CHỈ CÓ MỘT SỰ CẦN MÀ THÔI
WMTGHH - Bước vào đời tu là chọn Chúa làm gia nghiệp. Nhưng giữa những tất bật thường ngày, đôi khi ta để Ngài đứng bên lề, dù vẫn làm “công việc của Chúa”. Hôm nay, lời của Thầy Giêsu vang lên cách ân cần: “Chỉ có một sự cần mà thôi... Maria đã chọn phần tốt nhất.” Đó không chỉ là một lời nhắc nhở, mà là một lời gọi mời trở về...
1. Hai khuôn mặt đời tu: Mácta và Maria
Cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với hai chị em Mácta và Maria trong Tin Mừng hôm nay dường như không chỉ là một sự kiện gia đình đơn thuần, mà là hình ảnh sâu sắc của đời sống Kitô hữu – cách riêng là đời tu – giữa hai chiều kích: hoạt động và chiêm niệm.
Mácta là hình ảnh của một người tận tụy, quảng đại, hy sinh, phục vụ Chúa bằng tất cả những gì mình có. Bà không ngại đón tiếp Chúa vào nhà, lo liệu từng việc nhỏ. Có lẽ nhiều tu sĩ chúng ta nhìn thấy chính mình nơi Mácta: luôn muốn dấn thân, luôn muốn làm việc hữu ích cho cộng đoàn, cho Giáo Hội. Và đó là điều đáng trân quý.
Maria lại là hình ảnh của một tâm hồn biết lắng nghe, biết dừng lại, biết để cho Chúa trở thành trung tâm. Cô ngồi dưới chân Chúa, không phải để trốn tránh bổn phận, nhưng để kín múc Lời sự sống. Maria không làm gì cả – ít là về mặt hành động – nhưng cô đang thực hiện một việc tối quan trọng: hiện diện với Chúa.
2. Cạm bẫy trong đời tu: bận rộn mà thiếu kết hiệp
Chúa Giêsu không quở trách Mácta vì bà làm việc, nhưng vì bà lo lắng và bối rối. Trong đời sống thánh hiến hôm nay, có biết bao người đang "bận rộn vì Chúa", nhưng chính sự bận rộn ấy lại làm lu mờ tương quan cá vị với Ngài. Khi việc tông đồ, trách nhiệm, chương trình, sổ sách, kế hoạch… trở thành lý do để ta rút ngắn giờ cầu nguyện, đọc Kinh Thánh vội vàng, hay bỏ qua phút hồi tâm, thì đời tu đang mất phương hướng.
Nỗi lo của Mácta rất thật, nhưng lại khiến bà đánh mất điều chính yếu: sự hiện diện của Chúa trong nhà mình. Ta có thể hỏi mình: Có bao lần Chúa đến gõ cửa lòng ta – qua Lời Ngài, qua thánh lễ, qua một phút thinh lặng – nhưng ta không mở vì đang bận "lo cho Chúa"? Có khi nào ta làm việc tông đồ như thể đang làm cho một ông chủ vắng mặt, thay vì làm với một người bạn đang đồng hành?
3. Chọn phần tốt nhất: sống đời tu với trái tim Maria
Maria chọn phần tốt nhất không phải vì cô làm ít hơn, nhưng vì cô biết đặt đúng ưu tiên. Trong đời sống tu trì, lời khấn vâng phục không chỉ là tuân phục bề trên, mà sâu xa hơn là chọn sống theo thánh ý Chúa từng ngày. Lời khấn khó nghèo không chỉ là không sở hữu vật chất, mà còn là không để lòng mình bị chia trí bởi những điều phụ thuộc. Và lời khấn khiết tịnh chỉ thật sự đẹp khi được sống trong một tương quan mật thiết với Chúa – Đấng là tình yêu đầu tiên và duy nhất.
Maria là mẫu gương của một tâm hồn tu sĩ sống chiều sâu nội tâm, biết lắng nghe tiếng Chúa, biết để Lời Người chiếu rọi và định hướng đời mình. Phần tốt nhất ấy không bị ai lấy mất, bởi đó là phần gắn liền với tương quan vĩnh cửu với Chúa – điều còn mãi đến đời sau.
4. Sống quân bình giữa làm và ở với Chúa
Đời tu không phải là chọn làm Mácta hay Maria, mà là biết quân bình cả hai trong ánh sáng của Thầy Giêsu. Người tu sĩ không được phép thụ động, nhưng cũng không thể chỉ lao mình vào hoạt động mà thiếu nền tảng thiêng liêng.
Người tu sĩ thật sự là người biết:
- Cầu nguyện như Maria trước khi hành động như Mácta,
- Lắng nghe như Maria để phục vụ như Mácta,
- Ở với Chúa như Maria để có thể đem Chúa đến cho người khác như Mácta.
Lạy Chúa Giêsu, trong đời sống thánh hiến của con, có lúc con đã để mình bị cuốn theo công việc, bị phân tán bởi những lo toan. Xin cho con trái tim của Maria – biết ngồi bên chân Chúa để lắng nghe và yêu mến. Xin cũng ban cho con đôi tay của Mácta – để phục vụ Chúa và anh chị em với lòng khiêm tốn, vui tươi và tự hiến. Xin cho con chọn Chúa là phần tốt nhất trong đời sống tu trì của con – một phần không bao giờ mất đi. Amen.
Têrêsa Duyên Nguyễn-CĐ Phù Lao
===================
CÁCH THỨC THỂ HIỆN TÌNH YÊU
Lời Chúa trong Chúa Nhật 16 thường niên năm C cho chúng ta thấy hai con người với hai cách thế thể hiện tình yêu khác nhau với Đức Giêsu. Vậy đâu là cách thức chúng ta thể hiện tình yêu với Đức Giêsu. Cách thức thể hiện tình yêu của chúng ta có giống với cách thức mà hai chị em Mácta và Maria thể hiện. Và cách thức thể hiện tình yêu của chúng ta với Người có làm Chúa vui thích?
Mácta và Maria là hai chị em cùng với người em là Ladarô sinh sống tại ngôi làng Bêtania. Bêtania, một ngôi làng nhỏ, có lẽ là nơi mà Chúa Giêsu thường xuyên chọn làm chỗ nghỉ chân trên đường rao giảng Tin Mừng. Qua những lần gặp gỡ và tiếp xúc với Chúa Giêsu, ba chị em trở nên những con người có mối dây thân tình với Người.
Như thường lệ, khi nghe tin Chúa Giêsu sắp đi ngang qua ngôi làng của mình, chị em Mácta đã đón Người từ xa và dẫn Người về nhà của mình để nghỉ ngơi. Mácta nhiệt thành trong việc phục vụ. Vì thế, khi đón Người vào nhà, cô để Người ở đó lẻ loi mà lo việc phục vụ. Và vì cô lo lắng, tất bật trong công việc cô trách Maria, cô cũng trách khéo Thầy Giêsu khi nói: “Thưa Thầy, em con để một mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao” (Lc 10,40). Nhưng Thầy Giêsu đã chỉ cho Mácta điều quan trọng hơn cả, Thầy Giêsu muốn cô ngồi và tiếp chuyện Người hơn là những việc phục vụ. Maria, một sự bổ túc cho Mácta. Maria không chỉ đón Người vào nhà, nhưng hơn cả cô ngồi bên chân Người, để thưa chuyện, để lắng nghe Lời của Thầy. Và đó là cách thức mà Người yêu thích.
Cách thức thể hiện tình yêu với Thầy Giêsu của hai chị em Mácta và Maria có là cách thức mà tôi thể hiện với Thầy Giêsu, hay tôi có cách thức thể hiện tình yêu khác?
Hai chị em, hai cách thức thể hiện tình yêu. Nhưng cùng một đích đến. Nhưng Đức Giêsu đã nói cho chúng ta cách thể hiện tình yêu mà Người ưa thích: ở với Người và lắng nghe Lời của Người. Bởi tình yêu không chỉ được thể hiện qua ngôn ngữ, hành động, nhưng quan trọng là thái độ biết lắng nghe. Lắng nghe để thấu cảm, chia sẻ, cảm thông và xây dựng mối dây liên kết bền vững.
Đức Giêsu yêu thích cách thể hiện tình yêu của Maria, nhưng không có nghĩa Người coi nhẹ việc tiếp đón và sự quan tâm chu đáo ân cần của Mácta. Người muốn nhấn mạnh việc nuôi dưỡng tình yêu với Người trước nhất bằng việc lắng nghe. Lắng nghe để tìm ý Chúa và thực hiện điều đẹp với ý muốn của Người. Và để lắng nghe, và thực hiện điều Chúa muốn đòi hỏi người môn đệ cần biết ngồi lại; ngồi lại trước những kế hoạch, dự tính; ngồi lại sau những chuyến đi, sau những hoạt động. Nếu người môn đệ không ngồi lại bên Người, người môn đệ ấy khó có thể kín múc sự bình an thật. Bởi lẽ đằng sau thành công trong sứ vụ của người tông đồ là đời sống cầu nguyện gắn bó với Chúa Giêsu nơi Lời Chúa và Bí tích Thánh Thể. Vì vậy, nếu người môn đệ chân không chạm đất, tất bật với công việc, có đủ mọi dự án, kế hoạch chi phối, người môn đệ sẽ không còn giờ để ngồi lại bên Chúa, để lắng nghe tiếng Chúa, và không còn giờ dành cho tha nhân, quan tâm tới tha nhân.
Mácta đại diện cho người sống sứ vụ tông đồ nhiệt thành và hăng hái. Maria đại diện cho những người chiêm niệm gắn bó với Đức Giêsu trong đời sống cầu nguyện. Cả hai chị em đều là những tông đồ của Thầy Giêsu.
Đức Giêsu, Ngài trân trọng tình yêu mà mỗi người dành cho Ngài. Nhưng Ngài khao khát được chúng ta thể hiện tình yêu với Người bằng sự gắn bó trong đời sống cầu nguyện. Đó là cách thức Thầy Giêsu yêu thích nhất. Và đó cũng là sự chọn lựa tốt nhất mà không ai có thể lấy mất cho chính những ai yêu mến Chúa Giêsu,
Ước chi trong ơn gọi Kitô hữu, trong sứ mạng tông đồ, nhất là ơn gọi sống đời thánh hiến mỗi người tu sĩ luôn biết ngồi lại dưới chân Thầy Giêsu để Người chỉ cho cách thực hiện sứ vụ tông đồ cách tốt nhất, đẹp lòng Chúa nhất. Ước chi những người sống đời thánh hiến không biến mình thành những chiếc máy của hiệu năng hay tần suất công việc. Nhưng quân bình giữa đời sống cầu nguyện và hoạt động. Đời sống cầu nguyện sẽ là chìa khóa cho đời sống phục vụ của người tông đồ.
Học viên Lớp Thần học K6