Thứ tư, 30/04/2025

Suy Niệm Tin Mừng Lễ Tiệc Ly (Xh 12,1-8.11-14; 1Cr 11,23-26; Ga 13,1-15)

Cập nhật lúc 21:00 14/04/2025

Bài đọc 1: Xh 12,1-8.11-14
Chỉ thị về bữa ăn Vượt Qua.

Bài trích sách Xuất hành.

1 Ngày ấy, Đức Chúa phán với ông Mô-sê và ông A-ha-ron trên đất Ai-cập: 2 “Tháng này, các ngươi phải kể là tháng đứng đầu các tháng, tháng thứ nhất trong năm. 3 Hãy nói với toàn thể cộng đồng Ít-ra-en: Mồng mười tháng này, ai nấy phải bắt một con chiên cho gia đình mình, mỗi nhà một con. 4 Nếu nhà ít người, không ăn hết một con, thì chung với người hàng xóm gần nhà mình nhất, tuỳ theo số người. Các ngươi sẽ tuỳ theo sức mỗi người ăn được bao nhiêu mà chọn con chiên. 5 Con chiên đó phải toàn vẹn, phải là con đực, không quá một tuổi. Các ngươi bắt chiên hay dê cũng được. 6 Phải nhốt nó cho tới ngày mười bốn tháng này, rồi toàn thể đại hội cộng đồng Ít-ra-en đem sát tế vào lúc xế chiều, 7 lấy máu bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên. 8 Còn thịt, sẽ ăn ngay đêm ấy, nướng lên, ăn với bánh không men và rau đắng. 11 Các ngươi phải ăn thế này: lưng thắt gọn, chân đi dép, tay cầm gậy. Các ngươi phải ăn vội vã: đó là lễ Vượt Qua mừng Đức Chúa. 12 Đêm ấy Ta sẽ rảo khắp đất Ai-cập, sẽ sát hại các con đầu lòng trong đất Ai-cập, từ loài người cho đến loài thú vật, và sẽ trị tội chư thần Ai-cập: vì Ta là Đức Chúa. 13 Còn vết máu trên nhà các ngươi sẽ là dấu hiệu cho biết có các ngươi ở đó. Thấy máu, Ta sẽ vượt qua, và các ngươi sẽ không bị tai ương tiêu diệt khi Ta giáng hoạ trên đất Ai-cập. 14 Các ngươi phải lấy ngày đó làm ngày tưởng niệm, ngày đại lễ mừng Đức Chúa. Qua mọi thế hệ, các ngươi phải mừng ngày lễ này: đó là luật quy định cho đến muôn đời.”


Bài đọc 2: 1Cr 11,23-26

Mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết.

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

23 Thưa anh em, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, 24 dâng lời tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Đây là Mình Thầy, hiến dâng vì anh em ; anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.” 25 Cũng thế, sau bữa ăn, Người cầm lấy chén rượu và nói: “Chén này là Giao Ước Mới, lập bằng Máu Thầy ; mỗi khi uống, anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.” 26 Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết.


Tin Mừng: Ga 13,1-15

Đức Giê-su yêu họ đến cùng.

✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
1 Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.
2 Ma quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt, ý định nộp Đức Giê-su. 3 Đức Giê-su biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa, 4 nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. 5 Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.
6 Vậy, Người đến chỗ ông Si-môn Phê-rô, ông liền thưa với Người: “Thưa Thầy ! Thầy mà lại rửa chân cho con sao ?” 7 Đức Giê-su trả lời: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu.” 8 Ông Phê-rô lại thưa: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu !” Đức Giê-su đáp: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.” 9 Ông Si-môn Phê-rô liền thưa: “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa.” 10 Đức Giê-su bảo ông: “Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa ; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu !” 11 Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói: “Không phải tất cả anh em đều sạch.”
12 Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giê-su mặc áo vào, về chỗ và nói: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không ? 13 Anh em gọi Thầy là ‘Thầy’, là ‘Chúa’, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. 14 Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. 15 Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.”

=====================

YÊU CHO ĐẾN CÙNG
(Ga 13,1-15)

 
WMTGHH - Trong một bài hát trẻ được yêu thích mang tên “Dù cho tận thế vẫn yêu em”, người nghe dễ dàng rung động trước lời hứa chân thành từ một trái tim đang yêu: dẫu cuộc đời đổi thay, dẫu cả thế giới có sụp đổ, thì “tay vẫn không buông người mình yêu.” Một lời hứa giản dị nhưng đầy sức mạnh, vang lên như tiếng gọi của một con tim muốn gắn bó đến cùng với người mình thương. Giữa một thế giới mà tình yêu dễ phai mờ theo cảm xúc, thì một lời cam kết như thế cũng đủ khiến người ta rung động. Thế nhưng, có một tình yêu còn đi xa hơn cả lời hứa ấy. Một tình yêu không dừng lại ở cảm xúc, không chỉ nói suông, nhưng được thể hiện bằng hành động cuối cùng – hành động của sự tự hiến trọn vẹn: đó là tình yêu của Đức Giêsu dành cho các môn đệ. Thánh Gioan đã ghi lại: “Người đã yêu những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1).
Tình yêu ấy được biểu lộ một cách bất ngờ và đầy xúc động: Đức Giêsu – là Thầy, là Chúa – đã cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Một việc tưởng chừng nhỏ bé, nhưng lại chất chứa sức mạnh thiêng liêng. Bởi đó là hành động chỉ dành cho người đầy tớ, chứ không phải cho một vị Thầy cao trọng. Một tình yêu không chỉ cúi xuống bằng tay, mà cúi xuống bằng cả trái tim – tình yêu của sự khiêm hạ, tự hủy và phục vụ.
Phản ứng của ông Phêrô là một phản ứng rất “người”: ông không thể chấp nhận việc Thầy mình lại cúi xuống như một đầy tớ. Ông nói: “Không đời nào Thầy sẽ rửa chân cho con!” Không phải vì ông không yêu Chúa, mà vì ông yêu Chúa theo một cách riêng – một tình yêu còn giới hạn, còn đặt điều kiện, còn nằm trong khuôn khổ ông vẽ ra. Ông không thể hình dung một tình yêu lại có thể khiêm hạ đến mức ấy. Chỉ đến khi Đức Giêsu nói: “Nếu Thầy không rửa chân cho con, con sẽ không được dự phần với Thầy,” thì ông mới vội vã thưa: “Vậy xin Thầy hãy rửa không chỉ chân, mà cả tay và đầu con nữa.”
Tình yêu con người dễ bị chi phối bởi cảm xúc và ý riêng. Ta thường mong người khác yêu mình theo cách ta muốn, thay vì học cách đón nhận tình yêu như chính nó là. Nhưng tình yêu đích thực không bị đóng khung. Tình yêu của Đức Giêsu là một tình yêu tự hạ, yêu đến cùng, và yêu ngay cả khi bị chối từ.
Trong đời sống ơn gọi – đặc biệt là đời sống thánh hiến thì tình yêu ấy là một chuẩn mực, một lời mời gọi. Nhiều khi hành trình bước theo Chúa được khởi đầu từ những lý do rất con người: chút lý tưởng của tuổi trẻ, chút nhiệt thành bồng bột, hay đôi khi chỉ là một khát vọng thoát khỏi thực tại mỏi mệt. Nhưng Chúa không chối từ những khởi đầu như thế. Ngài đón nhận cả những tình yêu non nớt, để rồi dần dần biến đổi nó thành tình yêu trưởng thành: một tình yêu trung tín, biết ở lại, biết cúi xuống, và biết yêu như Thầy đã yêu.
Khi nhìn lại hành trình ơn gọi Mến Thánh Giá, tôi nhận ra mình đã bắt đầu với một tình yêu còn nhiều bỡ ngỡ. Nhưng qua những chặng đường âm thầm, qua từng lần vấp ngã, từng bài học thinh lặng trong cộng đoàn, từng giờ cầu nguyện mệt nhoài đều là Chúa đã uốn nắn tôi. Ngài không trách cứ sự non nớt của tôi, nhưng kiên nhẫn dùng chính tình yêu “cho đến cùng” để dạy tôi biết yêu đến cùng trong từng điều nhỏ nhất: một lời xin lỗi chân thành, một hy sinh không ai thấy, một tha thứ không mong đáp trả.
Cuộc đời người nữ tu không phải là con đường trải hoa hồng. Có những ngày niềm tin trở nên mong manh, có những đêm cầu nguyện chỉ còn là tiếng thở dài hay có những lúc cúi xuống rửa chân cho chị em mà trong lòng vẫn còn vướng bận tổn thương. Nhưng mỗi lần nhìn lên Thánh Giá, tôi lại như nghe Chúa thì thầm: “Con hãy yêu như Thầy. Yêu không bằng cảm xúc, nhưng bằng lòng trung tín”. Tình yêu không chỉ là những phút giây thăng hoa, nhưng là sự lựa chọn ở lại, là những lần tiếp tục cúi xuống và yêu khi không còn lý do nào để yêu. Cúi xuống như Chúa đã cúi. Rửa chân như Chúa đã rửa. Yêu cho đến cùng như Chúa đã yêu. Vì thế, mỗi sớm mai khi thức dậy, tôi lại thì thầm một lời nguyện nhỏ: “Lạy Chúa Giêsu, xin dạy con biết yêu như Thầy. Dẫu có những lúc con mệt mỏi, hoang mang hay thất vọng, xin cho con vẫn trung tín ở lại trong tình yêu của Ngài – một tình yêu không phô trương, không ồn ào, nhưng khiêm hạ, bền bỉ và mãi mãi cho đến cùng.”
Lạy Chúa, tạ ơn Chúa đã yêu con cho đến cùng. Xin cho con –  một người nữ tu nhỏ bé cũng biết yêu như Thầy đã yêu. Không phải để tìm vinh quang cho bản thân, nhưng để trở nên phản chiếu một của tình yêu của Thập Giá Chúa. Xin cho con trở thành dấu chỉ khiêm hạ giữa đời để qua từng hành động, từng phục vụ nhỏ nhoi, con có thể nói với mọi người rằng: “Chúa vẫn đang cúi xuống rửa chân anh chị em hôm nay.” Amen.
 
Học viên Lớp Thần học K6
=======================

TÌNH YÊU GIÊSU
 
Trong bầu khí thánh thiêng của Tam Nhật Vượt Qua, bắt đầu từ chiều Thứ Năm Tuần Thánh, cảnh vật xung quanh như chìm vào thinh lặng, như cùng hoà mình với nỗi lòng của Con Chiên Thiên Chúa trong bữa tiệc ly cuối cùng với nhân loại. Đất trời lặng yên là thế, tâm hồn con người cũng dần thu mình lại, bước vào cõi thinh không. Một sự thinh lặng lạ thường - thinh lặng để cùng Chúa Giê-su bước vào hành trình khổ nạn, thinh lặng để soi rọi chính mình, và trên hết, để cảm nếm tình yêu cao vời mà Thiên Chúa dành cho nhân loại qua cuộc hiến tế nhiệm màu ấy. Một tình yêu không bị giới hạn bởi không gian hay thời gian, nhưng là sự trao ban trọn vẹn, như lời Thánh Gio-an: “Người đã yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1).
Thật vậy, chẳng có ai định nghĩa được tình yêu, ví như nhà thơ Xuân Diệu đã từng viết: “Có ai định nghĩa được tình yêu?”. Tại sao lại nói như vậy? Thưa, vì tình yêu vốn muôn màu muôn vẻ, lại mang nhiều cách thức thể hiện khác nhau. Có người thể hiện tình yêu bằng lời nói, có người cho rằng tình yêu là trao ban, hay cũng có người nghĩ rằng, tình yêu chỉ đơn giản nơi một cử chỉ yêu thương dành cho đối phương. Xét cho cùng, ai cũng có những suy luận riêng về tình yêu. Duy chỉ có tình yêu của Đức Ki-tô là khác biệt. Đối với Ngài, tình yêu là khi biết cho đi không tính toán, không đòi đền đáp. Tình yêu vốn không mang khái niệm của sự phân biệt chủng tộc, màu da, giai cấp, nhưng là vì tất cả và cho tất cả. Đặc biệt, tình yêu của Chúa còn là sự hối tiếc khi không có nhiều hơn để dâng hiến, sẵn sàng chết cho người mình yêu. Chúa Giê-su đã thực sự say đắm trong tình yêu, Ngài say đến độ dám coi thường cả mạng sống, đánh đổi tình yêu bằng chính giá máu của mình nơi thập giá đau thương, quên đi hành trình khổ nạn Ngài sắp phải bước để chỉ hướng về con người, trao ban tình yêu cho con người đến tận cùng: “Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1).
Như thế, cái tận cùng của Chúa không chỉ mặc định nơi nghĩa yêu đến giây phút cuối cùng, nhưng còn là biểu lộ thái độ yêu hết mình, yêu đến không còn gì để yêu hơn được nữa. Chính Chúa Giê-su đã dùng hết mọi phương thế để biểu lộ và thông ban tình yêu của Người cho nhân loại. Vì yêu Chúa đã Giáng sinh nhập thể, cởi bỏ vương quyền của một vị Thiên Chúa mà nên đồng hoá với kiếp con người. Vì yêu, Ngài đã dành trọn thời gian, sức lực của mình có để chăm lo đời sống cho con chiên, cùng ăn uống, cùng sinh hoạt, cùng mang những vết thương trên vai để thấu cảm, chia sẻ những khổ đau của kiếp sống con người. Tình yêu vốn toàn hảo như vậy nhưng đối với Ngài thì lại chưa bao giờ là đủ, Ngài muốn yêu nhiều hơn nữa, dâng hiến hơn nữa cho tình yêu. Chính bởi điều này đã đưa Ngài đến một quyết định liều lĩnh vì tình yêu, điều mà chẳng ai có thể dám làm hay nghĩ tới. Hôm nay, trong bữa tiệc chia ly đượm buồn, trái tim Ngài đầy sự nuối tiếc khi sắp phải rời xa những đứa con thơ mà Ngài đã hết lòng yêu thương để về với Cha. Vì thế, tận dụng những giây phút cuối cùng trước giờ chịu nạn, Ngài tiếp tục thổ lộ tình yêu bằng cách khoác lên mình tấm áo của người tôi tớ hèn mọn, quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ, bắt đầu từ những môn đệ thân tín cho đến môn đệ mà Ngài biết rõ rồi đây sẽ phản bội và bán Ngài với giá ba mươi đồng bạc là cái giá của một người nô lệ! Hành động khiêm nhường phát xuất từ trái tim đầy tình yêu của một vị Thầy, chấp nhận trở nên người đầy tớ để phục vụ, chăm lo, yêu thương, quan tâm đến từng người môn đệ. Dù đó có là người môn đệ bán Thầy, cố tình chối Thầy, hay chạy chốn trước nguy nan của Thầy, nhưng không vì thế mà Thầy từ bỏ hành vi “yêu đến cùng”. Ngài vẫn yêu và mãi trung thành với giao ước tình yêu mà Ngài đã kí kết với dân Ngài đến trọn đời. Giao ước ấy không chỉ đơn giản được thực hiện bằng lời nói, nhưng Ngài đã hiến tế chính Thịt Máu của mình, được biểu lộ ngang qua huyền nhiệm của Bí tích Thánh Thể mà Ngài đã thiết lập trong bữa Tiệc ly năm ấy, hầu trở nên nguồn sống chảy tuôn mãi trong tâm hồn những người Chúa yêu: “Này là mình máu Thầy hiến tế vì anh em”.
Như thế, có thể khẳng định rằng, Chúa Giê-su đã yêu con người đến chẳng còn gì, hành động hiến tế chính mạng sống mình trên Thánh Giá đau khổ, sẵn sàng trở thành người nô lệ phục vụ, tự nguyện lấy máu thịt mình nên của ăn cho nhân loại cũng chỉ vì yêu. Ngài muốn được ở luôn mãi trong tâm hồn của người mình yêu. Tình yêu của Ngài đã thực sự đạt tới đỉnh cao, vượt quá giới hạn mức độ tình yêu mà tự nhiên con người không thể hiểu hết được. Ngài đã yêu con người với một tình yêu như thế, một tình yêu đến tận cùng, để dù có bị phản bội, hay đau đớn khi phải đối diện với chính đối tượng mình yêu quay lưng, hò reo trong sự đồng tình trước bản án thập giá, nhưng Ngài vẫn cứ âm thầm lặng lẽ yêu trong sự hy vọng, chờ đợi và tha thứ: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).
Hiểu thấu tiếng yêu của Thầy Giê-su năm nào, Giáo hội lữ hành vẫn không ngừng kêu gọi con cái Chúa đáp lại tình yêu của Thầy Giê-su bằng việc tiếp nối giới luật yêu thương ấy trong chính bậc sống, môi trường sống của mình: Có thể tại học đường, nơi làm việc, gia đình, cộng đoàn dòng tu mình đang sống. Tất cả đã làm nên đại gia đình của Chúa mà tại đó mỗi phần tử được mời gọi: Hãy thi hành chữ yêu và được yêu! Quả thực, tình yêu của Chúa Giê-su đã chảy trào nơi thế gian từ hơn hai ngàn năm qua cho đến ngày hôm nay vẫn chưa bao giờ dừng lại. Tình yêu ấy tựa như nguồn nước thấm đẫm vào tâm hồn con người tạo nên một đại dương yêu thương rộng lớn, khơi nguồn dòng chảy mang tên “tình yêu” cống hiến cho cuộc đời. Để dù hoàn cảnh có ra sao, nhưng tình yêu của Đức Ki-tô vẫn luôn bừng cháy giữa một thế giới vốn đầy rẫy sự bạo động, chiến tranh và chết chóc, được truyền tải qua chính cách sống yêu thương của người ki-tô hữu hôm nay: Một lời động viên dành cho những ai đang gặp đau khổ, một lời cầu nguyện cho người hối nhân được ơn trở lại, một sự sẻ chia không mong đền đáp cho những người bất hạnh, một lời yêu thương chung thuỷ dành cho người bạn đời của mình, hay chỉ là một việc hy sinh nhỏ bé dành cho người đang bên cạnh mình lúc này.
Lạy Chúa, Chúa đã sống trọn một “chữ yêu” cho đến tận cùng vì con người.  Xin cho chúng con biết mở lòng mình ra để cảm nếm tình yêu cao vời ấy, được tình yêu thực sự động chạm, nhờ đó, mỗi người chúng con biết biến đổi không ngừng, hầu trở nên những sứ giả của tình yêu Chúa lan toả đến cho mọi người xung quanh. Amen.
                                                                                                            Maria Đỗ Hạnh
                                                                                                           Tập sinh MTG Hưng Hoá
                                                                                                                  
 
Thông tin khác:
Bộ Mẫu Dâng Hoa Kính Đức Mẹ Tháng 5/2025
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log