Thứ hai, 29/04/2024

Ngày 06.06: Thánh Phêrô Đinh Văn Dũng, Giáo Dân (1800-1862) và Thánh Phêrô Đinh Văn Thuần, Giáo Dân (1802-1862)

Cập nhật lúc 12:35 06/06/2020

Tháng 8 năm 1861 vua Tự Đức ra lệnh cấm đạo với sắc chỉ Phân Sáp được áp dụng một cách triệt để đối với tất cả mọi người Công giáo. Các quan quân đua nhau đi lùng bắt tất cả các vị Thừa Sai Giám mục. Linh mục, Thầy Giảng, Nữ Tu và các Kitô hữu. Các quan còn cho phép dân làng lương dân tràn vào các làng Công giáo, phá phách, lấy của, bắt người một cách vô cùng tàn bạo, gây nên cảnh xô bồ hỗn loạn đến cực độ trong các làng Công Giáo. Những người Kitô hữu cực kỳ hoang mang, phải xô nhau bỏ chạy lẩn trốn vào những khu rừng hẻo lánh hay trà trộn vào những làng lương dân. Tuy chạy trốn như thế nhưng rất nhiều người đã bị bắt và giải về giam giữ tại các công đường. Hai thánh Phêrô Đinh Văn Dũng và Phêrô Đinh Văn Thuần đã bị bắt trong những trường hợp thê thảm đau thương này.

Lúc bị bắt thánh Phêrô Đinh Văn Dũng đã 62 tuổi. Cha ngài là ông Phêrô Đinh Văn Mẫn, mẹ ngài là bà Maria An. Ngài và thánh Phêrô Đinh Văn Thuần đều là anh em con chú con bác, sinh quán tại họ thánh Phanxicô Xavier Đông Hào, thuộc giáo xứ  Kẻ Mèn, điạ phận Trung Đàng Ngoài, tỉnh Nam Định, nay là giáo phận Thái Bình. Thánh Phêrô Đinh Văn Thuần sinh năm 1802 là anh em bà con với thánh Phêrô Dũng. Cả hai đều là gia trưởng một gia đình đạo hạnh hiền hoà. Các Ngài cùng làm nghề chài lưới để nuôi sống già đình. Tuy nghèo, đời sống thanh bạch, của cải chẳng bằng ai nhưng gia đình các Ngài lại êm ấm, hạnh phúc, điểm nổi bật nhất là lòng đạo đức và gương mẫu trong sự tham gia những sinh hoạt của họ Đạo. Chính vì thế mà dân chúng đã tín nhiệm và bầu ông Phêrô Đinh Văn Thuần làm Trùm Khu, lo việc đạo đức trong khu xóm
Vì chiếu chỉ Phân Sáp của vua đã ban ra, nên đầu năm 1862 dân làng Công giáo Đông Phú bị bao vây. Lính tráng lùng bắt các đạo trưởng và các Kitô hữu. Ông Phêrô Dũng và Phêrô Thuần cùng bị bắt với một nhóm đông đảo người khác. Tất cả  bị trói điệu lên phủ, đem đi đày ở làng Ngọc Chi, sau lại chuyển tới làng Lương Mỹ là các làng ngoại giáo. Tại đây sau những cuộc thẩm vấn, một số người được tha, số còn lại bị giải về huyện Quỳnh Côi nộp cho quan huyện.
Bị giam 9 tháng trong nhà tù, các Ngài phải chịu nhiều trận đòn, nát xương nát thịt, ép buộc phải bước qua ảnh tượng Thánh Giá. Nhưng trước mọi hình khổ cực kỳ tàn bạo, các Ngài vẫn luôn cương quyết giữ vững một điều là không bao giờ bỏ đạo, bỏ Chúa. Quan thấy dùng sức mạnh tra tấn, cổ đeo gông, chân tay xiềng xích, cùm kẹp mà vần không thuyết phục được hai Ngài, quan đổi chiến thuật là dùng tình cảm ngọt ngào khuyên dụ các Ngài, cho phép các Ngài được về thăm vợ con và anh em họ hàng lối xóm. Được gặp lại các Ngài, người cha cũng như vợ con trong gia đình được chứng kiến những cực hình các Ngài phải chịu thì động lòng thương xót, không cầm được sự xúc đồng, đều nức nở than khóc. Trước cảnh xum họp gặp gỡ vô cùng cảm động này, các Ngài không nản chí anh hùng mà còn khẳng khái khuyên bảo, khích lệ mọi người rằng:
- Xin mọi người. đừng khóc nhưng hãy vui mừng vì chúng tôi được hy sinh mạng sống cho Chúa Kitô.  Được chết vì đạo thánh Chúa là một ơn phúc lớn lao lắm. Xin mọi người trong gia đình đừng khóc, nhưng hãy vui mừng tạ ơn Thiên Chúa đã thương ban cho chúng tôi được ơn trọng đại này. Khi về với Chúa chúng tôi sẽ nhớ và cầu nguyện cho từng người. Bây giờ thì xin cầu nguyện cho chúng tôi bền chí theo Chúa đến cùng.
Sau đó, các Ngài từ giã mọi người trong gia đình rồi vui vẻ trở lại nhà tù để tiếp tục chịu những hình khổ diễn ra mỗi ngày với các bạn tù cùng bị nhốt trong căn phòng chật hẹp hôi hám đã dành sẵn cho các Ngài. Cả hai Ngài đã có một thời gian bị biệt giam đưa về Lương Mỹ, huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình để dụ dỗ các Ngài bỏ đạo. Tại đây có lẽ một  phần vì khổ cực quá, một phần vì chờ đợi lâu ngày lại bị dụ dỗ và được hứa hẹn nhiều điều cho nên ông Phêrô Đinh Văn Thuần đã liều lĩnh nghe lời quan khuyên bước lên Thánh Giá và bỏ đạo! Nhưng ngay sau đó, được ơn Chúa thúc đẩy và nhờ những lời khuyên của bạn hữu trong tù ông lại xin hủy bỏ những lời đã nói và việc đã làm, đồng thời tuyên xưng Đức Tin và thề hứa dù phải chết cũng không bao giờ bỏ đạo, bỏ Chúa nữa.
Sau những ngày tháng dài giam giữ, tra tấn bằng đủ mọi hình phạt nhưng hai Ngài vẫn một lòng cương quyết theo Chúa. Quan thấy giam mãi cũng vô ích nên làm án thiêu sinh. Án lệnh được vua Tự Đức phê chuẩn. Thế là ngày 6 tháng 6 năm 1862, quan quân điệu các Ngài ra pháp trường Nam Định, nhốt hai Ngài vào cũi tre nhỏ hẹp, khóa cẩn thận rồi chất củi chung quanh, đổ dầu, châm lửa đốt thiêu sống hai Ngài. Trong đống lửa bập bùng bốc cháy, những người đứng chứng kiến cảnh hãi hùng, tàn ác, vẫn nghe thấy tiếng các Ngài lớn tiếng cầu nguyện, kêu tên cực trọng Chúa Giêsu. Ngọn lửa mỗi lúc một cháy to, bốc lớn, tiếng cầu nguyện của hai vị chiến sĩ Đức Tin lịm đi dần dần. Đống lửa cháy đã tàn, mùi khét của da thịt bị đốt bốc lên, dần dần để lộ ra hai xác thánh bị cháy đen ngã gục trên đống tro còn đang âm ỉ leo lắt cháy.
Đến khi đống lửa đã tàn hẳn, những thân nhân trong gia đình của hai vị thánh xin thi thể các Ngài, rước về mai táng ngay tại chỗ gần nơi hai Ngài vừa bị thiêu sống. Sau này khi việc cấm đạo đã lắng dịu, giáo dân trong xứ đạo đã cải táng rước về đặt tại nhà thờ thánh Phanxicô Xavier ở Đông Phú, quê hương của hai Ngài.
Đức Giáo Hoàng Piô XII đã tôn phong các Ngài lên bậc Chân Phước ngày 29 tháng 4 năm 1951 và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng các Ngài lên hàng Hiển Thánh tử đạo Việt Nam ngày 19 tháng 6 năm 1988.

Lm. Nguyễn Đức Việt Châu, SSS
tonggiaophanhanoi.org
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log