Bài đọc 1: Cv 14,21b-27 Hai Tông Đồ tập họp Hội Thánh và kể lại tất cả những gì Thiên Chúa đã cùng làm với hai ông. Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.
21b Hồi ấy, sau khi đã loan Tin Mừng cho thành Đéc-bê và nhận khá nhiều người làm môn đệ, ông Phao-lô và ông Ba-na-ba trở lại Lýt-ra, I-cô-ni-ô và An-ti-ô-khi-a. 22 Hai ông củng cố tinh thần các môn đệ, và khuyên nhủ họ giữ vững đức tin. Hai ông nói: “Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa.” 23 Trong mỗi Hội Thánh, hai ông chỉ định cho họ những kỳ mục, và sau khi ăn chay cầu nguyện, hai ông phó thác những người đó cho Chúa, Đấng họ đã tin.
24 Hai ông đi qua miền Pi-xi-đi-a mà đến miền Pam-phy-li-a, 25 rao giảng lời Chúa tại Péc-ghê, rồi xuống Át-ta-li-a. 26 Từ đó hai ông vượt biển về An-ti-ô-khi-a, là nơi trước đây các ông đã được giao phó cho ân sủng của Thiên Chúa để làm công việc vừa mới hoàn thành.
27 Khi tới nơi, hai ông tập họp Hội Thánh và kể lại tất cả những gì Thiên Chúa đã cùng làm với hai ông, và việc Người đã mở cửa cho các dân ngoại đón nhận đức tin.
Bài đọc 2: Kh 21,1-5a
Thiên Chúa lau sạch nước mắt họ.
Bài trích sách Khải huyền của thánh Gio-an tông đồ.
1 Tôi là Gio-an, tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất, và biển cũng không còn nữa. 2 Và tôi thấy Thành Thánh là Giê-ru-sa-lem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang. 3 Rồi tôi nghe từ phía ngai có tiếng hô to: “Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên-Chúa-ở-cùng-họ. 4 Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết ; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất.”
5a Đấng ngự trên ngai phán: “Này đây Ta đổi mới mọi sự.”
Tin Mừng: Ga 13,31-33a.34-35
Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau.
✠Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
31 Khi Giu-đa ra khỏi phòng tiệc ly, Đức Giê-su nói: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. 32 Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người.
33a “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. 34 Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau ; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. 35 Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.”
===================
WMTGHH - Trong bối cảnh của bữa tiệc ly, sau khi Giuđa đã ra khỏi phòng tiệc ly, Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta một di chúc thánh thiêng: Đó chính là di chúc Tôn vinh - Tình yêu.
Tin Mừng theo thánh Gioan chương 13, câu 31-32: Đức Giêsu nói: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người.” Chỉ với 2 câu trong đoạn Tin Mừng, Chúa Giêsu nói về sự tôn vinh tới 5 lần. Điều mà Chúa Giêsu nói về sự tôn vinh ở đây đi ngược hẳn với sự tôn vinh của nhân loại trong thế giới đương đại. Bởi vì, con người hôm nay đang tôn vinh quyền lực, dang vọng, tiền bạc, của cải vật chất…Còn Thiên Chúa tôn vinh Chúa Giêsu ở trên thập giá, nơi đó thế gian cho là ô nhục, nhưng đối với Thiên Chúa, thì chính nơi đó đã tôn vinh tình yêu tột cùng của Ngài.
Còn trong Ga 13, 34-35: Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau”. Với 2 câu Tin Mừng trên đây, Chúa Giêsu đã nói tới 4 lần chữ “Yêu thương”. Như thế, chữ tôn vinh và yêu thương gắn liền với nhau. Chỉ có những ai sống giới răn yêu thương như Chúa Giêsu mới đáng được tôn vinh, còn tất cả những thứ mà thế gian tôn vinh chỉ là phù vân.
Khi nói về tình yêu, đã có biết bao nhiêu sách vở, phim ảnh, chuyện tình…nói về tình yêu: cha mẹ yêu thương con cái, nam nữ yêu thương nhau…Nhân loại này rất cần tình yêu, tình yêu chính là lẽ sống, là niềm hạnh phúc cho tất cả mọi người.
Đặc biệt thánh Gioan đã định nghĩa: “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Vì yêu nên Chúa đã tạo dựng con người và thông ban tình yêu cho con người. Chúa dạy chúng ta hãy yêu thương nhau như Chúa đã yêu chúng ta. Vậy yêu như Chúa yêu là thế nào?
Chúa Giêsu đã đi đến tận cùng của giai điệu tình yêu. Ngài đã bị đóng đinh và chết trên thập giá vì yêu. Vì yêu, Ngài đã lên đường đi hết các nẻo đường của nước Ít-ra-el để đem Tin Mừng cho kẻ nghèo khó; Ngài chữa lành cho kẻ đau yếu; Ngài cúi xuống rửa chân cho các môn đệ như một người tôi tớ; Ngài đã bị đóng đinh trên cây thập giá như một tên tội phạm; Ngài sẵn sàng tha thứ và cầu nguyện cho những kẻ làm hại mình…Cuộc sống của Ngài đã diễn tả điều Ngài đã nói: “Không có tình yêu nào cao quý hơn mối tình của người hiến thân vì bạn hữu.”
Như thế, Chúa Giêsu đã đi đến tận cùng của sự hiến thân vì tình yêu. Và cho đến hôm nay Ngài cũng tha thiết mời gọi những môn đệ của Chúa, những người nữ tu Mến Thánh Giá đang trong hành trình bước theo Chúa luôn biết sẵn sàng đáp lại lời mời gọi: “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy là anh em có lòng yêu thương nhau.” Dấu chỉ để người ta nhận ra một môn đệ của Chúa; dấu chỉ để người ta nhận ra một nữ tu Mến Thánh Giá chính hiệu không phải là khoác cho mình một chiếc áo dòng, mà điểm chính yếu là mặc cho mình chiếc áo tình yêu, như Chúa đã yêu chúng ta.
Quả thật, yêu như Chúa yêu, không phải chỉ trên đầu môi chóp lưỡi, mà phải biết yêu bằng cả cuộc sống và hành động vì tình yêu, yêu bằng cả con tim và cảm nhận tình yêu thâm sâu mà Chúa đã dành cho mình; yêu như Chúa yêu, chính là tình yêu có lòng nhân từ và thương xót, tình yêu cúi xuống và sẵn sàng hy sinh, dấn thân phục vụ; vượt ra khỏi vỏ bọc an toàn để đem Tin Mừng tình yêu đến với mọi người; một tình yêu sẵn sàng tha thứ cho kẻ làm hại mình, và cầu nguyện cho kẻ phản bội;…
Thuở xưa, các tông đồ đã sống theo lời Chúa dạy, các ông đã là chứng nhân của Chúa bằng lời giảng và bằng đời sống, vì thế các tông đồ đã đưa được biết bao nhiêu người trở về với Chúa. Cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi đã sống đúng theo lời Chúa dạy, vì thế họ đã trở thành dấu chỉ cho mọi người nhận biết những môn đệ chính hiệu của Chúa.
Hôm nay, chúng ta hãy hỏi mình xem chúng ta đang tôn vinh điều gì? Chúng ta đã sống theo lời mời gọi yêu thương của Chúa chưa? Là người nữ tu Mến Thánh Giá, tôi có tôn vinh những giá trị cao đẹp Chúa Giêsu để lại, hay là tôi đang tôn vinh những thứ mà thế gian có thể tôn vinh: quyền lực, của cải thế gian, tiền bạc…Nếu như hôm nay, những người nữ tu Mến Thánh Giá biết sống yêu thương như Chúa yêu, thì chúng ta đã diễn tả sự hiện diện sống động của Chúa Giêsu.
Xin Chúa cho chúng con hiểu được lời dạy của Chúa, xin cho chúng con cảm được tình yêu sâu xa mà Chúa đã dành tặng cho chúng con, xin cho chúng con biết diễn tả tình yêu đó trong cuộc sống…
Cộng đoàn Mến Thánh Giá Hầu Thào
===============
VINH QUANG TRONG TÌNH YÊU CỨU ĐỘ
(Ga 13, 31-35)
Trong cuộc sống, danh, lợi và thú là những cám dỗ hấp dẫn khiến mỗi chúng ta ít nhiều bị vướng mắc. Vinh quang là điều mà con người thường mong muốn đạt được bằng lý trí và sự khôn ngoan của bản thân. Họ tin rằng, khi có những điều ấy, họ sẽ nắm giữ tất cả. Đây chính là con đường mà thế gian và những ai đi theo thế gian đang đeo đuổi. Tuy nhiên, đối với Chúa Giêsu, Ngài lại bày tỏ một vinh quang khác, vượt lên trên những gì mà con người vẫn thường tìm kiếm. Con đường vinh quang đòi hỏi một tình yêu tự hiến. Ngài mời gọi các môn đệ đón nhận thập giá như cách thế để đạt tới vinh quang đích thực như chính Ngài đã sống. Cụ thể, khi Giuđa ra đi để thực hiện việc phản bội, Ngài không than trách, trái lại, Người nói: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người” (Ga 13,31). Đây là chân lý mà Chúa Giêsu muốn dạy cho các môn đệ, rằng: chính khi chấp nhận sự hy sinh vì tình yêu, Chúa Giêsu đã thể hiện cách trọn vẹn nhất vinh quang cũng như tình yêu cứu độ của Thiên Chúa.
- Thập giá - vinh quang của tình yêu cứu độ
Thập giá, trong cái nhìn của thế gian, là biểu tượng của đau khổ và thất bại, nhưng trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, lại là đỉnh cao của tình yêu tự hiến. Chính trên thập giá, Đức Giêsu đã bày tỏ vinh quang của Ngài, một vinh quang không đến từ quyền lực, nhưng đến từ tình yêu trao ban đến cùng.
Thật vậy, khi chịu đóng đinh trên thập giá, Đức Giêsu không bị ép buộc, Ngài tự nguyện hiến dâng mạng sống để cứu độ nhân loại. Ngài hiến dâng trọn vẹn chính mình, và không giữ lại bất cứ điều gì cho mình. Ngài “yêu thương đến cùng” (x. Ga 13,1), yêu không giới hạn, dù bị phản bội, chịu sỉ nhục, đau khổ và cả cái chết để con người được sống, được hoà giải với Chúa Cha: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Khi ở trên thập giá, Đức Giêsu không chỉ chịu đau đớn về thể xác, mà còn chịu đau đớn về cả tinh thần: Ngài chịu sự cô đơn, chối bỏ của mọi người. Nhưng thay vì oán trách, Ngài lại yêu thương, tha thứ cho tất cả những kẻ gây ra đau đớn cho mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34)[1]. Chính trong sự tha thứ và hiến dâng trọn vẹn ấy, thập giá trở thành biểu tượng của vinh quang cứu độ, của tình yêu chiến thắng hận thù và sự chết. Nơi thập giá của Đức Giêsu - Vinh quang không phải là vinh quang nhất thời, nhưng là vinh quang vĩnh cửu, phát xuất từ tình yêu cứu độ. Ngài đến để thi hành ý muốn của Chúa Cha, để cứu độ nhân loại bằng con đường thập giá.
Chiêm ngắm Đức Giêsu trên thập giá, người môn đệ theo Chúa được mời gọi đi và theo Chúa trên con đường của tình yêu thập giá, để sống trọn vẹn cho Chúa và tha nhân. Thật vậy, đó là con đường của sự từ bỏ, không bám víu vào của cải, danh vọng, lợi lộc tiền tài và cả ý riêng; để chỉ sống theo Thánh ý Thiên Chúa nhờ lòng vâng phục tuyệt đối. Nhưng để từ bỏ mình sống trọn vẹn theo thánh ý Chúa không phải là điều dễ. Vì hành trình theo Chúa là một hành trình vác thập giá mỗi ngày[2]. Có những lúc mệt mỏi, cô đơn, thử thách xảy đến, hay những hy sinh thầm lặng; thậm chí còn bị hiểu lầm, đau khổ làm người môn đệ mệt mỏi, muốn chùn bước và bỏ cuộc. Nhưng chính trong những thử thách đó người môn đệ được thông phần vào trong mầu nhiệm thập giá của Đức Kitô, được bước vào vinh quang của Ngài[3]. Họ không còn sống cho chính mình nhưng là sống cho Chúa và tha nhân, sống yêu thương, phục vụ, hy sinh mà không cầu lợi, không mong đáp đền. - Người môn đệ làm chứng yêu thương.
Sau khi, Chúa Giêsu chỉ cho các môn đệ con đường đạt tới vinh quang phải qua thập giá, Chúa Giêsu tiếp tục dạy các môn đệ một giới răn mới: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Đây không chỉ là một giới răn, nhưng còn là điều giúp mọi người nhận biết sự hiện diện của Chúa qua đời sống của các môn đệ.
Thật vậy, các môn đệ của Chúa là những người sẽ thay Chúa ở trần gian này sống chứng tá Tin Mừng. Bởi đó, sự hiện diện của các môn đệ sẽ phần nào giúp cho muôn dân nhận biết được sự trao ban, sự hy sinh, tha thứ, và đặc biệt nhận biết tình yêu thương của Chúa. Điều này được thể hiện ngay trong đời sống cộng đoàn: dù mỗi người mỗi vẻ, mỗi người mỗi tính nhưng vâng lời Thầy Giêsu họ sống yêu thương, cùng nhau chia sẻ những vui buồn, khổ đau, giúp nhau thăng tiến trong mọi đời sống. Chính sự hợp nhất và yêu thương này là một chứng tá sống động, và mạnh mẽ nhất giữa lòng thế giới. Tuy nhiên, đời sống cộng đoàn không phải lúc nào cũng tốt đẹp, đôi lúc những khác biệt trong tính cách, quan điểm, hay hoàn cảnh sống dẫn đến xung khắc và bất đồng. Tuy vậy, người môn đệ Chúa không vì thế mà loại trừ nhau, sống tách biệt, riêng lẻ, nhưng là sống nhẫn nại, bao dung và tha thứ cho nhau.
Sống chứng tá yêu thương không chỉ được giới hạn trong đời sống cộng đoàn, mà còn phải được lan toả khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là đến với những người nghèo khổ, bị gạt ra bên ngoài của xã hội. Chúng ta có thể thấy Mẹ Têrêsa Calcutta đã làm được điều đó, cả cuộc đời của mẹ đã sống trọn giới răn yêu thương, phục vụ của Chúa. Mẹ ân cần chăm sóc những người đau yếu, nâng đỡ những người sống bên lề của xã hội, trao ban tình yêu của Chúa cho những người cùng khổ nhất. Mẹ nói: “Không phải tất cả chúng ta đều làm được những điều vĩ đại, nhưng chúng ta có thể làm những điều nhỏ nhặt với tình yêu vĩ đại”. Câu nói của mẹ cũng là lời mời gọi cho những người môn đệ theo Chúa, người môn đệ không cần phải làm những việc vĩ đại mới làm chứng cho Chúa nhưng hãy làm những việc với trái tim đong đầy tình yêu thương của Chúa.
Lạy Chúa! qua cái chết và sự phục sinh của Ngài chúng con biết rằng vinh quang đích thực không nằm ở danh vọng trần gian, nhưng nằm ở tình yêu tự hiến. Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết can đảm tìm vinh quang trên thập giá Chúa, để qua đó chúng con sẽ trở thành những chứng tá sống động loan truyền tình yêu cứu độ của Chúa đến cho mọi người chúng con gặp gỡ trên đường đời này. Amen.
Lớp Học Viện K6