Thứ bảy, 27/04/2024

Âm Nhạc - Một Môn Nghệ Thuật

Cập nhật lúc 10:06 29/02/2024
 
Có rất nhiều định nghĩa về âm nhạc, tuy nhiên chúng ta có thể nói một cách dễ hiểu nhất đó là: Âm nhạc (Tiếng Anh: music) là một bộ môn nghệ thuật dùng âm thanh để diễn đạt cảm xúc của người hát hoặc người nghe. Thật vậy, không biết âm nhạc đã có từ bao giờ, nhưng có thể khẳng định âm nhạc đã vượt không gian và thời gian. Âm nhạc đã ăn sâu vào tiềm thức của con người, nên trong mọi lãnh vực, âm nhạc đã luôn góp mặt như trong đám hỷ, đám hiếu, nhạc cung đình, nhạc tôn giáo, nhạc vàng, nhạc đỏ …vv.  Âm nhạc còn mang những nét đặc thù của từng dân tộc, từng quốc gia, và đã tạo nên những nghệ sỹ thời danh của âm nhạc. Âm nhạc quả có tác dụng thật lớn trong cuộc sống con người.

1. Âm nhạc là nguồn giải trí
Hiện nay, âm nhạc là một trong những nguồn giải trí tối ưu và không thể thiếu của con người. Mỗi độ tuổi có thể chọn cho mình một thể loại nhạc cho tương thích để thưởng thức. Nếu không có âm nhạc, thế giới sẽ như thế nào nhỉ? Âm nhạc có góp thêm cho hạnh phúc của con người. Nó giúp xua tan nỗi đau khổ, mang lại niềm vui sướng, sự tươi trẻ và tràn đầy sức sống. Khi thưởng thức những ca khúc yêu thích giúp con người thư thái và có rất nhiều trải nghiệm thú vị.
Hòa mình trong những giai điệu, ca từ của bản nhạc cũng sẽ giúp xoa dịu được những nỗi thống khổ của mình trong cuộc sống. Đây chính là phương diện truyền tải cảm xúc trọn vẹn và tuyệt vời nhất. Âm nhạc giúp chúng ta cảm nhận như sờ được, thấy được từng ngõ ngách sâu thẳm nhất trong tâm hồn.
Nét nhạc có thể tạo nên sự rung động trong hạnh phúc của đôi lứa; nét nhạc có thể tạo ra nỗi u uất nhớ nhung, những kỷ niệm đẹp của người quá cố; nét nhạc có thể làm tiêu tan sự bi ai và nỗi chán chường của người tiêu cực; nét nhạc tạo ra sự trầm hùng vang vọng của lịch sử quốc gia; nét nhạc tạo ra sự uy nghi, trang nghiêm trong lễ hội, nét nhac tạo ra sự bình an trong cuộc sống tâm linh tôn giáo; nét nhạc cũng có thể vẽ nên một tương lại rực rỡ của ngày mai.
Đặc biệt, nét nhạc còn có thể tạo nên những thiên tài âm nhạc. Có lời khuyên được đưa ra đó là: Phụ nữ khi mang thai nên cho bé nghe nhạc ngay từ trong bụng mẹ để bé hình thành và phát triển tư duy tốt hơn.
-Âm nhạc là một phần không thể thiếu trong cuộc sống, đóng vai trò thư giãn về tâm lý cũng như nâng cao hiệu suất làm việc, phát triển tư duy. 
Vd: khi chúng ta đi đám hiếu, chúng ta nghe ca đoàn hay những người ca kèn họ hay ca bài “sự sống này…” giúp cho người nhà cảm thấy vơi đi nỗi buồn vì chết không phải là hết mà là bắt đầu mở ra một sự sống mới, tương lai mới. Hay bài “Nhớ Mẹ” của linh mục Duy Thiên: “Tình Mẹ vẫn còn đây…nhớ mẹ ngày xưa vất vả…Xin tình yêu Thiên Chúa ban cho mẹ con suốt đời. Nghỉ yên trong Chúa mà thôi, nghỉ yên trong Chúa ngàn đời”. Hay lời hát: “Như Đức Ki tô đã chết và đã sống lại thế nào…”
-Trong hôn nhân, Đức cha Thống - Thông Vi Vu cũng mượn hình ảnh đôi dép để diễn tả tình cảm của con người qua bài hát ‘Đôi dép’: “Hai chiếc dép kia gặp gỡ tự bao giờ. Mà yêu quá chẳng rời nhau nửa bước. Cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược. Lên thảm nhung xuống cát bụi cùng nhau… Nếu ngày nào một chiếc dép mất đi. Mọi thay thế sẽ trở nên khập khiễng. Giống nhau nhiều nhưng người đi sẽ biết. Hai chiếc này chẳng phải một đôi đâu”.

2. Tăng cường trí nhớ, hiệu quả học tập và làm việc
Con người không thể nghe, nhìn, ngửi, chạm, nếm được cảm xúc mà chỉ có thể cảm nhận. Đôi khi, chúng ta yêu thích một ca khúc nào đó không chỉ vì giai điệu, ca từ mà còn bởi cảm giác mà bài hát đó mang lại. Chúng ta có thể chìm đắm vào bài hát như kể lại câu chuyện cuộc đời mà ta đã từng trải qua và tưởng chừng như đã lãng quên.
Vd: những ngày đầu năm khi chúng ta nghe lời hát “ngày đầu xuân bao người đi xa cũng về với gia đình…” và nếu vì lý do gì đó mà chúng ta không về được thì chúng ta cảm thấy thế nào nhỉ?

3. Có tác dụng tốt đối với sức khỏe
Âm nhạc không chỉ giải trí, tác động vào cảm xúc mà còn rất tốt đối với sức khỏe. Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy âm nhạc là thần dược của tâm hồn và sức khỏe của con người. Các bản nhạc có tiết tấu nhanh như: disco, chachacha, pop… giúp chúng ta tỉnh táo, năng động và nhạy bén hơn. Những bản nhạc không lời, piano, Baroque … còn giúp giảm mệt mỏi, căng thẳng trong cuộc sống.
Còn âm nhạc trong Phụng vụ thì sao? Càng không thể thiếu nếu trong Thánh lễ mà chỉ có đọc và đọc, chúng ta biết rằng trong năm Phụng vụ Giáo Hội đã sắp xếp những bài hát phù hợp với từng mùa: Giáng sinh có những bài hát vui nhộn; mùa Chay thì có những bài hát mang vẻ u buồn, sám hối:  “Con nay trở về”; “hỡi người hãy nhớ mình là bụi tro” …vv. Bài hát trong mùa Phục sinh thì nói lên niềm hy vọng. Còn  bài hát Mùa Vọng có tính chất chờ đợi, hướng về Chúa Kitô.
 Trong Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh (Sacrosanctum Concilium) có chương VI nói về tầm quan trọng của Thánh Nhạc

1. Giá trị của thánh nhạc.
-Vượt hẳn mọi diễn tả nghệ thuật khác, nhất là vì điệu nhạc thánh đi liền với lời ca, góp phần cần thiết hoặc trọn vẹn trong Phụng vụ trọng thể.
-Tiên phong là Ðức Piô X, đã làm sáng tỏ rõ ràng hơn vai trò của Thánh Nhạc trong phụng tự.
Do đó Thánh Nhạc càng liên kết chặt chẽ với hoạt động Phụng vụ bao nhiêu thì càng thánh hơn bấy nhiêu. Thánh Nhạc vừa phát triển lời cầu nguyện một cách dịu dàng hơn, vừa cổ võ sự đồng thanh nhất trí, lại vừa làm cho các nghi lễ thêm phần long trọng. Do đó, Giáo Hội chuẩn nhận và cho dùng vào Phụng vụ  tất cả mọi hình thức nghệ thuật đích thực, miễn là có những đặc tính cần thiết.
Vì thế, trong khi vẫn duy trì những qui tắc, luật lệ của truyền thống và qui luật trong Giáo Hội, cũng như nhằm mục đích của Thánh Nhạc là làm vinh danh Chúa và thánh hóa các giáo hữu.

2. Thánh Nhạc trong phụng tự
Hoạt động Phụng vụ mang một hình thức cao quí hơn khi các việc phụng tự được cử hành một cách long trọng, với tiếng hát do các thừa tác viên có chức thánh chủ sự và giáo dân tích cực tham dự.

3. Kho tàng Thánh Nhạc.
Phải hết sức lo lắng duy trì và cổ võ kho tàng Thánh Nhạc, phải nỗ lực đào tạo các ca đoàn, nhất là ở các nhà thờ chánh tòa. Về phần các Giám mục và mục tử khác có nhiệm vụ coi sóc các linh hồn, hãy nhiệt tâm lo lắng để trong bất cứ nghi lễ nào có hát, tất cả cộng đoàn tín hữu đều có thể tham dự một cách linh động vào những phần dành riêng cho họ.

4.  Huấn luyện thánh nhạc.
Phải chú trọng đến việc huấn luyện và thực tập âm nhạc trong các Chủng Viện, các Tập viện cũng như các Học viện của các Dòng Tu nam nữ, và cả trong những học viện và học đường Công giáo khác. Ngoài ra, rất nên thành lập những Viện Cao Ðẳng Thánh Nhạc. Hơn nữa, các nhạc sĩ, ca sĩ, nhất là các thiếu nhi, cũng phải được huấn luyện cho có đủ căn bản phụng vụ.
 Theo thánh Augustino nói rằng: “ hát hay là 2 lần cầu nguyện” vậy là những thành viên ca đoàn chúng ta cố gắng tập luyện để cho mình được hát hay hơn, chúng ta biết rằng ngoài việc giọng hát trời cho thì chúng ta cũng cần phải tập luyện. Để trở thành ca sĩ các bạn ấy cũng phải học rất nhiều năm ở học viện, 7 năm sơ cấp, 4 năm trung cấp, 4 năm đại học …vv. Còn đối với chúng ta không phải là ca sĩ, nhưng mình ý thức việc mình ca hát là để cho Chúa nghe và Cộng đoàn nghe thì chúng ta cũng cần tập luyện mỗi tuần một chút, và bí quyết để người tập hát nhàn hơn, ca viên học nhanh hơn và hát hay hơn thì trước mỗi buổi tập hát chúng ta nên luyện thanh khoảng 5 phút. Với 5 phút luyện thanh được ví như bước khởi động cho bất cứ một công việc  gì giống như: trước khi vận động viên thi đấu, họ cũng cần có những phút khởi động để làm co giãn gân cốt…
-Tinh thần phục vụ: Chúa không thua lòng quảng đại của chúng ta, 1 tuần chúng ta dành cho Chúa 1-2 buổi tối tập hát, 1 giờ  đi phục vụ Thánh lễ, nhưng chúng ta hằng ngày đón nhận biết bao ơn lành của Chúa. Chúa làm phép lạ ngay trong chính con người của chúng ta mà có khi nào chúng ta nghĩ đó là phép lạ của Chúa hay chúng ta nghĩ đó là tự nhiên giống như con tim của chúng ta đập suốt ngày, đêm. Dạ dày của chúng ta là 1 cỗ máy rất rất tuyệt vời, có cỗ máy nào mà một lúc nghiền đủ thứ, cứng có, mềm có, sống chín lẫn lộn như dạ dày của chúng ta?
Trong bài hát “Tim Con Hân Hoan” của Mai Thiên có câu: “Đời sống không là chi nếu không phụ vụ tận tình. Đời sống có nghĩa gì nếu không nhiệt thành hy sinh”.
Hay lời hát: “Việc gì làm hôm nay ta quyết làm, ta sẽ làm. Việc gì làm hôm nay đừng để đến đến ngày mai. Việc gì làm hôm nay không bao giờ trở lại. Việc gì làm hôm nay ta quyết làm là làm cho xong”.
Có nhiều người có giọng hát hay, cũng có thời gian rảnh rỗi đó, nhưng họ đâu biết tham gia Ca đoàn để phục vụ Chúa, rồi khi về già giọng hát ấy cũng không còn, cũng bị quên đi mà chẳng để lại gì cho đời.
Bởi thế, chúng ta dùng lời ca tiếng hát nhằm truyển tải tâm tư tình cảm cho nhau và hơn hết là ca tụng, ngợi khen và tôn vinh Chúa thật đáng trân quý chừng nào.

 
Agatha Nguyễn Thị Năm
Thông tin khác:
Mến Thánh Giá (16/01/2024)
Mùa Biến Đổi (10/01/2024)
Bên Chân Chúa (19/12/2023)
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log