
Bài đọc 1: Cv 5,27b-32.40b-41
Về những sự kiện đó, chúng tôi xin làm chứng, cùng với Thánh Thần.
Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.
27b Bấy giờ, vị thượng tế hỏi các Tông Đồ rằng: 28 “Chúng tôi đã nghiêm cấm các ông không được giảng dạy về danh ấy nữa, thế mà các ông đã làm cho Giê-ru-sa-lem ngập đầy giáo lý của các ông, lại còn muốn cho máu người ấy đổ trên đầu chúng tôi !” 29 Bấy giờ ông Phê-rô và các Tông Đồ khác đáp lại rằng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm. 30 Đức Giê-su đã bị các ông treo lên cây gỗ mà giết đi ; nhưng Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã làm cho Người trỗi dậy, 31 và Thiên Chúa đã ra tay uy quyền nâng Người lên, đặt làm thủ lãnh và Đấng Cứu Độ, hầu đem lại cho Ít-ra-en ơn sám hối và ơn tha tội. 32 Về những sự kiện đó, chúng tôi xin làm chứng, cùng với Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho những ai vâng lời Người.”
40b Bấy giờ, họ cho gọi các Tông Đồ lại và cấm các ông không được nói đến danh Đức Giê-su, rồi thả các ông ra. 41 Các Tông Đồ ra khỏi Thượng Hội Đồng, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giê-su.
Bài đọc 2: Kh 5,11-14
Con Chiên đã bị giết nay xứng đáng lãnh nhận phú quý và uy quyền.
Bài trích sách Khải huyền của thánh Gio-an tông đồ.
11 Tôi là Gio-an, tôi thấy, và tôi nghe tiếng muôn vàn thiên thần ở chung quanh ngai, các Con Vật và các Kỳ Mục. Số các thiên thần có tới ức ức triệu triệu. 12 Các vị lớn tiếng hô:
“Con Chiên đã bị giết nay xứng đáng lãnh nhận
phú quý và uy quyền, khôn ngoan cùng sức mạnh,
danh dự với vinh quang, và muôn lời cung chúc.”
13 Tôi lại nghe mọi loài thụ tạo trên trời, dưới đất, trong lòng đất, ngoài biển khơi và vạn vật ở các nơi đó, tất cả đều tung hô:
“Xin kính dâng Đấng ngự trên ngai và Con Chiên
lời chúc tụng cùng danh dự, vinh quang và quyền năng
đến muôn thuở muôn đời !”
14 Bốn Con Vật thưa: “A-men.” Và các Kỳ Mục phủ phục xuống thờ lạy.
Tin Mừng: Ga 21,1-19
Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho môn đệ ; rồi cá, Người cũng làm như vậy.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
1 Khi ấy, Đức Giê-su lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Người tỏ mình ra như thế này. 2 Ông Si-môn Phê-rô, ông Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, ông Na-tha-na-en người Ca-na miền Ga-li-lê, các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. 3 Ông Si-môn Phê-rô nói với các ông: “Tôi đi đánh cá đây.” Các ông đáp: “Chúng tôi cùng đi với anh.” Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.
4 Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su. 5 Người nói với các ông: “Này các chú, không có gì ăn ư ?” Các ông trả lời: “Thưa không.” 6 Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. 7 Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô: “Chúa đó !” Vừa nghe nói “Chúa đó !”, ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. 8 Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước.
9 Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. 10 Đức Giê-su bảo các ông: “Đem ít cá mới bắt được tới đây !” 11 Ông Si-môn Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách. 12 Đức Giê-su nói: “Anh em đến mà ăn !” Không ai trong các môn đệ dám hỏi “Ông là ai ?”, vì các ông biết rằng đó là Chúa. 13 Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông ; rồi cá, Người cũng làm như vậy. 14 Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết.
15 Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giê-su hỏi ông Si-môn Phê-rô: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy hơn các anh em này không ?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con thương mến Thầy.” Đức Giê-su nói với ông: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy.” 16 Người lại hỏi: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không ?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con thương mến Thầy.” Người nói: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy.” 17 Người hỏi lần thứ ba: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có thương mến Thầy không ?” Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần: “Anh có thương mến Thầy không ?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự ; Thầy biết con thương mến Thầy.” Đức Giê-su bảo: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy. 18 Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.” 19 Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: “Hãy theo Thầy.”
===========================
NHẬN RA CHÚA TRONG CUỘC SỐNG
WMTGHH - Sau khi phục sinh, Chúa Giêsu đã nhiều lần hiện ra với các môn đệ. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, các môn đệ ra khơi đánh cá, nhưng suốt đêm lao nhọc mà không bắt được gì cả. Khi trời vừa sáng, Chúa Giêsu đứng trên bờ, chỉ cho các ông thả lưới bên phải thuyền. lập tức họ bắt được một mẻ cá đầy. chính lúc đó, Gioan thốt lên: “ Chúa đó”.
- Chúa vẫn hiện diện nhưng chúng ta không nhận ra Ngài
Các môn đệ được ở và được Chúa luôn đồng hành, được nghe lời giảng dạy và được chứng kiến biết bao phép lạ, nhưng khi Chúa hiện ra đứng bên bờ hồ, họ lại không nhận ra Chúa ngay lập tức. Điều này phản ảnh chính mỗi kinh nghiệm của chúng ta: có những lúc Chúa đang ở rất gần, nhưng chúng ta vẫn thờ ơ và mải mê với những lo toan của cuộc sống trần thế mà không nhận ra Chúa.
Cuộc sống hôm nay với những bộn bề của công việc, áp lực với cơm áo gạo tiền có thể khiến chúng ta chỉ tập trung vào nỗ lực cá nhân, vào những điều hữu hình mà quên mất sự hiện diện của Chúa. Chúng ta chỉ nhận ra Chúa khi tâm hồn của chúng ta đủ lặng và đủ lắng, khi chúng ta biết dừng lại để chiêm ngắm và lắng nghe.
- Nhận ra Chúa qua những dấu chỉ của đời thường
Gioan đã nhận ra Chúa khi thấy dấu lạ là mẻ cá đầy. Đó là một lời mời gọi cho mỗi chúng ta tìm kiếm dấu chỉ của Chúa trong đời sống thường ngày. Chúa không chỉ hiện diện trong những điều kỳ diệu, nhưng còn ở ngay trong những điều bình dị nhất:
- Chúa hiện diện trong ánh bình minh mỗi sáng, trong cơn gió mát lạnh, trong nụ cười và sự quan tâm của người thân của bạn bè.
- Chúa ở trong những biến cố vui buồn, trong những cuộc gặp gỡ thường ngày.
- Chúa đến với chúng ta qua một lời động viên, một sự khích lệ, qua những người âm thầm giúp đỡ chúng ta khi gặp khó khăn.
Chỉ cần chúng ta mở lòng và nhạy bén như Gioan, chúng ta sẽ thấy Chúa không xa vời, nhưng đang hiện diện trong từng khoảnh khắc của cuộc sống.
- Chúa dưỡng nuôi và đồng hành với chúng ta
Chúa Giêsu không chỉ giúp các môn đệ đánh cá thành công mà còn dọn sẵn bữa sáng cho họ. Ngài chăm sóc các ông cách ân cần và rất chu đáo. Hình ảnh này nhắc nhớ chúng ta rằng Chúa luôn luôn lo lắng cho chúng ta cả về tinh thần lẫn vật chất. Ngài không bao giờ để chúng ta cô đơn trong hành trình cuộc đời.
Nhận ra Chúa không chỉ là một cảm nghiệm cá nhân, nhưng còn là một lời mời gọi: bước ra khỏi vùng an toàn, tin tưởng vào Chúa và chia sẻ tình yêu thương của Ngài cho tha nhân.
- Lời mời gọi - hãy mở mắt đức tin
Cuộc sống hôm nay có thể khiến chúng ta bận rộn đến mức quên mất sự hiện diện của Chúa. Nhưng Ngài vẫn luôn đứng đó, chờ đợi chúng ta nhận ra Ngài.
. Khi đối diện với thử thách hãy nhớ rằng Chúa vẫn luôn đồng hành cùng chúng ta.
. Khi thất bại, hãy tin rằng Chúa đang dẫn chúng ta đến một điều tốt đẹp hơn.
. Khi thành công, hãy nhớ rằng chính Chúa đã ban cho chúng ta sức mạnh và cơ hội.
Lạy Chúa! xin cho chúng con biết dừng lại để nhận ra Chúa trong cuộc sống. Xin mở con mắt đức tin của chúng con để chúng con thấy Chúa trong những điều bình dị mỗi ngày, để chúng con luôn bước đi trong ánh sáng và tình yêu của Chúa. Amen.
Maria Đặng Quý
Cộng đoàn Mến Thánh Giá Hà Thạch
================
TÌNH YÊU TRONG TRÁCH NHIỆM
(Ga 21, 1-19)
“Này anh Simon, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không?....hãy chăm sóc chiên của Thầy” (Ga 21,17).
Trong cuộc sống ai cũng mang trong mình một tình yêu, song song với tình yêu là trách nhiệm về một lãnh vực, một chọn lựa nào đó. Một đứa trẻ khi còn nhỏ đã được cha mẹ tập cho cách đọc tình yêu mà cha mẹ dành cho chúng, nhưng liền sau đó là một lời nhắn nhủ “ngoan nhé”, và chính trong sự “ngoan” là sứ mạng một em bé cần chu toàn trong trách nhiệm của người con, người nhận lãnh. Nếu em bé cảm nhận được tình yêu thực sự từ cha mẹ, việc sống “ngoan” và vâng lời bố mẹ sẽ như việc chu toàn phận làm con, như món quà đáp lại sự yêu thương mà em đã nhận được. Ngược lại nếu em không đọc ra được tình yêu bố mẹ dành cho em thì việc sống “ngoan” như bố mẹ muốn sẽ là một sự gò bó, một lối sống mất tự do. Tương tự, dầu sống bậc sống gia đình hay tu trì, điều kiện đầu tiên như một sự bảo chứng cho tương lai của mỗi người chính là “tình yêu”. Khi chúng ta yêu mến chọn lựa của chính mình, chúng ta sẽ thấy trong một chuỗi bổn phận phải đảm nhận theo lối sống đó với một trách nhiệm để quan tâm, chăm sóc chính tình yêu của bản thân và những người xung quanh. Quả thế, tình yêu mà thiếu đi trách nhiệm thì đó là một tình yêu ích kỷ, thiếu sự trưởng thành; trách nhiệm mà thiếu đi tình yêu thì là một “án phạt” buộc phải thi hành cho xong, thậm chí trong một chuỗi bổn phận chúng ta cũng chu toàn với cả trách nhiệm, nhưng nếu thiếu đi tình yêu chúng ta sẽ đánh mất niềm vui và không thể cảm thấy hạnh phúc đời mình.
Bài Tin Mừng hôm nay mở ra cho chúng ta với khung cảnh hết sức thường nhật của các môn đệ trước khi đi theo làm môn đệ của Chúa Giêsu. Trong khung cảnh đó, Chúa Giêsu vẫn luôn trung thành để yêu thương, phục vụ và tin tưởng các môn đệ, đặc biệt là ông Simon Phêrô, chính nơi đây sau khi Chúa gợi nhớ cho các môn đệ kinh nghiệm xưa của Thầy trò, nào thì mẻ cá lạ, nào thì chuẩn bị đồ ăn rồi phuc vụ các môn đệ, trao cá và bánh cho từng ông ăn... Rồi Chúa đã trao sứ mạng chăm sóc đoàn chiên cho Phêrô. Quả thế Chúa đã hỏi Phêrô tới ba lần chỉ với một câu mang nội dung giống nhau, lần một Chúa muốn ông xác định tình yêu ông dành cho Chúa ở mức độ nào: “Này ông Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không ?” (Ga 21,15), ông đã đáp lại có vẻ nhẹ dạ và ông nại vào việc Chúa cũng biết về tình yêu của ông, ông thưa: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy”, rồi lần hai, lần ba. Ông đã buồn vì có vẻ như Chúa không tin vào sự chân thành của ông, vì thế, lần này ông đã buông hoàn toàn trong Chúa về tình yêu của mình với Thầy: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Chúa bảo ông: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy”. Ba câu Chúa hỏi Phêrô này, các nhà chú giải Kinh Thánh cho biết: có thể việc lặp lại ba lần là một hình thức cam kết pháp lý theo một khoản luật được áp dụng trong thế giới sê-mít (x. St 23, 3-18..). Bên cạnh đó, đây cũng là ba lần ông Phêrô công khai diễn tả lòng gắn bó với Thầy, để có thể nhận lãnh sứ mạng mục tử Chúa trao phó. Chúa muốn nghe chính ông xác nhận tình yêu của ông dành cho Chúa là bao nhiêu, trước khi Chúa trao đoàn chiên cho ông chăm sóc.
Chúa không đòi hỏi một vị lãnh đạo phải có đủ mọi bằng cấp, có uy quyền, giàu sang và hoàn hảo, điều Người cần nơi vị lãnh đạo, vị mục tử đại diện cho Người chính là tình yêu, lòng bao dung và biết thương cảm trước mọi cảnh đời. Nhưng làm sao có thể biết yêu, biết cảm thông và tha thứ nếu chúng ta chưa cảm nhận, chưa từng kinh nghiệm qua việc đã được nhận lãnh những ơn đó? Phải chăng đây chính là lý do Chúa không chọn người môn đệ Chúa yêu, nhưng là Phêrô, người mà yêu Thầy với một tình yêu như chẳng có gì là trọn vẹn, một môn đệ biết chính mình và đã từng xin Chúa “hãy tránh xa con, vì con là kẻ có tội” (Lc 5,8b). Tương tự, suốt cả hành trình theo Thầy cũng mấy khi đoán được ý của Thầy? Hơn nữa, lời thề trung thành với Thầy tưởng chừng như sắt đá, nhưng chưa qua ngày đã chối bỏ Thầy đến ba lần... Vậy tại sao Chúa vẫn muốn ông “chăm sóc” đàn chiên của Chúa, lỡ đâu ông dẫn đàn chiên của Chúa theo vết xe từng đổ trong quá khứ của ông thì sao? Quả thế, Chúa trao sứ mạng tới ba lần, nhưng chỉ có lần thứ hai Chúa trăn trối: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy” (Ga, 21,16b), còn hai lần kia Chúa nhắn “hãy chăm sóc chiên của Thầy”. Câu hỏi đặt ra tại sao lại cần chăm sóc? Bởi lẽ trong đoàn chiên của Chúa phần lớn là những con chiên tổn thương mới được Chúa tìm về, và chúng cần được “chăm sóc”. Thế nhưng để có thể chăm sóc được các thành phần đó, ít nhất người chăm sóc phải có kiến thức về cách thức chăm sóc, nhưng nếu chỉ có kiến thức không thì chưa đủ, để chăm sóc tận tâm đòi hỏi sự thấu hiểu và có khả năng đồng cảm với những người được chúng ta đến phục vụ. Nhưng làm sao để hiểu về nỗi đau trong tâm hồn? Làm sao có thể cảm thông và kiên nhẫn với họ nếu chính bản thân chúng ta chưa từng kinh qua thế nào là đau khổ; thế nào là yếu đuối, là vấp ngã? Thế nào là cần đến một lời an ủi, một ánh mắt xót thương, một tia hy vọng được tha thứ, được làm hòa? Những điều đó thánh Phêrô đã kinh nghiệm qua nhưng ông vẫn luôn nhận được sự yêu thương tha thứ của Chúa Giêsu không thay đổi. Vì thế, khi Chúa giao phó việc “chăm sóc” chiên của Chúa, Chúa đã tín nhiệm nơi ông về khả năng từ chăm sóc, và chính ông sẽ chia sẻ lại kinh nghiệm về tình yêu vô trung tín và không thay đổi của Chúa cho từng con chiên, rồi từ đó ông sẽ dẫn dắt đoàn chiên của Chúa. Bởi lẽ, sau tất cả ông đã bày tỏ tình yêu thương qua câu trả lời cuối cùng: “Thưa thầy, Thầy biết rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Tình yêu ấy được minh chứng bằng cả quãng đời còn lại của thánh Phêrô, thánh nhân đã trung thành bước theo Thầy đến cùng, yêu thương và chăm sóc đàn chiên của Chúa cho đến chết.
Dẫu là kitô hữu hay người sống đời thánh hiến, chúng ta được Chúa mời gọi sẻ chia sứ vụ và trách nhiệm trong việc chăm sóc và tìm chiên lạc về với Giáo Hội. Bởi đó, Chúa cũng thẩm vấn tâm hồn mỗi người như với thánh Phêrô: con có yêu mến Ta hơn những người thân, những dự định riêng, những vinh hoa trần thế không? Và Chúa chờ đợi lắng nghe câu trả lời từ mỗi tâm hồn. Chúa muốn chúng ta cùng Chúa chăm sóc từng con chiên của Chúa bằng tình yêu và sự cảm thông với những yếu đuối của tha nhân chung quanh chúng ta. Quả thế, cuộc sống được tạo nên những giá trị đáng trân quý nhờ việc mỗi người tự ý thức trách nhiệm trong bổn phận và vị trí của mình. Đời tu sẽ mãi nở hoa khi chúng ta biết luôn nhắc nhớ về tình yêu ban đầu mà chúng ta cam kết với Chúa, bởi khi tình yêu được hình thành thì trách nhiệm “yêu lấy” cũng xuất hiện, một trách nhiệm mà chính Chúa Giêsu đã nêu gương trước, đó là phục vụ tha nhân, đáp ứng nhu cầu cần thiết của những con chiên yếu đuối. Vì thế người tu sĩ được mời gọi yêu như Chúa yêu, yêu để cho đi và quên mình phục vụ vì người khác. Chính tình yêu thúc đẩy chúng ta sống và lãnh nhận mọi sứ mạng chuyên biệt trong đời tu một cách thanh thản, một cách say sưa và mau mắn, bền bỉ đến cùng. Điều này không chỉ cho chúng ta niềm vui đời tu, nhưng còn đem lại ích lợi lớn lao cho các linh hồn, và khắc họa nên một khuôn mặt Đức Giêsu hiện hữu, sống động nơi thế gian này. Vì như thánh Phaolô từng nhắc nhở giáo đoàn Cô-lô-xê: “Bất cứ làm việc gì, anh em hãy làm tận tâm như thể làm cho Chúa, chứ không phải cho người đời” (Cl 3,23). Khi chúng ta mặc được tâm tư đó, chúng ta sẽ sống một cuộc sống hữu ích có giá trị, đồng thời chính chúng ta cũng chu toàn bổn phận và trách nhiệm với cộng đoàn của Chúa mà chúng ta đang được sống cùng, sống trong và sống với.
Lạy Chúa Giêsu Phục sinh, Chúa muốn mỗi chúng con biết sống tình yêu trong mỗi trách nhiệm chúng con được đảm lấy, có thể đó là những trách nhiệm nhẹ nhàng, nhưng cũng có lúc đó là một trọng trách lớn lao. Trong khi đầy rẫy những tác nhân thử thách ngoại cũng như nội tại đang chờ chực, đang vây bủa khiến chúng con cảm thấy nỗi sợ lấn át đi tình yêu nhỏ bé của chúng con. Dẫu rằng, trước mỗi lần Chúa trao sứ mạng mới cho mỗi chúng con, Chúa đều cho chúng con cơ hội để xác định và đáp lại bằng cam kết tình yêu với Chúa, tuy nhiên khi vào thực tế, chúng con cảm thấy tình yêu của mỗi chúng con còn quá nhỏ bé để có thể chu toàn cho đến cùng. Nguyện xin Chúa ban thêm tình yêu cho mỗi chúng con, để trong bổn phận và trách nhiệm mỗi ngày, chúng con biết dùng tình yêu mà thi hành, hầu biết sống chung, biết quan tâm và săn sóc lẫn nhau trong sự bao dung và tha thứ như Chúa đã yêu chúng con. Hầu qua đó, mỗi ngày chúng con biết đem tình yêu và thi hành sứ mạng được Chúa trao phó nơi mỗi người một cách đến cùng với niềm hăng say và vui mừng như thánh Phêrô xưa. Amen.
Lớp Thần Học K6
Học Viện MTGHH