Thứ tư, 11/12/2024

Suy Niệm Chúa Nhật 29 TNB - Lễ Khánh  Nhật Truyền Giáo

Cập nhật lúc 16:20 18/10/2024
LOAN BÁO TIN MỪNG TRONG THẾ GIỚI HÔM NAY
Mt 28,16-20
 
Hôm nay Chúa nhật XXIX Thường niên, Hội Thánh dành riêng để cầu nguyện cho công cuộc loan báo Tin mừng.  Bởi vì Truyền giáo chính là bản chất của Hội Thánh. Sứ mạng loan báo Tin Mừng cho muôn dân là sứ mạng  ưu tiên hàng đầu của Hội Thánh. Đồng thời sứ mạng đó cũng là bổn phận, trách nhiệm mà mỗi thành phần trong Hội Thánh được mời gọi thực thi trong đời sống hàng ngày của  mình.
Trong trình thuật Tin mừng lễ Khánh nhật truyền giáo hôm nay, Chúa Giêsu Phục Sinh hẹn các Tông đồ đến một ngọn núi tại miền Ga-li-lê. Tại đây, sau khi tuyên bố rằng Ngài đã được Chúa Cha trao toàn quyền trên trời dưới đất, Chúa  Giêsu đã chỉ thị cho các Tông đồ: “ Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế. ” (Mt 28,19-20). Đây chính là lệnh truyền Chúa Giêsu đã gửi trao đến các môn đệ của Chúa trước khi Chúa Giêsu lên Trời.
Chúa Giêsu xuống trần gian để đem ơn giải thoát, cứu độ đến cho nhân loại. Đọc lại các trang Tin mừng cho  thấy Chúa luôn  lên đường,  Ngài đã  rong ruổi đi khắp các làng mạc nước Palestin để đem tình thương và Tin mừng của Chúa đến cho mọi người, Ngài không phân biệt hay loại trừ ai. Ai tin và đón nhận Tin Mừng của Ngài đều được sống bình an, hạnh phúc và  được hưởng ơn cứu độ.Trên hành trình đi rao giảng Tin mừng, Chúa Giêsu ưu tiên để ý đến những người nghèo,những người bị gạt ra bên lễ Xã hội, những  người tội lỗi, người dân ngoại  và những người ốm đau, bệnh tật. Suốt cuộc  đời dương thế, Chúa Giêsu đã sống gần gũi, cảm thông, chia sẻ, nâng đỡ, ủi an, chữa lành. Chúa Giêsu đến với họ, cho họ thấy  và cảm nghiệm được tình yêu thương của Ngài dành cho họ, và tình thương đó là một tình yêu vô điều kiện, không biên giới. Cũng chính vì tình yêu đó mà Chúa Giêsu đã sẵn sàng tự nguyện hy sinh mạng sống,  chết trên thập giá  và cái chết của Ngài đã giao hoà Trời với đất,  giao hoà con người với Thiên Chúa, đem lại sự giải thoát, ơn cứu độ cho nhân loại. Chúa Giêsu hiến thân đến tột cùng vì tình yêu. Chính sự hiến thân trên thánh giá mà Ngài đã làm vinh danh Chúa Cha, và chính Người cũng được tôn vinh. Sau khi Phục sinh, Chúa Giêsu lên Trời, Ngài đã trao cho các môn đệ nhiệm vụ trọng đại: “Hãy đi rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”. Đó là lệnh truyền Chúa trao tới những người  môn đệ thân tín để các ngài  tiếp nối sứ vụ  rao giảng Tin mừng của Ngài. Với lệnh truyền đó, các môn đệ đã hăng say ra đi thi hành theo gương Thầy Chí Thánh của mình bằng lời nói và đời sống chứng tá, các ngài đem Tin mừng của Chúa đến cho mọi nơi, mọi người. Và cuối cùng để làm chứng cho Chúa, các ngài sẵn sàng hy sinh mạng sống làm cho Lời  Chúa sinh hoa kết quả dồi dào. Nhờ đó Tin Mừng của Chúa đã lan rộng ra khắp nơi trên thế giới. Trải dài suốt dòng lịch sử của HộiThánh , đã có biết bao nhiêu những con người đã tiếp nối sứ mạng loan báo Tin Mừng, sẵn sàng ra đi một cách hăng say không biết mệt mỏi, luôn trung thành cho dù gặp bao khó khăn, thử  thách gian nan, sẵn sàng hy sinh mạng sống để minh chứng cho đức tin để làm cho muôn dân nhận biết và đón nhận được Tin Mừng của Chúa.
Ngày nay Chúa cũng mời gọi mỗi người Kitô hữu ra đi đến những vùng ngoại biên, hãy bước ra khỏi chính mình, ra khỏi sự lười biếng, ích kỷ, nhút nhát để đem Tin Mừng đến với mọi người. Chúng ta được mời gọi ra khỏi vùng an toàn của mình, biết mở lòng ra với  mọi người. Chúng ta không chỉ đến với những người mà chúng ta quen biết hay chỉ những người có thiện cảm với mình, nhưng chúng ta sẵn sàng ra đi đến với mọi người, đặc biệt những người đang gặp khó khăn, đau khổ, bệnh tật, những người cô thế, cô thân, những người bị gạt ra bên lề Xã hội, những người bị bỏ rơi, những người khô khan nguội lạnh, những người chưa nhận biết Chúa để thắp lên nơi họ niềm hy vọng, tin yêu, cho họ cảm nghiệm được tình Chúa, tình người qua lời nói và đời sống chúng ta. Nhờ đó Tin Mừng của Chúa sẽ được loan báo đến với những nơi, những người chưa được nghe biết về Chúa.
Lạy Chúa, chúng con là  những  người Kitô hữu, là người môn đệ của Chúa, Chúa luôn mời gọi chúng con ra đi đem Tin Mừng của Chúa đến cho mọi người. Nhưng nhiều khi trong cuộc sống hàng ngày chúng con chưa ý thức được nhiệm vụ Chúa trao, chúng con còn lơ là, chểnh mảng, thờ ơ trong công cuộc loan báo Tin Mừng, nhiều khi thay vì trở nên nhân chứng của Chúa, chúng con lại trở thành phản chứng khi chúng con sống ngược lại với thánh ý của Chúa, sống trong sự ghen ghét, hận thù, thiếu sự tôn trọng, bác ái với tha nhân.  Xin ban cho chúng con sức mạnh, lòng can đảm, và sự khôn ngoan cần thiết để chúng con thực hiện được sứ mệnh của mình. Và cùng với ơn Chúa, chúng con sẽ dễ dàng vượt qua  được mọi giới hạn cũng như những khó khăn, thử thách để mang Tin Mừng đến cho mọi người, mọi nơi. Ước gì mỗi ngày cuộc sống của chúng con thấm nhuần  tinh thần  của Chúa để trở nên chứng nhân sống động, đem tình yêu, Tin Mừng  của Chúa đến với mọi người trong thế giới hôm nay.
Điểm mục vụ Văn Bàn
 
=========================
 
CHIẾC GHẾ
(Mc 10, 35-45)
 
Khi nói đến chiếc ghế hẳn chúng ta nghĩ ngay đến công dụng của nó là dùng để ngồi. Tuy mọi chiếc ghế đều có công dụng chung là như vậy nhưng nếu đặt để những vị trí khác nhau thì nó lại mang một ý nghĩa khác. Trong một bữa tiệc thường hàng ghế danh dự phía trên là của những người làm “to”, hay đơn thuần trong những bữa ăn của nội tộc họ hàng cũng có những chiếc ghế dành cho những người già – những bậc đáng kính và những người có tiếng nói trong dòng họ. Vì thế, khi nói đến “ghế” chúng ta không chỉ nghĩ đến công dụng là để ngồi những nó còn hàm chứa bên trong một ý nghĩ sâu xa đó là địa vị, chức vụ hay quyền lực. Chính vì thế, bình thường người ta ai cũng thích “ghế” và các môn đệ của Chúa Giêsu cũng không nằm ngoài sở thích đó: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang” (Mc 10,37).
Cùng trên một hành trình lên Giêrusalem nhưng tần số giữa Thầy và trò lại chênh lệch nhau. Đang khi Thầy tiên báo cho các ông đến lần thứ ba về cuộc khổ nạn Thầy sắp phải chịu, Thầy bộc bạch cho các ông nỗi buồn và lo lắng về những gì Thầy sắp chịu hầu mong các ông hiểu. Nhưng các ông lại chậm hiểu và cũng chẳng đoái hoài gì về những cảm xúc của Thầy, lúc này tâm hồn các ông chỉ bận tâm đến câu chuyện về chiếc ghế và chỗ ngồi. Các ông chưa hiểu việc Thầy lên Giêrusalem là để chịu đau khổ chứ không phải là tìm vinh quanh nơi trần thế, Chính vì suy nghĩ như vậy, hai anh em Giacôbê và Gioan đã can đảm nói lên ước muốn của mình với Thầy: “Xin cho chúng con một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy” (Mc 10,37). Được xem là thân tín với Chúa Giêsu, thế mà hai ông vẫn không hiểu được con đường của Chúa đi và Vinh quang của Nước Ngài ở đâu. Huống gì trách làm sao được các môn đệ còn lại kia! Vì thế đã gây ra sự tranh chấp giữa các môn đệ về quyền bính, về vai trò của người lãnh đạo.
Giacôbê và Gioan, các ông đã không biết điều các ông xin là con đường xa lạ đối với con đường Thầy sắp đi và điều các ông mơ ước là điều Thầy sắp phải cự tuyệt và từ bỏ: quyền lực, tiếng tăm, danh vọng… Tâm trạng của Thầy buồn đến mức nào khi các đồ đệ của mình không hiểu mình, theo Thầy nhưng trong lòng còn quá nhiều sự cồng kềnh, tính toán và mang nặng tinh thần thế tục. Nhân cơ hội đó,  Chúa đã dạy cho các ông bài học về người làm đầu trong Giáo hội “Giữa anh em thì không được vậy” anh em không được theo thói đời, nhưng là ngược lại: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 10, 35) và tâm gương lớn nhất Thầy để lại cho các môn đệ đó chính là cuộc sống cung cách và hành động của Người: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45). Con đường Chúa đi là con đường khổ nạn và là cái chết đau thương trên thập giá. Uy quyền của Ngài là để phục vụ và phục vụ cho đến chết. Suốt đời của Ngài đã sống như một người phục vụ. Và giờ đây, cái chết của Ngài chính là một việc phục vụ cao nhất. Có thể nói việc hiến dâng mạng sống làm giá chuộc cho muôn người là bằng chứng của việc làm đầy tớ. Tác giả thư Do Thái triển khai việc làm đầy tớ qua hình ảnh vị Thượng Tế biết “cảm thương” nỗi yếu hèn của nhân loại (x.Dt 4,13). Ngôn sứ Isaia lại tiên báo việc làm đầy tớ bằng hình ảnh người tôi tớ trung thành chịu đau khổ để gánh lấy hậu quả tội lỗi con người (x.Is 53,10-11). Thực vậy, chiếc ghế dù ở vị trí nào đi chăng nữa cũng không quan trọng cho bằng thái độ và cung cách của người ngồi trên chiếc ghế đó. Tìm cách có ghế, giữ ghế hay tìm cách lên một chiếc ghế cao hơn đó vẫn là điều khiến nhiều người vất vả và đó cũng là điều khiến thế giới loạn lạc và xung đột. Nhìn vào xã hội hôm nay, một xã hội đề cao danh vọng và quyền lực. Con người cố gắng cạnh tranh dành giật nhau để có được những chiếc ghế bành chướng, họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì thậm trí là hủy diệt nhau để có quyền thống trị.
Trước thực trạng đó của xã hội thì hơn bao giờ hết lời Chúa Giêsu nói hôm nay vẫn luôn mời gọi con cái mình “còn anh em thì không được như vậy, ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. Vậy mỗi người chúng ta có suy nghĩ gì trước lời mời đó của Chúa? Chúng ta có đang cố gắng tìm cho mình những chiếc ghế nào không? Chiếc ghế của chúng ta đang ở vị trí nào? Thái độ cũng như cung cách chúng ta ngồi trên chiếc ghế đó như thế nào? Với vị trí của chúng ta chúng ta đã thực sự phục vụ người khác như cách Chúa muốn chưa hay chúng ta chỉ mới biết “phục vụ” theo cách của mình?
Là những người nữ tu sống theo linh đạo Thánh Giá, mỗi ngày chúng ta được Chúa mời gọi kết hợp với Chúa qua những đâu khổ hy sinh hàng ngày để cầu nguyện cho tội nhân và các linh hồn, nhưng chúng ta đã thực sự ra khỏi mình chưa? tuy chúng ta không tìm cho mình những chiếc ghế cao hơn những chúng ta lại cố bán vúi vào sự an nhàn trên chiếc ghế an toàn, chúng ta sợ thay đổi và sợ chọn phải những chiếc ghế cập kênh hay không mấy an toàn – đó là những lúc phải thay đổi về môi trường sống và sứ vụ. Chúng ta đang cùng Chúa đi trên một con đường những chúng ta cũng chẳng khác gì môn đệ xưa, chúng ta cũng đang đi lệch với tần số của Chúa, bởi chúng ta vẫn còn sống chểnh mảng với những điều chúng ta đã đoan hứa và những lời mà Chúa mời gọi chúng ta sống mỗi ngày qua Lời Chúa dạy. Tâm hồn chúng ta thay vì suy niệm lời Chúa và dốc lòng làm những hy sinh để kết hiệp với Chúa thì trong chúng ta lại chồng chất những bận bựu, toan tính và ích kỷ.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dùng chính cái chết trên thập giá để làm gương cho chúng con về tinh thần phục vụ và cho chúng con hiểu rằng quyền bính hay tước vị chỉ là phương tiện để giúp chúng con phục vụ người khác chứ không phải là để chúng con bắt người khác phải phục vụ cho mình. Xin cho chúng luôn hiểu các xác tín rằng chỉ có con đường thập giá mới đem lại cho chúng con niềm vui và bình an đích thực. Xin cho chúng con trong vị trí và vai trò của mình biết tận dụng hết những khả năng Chúa ban để yêu thương, trao ban và phục vụ người khác. Với sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô cho ngày thế giới truyền giáo 2024 “Hãy đi ra và mời gọi tất cả mọi người vào tiệc cưới” Xin cho mỗi chúng con biết rời bỏ chiếc ghế an toàn để đến với những nơi “nước sâu” những vùng “ngoại biên” đầy bất chấp và nguy hiểm để đem Tin Mừng cứu độ của Chúa đến với tất cả mọi người là mời gọi mọi người đến dự bàn tiệc Thiên Quốc. Xin Chúa ban ơn Chúa Thánh Thần xuống trên chúng con, để chúng con có sức mạnh làm chứng bằng lời nói, hành động và cuộc sống đời thường, bằng những cố gắng vươn lên không ngừng, bằng niềm vui, tiếng hát, tiếng cười, bằng sự liên đới với mọi người, đặc biệt là những người nghèo, bằng sự dấn thân giúp đỡ và phục vụ những người đói khổ cần đến chúng con. Amen.
                                                       Maria
 

===================
 
THAM VỌNG
 
Quyền lực, danh vọng hay “Ghế ngồi” luôn là một điều gì đó có sức hút đối với tất cả mọi người ở mọi thời đại. Nói theo ngôn ngữ bình dân thì đó là ước muốn “xôi thịt”, muốn được “ăn trên ngồi chốc”, uốn được làm ông nọ bà kia, được mọi người đề cao và kính trọng. Bởi thế, người ta cố gắng làm sao để nắm trong tay thật nhiều quyền lực. Các môn đệ của Chúa Giê-su cũng không nằm ngoài những ước muốn đó. Thế nên khi Chúa loan báo về cuộc khổ nạn Gia-cô-bê và Gio-an đã mạnh dạn thỉnh cầu với Chúa Giê-su rằng: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang” (Mc 10,37).
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại lời tiên báo của Chúa Giê-su lần thứ ba về cuộc Thương khó mà người sắp phải chịu: “Này chúng ta lên Giê-ru-sa-lem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người. Ba ngày sau, Người sẽ sống lại” (Mc 10,33-34). Những lời loan báo của Người đã rất rõ ràng và cụ thể, Người đã tỏ cho các môn đệ tương lai đau khổ và bi thảm mà Người sắp trải qua, thế nhưng các môn đệ lại không có bất kỳ một phản ứng nào trước lời loan báo ấy. Trái lại, lời loan báo ấy lại khơi lên trong lòng các môn đệ một tham vọng về ánh vinh quang đang chờ đợi Chúa Giê-su và các ông ở Giê-ru-sa-lem. Ở nơi đó Đức Giê-su sẽ khôi phục vương quốc Israel trần thế, vương quốc có vô vàn quân lính và thật nhiều của cải và các ông sẽ được “Ngồi mát ăn bát vàng”. Chính vì suy nghĩ như vậy, nên hai người con ông Dê-bê-đê đã nhanh chóng tận dụng mọi cơ hội để chọn cho mình một chỗ danh dự trong Vương quốc mới mà Chúa Giê-su sắp thành lập. Hai ông đã tự tách mình ra khỏi nhóm mười hai và đến với Chúa Giê-su để nói lên ước nguyện của mình: “Xin cho chúng con một người ngồi bên hữu, mộ   t người ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy” (Mc 10,37).
Qua hành động trên cho chúng ta thấy, đối với hai ông, đây là một điều hết sức quan trọng, đã được ấp ủ từ rất lâu trong cõi lòng của hai ông. Bên cạnh đó thì hai môn đệ này cũng ý thức được điều mà các ông xin với Chúa Giê-su là hết sức tế nhị. Và quả thật, điều hai môn đệ “muốn” ở đây lại hoàn toàn khác xa với ý định của Chúa Giê-su: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9, 35). Điều mà Chúa Giêsu “muốn” là các môn đệ ở gần Người, mà để ở gần được Người thì phải trở thành người rốt hết và là người phục vụ mọi người. Bởi vì chính Chúa Giê-su là một Thiên Chúa mà Người đã tự nguyện đi bước trước và nêu gương cho các môn đệ trong việc phục vụ con người, thánh Phao-lô tông đồ trong thư gửi tín hữu Phi-líp-phê đã khẳng định điều này: “Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.  Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 6-8)). Ở đây hai môn đệ cũng “muốn” nhưng điều hai ông “muốn” lại không phải là điều Chúa mong muốn và chờ đợi nơi các môn đệ. Hai ông “muốn” được người ta kính trọng, được người ta phục vụ trong vinh quang trần thế. Còn Chúa Giê-su thì lại muốn các môn đệ phải là những người sẵn sàng phục vụ và chia sẻ với tha nhân cách vô vị lợi. Từ đó đã tạo nên một sự đối nghịch giữa điều mà Chúa Giê-su “muốn” với điều mà các môn đệ “muốn”. Và một điều chắc chắn rằng tham vọng của hai môn đệ cũng là tham vọng chung của cả nhóm tông đồ, chẳng vậy mà các ông thấy khó chịu khi thấy các Gia-cô-bê và Gio-an “khôn lỏi” nói lên khát vọng của hai ông: “Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Gia-cô-bê và ông Gio-an” (Mc 10, 41). Trước tham vọng của các môn đệ, Chúa Giê-su đã dạy cho họ một bài học về cuộc đời của người môn đệ đi theo Chúa. Đó là “Uống Chén Đắng” hay nói cách khác là một đời sống hy sinh và phục vụ, sẵn sàng trở nên tôi tớ của mọi người. Vì “Con Người đến không phải là để được phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45).
Chắc hẳn tham vọng này không chỉ dừng lại nơi các môn đệ khi xưa, mà cũng là mong muốn của tất cả chúng ta, những người môn đệ đang bước đi theo Chúa trong hiện tại. Chúng ta phải thực sự nhìn nhận rằng, trong cuộc sống hàng ngày dù nhiều hay ít, thì ai trong chúng ta cũng đã hơn một lần có suy nghĩ và mong muốn: được sống nhàn rỗi, thích những công việc nhẹ nhàng, thích được người khác kính trọng. Vì thế chúng ta hay muốn là người chỉ đạo người khác mà không muốn bị người khác sai khiến, chúng ta ngại khó, sợ khổ, ngại hy sinh và từ bỏ…. Sợ phải dấn thân, sợ đối diện với khó khăn và đau khổ, nhất là những khó khăn trong hành trình sứ vụ.
 Hôm nay, chính Chúa Giê-su cũng đang nói với mỗi người chúng ta: “Các con có uống nổi chén đắng Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?”. Trước câu hỏi của Chúa, bạn và tôi, chúng ta đáp trả như thế nào? Phải chăng chúng ta sợ mà bỏ cuộc, tháo lui hay cũng như các môn đệ xưa, chúng ta thưa “uống được”, nhưng lại chẳng hiểu điều mình nói có ý nghĩa gì. Chúa muốn chúng ta trả lời bằng chính đời sống của mình với một thái độ sẵn sàng và mau mắn, đó là đón nhận mọi khó khăn, đau khổ trong hành trình sứ vụ, sẵn sàng “đi ra” khỏi vùng “an toàn” của mình để đến với những vùng “ngoại biên”, ra chỗ “nước sâu” mà thả lưới bắt cá. Dù chúng ta biết rằng trên hành trình ấy chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn và có thể phải hy sinh cả mạng sống.
Như vậy, quyền bính hay tước vị là phương tiện để giúp chúng ta phục vụ người khác, chứ không phải là để chúng ta bắt người khác phải phục vụ cho mình. Đặc biệt trong ngày Khánh Nhật Truyền giáo hôm nay, một lần nữa Chúa mời gọi chúng ta tự vấn về thái độ của mình trong hành trình theo Chúa và phục vụ tha nhân. Chúng ta có sẵn sàng trở thành tôi tớ của mọi người mà Chúa trao phó cho chúng ta những người mà chúng ta gặp gỡ mỗi ngày, có trở nên men, muối và ánh sáng để cho mọi người nhìn vào đời sống và thái độ phục vụ của chúng ta mà nhận ra sự hiện diện của Chúa? Hay đời sống của chúng ta lại làm cho người khác xa rời Chúa và Giáo hội vì thái độ “ăn trên ngồi chốc” của chúng ta?
Lạy Chúa! điều Chúa muốn và điều chúng con muốn nhiều khi quá khác nhau, chúng con cứ tưởng rằng chúng con đang sống cho Chúa và phục vụ anh chị em, nhưng thực ra chúng con chỉ sống cho riêng mình với những ước muốn được bình an và ổn định, được quý mến và tôn trọng. Xin Cho chúng con biết can đảm và sẵn sàng để bước vào hành trình của người môn đệ bước theo Chúa, với một tâm thế của một người phục vụ mọi người và trở thành tôi tớ của mọi người, để qua đời sống của chúng con, mọi người sẽ nhận ra sự hiện diện và tình yêu của Chúa cho nhân loại. Amen.
Cộng Đoàn Mến Thánh Giá Hà Thạch
 
 
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log