liên lụy. Quan hỏi thì Ngài nói:
“Từ ngày vua cấm đạo, chúng tôi mạnh ai nấy trốn lánh, nên chẳng ai biết ai ở đâu cả”.
Quan Lê Văn Đức dụ Ngài:
“Tôi sẽ tâu vua là ông chỉ là thông dịch viên, nếu ông bỏ đạo”.
Ngài dứt khoát trả lời:
“Tôi đến Việt Nam không phải để phục vụ vua chúa trần gian này. Tôi đến đây là để rao giảng về Đức Chúa Trời mà thôi”:.
Ngài lại xin quan cho phép gặp hai Đức Cha bị bắt và đang bị giam ở đây. Quan liền hỏi:
- “Ngươi có biết những người này không?’
Ngài vui vẻ trả lời:
“Tôi biết và quen lắm. Tôi sẽ rất mừng nếu quan cho phép”.
Quan Lê Văn Đức cho Ngài được như ý xin. Quan lệnh đem hai Đức Cha cũng bị nhốt trong cũi như Ngài. Ba vị chiến sĩ kiên trung anh dũng của Chúa thật vô cùng cảm động được gặp lại nhau trong một hoàn cảnh vô cùng đặc biệt trong một tiếng đồng hồ. Ba Ngài nói chuyện với nhau bằng tiếng Tây Ban Nha. Đức Cha Ignatiô DelgadoY nói rất ít vì lúc ấy Ngài đang bị bệnh rất nặng. Ngài chăm chú nghe cha Giuse Fernandez Hiền vui vẻ nói chuyện với Đức Cha Đa Minh Henares Minh. Đức Cha Ignatiô Delgado Y có lúc tự nhiên nói lớn bằng tiếng Việt Nam:
“Này cha Bề trên Fernandez Hiền, cha muốn xử trảm chứ?”
Cha Fernandez Hiền can đảm trả lời:
- “Tất nhiên con muốn. Con không do dự chút nào”
Các quan nghe thế lấy làm kinh ngạc. Nghe các Ngài nói chuyện về cái chết sắp đến của mình mà không hề sợ hãi, lại còn tỏ ra vui mừng nữa. Thấy thế, các quan biết là không còn cách nào để có thể thuyết phục được các Ngài nên bàn định với nhau rồi làm án đệ trình về triều đình, xin vua  châu phê.  Bản án của cha Fernandez Hiền và cha Phêrô Nguyễn Bá Tuần được vua Minh Mạng châu phê, gửi lại cho quan tổng đốc tỉnh Nam Định Trịnh Quang Khanh ngày 18 tháng 7 năm 1838. Khi bản án gửi tới thì cha Phêrô Nguyễn Bá Tuần vì quá kiệt sức vì những cực hình phải chịu nên đã chết rũ tù 3 ngày trước đó, còn lại cha Fernandez Hiền mà thôi.
Để thi hành án lệnh, sáng ngày 24 tháng 7 năm 1838, Ngài sẽ phải ra pháp trường Bảy mẫu để chịu án. Trước khi điệu Ngài ra pháp trường, quan tổng đốc còn khuyên dụ Ngài lần cuối. Xin Ngài vui lòng bước qua Thánh Gía. Quan nói:
- “Này cụ, chỉ một lát nữa thôi cụ sẽ phải chém đầu, nếu cụ không bước lên Thánh Gía. Hãy nghĩ lại, cụ sẽ được tha để trở về Âu Châu ngay”.
Ngài không do dự và cương quyết trả lời:
- “Nhất định tôi không bước qua Thánh Giá. Các quan muốn chém đầu tôi thì cứ chém”.
Thấy Ngài trả lời mạnh mẽ và dứt khoát như thế, quan ra lệnh nhốt lại trong cũi. Mấy người lương dân tới chế nhạo, bứt tóc, giật râu, thò tay vào cũi đấm Ngài. Ngài vui vẻ tỏ lòng tha thứ và cám ơn.
Đợi mãi tới 2 giờ chiều, quan Giám sát và đoàn lính lý hình mới đưa Ngài ra pháp trường Bảy Mẫu.Tới pháp trường, quân lính kéo Ngài ra khỏi cũi, thân xác bị đánh đập rã rời, nhưng tâm hồn Ngài luôn vui sướng, nét mặt tươi vui. Lính kéo lê Ngài trên chiếc chiếu nhưng sức quá yếu nên hầu như không còn đủ sức để gượng dậy: Trong lúc Ngài quì cầu nguyện thì ba hồi chiêng trống nổi lên, lý hình vung gươm cao rồi chém một nhát, đầu Ngài rơi xuống.đất Thế là chấm dứt cuộc đời Ngài tại thế, sau 32 năm phục vụ Chúa tại Việt Nam. thân yêu  Nhiều người xô tới thấm máu Ngài, Một tín hữu đã chuẩn bị đem theo một cỗ quan tài, rồi đút lót tiền bạc cho quan quân, xin thi hài của Ngài đặt vào quan tài đem về an táng tại Lục Thủy. Riêng đầu của Ngài thì theo lệnh, quan cho treo lên cao nơi công cộng 3 ngày để nêu gương cho dân chúng thấy mà sợ hãi. Sau ba ngày thì phải buông sông, không ai vớt được.  Mãi về sau hài cốt Ngài được cải táng đưa về đặt tại nhà thờ Phú Nhai. Một số di tìch của Ngài như muỗm, nĩa, và một số đồ dùng của Ngài còn được lưu giữ tại Toà Giám mục Bùi Chu Ngày Ngài lãnh triều thiên tử đạo là ngày 24 tháng 7 năm 1838 tại pháp trường Bảy Mẫu tỉnh Nam Định.
Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã tôn phong Ngài lên hàng Chân Phước ngày 27 tháng 5 năm 1900 và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng Ngài lên hàng Hiển Thánh cùng với 116 vị thánh tử đạo khác ngày 19 tháng 6 năm 1988.

Lm. Nguyễn Ðức Việt Châu, SSS
tonggiaophanhanoi.org
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log