Thứ sáu, 11/07/2025

Chủ đề tĩnh tâm tháng 7.2025: Đời sống cầu nguyện với người tu sĩ và những thách đố

Cập nhật lúc 15:52 28/06/2025


ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN VỚI NGƯỜI TU SĨ VÀ NHỮNG THÁCH ĐỐ
(Mc 14,38; Pl 4,6-7 & chương IV - Hiến Chương Dòng MTG)

WMTGHH - Đời sống thánh hiến của người tu sĩ là một đời sống được tách riêng ra để dành trọn cho Chúa, thuộc về Chúa cả hồn lẫn xác, chỉ yêu mến và phụng sự một mình Ngài qua việc cam kết tuân giữ ba lời khuyên Phúc Âm: Khiết Tịnh, Nghèo Khó và Vâng Phục. Thế nhưng không phải đơn giản cứ khấn là giữ được, bởi biết bao những thách đố bủa vây của thời đại hôm nay.  Ta cần phải sống kết hợp mật thiết với Chúa bằng đời sống cầu nguyện liên lỉ, và luôn để cho lời Chúa Giêsu vang lên nhắc chúng ta rằng: “Anh em hãy canh thức, hãy cầu nguyện kẻo sa trước cám dỗ” (Mc 4,38).
  1. Sự cần thiết của đời sống cầu nguyện
Như đã nói trên, ta thấy người tu sĩ không thể đứng vững nếu không có đời sống cầu nguyện sâu xa, liên lỉ với Thiên Chúa. Nhận rõ được tầm quan trọng của việc cầu nguyện đối với người sống đời dâng hiến, Tông huấn Đời sống Thánh Hiến số 103 ghi rõ: “Mỗi người thánh hiến phải hình thành con đường nội tâm, không tìm cách thoát ra ngoài lịch sử và cũng không thu lại chính mình. Khi chăm chú lắng nghe và tuân hành Lời Chúa được Giáo Hội bảo vệ và giải thích, người tận hiến cho thấy Đức Kitô mà họ yêu mến trên hết mọi sự và nơi mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa, điều mà lòng người mong muốn sâu xa nhất đã được đáp ứng và mong mọi cuộc hành trình tôn giáo chân thành hướng về cõi siêu việt đã tìm được đích điểm”.
Những lời dạy trên cho thấy sự cần thiết của việc cầu nguyện đối với người sống đời thánh hiến. Mỗi người phải tự hình thành cho mình một con đường nội tâm; một đời sống cầu nguyện và gặp gỡ Chúa một cách cá vị, thâm sâu. Nhờ đó ta mới có thể kín múc được nguồn trợ lực từ nơi Chúa và đặt Chúa làm trọng tâm làm khởi điểm cho đời sống của mình.
Kinh nghiệm sâu sắc về vai trò quan trọng của cầu nguyện với người sống đời tu trì của Đức giám mục G.B Bùi Tuần: “Không cầu nguyện, đời tu không có ý nghĩa và không thể đạt được mục đích của mình”. Đức cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã nói trong Đường Hy Vọng: “Cầu nguyện là nền tảng của đời sống thiêng liêng. Lúc cầu nguyện con nối liền, kết hợp với Thiên Chúa. Bóng điện sáng nhờ nối liền với máy phát điện” (ĐHV, số 120). Với cha Gioan.B Nguyễn Văn Hường: “ý nghĩa của đời tu là gì nếu không phải là để đáp lại tình yêu? Không phải là để tìm gặp Chúa? Hay nếu không phải là để hiến thân phục vụ vì danh Đức Kitô? Vì vậy, đời sống thánh hiến thực sự là thánh hiến; đời tu thực sự có ý nghĩa khi được gắn liền với đời sống cầu nguyện. Điều này cũng nói lên căn tính của đời tu. Nghĩa là đời tu được định hình nhờ vào việc cầu nguyện; đời thánh hiến được hoàn trọn và có ý nghĩa khi gắn liền với đời sống cầu nguyện (Nội san TTHV Đaminh số 16).
Một vài chia sẻ kinh nghiệm nêu trên cho thấy cầu nguyện là việc hết sức quan trọng đối những người sống đời dâng hiến. Con người chúng ta không thể sống nếu không hít thở, tâm hồn cũng sẽ héo khô nếu không cầu nguyện. Đời sống hiến thân là một đời sống tạ ơn và cầu nguyện. Bởi cầu nguyện làm nên căn tính của ta, cầu nguyện định hình đời ta.
  1. Những Thách Đố
Với xu hướng sống siêu tốc độ thế giới hôm nay, đang đẩy con người đến một lối sống vội vã, ồn nào, người người cố gắng chạy đua với thời gian, nên việc ngồi xuống tịnh tâm để nhìn lại những gì đã qua bị xem là điều vô bổ, hay việc ngồi lại để cầu nguyện, cám ơn Chúa bị xem như vô ích.  Lối sống này ít nhiều cũng tác động đến người tu sĩ, những người coi cầu nguyện là “nghề nghiệp” của đời mình.  Bởi thế, người tu sĩ cũng có nguy cơ rơi vào một trong những cám dỗ sau:
  • Việc tông đồ và kế sinh nhai của Hội dòng
Công việc tông đồ và việc làm để có kinh tế cho Hội dòng dễ là “một cám dỗ dai dẳng và ngọt ngào nhất đối với đời sống thiêng liêng của người Thánh hiến” (Lm Joshepus Quang Nguyễn, Cám Dỗ Trong Đời Tu Kỹ Thuật Số). Giữa một cuộc sống phóng túng và tha hóa của thời đại này, ta dường như để cho dòng đời cuốn trôi, biến ta trở nên những cỗ máy của công việc dù rất chính đáng, việc của Chúa. Người tu sĩ cần ý thức và nhớ lời nhắn nhủ của ĐHY Thuận:  tu là “chọn Chúa chứ không phải việc của Chúa”.
Có thể có người trong chúng ta đã chọn sai, nên đã lâm vào cuộc khủng hoảng ơn gọi, mất đi căn tính của đời tu, nhất là khi thi hành sứ mạng tông đồ. Không thiếu nhưng người vì quá ham thành công nên đã bỏ bê cầu nguyện, làm việc quá sức, dẫn đến thờ ơ, mệt mỏi khi tham dự thánh lễ, giờ kinh, cũng chẳng mấy tha thiết với việc suy niệm Lời Chúa, hồi tâm, lần chuỗi, đọc sách thiêng liêng, hay lãnh nhận các Bí tích… Lời khuyên nhủ của thánh Augustinô thật ý nghĩa: “Chúng ta hãy luôn khao khát cuộc sống hạnh phúc đến từ Thiên Chúa là Chúa, và chúng ta hãy cầu nguyện luôn. Vì thế, khi dứt bỏ các mối bận tâm và công việc khác có thể làm cho chính lòng khao khát ra nguội lạnh, chúng ta chú tâm đến việc cầu nguyện vào những giờ ấn định. Những lời cầu nguyện nhắc nhở chúng ta mục đích mình khao khát hướng tới, kẻo lòng khao khát bắt đầu ra nguội lạnh, sẽ nguội lạnh hẳn và tắt lịm đi”.
  • Mạng xã hội - thế giới ảo
Đây là một thách đố, một vấn nạn đối với người tu sĩ hôm nay, thách đố này đưa đến những cám dỗ thật tinh vi, khiến ta khó mà thoát khỏi. Nếu không thức tỉnh, chúng sẽ đẩy ta vào lối sống hưởng thụ, sống ảo và ích kỷ. Tự tìm thoả mãn mình với những gì chúng mang đến, không còn khao khát, không còn niềm vui khi gặp gỡ Chúa và gặp gỡ anh chị em mình; dẫn đến một căn bệnh “nguội lạnh thiêng liêng” (thánh Gioan Thánh Giá), hay suy nhược đời sống thiêng liêng. Ta có thể bỏ nhiều giờ trên máy vi tính, hay trên chiếc điện thoại, với thế giới ảo, nhưng lại dành quá ít thời gian cho cầu nguyện. Ta sẵn sàng dành cả giờ để bày tỏ tâm tư tình cảm cho những người trên thế giới ảo, trong khi đó Chúa và chị em sống kề bên lại không dám thổ lộ, hay thân thưa. Và cứ thế ta lặng lẽ đi vào vòng xoáy của hưởng thụ, những thú vui, thoả mãn những đam mê, những ước muốn xấu, cứ thế phiêu du trên thế giới ảo mà không chịu rời khỏi để đến với Chúa, với tha nhân. Và dần dần ta đánh mất chính mình, biến mình thành một người xa lạ với thực tại, “đánh mất đi tình yêu thuở ban đầu” (Kh 2, 4); thậm chí mất luôn cả ơn gọi cao quý mà Chúa đã tin trao cho chúng ta.  
Lạy Chúa, đời sống thánh hiến của chúng con thật đẹp, thật cao quý, dù chúng con là những con người hèn mọn, nhưng lại được “chính Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương” (Cl 3:12). Chúa muốn chọn gọi chúng con để sống với Chúa, sống cho Chúa, nhất là với Linh đạo Mến Thánh Giá, chúng con đã nguyện chọn Đức Kitô chịu Đóng Đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí chúng con. Nhưng trước bao cám dỗ, bao thách đố của thời đại này, nhiều khi chúng con không giữ trọn được lời thề ước. Vì thế, chúng con cần phải bám thật chặt lấy Chúa qua đời sống cầu nguyện, và phải luôn nhớ coi đó như “hơi thở của linh hồn” mình. Xin Chúa giúp chúng con, nhắc nhớ chúng con, đánh thức chúng con, để chúng con luôn nhớ tầm quan trọng của việc kết nối với Chúa, như Thomas Fuller đã nhắn nhủ rằng: “Cầu nguyện là chìa khoá ban ngày và là ổ khoá cho màn đêm”. Và nhất khi chúng con đứng trước những cám dỗ, loay hoay tìm phương cách, thì xin cho chúng con nhớ lời Chúa căn dặn: “Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi” (Mc 9,14-29).

 
Ban Huấn Luyện
Thông tin khác:
Sứ vụ Tác viên Tin Mừng tại Giáo họ Làng Tống, Gx Phình Hồ
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log