Thứ ba, 14/01/2025

Suy Niệm  Tin Mừng Lễ Thánh Gia Thất (Lc 2, 41-52)

Cập nhật lúc 08:47 27/12/2024
 
GIA ĐÌNH- ĐƯỜNG NÊN THÁNH
 
Có rất nhiều người đã từng nghĩ, con đường nên thánh là dành cho những người  sống đời độc thân dâng mình cho Chúa, và đời sống gia đình là thấp kém và đầy tội lỗi. Nhưng: “Tất cả chúng ta đều được mời gọi nên thánh bằng cách sống cuộc đời với tình yêu và bằng cách làm chứng trong mọi công việc mình làm, ở bất cứ nơi nào mình sống..." (Vat II). Như thế, nơi đời sống gia đình chính là con đường đầu tiên để mỗi người nên thánh, bằng chính đời sống cầu nguyện và sự thông hiệp trong tình yêu.
  1. Một gia đình cầu nguyện
ĐGH Gioan Phaolo II đã nói: “Một gia đình cầu nguyện là một gia đình tồn tại. Một gia đình không bỏ cầu nguyện là một gia đình luôn luôn hạnh phúc“. Thật vậy, một gia đình cầu nguyện là một gia đình luôn có Chúa. Chính Chúa là mối dây liên kết mọi người nên một. Như xưa chính Chúa Giêsu là mối dây liên kết thánh Giuse và Đức Maria thành một gia đình hiệp nhất yêu thương. Mỗi gia đình cần có Chúa là mối dây liên kết để mọi người trong gia đình được nên một trong sự hiệp nhất. Khởi đi từ chính những giờ kinh sớm tối nơi gia đình, mỗi thành viên được nuôi dưỡng không chỉ về sự lớn lên bên ngoài nhưng cả về đời sống đức tin. Để từ đó, mỗi người trong gia đình được chính Thiên Chúa hướng dẫn và liên kết tạo nên một sự hiệp nhất để yêu thương.
  1. Một gia đình thông hiệp trong tình yêu  
Cả gia đình cùng lên đền” ( Lc 2, 42). Gia đình là tổ ấm thân thương nhất, là nơi chúng ta tìm về để được an ủi, nâng đỡ khi thất vọng, chán nản. Ngay từ đầu, “Thiên Chúa đã sáng tạo con người có nam có nữ để họ sống cho nhau trong sự thông hiệp của tình yêu” (St 1.27). Trong tông huấn Familiaris cũng trình bày: “Gia đình được thiết lập do tình yêu và được sinh động cũng do tình yêu, là một cộng đồng các ngôi vị, cha mẹ và con cái với bổn phận đầu tiên là trung thành sống thực tại của sự hiệp thông”. Như thế, gia đình là sự thông hiệp các ngôi vị, các thành viên được liên kết với nhau trong tình yêu để tạo nên một sự hợp nhất. Sự thông hiệp đó đòi hỏi mỗi thành viên trong gia đình biết sống cho nhau, quan tâm đến nhau, chăm sóc cho nhau và hy sinh cho nhau.
Tuy nhiên khi nhìn về xã hội hôm nay, với chủ nghĩa duy cá nhân được đề cao, mọi người quên đi cách sống cho mà thay vào đó là sống vì mình. Ngay trong gia đình, tình yêu trở nên như là một trò chơi. Con người đến với nhau chỉ vì thỏa mãn cá nhân, mối dây hiệp thông đã bị thay thế bởi những tính toán và hợp đồng có thời hạn.
Bên cạnh đó, khoa học internet phát triển nhưng con người lại không còn sống cho nhau, và thay vào đó là cuộc sống cho những chiếc màn hình điện thoại. Cha một góc nhà, mẹ một góc giường và những đứa con mỗi người một góc với những chiếc điện thoại trên tay. Những giờ kinh gia đình thay thế bởi những giờ lướt điện thoại, con cái không còn nhận được sự quan tâm của chính người cha người mẹ. Mối dây liên kết dần bị cắt đứt bởi chính lối sống ích kỷ và những trào lưu xã hội. Đời sống gia đình thật sự trở thành một thách đố của thế giới hôm nay.
Mừng lễ Thánh Gia thất hôm nay, mỗi thành viên trong gia đình một lần nữa như được nhắc nhớ để nhìn đến con đường nên thánh của mình. Mỗi người được mời gọi để sống đúng trách nhiệm của mình trong gia đình. Bằng một đời sống cầu nguyện và một tình yêu trao ban cho nhau, nơi mỗi gia đình sẽ thật sự tìm thấy được hạnh phúc đích thực của mình.
Lạy Thánh Gia là mẫu gương của các gia đình, xin cho mỗi thành viên trong gia đình biết sống yêu thương hiệp thông và biết gắn vào Chúa. Để giữa thế giới hôm nay, mỗi gia đình được trở nên phản ánh của tình yêu Thiên Chúa và là đường đưa mọi người  đến bến bờ hạnh phúc. Amen.

 
Học Viện K6
 
 

MẪU GƯƠNG ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH
 
Người ta thường nói, gia đình là nơi có vòng tay che chở của cha, có bàn tay yêu thương của mẹ, là nơi cuộc sống bắt đầu và tình yêu không bao giờ kết thúc. Từ khi lọt lòng mẹ đến lúc khôn lớn, trưởng thành, gia đình luôn là tổ ấm che chở, bảo vệ và đem lại cho mỗi người những niềm vui. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng  êm ấm hạnh phúc như vậy. Có biết bao gia đình đã đổ vỡ vì cha mẹ bất hòa, ly thân, khiến con cái mỗi đứa mỗi nơi; bao gia đình chỉ như quán trọ, ngục tù tạo nên sự bất hạnh cho con cái. Để rồi, gia đình không còn là cái nôi cho tình yêu bắt đầu, nhưng chỉ như địa ngục trần gian.  
Trong ngày mừng lễ Thánh Gia Thất hôm nay nói về biến cố Đức Maria và thánh Giuse đưa Chúa Giêsu lên đền thờ Giêrusalem dự lễ Vượt qua. Như một lời mời gọi mỗi gia đình ngày hôm nay hãy học gia đình Thánh Gia trong việc giáo dục và nuôi dưỡng con cái trong đời sống đức tin. Để luôn biết gìn giữ gia đình mình được bình an, hạnh phúc trong tình yêu Thiên Chúa. Lễ Vượt Qua của người Do Thái được tổ chức mỗi năm một lần tại đền thờ Giêrusalem. Đây là một trong những ngày lễ quan trọng nhất của người Do Thái. Vì vậy, người Do Thái dù làm ăn sinh sống ở bất cứ nơi đâu cũng trở về ngày này. Trong dịp lễ Vượt Qua năm nay Chúa Giêsu mười hai tuổi, cũng được cùng Đức Maria và thánh Giuse đi dự lễ. Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa làm người, nhưng Người cũng không miễn trừ được giáo dục về đời sống đức tin trong một gia đình. Người không chỉ được chăm sóc, bao bọc về đời sống luân lý, nhưng còn được dạy dỗ, hướng dẫn về đời sống đức tin: Ngay từ khi mới sinh Chúa được tám ngày, Đức Maria và thánh Giuse  đã đưa con đến đền thờ làm phép cắt bì dâng con cho Thiên Chúa  Lc 2, 21-8). Khi trẻ Giêsu được mười hai tuổi, Mẹ Maria và thánh Giuse đã đưa Chúa cùng đi lễ đền thờ Giêrusalem, để làm việc thờ phượng Thiên Chúa “khi Người được mười hai tuổi, cà gia đình cùng đi lên Đền thờ” ( Lc 2, 42). Cho thấy Đức Maria và thánh Giuse luôn ý thức tầm quan trọng của việc giáo dục đức tin cho con trẻ ngay từ khi còn nhỏ, để giúp trẻ Giêsu luôn được nuôi dưỡng và lớn lên trong bầu khí tâm linh. Để từ đó, đời sống tâm linh đã trở nên con người và cuộc sống của trẻ Giêsu. Trong dịp lễ Vượt Qua này, Chúa Giêsu đã vào Đền thờ, ngồi giữa các thầy Rápbi của người Do Thái để bàn luận Kinh Thánh “hai ông bà tìm thấy con đâng ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi.” (Lc 2, 46). Và hơn thế, Người còn ý thức mình phải có bổn phận với mọi công việc nhà Chúa: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha Mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2, 49). Câu nói của trẻ Giêsu không phải là một lời vô tâm với cha mẹ trần thế đang vất vả tìm kiếm mình, nhưng là lời của một tâm hồn tràn đầy sự sống của Chúa. Trẻ Giêsu đã mặc vào trong tâm hồn mình trách nhiệm đối với  nhà Thiên Chúa. Để từ đó, Con Thiên Chúa đã chấp nhận chết trần trụi, ô nhục trên thập giá để con người được sống.
Hình ảnh Đức Maria và thánh Giuse đưa Chúa Giêsu lên đền thờ Giêrusalem thờ phượng Thiên Chúa như một lời mời gọi mỗi người cha mẹ hãy dành thời gian quan tâm đến đời sống đức tin của con cái nhiều hơn. Mỗi cha mẹ hãy đưa con đến với Chúa, để Chúa giáo dục, dạy dỗ con cái mình, giúp con cái được nuôi dạy trong bầu khí tâm linh. Điều đó sẽ giúp con phát triển toàn diện về đời sống tâm linh, luân lý. Muốn như vậy, mỗi cha mẹ phải là người đầu tiên làm gương sáng cho con cái trong việc sống đức tin, bằng việc đi tham dự thánh lễ, tham dự các giờ kinh sáng tối, tham gia các việc đạo đức nuôi dưỡng đời sống tâm linh. Để trước những biến cố không mong muốn xảy đến, cha mẹ vẫn luôn nhìn thấy bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Như Đức Maria hôm nay “ hằng suy ngẫm trong lòng”.
Quả thật, trong đời sống đức tin, biết bao gia đình Công Giáo đã luôn làm gương sáng cho con về đời sống đức tin, để rồi, cái nôi gia đình ấy đã nuôi dương lên những linh mục và người tu sĩ của Chúa như gia đình thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu hay thánh Đonbosco….Trái lại, có những cha mẹ biết chăm sóc giáo dục con cái về đời sống đức tin, còn rất nhiều người cha người mẹ chỉ lo lắng kiếm tiền, giáo dục con về đời sống tri thức mà lãng quên dạy dỗ con trong đời sống đức tin. Từ đó, tạo ra những con người “ não to, trái tim nhỏ”. Từ đó, biết bao tệ nạn xã hội xảy đến như cờ bạc, rượu chè, hút chích..và nhất là một đời sống bất nhân, bất hiếu, sẵn sàng giết người, hay đuổi cha mẹ, giết chết cha mẹ của mình.
Lạy Chúa! xin cho mỗi cha mẹ hôm nay luôn biết quan tâm giáo dục con cái trong đời sống đức tin, để mỗi trẻ em lớn lên đều được nuôi dưỡng và giáo dục trong bầu khí tâm linh, ngõ hầu các em sẽ luôn mặc vào trong mình tâm tình của Chúa Giêsu Hài Đồng khi xưa “ Cha mẹ không biết con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?’ (Lc 2, 49). Xin cho chúng con cũng luôn biết gắn bó với Chúa trong từng ngày sống của chúng con, để trong mọi suy nghĩ, lời nói, việc làm chúng con luôn mặc vào mình tâm tình của Chúa. Để rồi đứng trước những biến cố vui buồn của cuộc sống, chúng con luôn nhìn thấy bàn tay quan phòng yêu thương của Chúa. Amen

 
Cộng Đoàn Mến Thánh Giá Co Hay


 
GIA ĐÌNH
 
Gia đình, hai tiếng gọi thật thân thương mà bất cứ ai sinh ra trong cuộc đời đều mong muốn được ấp ủ trong đó. Gia đình không phải là khi chúng ta có một mái nhà thật to nhưng là khi được sưởi ấm trong tình yêu thương chăm sóc. Con Thiên Chúa khi xuống thế gian làm người cũng được Chúa Cha chuẩn bị cho một gia đình có mẹ là Đức Maria và cha là bác thợ Giuse. Gia đình ấy hôm nay Giáo Hội mừng kính vì đã sống rất thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Các ngài đã nêu gương mẫu về đời sống cho các gia đình Kitô giáo như lời Đức cố Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã dạy: “Gia đình Thánh Gia Thất Nadarét thật sự là nguyên mẫu cho tất cả các gia đình Kitô hữu được hiệp nhất trong Bí tích hôn nhân...là dấu chỉ và là phương tiện hợp nhất cho toàn nhân loại”(Bài giảng lễ Thánh Gia năm 2006). Các ngài đã nên thánh vì đã thực thi ý Chúa và trân trọng, kính mến nhau.
Trước hết, Đức Maria và thánh Giuse đã xây dựng gia đình của mình dựa trên việc thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Khi Thiên Chúa muốn con mình được giáng sinh làm người, Ngài đã ngỏ ý với Đức Maria qua lời sứ thần. Đức Maria đã thưa “xin vâng” và cộng tác vào chương trình của Thiên Chúa. Mẹ đã cưu mang và sinh hạ Đấng Cứu Thế cho nhân loại, đã dưỡng nuôi và ở bên Đức Giêsu cho đến tận chân thập giá bởi một tiếng xin vâng trọn đời để thánh ý Chúa được thực thi. Còn thánh Giuse, lẽ ra có quyền sống cho kế hoạch của riêng mình, nhưng ngài đã lựa chọn tin vào Thiên Chúa và thực hiện điều thiên thần đã báo mộng là mau mắn đón nhận Đức Maria và Hài Nhi về nhà mình, ngài trở thành cha nuôi con Đức Chúa Trời. Ngay khi Đức Maria nói lời xin vâng để cưu mang Con Thiên Chúa thì chính người con ấy - Đức Giêsu, cũng đã xin vâng ý Chúa Cha bỏ hết mọi vinh quang, danh dự và uy quyền để chấp nhận trở nên một người phàm, chấp nhận mang lấy những khổ đau, yếu đuối, bất toàn của kiếp người, chấp nhận làm con của bác thợ mộc và Đức Maria, sống một đời sống bình dị nơi làng quê Nadarét.
Gia đình Thánh Gia còn là mẫu gương tuyệt hảo về tình yêu thương. Thánh Giuse là cột trụ của gia đình, là người công chính, ngài luôn thầm lặng trong mọi việc và có lẽ tình yêu của ngài dành cho gia đình cũng được diễn tả qua những công việc hy sinh, gánh vác trong âm thầm. Suốt những năm tháng ở Nadarét, thánh Giuse đã chăm chỉ, chuyên cần lao động để nuôi sống gia đình, khi gặp cảnh khó khăn, thử thách, ngài sẵn sàng che chở, bảo vệ Hài Nhi và vợ mình. Còn Đức Maria thì luôn chu toàn bổn phận của một người vợ, lo lắng, chăm sóc cho gia đình. Mẹ luôn tuân phục thánh Giuse và nhất là luôn yêu thương con mình là Đức Giêsu. Riêng đối với Đức Giêsu, Người luôn vâng phục cha mẹ của mình, đón nhận những dạy dỗ, bảo ban của cha mẹ với tư cách là một người con, sống trọn chữ hiếu đối với các ngài.
Nhờ có tình yêu trong gia đình, Thánh Gia Thất đã vượt qua được biết bao biến cố trong cuộc sống: những hiểu lầm, nghi kỵ khi Đức Maria mang thai; những khó khăn thiếu thốn khi hạ sinh Chúa Giêsu; những mệt mỏi, sợ hãi khi phải chạy trốn sang một đất nước khác để bảo vệ Hài Nhi và những nỗi lo lắng, vất vả của cha mẹ khi lạc mất con. Tình yêu của các thành viên trong gia đình dành cho nhau đã trở nên sức mạnh để hóa giải những hiểu lầm, sống cảm thông và nâng đỡ nhau trong mọi lúc gian khó.
Người ta thường nói: “ Yêu nhau không phải nhìn nhau mà hai người cùng nhìn về một hướng”, Đức Maria và thánh Giuse cùng hướng mình về Đức Giêsu - Con Thiên Chúa làm người và cũng là Thiên Chúa. Đức Giêsu cũng luôn hướng về Cha trên trời, lắng nghe và làm theo ý muốn của Chúa Cha. Cả gia đình cùng một lòng, một ý “cả gia đình cùng lên đền thờ” (Lc 2,41). Nơi Thánh Gia Thất luôn đặt Chúa là trung tâm của đời sống, quy hướng tất cả mọi sự về Thiên Chúa, mối bận tâm duy nhất của các ngài là tìm kiếm và thực thi thánh ý Thiên Chúa, nhờ đó các ngài luôn sống trong tình yêu thương, bao dung, đồng cảm và thấu hiểu nhau.
Vì có Chúa hiện diện nên gia đình Thánh Gia là gương mẫu cho mái ấm bao người hằng mong ước - có cha, có mẹ, có người con thảo hiếu, sống bên nhau cùng chia sẻ những khó khăn của phận người. Thật xót xa khi ngày nay đời sống của biết bao gia đình lung lay, đổ vỡ. Cái đau lòng không phải là sự đổ vỡ trong hôn nhân mà là những vết thương để lại cho những đứa trẻ. Chúng phải chứng kiến cảnh cha mẹ bất hòa, “cơm chẳng lành”, “canh chẳng ngọt”, sống thiếu đi một nửa yêu thương là cha, là mẹ hoặc cả hai. Nhà triết gia Aristotle có câu nói: ‘‘Sự chung thủy và độ bền của tình bạn được đo lường và đảm bảo không phải bằng tình yêu, tình cảm hai người dành cho nhau, cho bằng khi hai người có cùng một tình yêu tình cảm cho đối tượng thứ ba vượt ra ngoài bản thân họ’’. Nghĩa là, khi cả hai cùng có một đối tượng của tình yêu mình, cả hai có cùng một “điểm hẹn”. Tình yêu hôn nhân cũng vậy, nó luôn cần đối tượng tình yêu của hai người, chứ không hoàn toàn chỉ hai người dành cho nhau. Một cách cụ thể là khi cả hai cùng hướng tình yêu mình vào đứa con là hoa trái của tình yêu mà họ dành cho nhau, cũng được coi là đối tượng của tình yêu hôn nhân, và cũng là điểm hẹn của tình yêu hôn nhân. Việc rạn nứt trong đời sống gia đình đa số thường xuất phát từ việc cả hai không còn chung đối tượng của tình yêu. Khi chồng hay người vợ không còn biết lo cho con, khi họ bắt đầu chạy theo những đam mê riêng...họ không còn có điểm chung nữa. Họ ở cùng một mái nhà nhưng không gặp nhau ở “điểm hẹn”.
Đối với đạo Công Giáo, trong bí tích Hôn Phối, tình yêu hôn nhân không phải chỉ qua hai người mà thôi nhưng là tình yêu của hai người dành cho Thiên Chúa. Vậy Thiên Chúa trở nên điểm hẹn, là đối tượng tình yêu của hai người, và mỗi người trong họ là điểm hẹn cho nhau để gặp gỡ Thiên Chúa. Thiên Chúa trở nên đối tượng để đảm bảo cho hai người được gặp nhau, không lạc mất nhau. Nếu gia đình nào cũng biết hẹn gặp nhau nơi Thiên Chúa bằng việc cùng nhau tham dự thánh lễ như cả gia đình Thánh Gia Thất cùng lên đền thờ, chuyên cần cầu nguyện chung với nhau trong các giờ kinh gia đình thì có lẽ chúng ta sẽ được sống trong một xã hội tràn ngập niềm vui và hạnh phúc bởi có Thiên Chúa là tình yêu dẫn đường cho các gia đình sống thánh thiện, hiệp nhất, yêu thương; sẽ chẳng còn cảnh bạo lực, ly thân, ly dị, không còn những trẻ em lang thang, cơ nhỡ, hay phải sống trong sự thiếu thốn tình thương. Mẹ thánh Têrêxa Calcutta đã từng nói: “Chúng ta hãy yêu thương nhau như Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta. Mà tình yêu này được bắt đầu ở đâu? Ở ngay gia đình của chúng ta. Nó được bắt đầu ra sao? Ở việc gia đình cùng nhau cầu nguyện.”
Thế giới vẫn còn đó chiến tranh, loạn lạc khiến cho bao người không còn được cảm nếm niềm hạnh phúc của một mái ấm. Mỗi chúng ta đang có một gia đình, hãy tạ ơn Thiên Chúa thật nhiều vì điều đó và hãy nhìn vào gương Thánh Gia Thất để tập sống tình yêu trong gia đình của mình. Hãy để Thiên Chúa trở nên đối tượng tình yêu của chúng ta để qua Ngài chúng ta gặp gỡ nhau, yêu thương nhau theo cách Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta-một tình yêu vô vị lợi, yêu hơn cả chính bản thân mình.
Lạy Chúa Giêsu! chúng con cảm tạ Chúa đã giáng sinh làm người, mang ơn cứu độ, mang ánh sáng và niềm vui đến cho chúng con. Khi xưa Chúa đã vâng lời Thiên Chúa Cha và vâng phục cha mẹ trần gian sống một đời sống gia đình thánh thiện và trở nên gương mẫu cho nhân loại. Xin Chúa hãy thương nhìn đến bao gia đình còn đang lầm than, khốn khó trong cuộc sống mưu sinh vất vả; các gia đình còn bất hòa, chia rẽ vì thiếu lòng bao dung, cảm thông và vì không đồng lao cộng khổ trong lúc gian nan, buồn chán mà phải chia lìa... Xin cho họ biết nhìn lên Chúa và cha mẹ Chúa để học biết thờ phượng Chúa Cha và thực thi ý Ngài nơi chính gia đình của họ. Ước chi ánh sáng của Hài Nhi Giêsu giúp thắp sáng lên những ngọn nến đang tàn lụi nơi các gia đình để các trẻ em được cất vang lời hát: “Lung linh lung linh tình mẹ tình cha, lung linh lung linh cùng một mái nhà, lung linh lung linh cùng buồn cùng vui, lung linh lung linh hai tiếng GIA ĐÌNH”.
                                                                                                                                           
                                                                                                                                Tập Viện
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log