Thứ tư, 30/04/2025

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật Lễ Lá - Năm C (Lc 22,14 - 23,56)

Cập nhật lúc 15:28 11/04/2025



CÁI NHÌN CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT
(Lc 22,14 - 23,56)
 
WMTGHH - Điều đánh động nhất khi đọc bài thương khó theo thánh Luca chính là ta bắt gặp một ánh mắt. Ánh mắt của Đức Giêsu nhìn Phêrô sau khi ông chối Thầy ba lần. Ánh mắt Đức Giêsu nhìn Giuđa nộp Người sau cái hôn. Chúa nhìn hai con người phản bội cũng là hơn nhìn cả nhân loại chúng ta đang quằn quại trong vũng lầy của tội với cùng một cái nhìn của Lòng Thương Xót.
Tại sân dinh Thượng tế năm ấy, Phêrô đang cố hết sức chối mình chẳng hề biết Thầy thì chính vào lúc đó, Đức Giêsu ra khỏi pháp đình, nơi Ngài bị Cai-pha thẩm vấn. Ngài đi theo đám vệ binh đã xiềng trói Ngài nhưng quay mặt về phía người môn đệ. “Chúa nhìn ông” (Lc 22,61). Ta thấy rõ Đức Giêsu vô cùng thương xót Phêrô. Ngài không chỉ nói trước cho ông một dấu hiệu ngăn cản ông khỏi sa ngã, tức là tiếng gà gáy mà còn đích thân can thiệp bằng cái nhìn yêu mến để tái chinh phục con tim của người đã chối bỏ Ngài. Cái nhìn này giúp Phêrô nhìn nhận tội lỗi của mình, hiểu cảnh ngộ vô thức của mình hơn là tiếng gà gáy. Cái nhìn của Thầy Giêsu là cái nhìn nhân từ ban ơn tha thứ. Không một chút tức giận, không một chút nổi xung, chỉ một chút trách móc dịu dàng và lặng thinh của một tấm lòng trìu mến đang bị tổn thương.
Tác giả Luca đã nhấn mạnh cái nhìn của Đức Giêsu, cái nhìn khiến cho Phêrô phải khóc lóc ăn năn. Ông không nói được gì với Chúa, ông chỉ khóc. Điều gì khiến cho một người đàn ông mạnh mẽ như Phêrô phải khóc lóc thảm thiết vì một cái nhìn? Đó là trong cái nhìn của Thầy, ông tìm thấy chính mình được yêu thương và tha thứ. Cái nhìn đưa ông về thực tế phũ phàng: ông đã chối Thầy. Và để ông sám hối, khóc những giọt nước mắt thống hối. Thật vậy, những giọt nước mắt khi biết mình lầm lỗi bao giờ cũng có giá trị cứu rỗi. Bằng cái nhìn trìu mến của Thầy, Phêrô trở nên mạnh mẽ và làm cho các anh em khác cũng trở nên vững mạnh (Lc 22,32). Ông muốn rằng không một ai trong số những người vấp ngã sau này sẽ mất hy vọng được tha thứ.
Trái ngược với vị Tông đồ cả, tại vườn cây dầu, Đức Giêsu cũng nhìn Giuđa với cái nhìn đong đầy xót thương. Tuy Phúc Âm không trực tiếp nhắc đến việc Ngài nhìn Giuđa, nhưng chúng ta phải chắc chắn rằng Chúa đã nhìn thấu con người này từ đời đời, thậm chí Chúa còn làm hơn với Giuđa là ôm lấy anh ta. Phêrô hối hận về việc mình làm, còn Giu-a cũng biết nói: “Tôi đã nộp người vô tội” (Mt 27,4) và trả lại ba mươi đồng bạc. Vậy tại sao câu chuyện phản bội của hai ông lại kết thúc hoàn toàn khác nhau? Phêrô ra ngoài khóc lóc thảm thiết còn môn đệ kia thì đi thắt cổ. Bởi vì một điều duy nhất: Phêrô tin tưởng, hy vọng vào Lòng Thương Xót của Đức Kitô còn Giuđa thì không.
Thánh Phaolô thật chí lý khi nói rằng: “Hy vọng như thế, chúng ta sẽ không bao giờ thất vọng” (Rm 5,5). Ngài nói như thế để thúc đẩy chúng ta lựa chọn sao cho đúng. Cuộc sống luôn mở ra cho bạn và tôi hai cánh cửa: Hy vọng và thất vọng. Bước vào cánh cửa thất vọng cùng với Giuđa, chúng ta sẽ chỉ gặp thấy chán chường, đau khổ dẫn đến kết cục đánh mất chính mình. Ngược lại, cùng với Phêrô, chúng ta bước qua ngưỡng cửa hy vọng, bạn và tôi chắc chắn sẽ không gặp được điều gì khác hơn ngoài cái nhìn đầy thương xót, trìu mến của Đức Kitô đang bao bọc lấy chúng ta. Dù cuộc đời bạn có ra sao, hãy cứ hy vọng vào tình thương của Thiên Chúa. Mặc cho bạn nhiều lần vấp ngã như Phêrô, như Giuđa, như người con hoang đàng, như người phụ nữ ngoại tình,… hãy cứ can đảm đứng lên, tiếp tục bước đi dưới cái nhìn của Lòng Thương Xót. Tôi chắc chắn với bạn, trước mặt Thiên Chúa, bạn không tìm ra một vị thẩm phán, nhưng tìm được một người cha luôn mở rộng vòng tay chào đón bạn, an ủi và chỉ cho bạn con đường đổi mới chính mình. Như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói: “Lòng Thương Xót khơi dậy niềm vui, bởi vì trái tim mở ra cho niềm hy vọng về một cuộc sống mới.” (Misericordia et misera số 3)
Để kết thúc, có một câu chuyện khôi hài một chút nhưng dẫu sao cũng để lại cho ta một bài học quý giá. Ngày nọ, một đứa trẻ được nghe người ta kể chuyện về Giuđa. Em nói một cách ngây thơ mà cũng có nét khôn ngoan hợp với lứa tuổi của em: “Giuđa đã chọn lầm cây để treo cổ, anh ta đã chọn cây vả.” Giáo lý viên ngạc nhiên hỏi em: “Thế anh ta nên chọn gì?”  Em trả lời: “Lẽ ra anh ta đã phải treo cổ mình vào cổ Đức Giêsu chứ.” Em nói đúng, vì nếu anh ta treo cổ mình vào cổ Đức Giêsu để xin Ngài tha thứ thì ngày nay, anh đã được tôn kính như thánh Phêrô vậy. (Đức Hồng Y Raniero Catalamessa)

 
 Sương Mai
Thông tin khác:
Bộ Mẫu Dâng Hoa Kính Đức Mẹ Tháng 5/2025
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log