Thứ tư, 08/05/2024

Từ Bỏ Để Dâng Hiến

Cập nhật lúc 08:26 14/03/2024

Sau khi được sắp xếp làm việc tại Ban Thư viện của lớp, vào buổi sáng Chúa Nhật rảnh rỗi, tôi đi soát lại các giá sách, bỗng đôi mắt tôi dừng lại ở nhan đề cuốn sách khổ A6 nhỏ nhỏ: “Ba vị Thánh trẻ Dòng Tên” do Đức Giám mục Giáo phận Bắc Ninh - Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt biên soạn. Tôi đọc trong chăm chú, miệt mài và tôi rất ấn tượng vị Thánh có tên Louis Gonzaga!  
Louis được ví là “ông hoàng con” của tất cả dân xứ Castiglione miền Bắc nước Ý, là “con nhà siêu giàu” thuộc giới lãnh chúa thời phục hưng Châu Âu. Nhưng lạ thay, Louis quyết tâm theo đuổi ơn gọi Dòng Tên khi mới 15 tuổi. Anh bỏ lại mọi của cải và khước từ quyền cao chức trọng của gia đình để đi tu, với khẩu hiệu: “Từ bỏ để dâng hiến”. Khép lại những trang sách kể về Louis, tôi thấy Louis rất gần gũi. Bằng tuổi tôi nhưng Louis đã vượt xa tôi trên con đường nên thánh! Chính câu nói của Louis khiến tôi rơi vào một khoảng lặng vô định và nhìn lại bản thân. Tôi thấy mình đang ôm đồm quá nhiều thứ, tôi ki cóp cho bản thân nhiều tới mức bước chân tôi trở nên nặng nề trên con đường theo Chúa.
Trước khi chào đời, Chúa đã chuẩn bị sẵn cho tôi một chiếc nôi ấm áp, miễn phí là gia đình, có người cha làm trụ cột vững chắc, có người mẹ tảo tần sớm hôm trên những triền đồi hay vất vả lo việc đồng áng. Tôi xuất thân từ gia đình năm đời bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Tuy nhiên, tôi vẫn thấy hạnh phúc bởi lẽ thời tôi sinh ra, chiến tranh đói kém đã lùi xa, không còn phải ăn nồi cơm nấu lác đác vài hạt gạo mà củ sắn củ đót chiếm phần đa, càng không phải đi làm quần quật theo mô hình hợp tác xã để đổi lấy tem phiếu mua đồ dùng và thức ăn. Tôi là chị cả trong nhà. Làn da bánh mật khiến tôi có phần mặc cảm về mình nhưng nó cũng chẳng có nghĩa gì khi tôi chọn đi tu. Đi tu, tôi đã bắt đầu đời sống cộng đoàn và có những trăn trở về gia đình. Khi cầu nguyện, tôi thấy mình thật khô khan, sự chia trí mông lung cũng ngày càng nhiều hơn. Niềm vui trong đời sống chung cũng vơi dần và sự đụng độ với chị em xuất hiện với tần suất nhiều hơn. Tôi như đứng trước ngã rẽ của ơn gọi: Tôi còn thích hợp với đời tu nữa không? Tôi suy nghĩ về trách nhiệm của một người chị lớn, về bổn phận của người con cả! Tôi suy nghĩ và buộc phải đưa ra chọn lựa: Lựa chọn theo “lẽ tự nhiên” như bạn bè đồng trang lứa: đi học rồi đi làm, hẹn hò yêu đương và lập gia đình hay kiên nhẫn hơn để theo đuổi đến cùng ước mơ từ hồi lớp 7: trở thành một bà sơ?
Tôi luẩn quẩn giữa những câu hỏi tự đặt ra: Nếu đi tu tiếp, khi bố mẹ ốm, lấy đâu ra tiền để trả viện phí? Nếu Chúa gọi bố hoặc mẹ tôi đi sớm, thì ai sẽ phụ giúp kinh tế cùng người còn lại để lo cho các em ăn học đàng hoàng? Nếu ngày nào đó sức khỏe tôi không còn tốt nữa, nếu tôi mắc bệnh nan y thì bố mẹ là người chi trả nhiều hơn chứ biết cậy dựa ai? Tôi sợ là gánh nặng cho gia đình... Sự nhạy bén thiêng liêng của tôi còn quá non nớt và tôi chưa hiểu được Chúa muốn dạy tôi bài học gì qua thời gian khó khăn này!
Nguyện vọng của những ông bố bà mẹ là được nhìn thấy các con khôn lớn, trưởng thành nên người và sống hạnh phúc. Tôi đã chọn con đường mà tôi tin là sẽ hạnh phúc nhưng tại sao lúc này, tôi đang ở môi trường tu viện, giữa rất nhiều chị em mà tôi lại thấy mình trơ trọi, lẻ loi... Ngoài các giờ làm việc chung, tôi hay thu mình lại trước Thánh Thể Chúa. Đã bao lần tôi khóc nấc lên, cổ họng nghẹn ứ và những giọt nước mắt mặn chát cứ lăn dài trên má. Tôi rơi vào bế tắc và dường như, tôi đang mắc kẹt trong ngõ cụt không lối thoát! Tôi biết khóc lúc này chẳng giải quyết được điều gì, nhưng nó giúp tôi xoa dịu tâm hồn yếu mềm của tôi. Tôi nhớ lại sự chắt chiu từng đồng tiền lẻ của mẹ, hàng tháng vẫn đều đặn gửi xe khách xuống Hà Nội cho tôi. Tôi biết bố tôi hằng ngày vẫn phải thức dậy từ nửa đêm, dù tiết trời giá rét đến mức xé da cắt thịt hay trời đổ mưa, sấm sét đùng đoàng xé ngang một góc trời thì bố tôi vẫn đi, vẫn phải chở hàng lên chợ cho mẹ tôi bán. Những hi sinh đó, những nỗi nhọc nhằn đó, tất cả là để tập trung lo cho tôi có đủ tiền ăn-ở-điện-nước và tiền đóng học phí.
Những dòng suy nghĩ cứ nối tiếp nhau và chuỗi kí ức ngọt ngào của tuổi đôi mươi đẹp nhất cuộc đời đang ào về trong tôi. Tôi mơ màng nhớ lại những tháng ngày miệt mài học hành nơi giảng đường Đại học và những kỷ niệm đi thực tập ở bệnh viện ùa về từ vô thức. Dẫu biết ngành tôi học là vất vả nhưng do ảnh hưởng từ ông ngoại là y sĩ trong quân đội, tôi vẫn quyết tâm chọn học ngành y. Dù chi phí học cao hơn các chuyên ngành khác và dẫu cho một sự thật phũ phàng: cả ba nguyện vọng thi vào Đại học của tôi đều trượt vỏ chuối và tôi phải học Cao đẳng. Bù lại, môi trường tôi học và thực hành rất tốt, rất tuyệt vời: một bệnh viện lớn với nhiều chuyên khoa nhất miền Bắc, là một bệnh viện thuộc tốp đầu của Trung ương và hiển nhiên, đội ngũ nhân viên y tế ở đây cũng rất giỏi chuyên môn và dày dặn kinh nghiệm. Tâm trí tôi đầy ắp những kỉ niệm đẹp ở đó:
Chuyện ở khoa Phẫu thuật lồng ngực. Một bệnh nhân nam bằng tuổi, đã tặng tôi cuốn sách “Nhà giả kim” sau khi bạn ấy trải qua cuộc phẫu thuật thành công. Không chỉ tặng sách, bạn ấy còn kèm theo nụ cười tươi rói để hở chiếc răng khểnh cùng cái nháy mắt khá dễ thương khiến tim tôi lỡ nhịp. Điều đó lộ rõ trên khuôn mặt đỏ ửng của tôi, khiến mẹ bạn ấy cũng suýt hiểu lầm tôi là ABCxyz của bạn ấy. Nhưng nghĩ gì mà tôi lại dễ đổ, dễ xiêu vẹo như thế? Con gái bây giờ đắt giá lắm, mỗi năm có hàng triệu người con trai ở độ tuổi ba mươi mà vẫn chưa kiếm được người yêu. Tôi phải chảnh, phải giữ cái đầu lạnh chút xíu, chứ “chống lầy” sớm thì nguy to, ít ra tôi cũng phải đợi học hành xong xuôi và công việc ổn định đã.
Tới khoa Ung bướu nhi, tôi bắt gặp những em nhỏ đang tuổi ăn tuổi ngủ đã phải đi xạ trị, phải truyền hóa chất độc hại vào cơ thể để diệt đi những tế bào ung thư quái ác đang hoành hành và gặm nhấm cơ thể các em. Sự sống nơi các em trở nên mỏng manh hơn bao giờ hết! Nhớ đêm trực se se lạnh của tiết trời mùa Thu tháng 9, tôi thấy một người mẹ lủi thủi bước đi, nước mắt nước mũi giàn giụa. Tôi tới cạnh bên, người mẹ liền chia sẻ nỗi lòng của mình. Trái tim người mẹ như thắt lại trong tiếng nấc nghẹn ngào khi thấy cơ thể đứa con bé bỏng ngày càng yếu, sức đề kháng cũng giảm dần và tiên lượng bệnh cũng không còn nhiều hi vọng nữa…Tôi chỉ biết lắng nghe trong lặng thinh, và phản xạ tự nhiên, tôi choàng tay lên vai người mẹ ấy để vỗ về an ủi trong sự đồng cảm. Sống mũi tôi cũng thấy cay cay và mắt tôi ứa lệ lúc nào cũng không hay. Tôi nhận ra là còn sống ngày nào trên mặt đất, còn được thấy ánh mặt trời rọi nắng trên nền trời xanh ngắt, ngày đó là một món quà vô giá từ Thượng đế, nhưng nếu bệnh tật lỡ ghé thăm khi ta chẳng ngờ thì ta phải học cách đón nhận thôi!
Tại Trung tâm Hô hấp của bệnh viện, đêm trực đầu đời ngành y của tôi đã gặp một ca COPD mãn tính lên cơn co thắt cấp tính. Bác bệnh nhân rơi vào hôn mê ngay trước mắt tôi, chuông báo động réo lên và tức khắc một đội ngũ bác sĩ- điều dưỡng ập tới cấp cứu cách thuần thục. Sau nửa giờ đồng hồ hùng hục làm việc thì cuối cùng mạng sống của bác ấy cũng giành lại được từ tay thần chết. Nhóm anh chị nhân viên thở phào nhẹ nhõm, lấy tay lau vội vài giọt mồ hôi trên trán và uể oải về phòng trực lúc một giờ sáng. Hai đứa sinh viên chúng tôi chân ướt chân ráo mới học lý thuyết trên sách vở còn chưa kịp nhớ hết bài học đã được diễm phúc chứng kiến cận cảnh cấp cứu, vừa sợ hãi xanh mắt mèo vừa thấy bái phục các anh chị làm ở khoa này.
khoa Thận- tiết niệu tầng 5, tôi nhớ ngày cuối tuần luôn trong trạng thái tất tưởi như bà mẹ bận mấy đứa con nhỏ nheo nhóc bởi số lượng bệnh nhân nhập viện quá tải phải nằm ghép 3-4 người trên một giường. Ngày bình thường, nhân viên y tế ra vào trắng cả phòng bệnh nhưng ngày nghỉ thì chỉ còn phất phơ vài người chúng tôi, đi như chạy và khi nào chạy tức là có biến khẩn cấp! Thay vì than vãn mệt mỏi, oải sức, tôi lại lấy đó làm cơ hội bắt chước Chúa đi chữa lành bệnh tật thể xác của họ và 5000 cái tiện thể để nâng cao tay nghề hơn. Hết ngày trực, sau khi bàn giao công việc với ca trực đêm xong, tôi được tha về với đôi chân muốn rụng ra từng khúc, nhưng vẫn có cảm giác vui vui, khoan khoái tâm hồn. Trời nhá nhem tối, phố phường cũng bắt đầu lên đèn, trên chuyến xe bus, tôi nhẩm miệng qua qua cũng thấy ngạc nhiên về thành quả của mình, với đôi bàn tay dùi đục đã đặt truyền và rút kim cho cả 200 người có dư, từ 7g30 sáng tới 17g45 chiều. Tạ ơn Chúa.
Chuyện xảy ra ở Trung tâm bệnh nhiệt đới: tôi đã chẳng ngần ngại khi bạn tổ trưởng cố ý phân công vào phòng chăm sóc cho những bệnh nhân mắc hội chứng HIV/AIDS. Thấy họ thân gầy gò, làn da xanh xao, mất hết nhựa sống, tôi chạnh lòng thương hơn là xa lánh, ghê tởm họ. Ngoài giờ thực hiện y lệnh thuốc, tôi đi hỏi han bắt chuyện với họ và tôi khám phá ra, có người nhiễm virus là do di truyền mẹ con, hoặc do vô tình bị “phơi nhiễm” trong sinh hoạt chứ không phải làm chuyện bậy bạ… Tôi tự nhoẻn cười một mình khi nhớ lại khoảnh khắc cắm đầu cắm cổ đạp chiếc xe cà tàng của khoa lúc 2 giờ đêm. Có bệnh nhân cấp cứu, tình thế cấp bách ngàn cân treo sợi chỉ, bác sĩ trưởng tua trực phán tôi đi gửi xét nghiệm khí máu gấp, mà khốn thay, từ khoa này đi lên tầng 14 tòa nhà kế bên, phải đi qua nhà tang lễ của bệnh viện. Một cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng, tôi có chút hoang mang và hơi ảo tưởng vài bóng áo trắng-mắt đỏ-tóc dài đang phất phơ trên cành đa già. Bỗng tiếng còi xe chở bệnh nhân vang lên khiến tôi giật mình, thoát ra khỏi tưởng tượng đó, và chợt nhận ra mình cũng đang mặc bộ Blouse trắng tinh. Xét ra, tôi cũng thuộc tuýp người sợ M.A… Chúa tặng cho tôi vẫn đủ cả hai lá gan khá to toa và mọi cơ quan khác vẫn hoạt động bình thường nhưng trong bối cảnh này, tự nhiên thấy gan nó teo tóp lại chỉ bằng ngón chân út! Dù sợ nhưng tôi vẫn phải đi vì trách nhiệm nên phải đi phải làm, hơn nữa, tôi cũng đang tập tành để trở thành một cô điều dưỡng tận tình chu đáo cơ mà. Thôi… thì… cứ hít một hơi thật sâu, lấy hết dũng khí, mở to mắt ra mà lao về phía trước, tự nhiên, nỗi sợ hãi bay ngược lên bầu trời đầy sao lấp lánh và ảo tưởng phi thực tế kia cũng tiêu tan vào những áng mây hờ hững trên cao luôn.
Những đêm trực ở khoa ICU  thật dài. Đúng là phải thức đêm mới biết đêm dài như thế nào! Bắt đầu nhận trực từ 17g30 chiều hôm trước tới 7g45 sáng hôm sau mà sinh viên tụi tôi chỉ được phép chợp mắt 2 tiếng và có 20 phút ăn tối trong vội vã. Số thời gian còn lại là auto để thực hiện y lệnh thuốc và chăm sóc chuyên biệt cho từng bệnh nhân đang hôn mê nặng. Ngay cả việc đi vệ sinh, chúng tôi cũng phải xin phép các anh chị nhân viên chính chứ chưa nói gì đến chuyện ngồi trong phòng ăn điều dưỡng và tranh thủ order trà sữa!
Qua Viện Tim mạch, tôi bắt gặp mấy chị nhân viên đưa người nhà từ quê lên Thủ đô để kiểm tra sức khỏe định kì, tôi chợt thấy nhói lòng và tim co thắt lại. Tôi cũng muốn được có cảm giác mặc bộ blouse và đưa bố mẹ đi xét nghiệm máu, x-quang lồng ngực, đi siêu âm ổ bụng- tuyến giáp này kia… Thế là tôi quyết tâm học để lấy một kỳ học bổng của nhà trường, nhưng số đen như con mèo hen và chán như con cá rán, tôi được ba lần vào danh sách dự kiến còn khi nhìn vào danh sách chính thức nhận học bổng thì tôi lại bị out. Có vẻ may mắn và hạnh phúc chưa ghé thăm tôi bởi vì trong lớp, rất nhiều sinh viên ưu tú hơn tôi, chăm chỉ hơn tôi…
Thời gian cứ khe khẽ trôi, ngày ra trường không hẹn cũng tới gần kề, ngày mà ai chán cảnh “sáng đi thực tập ở viện - chiều ngồi lê đũng quần trên giảng đường học lí thuyết - tối đi trực thức cả đêm - sáng hôm sau phải ở lại thi lâm sàng kết thúc khoa tới trưa” rồi thì mong ngóng lắm! Nhưng nếu bạn nào mà đang trên đà học hỏi thì lại không muốn chút nào. Chúng đến để báo hiệu cho đám sinh viên chúng tôi biết mình sắp sửa tới lúc ra đời mưu sinh và va chạm trường đời cách thiết thực hơn để trưởng thành hơn, dày dặn kinh nghiệm sống hơn... Tôi được nhận bằng tốt nghiệp từ Giám đốc Bệnh viện cũng là Hiệu trưởng của trường luôn. Và tôi cũng không quên check-in vài chục cái ảnh với bộ đồ cử nhân “oách xà loách” trên hội trường như để níu giữ những khoảnh khắc cuối cùng của thời sinh viên cùng mấy đứa bạn. Nhưng không hiểu sao, sau những giây phút lên tiên huy hoàng ấy lòng tôi có chút trống rỗng, một khoảng trống khó gọi thành tên…cùng với đó là một sự thôi thúc rất mãnh liệt tự bên trong, tôi quyết định cởi bỏ chiếc áo blouse trắng, từ bỏ tương lai của một cô điều dưỡng vẫn hằng mơ ước để bước đến và gõ thử cánh cửa Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hóa.
Hạnh phúc như vỡ òa khi tôi được Dì Maria - Đặc trách Thanh tuyển của Hội dòng đón nhận. Tôi bắt đầu mon men vào hành trình tìm hiểu ơn gọi và tập sống đời tu. Một điều lạ như thể Chúa đã an bài sẵn khi ở giáo xứ nhỏ của tôi, từ thuở khai thiên lập địa tới giờ vẫn chưa có ai đi tu nhưng bố mẹ tôi không hề cản ngăn. Bố mẹ tôi tôn trọng tự do và quyết định của tôi! Liền ngay lúc đó, một suy nghĩ chợt thoáng qua, nếu Chúa chọn gọi tôi đi theo Người và nếu tôi có đủ can đảm kiên trì tới cùng thì ngày tôi được khấn như hồi trống báo hiệu bố mẹ tôi sẽ không có dăm ba đứa cháu ngoại bồng bế!
 
***
 
Bậc sống nào cũng đi từ giai đoạn bí mật, trăng mật và ắt sẽ có lúc dập mật! Đời tu của tôi cũng tới lúc bớt đi màu hồng trong veo như tôi từng nghĩ trước đó, những khoảng trống vắng xuất hiện ngày càng nhiều hơn.
Trong cuốn sách “Men are from Mars, Women are from Venus”, tiến sĩ tâm lí người Mỹ Jonh Gray đã nhận ra phản ứng cảm xúc của phụ nữ như những con sóng! Ngọn sóng đẩy lên cao khi cô thấy hạnh phúc, vui tươi, tràn đầy năng lượng sống nhưng khi sóng hạ thấp xuống tận cùng thì mọi cảm xúc trên đều ngược lại. Và tôi thấy đúng. Biết rõ điều đó nhưng tự sức tôi, tôi vẫn không thể thoát ra khỏi hố sâu cơn sóng của tôi. Những câu hỏi cứ quẩn quanh trong đầu, những kí ức đẹp của tuổi xuân xanh đôi mươi cứ bao phủ lấy tâm trí tôi. Tôi cứ bận tâm về chúng mà quên mất một điều: mình phải dâng tất cả lên cho Chúa! Dâng cả quá khứ, hiện tại và tương lai, dâng cả gia đình, tài năng và tuổi trẻ đầy nhựa sống đó… Giống như các môn đệ năm xưa đang lo sợ thuyền bị đắm và hoảng hốt đến tột cùng trước cơn giận dữ của biển cả thì cuộc đời tôi cũng đang bập bềnh vô phương như vậy. Ban ngày, mọi công việc bổn phận tôi vẫn chu toàn và làm chủ được cảm xúc nhưng khi màn đêm buông xuống, khi chị em đã chìm vào giấc ngủ ngon thì tôi không thể làm chủ được mình nữa. Tôi mượn bóng đêm u tối của căn phòng nhỏ để giải toả những gì mà tôi đã dằn lòng nén xuống, lúc đó, mọi sự đều bung ra và những dòng nước mắt ấm nóng cứ tuôn rơi trên chiếc gối mềm như vô cảm. Tôi sợ tôi là đứa vô dụng, vô ơn. Tôi sợ tôi không trung tín đến cùng trên con đường theo Chúa. Tôi thấy nhiều chị em có khả năng và hoạt bát hơn tôi, tôi mặc cảm và tự ti. Tôi muốn dừng đời tu! Tôi muốn nhặt lại mảnh chài lưới đời tôi, tôi muốn tìm lại và sử dụng chiếc “cần câu cơm” của tôi. Tôi muốn sống lại cái tôi hiện thực, cái mà tôi đã là…
Thế rồi vào một buổi chiều thứ Năm như thường lệ, tôi vẫn đang thu mình lại trước Nhà Tạm, bỗng một tiếng nói vang vọng nghe thật dịu dàng êm ái: “Hãy theo Thầy!” (Lc 9,59). Mọi lo toan, suy tư trong tôi tan biến. Tôi tự nhìn xung quanh Nhà Nguyện và khắp gian cung thánh xem có ai ở đó không? Hoặc chị nào có vô tình đọc Kinh Thánh phát ra tiếng gần đó không? Nhưng chẳng có ai, chỉ mình tôi! Câu nói ấy tôi nghe thấy rõ ràng bên tai, thậm chí còn chui tọt cả xuống trái tim và ngấm vào từng tế bào cơ tim. Chợt nhận ra tuyến lệ của tôi cũng ngừng hoạt động từ lúc nào không hay, trí óc tôi cũng thôi nghĩ ngợi mông lung. Tôi nhìn lên Thánh Giá và hỏi Người: Chúa vừa gọi con đấy ư? Chúa vẫn muốn con tiếp tục bước đi theo Người? Chúa đang trấn an và xoa dịu tinh thần sầu khổ của con? Ngài đã đến để dẹp yên cơn bão tố đời con? Các câu hỏi cứ tuôn ra không ngừng trong suy nghĩ. Chợt chiếc đồng hồ Casio đeo tay kêu tít tít, đến giờ tôi ra lớp và dừng lại mớ câu hỏi thắc mắc kia.
Cũng lạ lắm! Từ khi câu nói đó ngân lên, tôi bỗng thấy đời tu nhẹ nhàng hơn. Tôi sống đời dâng hiến bớt nặng nề và kéo lê hơn, những niềm vui bình dị trong ngày sống giúp tôi yêu đời tu hơn. Có lẽ Chúa luôn ban ơn cần thiết vào những lúc Ngài thấy thích hợp cho từng người, ở từng thời điểm. Cuộc đời tôi rẽ sang một nẻo đường khác! Vẫn đầy rẫy những khó khăn thách đố nhưng tâm hồn tôi vẫn bình an và thư thái. Tôi thấy rõ rằng sau những cơn dông đầy sấm chớp, trời sẽ lại ửng mây hồng và những tia nắng vàng óng xuất hiện. Đêm dài của đau khổ khép lại thì ánh bình minh hạnh phúc sẽ hé mở. Cuối con đường hầm eo hẹp, tăm tối, vẫn có một tia sáng le lói, dù ban đầu nó cũng yếu ớt và tưởng chừng như bị bóng đêm nuốt chửng.
Trải qua những thăng trầm của nhịp sống, giờ nhìn lại, tôi rất biết ơn chiếc nôi gia đình mà Chúa đã tặng ban cho tôi. Tôi cám ơn người đã cùng tôi sống quãng đời sinh viên thật ý nghĩa. Tôi thật lòng tri ân những thầy cô đã rất tận tình chia sẻ kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm hành nghề cho tôi. Tôi biết ơn những người bạn đã học cùng và giúp đỡ tôi trong suốt những tháng ngày ăn tranh thủ ngủ chập chờn ở các khoa - phòng bệnh viện…
Như lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã viết trong Tông huấn Christus Vivit số 134: “Tuổi trẻ là một ân sủng, là một gia tài” và tôi thấy mình đã đón nhận, đã sống quãng tuổi trẻ đó cách sung mãn! Có lẽ cũng vì thế mà tôi bịn rịn, quyến luyến rất nhiều với tấm áo trắng Blouse! Nhưng từ nơi phương trời xa này, không phải môi trường bệnh viện mà là Tu viện, tôi xin Chúa chúc lành và ban ơn chữa lành cho hết thảy những bệnh nhân mà tôi đã có duyên gặp và chăm sóc, cách đặc biệt cho những bệnh nhân là kitô hữu thuộc các Giáo phận trong khắp Giáo tỉnh miền Bắc.
Sau lần vấp ngã đó giống như cú ngã ngựa của thánh Phaolô, tôi nhận ra Chúa muốn dạy tôi bài học từ bỏ và phó thác! Từ bỏ để dâng hiến, từ bỏ để trở nên tự do hơn, thanh thoát hơn khi theo Người. Đặc biệt, Chúa mời gọi tôi cách gần gũi hơn qua đoạn Lời Chúa: “Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, ai yêu con trai con gái hơn Thầy thì không xứng với Thầy. Ai không vác thập giá mình mà đi theo Thầy thì không xứng với Thầy!” (Mt 10, 37-38). Nơi khác, trong một cuốn sách thiêng liêng tôi từng đọc, có câu nhắn nhủ từ Đức cố Giáo Hoàng Pi-ô XII rằng: “Sự từ bỏ sẽ giải phóng ta khỏi những gì kìm hãm ta. Là điều kiện cần thiết để được hưởng niềm vui thẳm sâu mà Thiên Chúa đã dành để cho những ai phụng sự Người ở trần gian này!”.
Nguyện xin Thánh Tử Giêsu nhân từ ban muôn phước lành trên những ai đã, đang và sẽ theo đi Người cách gần gũi hơn! Và tôi xin dâng lên Chúa trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu và trọn cả ý muốn của tôi lên Chúa, xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý của Người! Qua từng ngày sống, xin Mẹ Maria chỉ dạy tôi và hết thảy các bạn trẻ biết can đảm thưa tiếng “xin vâng” trước Thiên ý ngay khi còn ở Giáo hội lữ hành này!

 
Marie Phanxico Xavier – CĐ Sơn Tây
(Tác phẩm đã đoạt Giải Nhất thể loại Tản Mạn của cuộc thi “Viết về Ơn gọi và Truyền giáo” do BTT Hội Dòng MTG Hưng Hoá tổ chức năm 2023)
Thông tin khác:
Tên Thánh (26/12/2023)
Chúa Hài Đồng (20/12/2023)
Nấu Cơm (13/12/2023)
Uống Rượu (06/12/2023)
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log