(Lc 3, 10 -18)
Cha Anthony De Mello có kể câu chuyện này trong tập “Tiếng hót muông chim”: Có một chàng thanh niên nọ bị xáo trộn thần kinh, luôn cảm thấy bất an, thất chí và ích kỷ. Mọi người đều bảo anh ngày càng “mát” nặng hơn và khuyên anh nên thay đổi. Anh ta oán ghét hết mọi người. Dầu vậy, anh cũng đồng ý với lời khuyên bảo của họ và muốn thay đổi. Nhưng không dễ như anh tưởng, dẫu anh đã cố gắng hết sức nên vẫn chẳng thay đổi được. Điều làm anh đau đớn nhất, đó chính là ngay cả người bạn thân nhất của anh cũng nói anh ngày càng điên hơn và không ngừng khuyên anh thay đổi. Anh cũng đồng ý với anh ta, nhưng anh không thể thực hiện được. Vì thế, anh ngày càng trở nên nhu nhược mất hết nghị lực. Rồi một ngày kia, người bạn nói với anh: “Đừng nhọc sức thay đổi nữa. Hãy bình thản sống. Dù anh như thế nào đi nữa, tôi cũng vẫn thương anh. Tôi không thể làm gì khác hơn là thương anh”. Những lời đó như điệu nhạc du dương cứ văng vẳng bên tai anh. Như trút được gánh nặng, anh được hồi sinh và kì diệu thay, anh thay đổi. Cũng giống anh thanh niên trong câu chuyện trên, ta sẽ không bao giờ có thể thay đổi được thực sự, nếu không có một người thực tâm thương ta, chu dù ta có thay đổi hay không. Thiên Chúa đã yêu ta bằng một tình yêu như thế và hơn thế. Nhờ tình Chúa yêu, ta tiếp tục sống và triển nở đời sống của mình với niềm hy vọng và vui mừng vì ơn Người cứu độ ta.
Tình yêu của Chúa, qua Thánh Gio-an Tiền Hô đã đánh động đông đảo tâm hồn những người Do-thái. Họ nô nức kéo nhau đến với thánh nhân bên dòng nước Gio-đan, chịu phép rửa tỏ lòng sám hối, chuẩn bị đón chờ sự xuất hiện của Đấng Mê-si-a. Ngài đưa ra cho họ nhiều lời khuyên thiết thực để “sinh hững hoa quả xứng với lòng sám hối”. Thánh Gio-an làm tốt sứ mạng của mình đến mức, với niềm hy vọng, nhiều người đã tự hỏi liệu ngài có phải là Đấng họ đang mong chờ. Thánh nhân khiêm tốn, thẳng thắn cho họ biết: Đấng quyền thế hơn ngài đang đến.
Con người ở mọi thời cần có niềm hy vọng. Thánh Gio-an Tiền Hô là người gieo vào lòng những người Do-thái thời ấy sống một cuộc sống công chính để đón chờ Đấng Cứu Thế. Ngài cho họ thấy ơn cứu độ sẽ phủ lấp mọi tội lỗi và họ sẽ được nấp vào Lòng Thương Xót, “trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống”. Thánh nhân đưa ra cho họ một lối sống có thể coi là mẫu mực và có sức thuyết phục mạnh mẽ đó là chính đời sống chính trực, công bình, ngay thẳng của ngài. Thánh Gio-an Tiền Hô như một hiện tượng lạ nhưng vô cùng hấp dẫn và thực tế. Hy vọng được cứu thoát cứ thế lớn lên trong tâm hồn những người nghe lời rao giảng của ngài.
Lời Thiên Chúa đặt trên môi miệng của Thánh Gio-an cho ta hiểu: sống hy vọng không phải là điều gì quá xa xôi hay làm những việc cao vời nhưng xuất phát từ chính những điều tôi có, tôi “là” trong giây phút hiện tại. Để sống hy vọng, mỗi người cần đoạt lấy một tấm bằng, đó là bằng lòng. Bằng lòng từ bỏ những ích kỷ, vun vén, tìm quyền lợi cho bản thân để nghĩ đến nhu cầu của tha nhân và “chia cơm sẻ bánh”. Bằng lòng với những ân huệ Chúa ban, ý thức mình chỉ là người lãnh nhận để gạt đi những gì là “tham lam quá mức ấn định”, loại bỏ những phần vênh váo, ngang tàng và “an phận với số lương của mình”. Nghề nghiệp của tôi là “thu thuế”, lao công, nông dân,thợ hồ hay nhân viên ngân hàng, hải quan, thuế vụ,… Tôi không buộc phải dứt bỏ phương thế đem lại sự sống phần xác của mình. Nhưng vì tôi hy vọng vào ơn cứu độ nên tôi bước ra ngoài vòng xoáy của tham-sân-si. Nếu tôi là một “binh sĩ” trong hàng ngũ của Đấng Cứu Thế, tôi được mời gọi vẫn tiếp tục duy trì trật tự công bằng xã hội, tôn trọng tài sản, danh dự, phẩm giá của người khác, “không hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta”, sống hoà hợp với mọi thụ tạo. Việc sám hối, hoán cải phải khởi đi từ việc biết mình. Chỉ khi nào tôi ý thức mình chỉ là “không không trước mặt Chúa”, biết mình là hạng người nào “một kẻ tội lỗi” thì mới mong có sự hoán cải thật sự.
Người sống hy vọng không đau đáu vì nỗi buồn trong quá khứ, không buồn chán với thực tại nhưng được mời gọi sống niềm vui vì hy vọng vào ơn cứu độ. Ơn cứu độ là gì, nếu không phải là bình an, ánh sáng, niềm vui, hoan lạc và là chính Chúa Giê-su Ki-tô – Tình Yêu của Thiên Chúa. Không ai đã cảm nhận được tình yêu mà vẫn sống u sầu, ủ dột nhưng là thái độ mừng vui, hân hoan. Đó là niềm vui của ngôn sứ Xô-phô-ni-a khi nhận biết mình được yêu thương và cứu thoát. Ngài cất cao cung giọng kêu gọi mọi người: “Reo vui lên hỡi thiếu nữ Xi-on, hò vang dậy đi nào, nhà It-ra-en hỡi! Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy nức lòng phấn khởi” (Xp3,14). Đó là niềm vui của dân thánh: “ Vang vang ngoài miệng câu cười nói, rộn rã trên môi khúc nhạc mừng” vì cảm nhận được “ Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại! Ta thấy lòng chan chứa một niềm vui” ( Tv 125, 2a.3). Cũng là niềm hân hoan của Đức Mẹ, cất cao bài Manificat: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng, vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi”. Niềm vui của Gio-an Tiền Hô lúc còn trong lòng mẹ nhảy mừng vì được Mẹ mang Chúa đến thăm. Đó cũng là niềm vui của Thánh Phao-lô sau những năm tháng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết với đạo Do-thái, lùng bắt các tín hữu Chúa nay nhận ra Chân Lý, nhận biết Thiên Chúa quá yêu ngài nên thánh nhân đã không thể giữ riêng niềm vui sướng, hạnh phúc nhưng đã rao giảng cho các tín hữu: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em” (Pl 4,4). “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một”(Ga 3, 16), vì thế, đừng bao giờ thất vọng về bản thân mình nhưng hãy hy vọng và mừng vui vì “không có thánh nhân nào là không có quá khứ, không có tội nhân nào là không có tương lai”, “Tội lỗi của ta dù có đỏ như son, Người sẽ làm cho trắng như tuyết, dù thẫm tựa vải điều, Chúa sẽ làm cho trắng như bông”.
Còn nhớ câu chuyện về hai người thanh niên trong Tân Ước, họ có cùng xuất phát điểm nhưng đã chọn cho mình những lối đi riêng: người thanh niên giàu có (Mc10,17-22) và người thanh niên trẻ tuổi Phao-lô trên đường đi Đa-mát (Cv 22, 6-21). Với những khởi đầu tốt đẹp, cùng được tiếp xúc với Chúa Giê-su được Người chỉ cho con đường trọn lành, một người tiếp nhận lời với thái độ “sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi” còn người kia thì “tôi coi tất cả là thiệt thòi so với mối lợi là được biết Đức Ki-tô”. Người thanh niên giàu có cay đắng quay mặt đi vì anh không thể dứt bỏ của cải. Niềm hy vọng của anh đặt vào của cải nên niềm vui, nhiệt huyết của anh cũng mong manh như ngọn đèn trước gió rồi tắt ngúm. Còn anh thanh niên Phao-lô chỉ buồn, không thiết ăn uống gì khi chưa rõ được thánh ý Chúa trên cuộc đời mình. Khi đã được ánh sáng Chúa soi tỏ và tìm thấy lẽ sống của mình là chính Chúa, người thanh niên ấy hân hoan rao giảng Tin Mừng, phó thác trọn cuộc sống mình trong tay Chúa đến độ “Tôi sống nhưng không phải là tôi mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2, 20), vì ý thức hiện thực nơi mình: “Tôi có là gì mà đã không nhận lãnh”.
Lời mời gọi sống niềm hy vọng và mừng vui như một hồi chuông gióng lên để cảnh tỉnh thái độ sống của ta trong thời đại mới. Trong khi có những người đang từng ngày từng giờ chiến đấu với bệnh tật, chiến tranh, thiên tai,… để giành giật sự sống khỏi tay tử thần thì lại có những con người gieo mình xuống những dòng nước xanh thẳm, vùi dập sự sống trong rượu chè, ma tuý; kết thúc sự sống của mình bằng thuốc trợ tử, thuốc ngủ, lưỡi dao sắc lạnh,… Đau xót thay những con số thống kê về những cái chết như thế ngày càng gia tăng. Các bạn ấy có biết điều tuyệt vời nhất trên thế gian luôn bên cạnh các bạn là nụ cười của bố mẹ. Điều đau đớn nhất, tồi tệ nhất là những giọt nước mắt của bố mẹ khi các bạn không còn. Phải chi trong lúc cõi lòng đầy ắp ưu sầu, có một Gio-an Tiền Hô nào đó cho các bạn biết có một Đấng vẫn luôn yêu các bạn đến tận cùng, dẫu các bạn đang ở đáy vực thẳm thê thảm. Cuộc đời còn biết bao nhiêu điều tốt đẹp và nguyên tình yêu của Ngài đã đủ cho các bạn cảm nếm suốt đời.
Có người nói: “Đạo của người Ki-tô hữu là đạo của ngày thứ sáu Tuần Thánh”. Không phải thế. Đạo của ta không phải là đạo của đau thương, khổ sầu nhưng là Đạo Yêu Thương, đạo của niềm vui Chúa Phục Sinh. Là một Tập sinh Dòng Mến Thánh Giá, con thấy mình vô cùng hạnh phúc khi được bước theo Đức Giê-su Ki-tô Chịu Đóng Đinh. Đặc biệt, bước sang năm thánh, năm của hy vọng và mừng vui, con được mời gọi xây đắp đời mình trên niềm tin, tình yêu và hy vọng vào một mình Chúa, sống đời dâng hiến với tâm hồn ngập tràn niềm vui và hy vọng. Chỉ có như thế, con mới trở nên hoạ ảnh chân thật của Chúa và khí cụ hữu dụng trong tay Người. Trong cuộc hành hương trên đường hy vọng, giữa suối nguồn tình yêu của Chúa, con sẽ như chú cá hồi, bất chấp mọi khó khăn, nghịch cảnh của việc “lội ngược dòng”, sau tất cả, con sẽ tìm về Nguồn nơi con đã được phát sinh. Con cũng sẽ giống chú cá măng, một khi đã chọn Chúa là đối tượng duy nhất của lòng trí mình thì không bao giờ con ngừng theo đuổi Chúa cho tới lúc nghỉ yên trong Ngài.
Lạy Chúa, chỉ mình Chúa là Đường đích thật và tình yêu của Chúa hy vọng độc nhất dẫn đưa con về quê thật. “Đường hy vọng không chấp nhận những lữ khách buồn phiền” (ĐHV, 535), nguyện xin Chúa lấp đầy trái tim con bằng niềm vui của Chúa để đời dù bao nhiêu sóng gió, thế trần nhiều phen ướt mi thì con vẫn đi rao truyền Tin Mừng với xác quyết Chúa là đường đáng để đi theo, hy vọng đáng để trông cậy, là cuộc sống đáng để sống và tình yêu đáng để yêu. Chúa là đủ cho con. Lạy Chúa Giê-su – Tình Yêu Nhập Thế, xin mau ngự đến! Amen.
Tập sinh Maria Nguyễn Thị Thái
..........................
ĐÓN CHỜ CHÚA ĐẾN
Trong cái lạnh giữa tháng mười hai, bầu không khí đang ngày một náo nhiệt, những bóng nháy đầy màu sắc được trang trí mọi nơi, hang đá đang được dựng lên trong niềm vui và mong đợi, trên truyền hình đầy tràn những biểu tượng của lễ giáng sinh. Điều ấy cho ta biết lễ Giáng sinh đã đến gần. Mọi thứ chuẩn bị cho ngày vui ấy đã gần được hoàn thành và sẵn sàng. Tuy nhiên bên cạnh những chuẩn bị bên ngoài ấy, người tín hữu được mời gọi nhìn vào nội tâm và xét xem ta đã chuẩn bị tâm hồn đón Chúa đến với mình như thế nào?
Mùa vọng hướng ta đến ba khoảng thời gian: quá khứ, hiện, tại, tương lai. Nhớ về quá khứ, ta nhớ đến biến cố Chúa giáng sinh. Thiên Chúa trở nên người phàm để chia sẻ, cảm thông, nâng đỡ phận người yếu đuối của ta và cứu chuộc ta, cho ta được trở nên con cái và chung phần sự sống với Người. Nghĩ về hiện tại, ta được mời gọi ý thức Chúa vẫn đang tiếp tục đến với ta mỗi ngày. Hang đá người muốn không phải là hang đá vật chất lạnh lẽo nhưng là cõi lòng mỗi người. Chúa đã chủ động gõ cửa và chờ đợi ta đón Người vào nhà mình trong thánh lễ và bí tích Thánh Thể. Hướng đến tương lai, người công giáo tin rằng chắc chắn Chúa sẽ đến lần thứ hai trong vinh quang rực rỡ. Nhưng khi nào ngày ấy đến ta không biết mà chỉ biết ngày ấy sẽ đến cách bất ngờ. Vì vậy ta phải sống trong tỉnh thức và mong chờ.
Sống mùa vọng, người tín hữu được mời gọi sống tinh thần sám hối như lời kêu gọi của thánh Gioan tiền hô: “Anh em hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần” (Mt3,2). Sám hối ở đây không phải là tinh thần suông hay những suy nghĩ thánh thiện lại xa vời vì những cảm xúc mãnh liệt rồi mau qua, nhưng sám hối phải được thể hiện bằng cuộc sống cụ thể, hành động thực tiễn “Các anh hãy sinh những hoa quả xứng với lòng sám hối” (Lc3,8), “Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa” (Lc3,9). Mỗi tín hữu Chúa Kitô phải cùng chung nỗi thao thức như dân Do Thái xưa khi họ tìm đến Gioan tấy giả “Chúng tôi phải làm gì đây?” (Lc3, 10). Ta hãy để cho câu hỏi này chất vấn, thôi thúc mình, có thế ta mới xác định được hướng đi cũng như đích đến tốt nhất mà ta phải đạt được trong cuộc sống.
Trước ba hạng người tìm đến mình là binh lính, những người thu thuế và đông đảo dân chúng, ông Gioan tấy giả đã cho họ những câu trả lời rõ ràng giúp họ chuẩn bị đón Đấng Mê-si-a. Và lời khuyên ấy vẫn còn rất thực tế, cần thiết cho ta trong thế giới hôm nay: chia sẻ với người nghèo, giữ mình khỏi dính bén quyền lực và tránh áp bức người khác: “Ai có hai áo thì chia cho người không có; ai có gì ăn thì cũng làm như vậy” (Lc3,11). Khi chia sẻ với người anh em nghèo khó những sự cần thiết nhất như cơm ăn, áo mặc, là ta ra khỏi chính mình và mở rộng sự quan tâm đến người khác để sống cùng, sống với và sống cho anh em. “Có hai chia một” đồng nghĩa với việc ta xóa bỏ khoảng cách địa vị, điều mà tính tự nhiên con người luôn tìm kiếm để được ngang bằng, gần gũi với người khác. Với những người lính và người thu thuế, Gioan cũng không đòi hỏi họ phải bỏ nghề để ngày đêm phụng thờ Chúa như những người đạo đức nhất hay lui vào sa mạc để sống nhiệm nhặt. Gioan kêu mời họ vẫn sống cuộc sống mình nhưng với cách sống mới, tinh thần mới: sống công bằng, ngay thẳng “Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh. Chớ hà hiếp ai.” (Lc3, 13.14b)
Lễ giáng sinh giờ đây đã trở nên ngày đại lễ trên toàn thế giới, ngày của niềm vui hân hoan với bóng nháy sắc màu, hang đá rực rỡ và những điệu nhảy hân hoan. Kỷ niệm Ngôi Hai Thiên Chúa làm người quả là một niềm vui lớn cho nhân loại. Tuy nhiên, ta phải coi chừng vì khi quá tập trung vào việc chuẩn bị bên ngoài ta lại dễ lơ là việc chuẩn bị quan trọng và đẹp lòng Chúa gấp ngàn lần là chuẩn bị bên trong tâm hồn. Khi ấy, ta biến ngày lễ Giáng sinh thánh chẳng khác mấy những ngày lễ hội trần gian. Và niềm vui của ta trở nên ồn ào, náo động, rồi qua đi mà chẳng còn vết tích gì, chỉ để lại trong tâm hồn con người những khoảng không trống vắng và hụt hẫng. Trái lại ta được mời gọi sống tinh thần mùa vọng là sám hối, canh tân để sẵn sàng đón Chúa đến với chính mình và cho ta hưởng trọng vẹn niềm vui giáng sinh. Sám hối trong ước muốn, trong tư tưởng và được thể hiện, chứng minh trong đời sống thực tế. Câu hỏi “tôi phải làm gì đây?” phải được vang lên, thúc bách và thay đổi những cong queo, gập nghềnh trong lối sống của ta, cho ta bước đi trong bác ái và công bình.
Lạy Chúa Giêsu, vì tình yêu Chúa đã đến, đang đến và sẽ tiếp tục đến với nhân loại nói chung, cách riêng là chính tâm hồn con. Trong những thời gian vắn vỏi còn lại của mùa vọng, xin cho con biết sống “lặng” nhiều hơn. Như dân Do Thái xưa, xin cho con biết lui đến “sa mạc của tâm hồn” để lắng nghe lời mời gọi sám hối và đón nhận Tin Mừng. Xin cho con đừng bỏ lỡ những cơ hội hy sinh, bỏ mình và tìm thánh ý Chúa để con góp nhặt những “cọng rơm” tuy không êm mịn nhưng bớt thô cứng để đón Chúa ngự vào trong lễ sinh nhật và cho con được sưởi ấm trái tim Giê-su Hài Nhi. Amen.