Thứ tư, 30/04/2025

Suy niệm Thứ 6 Tuần Thánh (Is 52,13 – 53,12; Hr 4,14-16; 5,7-9; Ga 18,1 - 19,42)

Cập nhật lúc 14:36 17/04/2025


Bài đọc 1: Is 52,13 – 53,12

Người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội.

Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.

52 13 Có lời Đức Chúa phán:
Này đây, người tôi trung của Ta sẽ thành đạt,
sẽ vươn cao, nổi bật, và được suy tôn đến tột cùng.
14Cũng như bao kẻ đã sửng sốt khi thấy tôi trung của Ta
mặt mày tan nát chẳng ra người,
không còn dáng vẻ người ta nữa,
15cũng vậy, người sẽ làm cho muôn dân phải sững sờ,
vua chúa phải câm miệng, vì được thấy điều chưa ai kể lại,
được hiểu điều chưa nghe nói bao giờ.
531Điều chúng ta đã nghe, ai mà tin được ?
Cánh tay uy quyền của Đức Chúa đã được tỏ cho ai ?
2Người tôi trung đã lớn lên tựa chồi cây trước Nhan Thánh,
như khúc rễ trên đất khô cằn.
Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong
đáng chúng ta ngắm nhìn,
dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích.
3Người bị đời khinh khi ruồng rẫy,
phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật.
Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn,
bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới.
4Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta,
đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta,
còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt,
bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề.
5Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội,
bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm ;
người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an,
đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành.
6Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu,
lang thang mỗi người một ngả.
Nhưng Đức Chúa đã đổ trên đầu người
tội lỗi của tất cả chúng ta.
7Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca ;
như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông,
người chẳng hề mở miệng.
8Người đã bị ức hiếp, buộc tội, rồi bị thủ tiêu.
Dòng dõi của người, ai nào nghĩ tới ?
Người đã bị khai trừ khỏi cõi nhân sinh,
vì tội lỗi của dân, người bị đánh phạt.
9Người đã bị chôn cất giữa bọn ác ôn,
bị mai táng với người giàu có, dù đã chẳng làm chi tàn bạo
và miệng không hề nói chuyện điêu ngoa.
10Đức Chúa đã muốn người phải bị nghiền nát vì đau khổ.
Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội,
người sẽ được thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn,
và nhờ người, ý muốn của Đức Chúa sẽ thành tựu.
11Nhờ nỗi thống khổ của mình,
người sẽ nhìn thấy ánh sáng và được mãn nguyện.
Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta,
sẽ làm cho muôn người nên công chính
và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ.
12Vì thế, Ta sẽ ban cho người
muôn người làm gia sản,
và cùng với những bậc anh hùng hào kiệt,
người sẽ được chia chiến lợi phẩm,
bởi vì người đã hiến thân chịu chết,
đã bị liệt vào hàng tội nhân ;
nhưng thực ra, người đã mang lấy tội muôn người
và can thiệp cho những kẻ tội lỗi.

 
Bài đọc 2: Hr 4,14-16; 5,7-9

Người đã học được thế nào là vâng phục, và trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho những ai tùng phục Người.

Bài trích thư gửi tín hữu Híp-ri.

14 Chúng ta có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giê-su, Con Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy giữ vững lời tuyên xưng đức tin. 15 Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội. 16 Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần.
7 Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính. 8 Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục ; 9 và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người.

Tin Mừng: Ga 18,1 - 19,42
Cuộc Thương Khó của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.

Xem File PDF tại đây

 

 
===========================

THẬP GIÁ TÌNH YÊU

WMTGHH - Trong tập sách: “Thập Giá Đức Kitô” của Nữ tu Anna Trần Thị Nguyệt có một đoạn viết:“Thập giá là nguồn suy diễn bất tận vì tự thân là một biểu tượng đẹp. Từ khi gắn liền với sự kiện Giêsu. Thập giá trở thành biểu tượng của đau khổ, tình yêu hay cả cùng lúc: đau khổ vì tình yêu, v.v. Đó là những đề tài rất dễ thi vị hóa. Bất công và bạo lực mà thập giá làm cho liên tưởng cũng là vấn đề muôn thuở, làm hao tốn vô vàn bút mực. Trong niềm tin Kitô, thập giá là mầu nhiệm không bao giờ làm cho tâm tư con người được yên nghỉ vì chứa đựng câu trả lời cuối cùng của Thiên Chúa cho mọi câu hỏi con người có thể đặt ra liên quan đến cứu cánh đời mình.” Thật vậy, để cảm nghiệm được tình yêu sâu thẳm mà Thiên Chúa dành cho nhân loại, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm cái chết của Chúa Giêsu trên Thập giá – cái chết đã làm thay đổi cả lịch sử nhân loại.
Vào Thứ Sáu Tuần Thánh, Giáo hội long trọng cử hành nghi thức suy tôn và thờ lạy Thánh Giá – bởi Thập giá là trung tâm điểm của ngày này. Đó không chỉ là một nghi lễ, mà còn là lời mời gọi mỗi người Kitô hữu hãy đi sâu vào mầu nhiệm cứu độ – nơi tình yêu được thể hiện trọn vẹn nhất qua cái chết của Con Thiên Chúa. Quả thật, Thập giá là một hình phạt khủng khiếp, một dụng cụ giết người hết sức dã man được đế quốc Rôma sử dụng như một hình phạt dành cho người dân thuộc địa với tội danh chính trị hay trộm cướp. Biết bao người đã bị đóng đinh, biết bao cây thập giá đã dựng lên. Nhưng chỉ có một cây gỗ đã trở thành Thánh Giá, bởi nơi đó thân xác Con Một Thiên Chúa bị treo lên vì phần rỗi của nhân loại.
Cùng chịu đóng đinh với Chúa Giêsu là hai tên trộm - được hiểu như những kẻ phạm pháp chính trị chống lại Rôma. Chúa Giêsu - Đấng vô tội - cũng bị đồng hóa như họ. Bản án Ngài mang là “Giêsu - Vua dân Do Thái”. Họ kết triều thiên bằng gai, mặc áo choàng đỏ, đưa giấm chua và nhạo báng: “Tâu Vua dân Do Thái!” Trước khi bị đóng đinh, người ta đánh đòn cùng bắt Chúa vác thập giá lên đồi Gongotha, lột áo Chúa. Khi ta chiêm ngắm Chúa Giêsu chịu đóng đinh, chúng ta thực sự cảm thương nỗi đau của Chúa, Người không chỉ đau đớn về mặt thể lý, nhưng còn đau đớn về mặt tâm lý “dân chúng đứng nhìn, nhạo cười”. Họ đưa cho Người cây sậy rồi bắt uống giấm chua, kết một triều thiên bằng gai nhọn đội lên đầu Người rồi nhạo báng: “Tâu Vua dân Do Thái và vả mặt Người”. Khi chiêm ngắm cái chết của Chúa, nếu ta chỉ dừng lại ở sự ‘thương cảm’ thôi thì chưa đủ, ta phải đi sâu hơn nữa vào mầu nhiệm cứu độ. Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên Thập giá giúp chúng ta khám phá ra hai bài học về sự Tự Hủy và Tình Yêu. Trước hết, bài học về sự tự hủy bởi chính Ngài đã “hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2,7).  Do đó, “Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta,...” (Dt 4,15). Tiếp đến, Chúa Giêsu trên thập giá bày tỏ cho ta thấy tình yêu thương của Chúa Cha dành cho nhân loại. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban con một” (Ga 3,16) và chấp nhận để cho thế gian đóng đinh Con Một yêu dấu của mình. Qua đó, ta thấy tình yêu của Chúa Cha cùng với tình yêu của Chúa Con đã nói lên rằng:“Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).
Đó là tình yêu cao cả nhất mà Thiên Chúa dành cho nhân loại. Trong nghi thức rửa chân chiều thứ năm Tuần Thánh đã nhắc ta nhớ lại lời Thánh Gioan nói về Chúa Giêsu “Người yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1). Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thập giá biểu lộ tình yêu đến tột cùng, Người đã “vét rỗng” chính mình để cứu độ nhân loại. Khi chiêm ngắm Thánh giá ta hiểu được tấm lòng yêu thương Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta như thế nào và đồng thời giúp ta hiểu được tội lỗi của mình nó dẫn đến hậu quả ra sao? Ta hãy thử hỏi xem điều gì đã dẫn đến cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu, khi đó ta sẽ khám phá ra nguyên nhân dẫn đến cuộc khổ nạn và cái chết của của Chúa Giêsu chính là do tội lỗi của con người. Khi chiêm ngắm Thánh Giá, chúng ta không thể không tự hỏi: điều gì đã dẫn đến cái chết của Chúa Giêsu? Chúng ta sẽ thấy bóng dáng tội lỗi của con người: Tội của các nhà lãnh đạo tôn giáo ghen tương và vu khống, sự đồng lõa và thờ ơ của Philatô, nỗi hèn nhát của Phêrô, và sự dửng dưng của đám đông.Vì thế, ngày nay cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu vẫn còn tiếp tục trong Hội Thánh và toàn thế giới. Vì Hội Thánh là thân thể Chúa Kitô, nên bao lâu Hội Thánh còn đau khổ thì Chúa Kitô còn chịu khổ nạn. Chúa Kitô đã tự đồng hóa mình với người nghèo khổ, vì thế bao lâu thế giới này còn những người đau khổ, bị loại trừ, bị coi thường, bấy lâu Chúa Giêsu còn chịu khổ nạn, và trong những cuộc khổ nạn của ngày hôm nay, có những bóng dáng tội lỗi của chúng ta. Vì có lần chúng ta vu khống như hàng lãnh đạo tôn giáo Do Thái xưa kia, có lúc chúng ta đồng lõa như Philatô, có lần chúng ta hèn nhát như Phêrô, có lúc chúng ta dửng dưng trước nỗi khổ đau của đồng loại. Khi chiêm ngắm Thập giá Chúa chúng ta khám phá ra được tình yêu của Thiên Chúa và nhận ra tội lỗi của mình, thì chính lúc ấy chúng ta bắt đầu bước đi trên con đường cứu độ. Nếu nhận ra tội lỗi của mình mà không nhận ra tình yêu của Chúa thì cũng chỉ sống trong một thứ mặc cảm, tự ti, dằn vặt về tội lỗi không được giải thoát. Còn chính lúc ta nhận ra tội của mình và tình yêu Chúa, lúc ấy ta bước vào quỹ đạo của ơn cứu độ, sống tâm tình con thảo với Chúa Cha và sống tình yêu thương với anh chị em đồng loại, không gây đau khổ cho người khác cách này hay cách khác, nhưng chấp nhận hy sinh để đem niềm vui, hạnh phúc đến cho mọi người xung quanh.
Một lần nữa, thứ sáu Tuần Thánh mời gọi chúng ta ngắm nhìn Thập giá Đức Kitô – Thập giá tình yêu đã trở nên Thánh Giá đem ơn Cứu Độ cho nhân loại. Và nơi ấy, Thánh Giá Chúa Kitô cho chúng ta một niềm cậy trông, một niềm hy vọng và một bài học lớn lao về tình yêu. Xin Chúa giúp mỗi người chúng con khi cử hành nghi thức Suy Tôn và Thờ Lạy Thánh Giá, chúng con có thể “thẩm thấu” được phần nào tình yêu của Chúa dành cho chúng con và cũng nhận thấy được thân phận tội lỗi, yếu đuối của chúng con. Nhờ đó, qua Thập giá Đức Kitô, chúng con biết tin tưởng, phó thác, hy vọng và sống tình yêu Thập giá mỗi giây phút trong cuộc đời của chúng con để Cây Thập Giá trở thành Cây Thánh Giá đem ơn cứu độ cho nhân loại.

Gợi ý suy niệm:
- Tôi đã bao giờ thực sự chiêm ngắm Thập giá như dấu chỉ tình yêu hay chỉ dừng lại ở cảm xúc thương hại?
- Tôi có nhận ra bóng dáng của chính mình trong cuộc khổ nạn của Đức Kitô không?
- Làm thế nào để tôi sống tình yêu Thập giá trong đời thường: trong gia đình, nơi cộng đoàn, giữa những người nghèo khổ?

 
 
Cộng đoàn Điện Biên
Thông tin khác:
Bộ Mẫu Dâng Hoa Kính Đức Mẹ Tháng 5/2025
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log