Thứ bảy, 07/09/2024

Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật - Kính Mình Và Máu Chúa Kitô Năm A (Ga 6,51-58)

Cập nhật lúc 08:30 09/06/2023


THÁNH THỂ - MẦU NHIỆM HIỆP THÔNG   


Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời”(Ga 6, 51).
Đức Giêsu khẳng định rõ: “Tôi là bánh hằng sống” (Ga 6, 48). Cách nói “Tôi là” là để khẳng định chủ quyền không ai có thể thay thế. Đây cũng là cách nói liên kết với danh xưng của Thiên Chúa “Ta là Đấng Hằng Hữu” (x. Xh 3, 14). Đức Giêsu muốn công bố Ngài và Thiên Chúa là một và Đức Giêsu cũng là chủ quyền thông ban sự sống của Thiên Chúa “để ai tin thì được hưởng sự sống đời đời” (Ga 6, 47). Như thế, khi Đức Giêsu khẳng định “Tôi là bánh hằng sống”, thì đó cũng là lúc Đức Giêsu nhấn mạnh chính Ngài là lương thực đem lại sự sống đời đời, để hết thảy những ai đón nhận Ngài, thì đều được hiệp thông với Thiên Chúa và với tha nhân. 

1. Hiệp Thông với Thiên Chúa
Bánh hằng sống mà Chúa Giêsu muốn nói đến chính là hình ảnh tiên báo về Bánh Thánh Thể, Bánh ban sự sống đời đời. Bí tích Thánh Thể đã trở nên hiện thân của Chúa Kitô cách thực sự và tròn đầy trong cái chết và sự phục sinh của Ngài. Ai đón nhận bí tích Thánh Thể là đón nhận lương thực hằng sống và được hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa. Thật vậy, Hội Thánh luôn tuyên xưng và cầu nguyện rằng: “Chúng con cúi xin Cha cho Thánh Thần liên kết chúng con nên một khi chúng con dự tiệc Mình và Máu Đức Kitô” (Kinh Tạ Ơn II). Hay: “Và khi chúng con được Mình và Máu Con Cha bổ dưỡng, được đầy tràn Thánh Thần của Người, xin cho chúng con trở nên một thân thể và một tinh thần trong Đức Kitô” (Kinh Tạ Ơn III). Chính Chúa Kitô đã từng nói: “Ai ăn Thịt Tôi và uống Máu Tôi thì ở trong Tôi và Tôi ở trong kẻ ấy” (Ga 6,56). Động từ “ở trong” mà Chúa nói, diễn tả mạnh mẽ ơn hiệp thông.
Như thế, nhờ tham dự vào Bí Tích Thánh Thể, chúng ta sẽ được hiệp thông trọn vẹn với Thiên Chúa. Tuy nhiên, để có thể duy trì và củng cố sự hiệp thông ấy, chúng ta lại được mời gọi không ngừng cầu nguyện, hi sinh, hãm mình và chuyên cần làm việc bác ái.

2. Hiệp Thông với nhau
Khi tham dự vào bí tích Thánh Thể, chúng ta không chỉ hiệp thông với Chúa mà còn hiệp thông với nhau vì trong Đức Kito mỗi người chúng ta là chi thể của Ngài. Cũng như lời thánh Phaolô đã từng nói: “Tất cả chúng ta tuy nhiều nhưng cùng chia sẻ một tấm bánh, vì thế chúng ta làm nên một thân mình” (1Cr 10,17-19). Đồng thời trong Đức Kito chúng ta cùng với Ngài gọi Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh chị em. Tuy nhiên, hơn ai hết, chính Chúa Giêsu là Đấng hiểu rõ sự giằng co giữa ranh giới của hiệp thông và chia rẽ. Vì thế, nơi bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu ban tặng cho ta tình yêu và sức mạnh để vượt qua ranh giới của sự hận thù. Tình yêu và sức mạnh ấy bắt nguồn từ thập giá, đúng như lời thánh Phaolô đã nói trong thư gửi tín hữu Êphêxô rằng: “Nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hòa giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên thập giá, Người đã tiêu diệt và phá đổ sự thù ghét” (Ep 2,16).
Như thế, bí tích Thánh Thể không chỉ đem lại cho chúng ta sự sống đời đời, mà còn thông ban cho chúng ta sức mạnh, giúp chúng ta vượt lên sự ích kỉ của bản thân, khiến chúng ta có thể nói như thánh Phaolô: “Từ nay tôi sống, nhưng không phải là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2, 20).
Lạy Chúa, ngoài sống vui sống khỏe, chúng con còn khát khao đạt tới sự sống đời đời. Xin Chúa ban thêm lòng tin và lòng mến cho chúng con, để mỗi ngày chúng con siêng năng viếng Thánh Thể, nơi Chúa Kitô đã hiến dâng thân mình làm của ăn đem lại sự sống đời đời cho chúng con. Nhờ đó chúng con cũng biết hi sinh chính mình cho tha nhân. Amen.
 
Cộng Đoàn Mến Thánh Giá Mai Sơn
 


YÊU LÀ CHO ĐI TẤT CẢ
 
Tình yêu luôn là chủ đề muôn thuở. Chúng có thể là tình yêu giữa nam và nữ, cũng có thể là tình yêu giữa cha mẹ với con cái, cũng có thể là tình yêu thiên nhiên, tình yêu quê hương đất nước, con người… Mỗi kiểu tình yêu là một cảm xúc, một rung động đặc biệt, rất riêng trong trái tim của mỗi con người. Nhưng cho dù những tình yêu ấy có mãnh liệt đến đâu, có lớn đến cỡ nào, thì tất cả những tình yêu ấy vẫn chỉ mang một giá trị hết sức tương đối, tình yêu của con người. Còn có một thứ tình yêu nữa trổi vượt trên hết mọi thứ tình yêu mà ít ai trong chúng ta quan tâm hay để ý đến, nhưng nó vẫn có đó luôn tồn tại và mang một giá trị cao cả tuyệt đối, đó chính là tình yêu Thiên Chúa, tình yêu của Đấng Tạo Hóa dành tặng cho con người.
Tình yêu ấy được thánh Gioan tông đồ diễn tả: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi…” (Ga 3,16). “yêu đến nỗi”, tức là yêu đến mức không thể diễn tả bằng lời, không có gì có thể so sánh, một tình yêu không ranh giới, không giới hạn, không thể cân đong đo đếm được.
Vì yêu, “Thiên Chúa đã sai Con Một yêu dấu của Người là Đức Giêsu đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3,17). Đức Giêsu chính là hiện thân của Thiên Chúa tình yêu, nơi Người diễn tả cách đầy đủ và trọn vẹn nhất tình yêu mà Thiên Chúa Cha muốn dành tặng cho nhân loại.
Khi xuống thế làm người, Người chấp nhận trút bỏ địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, vinh quang danh dự uy quyền, mặc lấy thân nô lệ trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết chết trên cây thập tự (Pl 2,1-11). Vì yêu, Người chấp nhận hạ mình, chấp nhận hủy mình ra không, từ một vị Thiên Chúa cao cả quyền năng mặc lấy thân phận một kẻ tôi đòi, một người nô lệ thấp hèn, Người đã hạ mình đến mức không còn có thể hạ thấp hơn được nữa.
Chính Chúa Giêsu đã khẳng định: “không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình, chính anh em là bạn hữu của Thầy.” (Ga 15,9). Đức Giêsu – Đấng Tạo Hóa đã không ngần ngại gọi chúng ta, những thụ tạo nhỏ bé thấp hèn, là bạn hữu. Tình yêu nâng lên hàng bạn hữu, trân trọng, yêu thương, tha thứ, sẻ chia, chung phần. Người yêu chúng ta ngay khi chúng ta còn là những tội nhân, còn là những kẻ bất trung với Chúa, nhưng vì yêu, Ngài sẵn sàng chấp nhận hi sinh cả mạng sống, chấp nhận bước vào mầu nhiệm khổ nạn, gánh lấy tội lỗi chúng ta và rồi chết thay cho chúng ta để cho chúng ta được sống và sống dồi dào. Chúng ta có thể đã nghe hoặc đã từng chứng kiến người này người kia hi sinh điều này, điều nọ cho người thân yêu của họ. Hay chúng ta đã được biết câu chuyện trên truyền thông về vụ động đất tại Nhật Bản. Có hai mẹ con bị chôn vùi dưới đống đổ nát suốt mấy ngày, đứa con khát nước quá, để cứu sống con, người mẹ đã can đảm dùng mảnh vỡ cắt đầu ngón tay cho con bú những giọt máu của mình, với hi vọng con có thể sống sót. Thật vậy, thông thường chúng ta sẽ dễ dàng để yêu, dễ dàng để hi sinh cho người thân yêu của chúng ta hoặc cho người yêu thương mình, chứ ít ai đã dám hi sinh, dám chết thay cho kẻ thù, cho kẻ phản bội, bất trung với chúng ta. Nhưng Đức Giêsu - Thiên Chúa - Đấng Tạo Hóa - Đấng nhân hậu và giàu lòng thương xót đã làm điều đó. Người sẵn sàng yêu thương cả kẻ thù, sẵn sàng hi sinh tất cả, tự nguyện cho đi tất cả vì loài người chúng ta.
Đúng như lời Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng đã nói: “Tình yêu không có hi sinh là một tình yêu giả dối, hi sinh không có tình yêu là một hi sinh thừa”. Quả vậy, trong tình yêu thì sự hi sinh luôn là điều kiện cần phải có. Nếu chúng ta chỉ nói chúng ta yêu thương người này, yêu thương người kia thôi mà chúng ta lại không muốn hoặc chúng ta ngại ngần, né tránh khi phải hi sinh cho họ. Có thể là một chút thời gian, có thể là khả năng, có thể là sức khỏe, vật chất, hay một điều gì đó khi họ cần chúng ta, thì đó chưa hẳn đã phải là yêu. Ngược lại, nếu chúng ta chấp nhận hi sinh làm điều này điều kia cho một ai đó nhưng chúng ta lại làm chỉ vì phải làm, làm chỉ vì trách nhiệm, làm vì mục đích tư lợi, làm vì cả nể, vì sợ, hoặc vì một lý do nào khác…như thế thì sự hi sinh của chúng ta cũng chẳng có mấy giá trị và ý nghĩa.
Một tình yêu đích thực phải là một tình yêu vị tha và vô vị lợi, một tình yêu chân thành, thuần khiết, quảng đại cho đi mà không tính toán, không mong đáp đền. Một tình yêu hoàn toàn tự do, tự nguyện, sẵn sàng chấp nhận sự thiệt thòi, sự hi sinh mất mát về mình, thậm chí khi cần có thể hiến dâng cả mạng sống miễn sao cho người mình yêu được hạnh phúc.
Tình yêu hoàn hảo ấy chúng ta chỉ có thể gặp được nơi Đức Giêsu -Thiên Chúa Tình Yêu, bởi chính Người là khởi nguồn của tình yêu đích thực. Tình yêu của Người luôn cao sâu, rộng lớn, trải dài đến muôn ngàn thế hệ. Vì yêu thương chúng ta, Ngài không chỉ hi sinh gánh tội, chịu nạn chịu chết thay cho chúng ta. Nhưng đỉnh cao của tình yêu ấy, chính là việc Người tự hiến dùng chính thịt máu của mình làm lương thực, làm của ăn của uống nuôi dưỡng linh hồn chúng ta.
Hôm nay trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu đã khẳng định: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi ban tặng chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6,51). Cả cuộc đời dương thế, Chúa Giêsu đã không ngừng tự hiến hóa mình trở nên cơm bánh dưỡng nuôi loài người chúng ta.
Để trở nên cơm bánh, mỗi ngày Người đã phải hi sinh, chịu sự nghiền nát, nhào nặn, chịu bẻ ra để trao ban.  Đó là khi Người chấp nhận xuống thế làm người, chấp nhận sinh ra nơi hang lừa máng cỏ thấp hèn, sống kiếp con người lam lũ, vất vả, khổ đau, để cùng chung chia kiếp người với chúng ta, cho chúng ta được làm con Thiên Chúa.
-Người chịu nghiền nát, chịu bẻ ra, khi chấp nhận bị con người khinh chê rẻ ruối, bị vô vàn những sỉ nhục, bị vu khống, bị những cáo gian, và bị buộc tội.
-Người chịu nghiền nát, chịu bẻ ra, khi chấp nhận mang lấy những cực hình, những roi đòn, những thương tích cho chúng ta được chữa lành.
-Người chịu nghiền nát, chịu bẻ ra, khi chấp nhận hiến thân, chấp nhận đón lấy cái chết trong đau thương, tức tưởi, nhuốc nhơ, tủi hổ trên thập giá, để cho chúng ta được sống và sống muôn đời.
-Người chịu nghiền nát, chịu bẻ ra, khi chấp nhận xuống tận âm phủ để lôi kéo chúng ta lên tận cõi trời cao, trong vinh quang của Người.
Và hơn hết, trong Bí Tích Thánh Thể, Người đã hiến thân cách thực sự trọn vẹn, để ở lại và hiện diện đồng hành với chúng ta mọi ngày cho đến tận thế. Mỗi khi chúng ta tham dự thánh lễ, được rước Mình Máu Thánh Chúa, khi ấy chúng ta được kết hợp với Người. Người ở trong ta và ta ở trong Người, tuy hai mà một, tuy một mà hai, ta được kết hợp mật thiết nên một với Ngài cách mầu nhiệm đầy yêu thương. “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6, 56).
Chúa Giêsu vẫn tha thiết mời gọi chúng ta hãy ăn Người: “Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời” (Ga 6,51b). Bởi Người chính là bánh hằng sống, bánh trường sinh, là bánh lương thực được bẻ ra để trao ban, để nuôi sống. Thế nhưng, điều kiện để chúng ta có được sự sống đời đời đó là chúng ta phải tin, phải đón nhận và phải ăn bánh.
Người Do Thái, dân riêng của Thiên Chúa, họ coi máu là biểu hiện của sự sống, động đến máu là ô uế, là phạm luật cấm, con vật họ ăn họ cũng phải chọn tùy loại, cho nên khi nghe Đức Giêsu nói: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn và máu tôi thật là của uống” (Ga 6,54). Họ đã không chấp nhận được, họ cảm thấy ghê sợ, thấy chói tai, không muốn nghe, không đón nhận, vì họ hiểu lời ấy theo ý riêng, dựa vào sự hiểu biết và cái tôi cá nhân của họ. Họ vẫn tự hào mang danh là dân riêng của Thiên Chúa nhưng cuối cùng chính họ đánh mất đi sự sống đời đời, tự loại mình ra ngoài. Bởi sự kiêu căng, bảo thủ, cố chấp trong sự lầm lạc của mình, họ đã không tin, không nghe, không đón nhận, và không ăn bánh.
Còn mỗi người chúng ta thì sao? Mỗi ngày Chúa Giêsu vẫn tiếp tục đổ tràn tình yêu thương trên chúng ta. Người mời gọi chúng ta ăn bánh, là rước Mình Máu Thánh Người qua Thánh lễ, đón nhận Lời Người, lắng nghe tuân giữ các điều răn, các giáo huấn của Người. Qua Kinh Thánh, qua lời giảng dạy chia sẻ hướng dẫn của các vị đại diện của Người như các giám mục, linh mục, phó tế…chúng ta có thái độ nào, lắng nghe, đón nhận hay chúng ta bưng tai khước từ giống như những người Do Thái xưa? Lẽ thường, chúng ta chỉ thích nghe những điều chúng ta thích, những điều đúng hợp với ý muốn, với suy nghĩ của chúng ta. Ngược lại, những gì đụng chạm, những điều trái ý, những gì chúng ta không thích, không muốn thì chúng ta lại cảm thấy chói tai, không muốn nghe và không muốn đón nhận.
Thế nhưng, là các Kitô hữu, tức là người mang danh Đức Giêsu, là người con của Chúa, người có Chúa, có đức tin, chúng ta được mời gọi hướng lòng lên, để không chỉ sống với bản năng con người tự nhiên, nhưng là sống, suy nghĩ, và hành động cách tích cực hơn, vươn tới những giá trị siêu nhiên, giống như Đức Giêsu – người Thầy của mình. Nhưng có bao giờ chúng ta tự vấn lương tâm về đức tin và tình yêu của chúng ta? Tình yêu mà tôi dành cho Chúa ra sao? Đức tin của tôi lớn đến cỡ nào? Là con, là môn đệ, tôi đã hiểu Chúa, đã yêu mến, đã nên giống Chúa được bao nhiêu? Chúng ta hãy tha thiết cầu xin Chúa cho chúng ta có một tinh thần khiêm tốn thực sự để chúng ta biết Chúa, biết mình. Biết Chúa, để cảm được tình yêu thương vô bờ bến Chúa dành cho chúng ta. Biết mình, để biết hạ mình xuống, biết mở lòng mình ra để lắng nghe, để hiểu, để tin, để đón nhận, để yêu mến và để nên giống Chúa hơn. Chỉ khi chúng ta làm được như thế thì chính chúng ta mới có thể trở nên lương thực, trở nên cơm bánh bẻ ra trao ban cho những người thân yêu trong gia đình chúng ta, cho giáo xứ, giáo họ, cho hội đoàn, cho những người sống xung quanh chúng ta, cho những người chúng ta gặp gỡ, những người chúng ta phục vụ, những người chúng ta đang sống cùng sống với. Nhất là cho những người nhỏ bé thấp hèn, yếu đuối, bất hạnh, đang cần đến chúng ta, đang cần một bàn tay đưa ra để được nắm lấy. Ước chi mỗi người chúng ta luôn có tinh thần quảng đại sẵn sàng chấp nhận sự nghiền nát, nhào nặn, để trở nên tấm bánh trắng trong, tinh tuyền, thơm hương, trong bàn tay Chúa, đem tình yêu thương của Chúa, để sẻ chia, sưởi ấm trái tim của tất cả mọi người trong thế giới hôm nay.
                                                                                                                                                             Cộng Đoàn Mến Thánh Giá Nỗ Lực


MÌNH MÁU CHÚA
 
Đức Giêsu, Con Thiên Chúa xuống thế làm người đã tự nguyện trở nên “Bánh Hằng Sống” nuôi dưỡng con người. Đức Giêsu không chỉ muốn nuôi dưỡng con người về thể xác nhưng hơn hết là Ngài muốn trao cho con người sự sống đời đời bắt nguồn từ chính bản thân của Ngài.
Đón nhận Mình và Máu Đức Giêsu cũng chính là đón nhận sự sống vĩnh cửu phát xuất từ Thiên Chúa Cha. Nhận Mình Máu Đức Giêsu cũng chính là nhận biết Chúa Cha là nguồn ban sự sống đời đời. Chúa Cha sai Con Một đến với con người để trở nên “Bánh Hằng Sống” nuôi dưỡng con người. Cũng chính Chúa Cha là Người dẫn đưa con người đến với “Tấm bánh Giêsu”. Khi đến với tiệc Thánh Thể là chính Chúa Cha đang dẫn từng người đến để ban cho họ lương thực chính là Con Một của Ngài.
Đức Giêsu mặc khải chính Ngài là Bánh Hằng Sống bởi trời đến, điều này cho thấy Đức Giêsu là hiện thân của Thiên Chúa - Đấng Cứu Độ và nuôi sống con người.
Nếu xưa kia Đức Chúa đã nuôi dân Do thái trong sa mạc bằng Manna nhưng họ vẫn chết thì nay Thiên Chúa dùng chính Con Một của mình -Ngôi Lời Nhập Thể đem lại sự sống đời đời: “Ta là Bánh Hằng Sống. Ai đến với Ta không hề phải đói, ai tin vào Ta chằng khát bao giờ” (Ga 6, 35). Đức Giêsu đã đến và dọn tiệc giữa thế gian để tất cả những ai đến với Ngài đều được sống và sống dồi dào. Đức Giêsu đã tự nguyện trở nên Bánh để giúp con người duy trì sự sống. Đức Giêsu chính là Lời của Thiên Chúa, là Đấng sẽ đem lại sự sống cho con người: “Ai ăn bánh này thì sẽ được sống đời đời” (Ga 6,51b). Ăn bánh Giêsu chính là nên một với Giêsu, đặt niềm tin tưởng hoàn toàn vào Giêsu và cũng có nghĩa là đón nhận và thi hành thánh ý của Thiên Chúa. Ăn bánh Giêsu là được tham dự vào sự sống thần linh của Ngài “Như Cha, Đấng Hằng Sống đã sai Ta và Ta sống nhờ Cha thế nào thì kẻ ăn Ta cũng sẽ nhờ Ta mà được sống như vậy” (Ga 6,57).
Tấm bánh Đức Giêsu sẽ trao ban chính là Thịt của Ngài. Việc Đức Giêsu trao ban chính mình Ngài nhắc nhớ cho chúng ta về biến cố Đức Giêsu chịu chết trên Thập Giá, chết để cứu độ và trao ban sự sống cho con người - sự sống đó được trao ban cho từng người không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, công chính hay tội lỗi. Chỉ cần mỗi người chúng ta muốn đón nhận sự sống từ Đức Giêsu thì sự sống đó sẽ đến với chúng ta. Mục đích Đức Giêsu đến thế gian chính là để trao ban chính Mình Máu Ngài làm của ăn, của uống nuôi sống con người. Ngài đến để đem lại sự sống và làm cho những ai tin vào Ngài sẽ được sống dồi dào. Mỗi khi con người ăn Thịt và uống Máu Đức Giêsu, là được đón nhận các quà tặng của chính Người và chỉ nhờ Người mới có sự sống đời đời.
Ăn thịt Đức Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể là cách duy nhất để con người tránh được tình trạng suy nhược thiêng liêng và cái chết. Ăn Đức Kitô chính là sống nhờ Đức Kitô. Hiệp thông vào Thịt Máu Đức Kitô là trở nên “Đức Kitô toàn thể”. Dó đó, khi chúng ta ăn Thịt Máu Đức Kitô thì mỗi người trong chúng ta phải trở thành lương thực nuôi dưỡng anh chị em mình. Với thân phận nhỏ bé đầy bất toàn của loài thụ tạo, con người luôn có xu hướng mang trong mình thái độ co cụm, khép kín, bảo thủ, thu tích cho bản thân. Vì thế, con người phải để cho Đức Giêsu giúp biết mở ra để có thể đến với mọi người xung quanh; biết nhận những thiệt thòi về mình để phục vụ sự sống của mọi người.
Đức Giêsu đã trao ban chính mình Ngài để cho chúng ta sự sống thì giờ đây đến lượt chúng ta cũng phải trở nên sự sống cho những người mà chúng ta gặp gỡ. Mỗi người chúng ta cũng được mời gọi sống yêu thương, bao dung, tha thứ và biết cho đi cách nhưng không. Ăn Thịt - Máu Đức Giêsu là nên một với Đức Giêsu cũng mời gọi chúng ta hãy nên một với anh chị em trong mọi sự.
 
Cộng Đoàn Mến Thánh Giá Hoàng Xá
 


GIÊSU – BÁNH HẰNG SỐNG
 
Bánh là một thứ lương thực thiết yếu trong cuộc sống con người. Hơn nữa, bánh là một thứ lương thực không thể thiếu trong các bữa ăn của một số nước không ăn cơm như các nước Á Châu của chúng ta. Thật vậy, chúng ta hầu hết đều biết trong bánh có chứa tinh bột để nuôi dưỡng cơ thể. Bánh cũng có thể thay thế cơm. Chỉ là một thứ bánh thông thường mà lại quan trọng và giá trị trong cuộc sống của chúng ta như vậy, thì việc Chúa Giêsu nói đến Bánh Hằng Sống mà Ngài sẽ ban cho chúng ta sẽ quan trong thế nào, đặc biệt trong đời sống đức tin.
Chúa Giêsu biết nhu cầu cần thiết – lương thực thể xác và tâm linh của con người nên Ngài đã không chỉ nói “Ta là bánh”, nhưng Ngài nói “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống” (Ga 6, 51). Lời nói đó của Chúa Giêsu có vẻ chói tai và khó nghe đối với người Do Thái và cả chúng ta nữa vì làm sao chúng ta có thể ăn thịt một người còn đang sống phải không? Nhưng chúng ta không hiểu theo nghĩa đen mà phải hiểu theo nghĩa huyền nhiệm. Thật vậy, khi đồ ăn được đi vào cơ thể con người, nó sẽ được tiêu hóa và trở nên chất dinh dưỡng nuôi sống cơ thể chúng ta. Thức ăn chúng ta ăn vào mà giàu chất dinh dưỡng, cơ thể chúng ta sẽ khỏe mạnh và ngược lại. Đó là một thực tế rõ ràng đã được chứng minh qua nhiều thầy thuốc và các nhà sinh học.
Chúa Giêsu biết rõ thực tại của con người nên Ngài dùng hình ảnh bánh rượu để nói và diễn tả cho chúng ta hiểu về Ngài; hiểu về Bí tích Thánh Thể - bí tích tình yêu. Chúa Giêsu dùng chính mình và máu Ngài để nói cho chúng ta rằng: Ngài chính là Bánh hằng sống. Ai ăn thịt và uống máu Ngài sẽ được sống muôn đời (Ga 6,51). Chúng ta sẽ khỏe mạnh, bình an, hạnh phúc và không cảm thấy đói nếu chúng ta ăn và uống Lời Chúa. Chúng ta cũng sẽ được nuôi sống mỗi ngày khi chúng ta năng chạy đến với Ngài. Máu thịt Chúa Giêsu chính là đồ ăn và thức uống nuôi dưỡng đời sống đức tin của chúng ta. Cơ thể chúng ta sẽ thiếu chất và dẫn đến kiệt quệ bất cứ lúc nào nếu chúng ta không ăn uống Lời của Ngài. Vì thế, chúng ta phải ý thức thế nào để Lời Ngài luôn là sức sống cho đời chúng ta. Lời Ngài là ánh sáng, là niềm hy vọng, là đường để chiếu soi dọi bước cho chúng ta đi. Và chúng ta phải làm thế nào để Lời Chúa thấm đẫm và đi vào từng mạch máu của chúng ta. Chỉ có như vậy cơ thể chúng ta mới được nuôi sống.
Chúa Giêsu đã dùng lời của Ngài và chính thân thể Ngài để dạy cho chúng ta bài học yêu thương, bài học hy sinh, và tự hủy mình ra không để yêu và bảo vệ người mình yêu. Đức Giêsu đã đi bước trước làm gương cho chúng ta. Giờ đến lượt chúng ta, đặc biệt những người sống đời thánh hiến, chúng ta hãy học theo gương Ngài sẵn sàng lá tấm bánh để trao ban cho người khác.
Năng đến với Chúa trong bí tích Thánh Thể, lắng nghe, đọc, và suy niệm Lời Chúa. Thêm vào đó, chúng ta cũng được mời gọi thay đổi nếp sống cũ với những tính hư tật xấu như: kiêu ngạo, ghen ghét, hận thù, chia rẽ, đố kỵ,.... để trở nên những con người mang lại sự bình an và hoan lạc tới hết mọi người chúng ta gặp gỡ mỗi ngày, và qua đây, chúng ta có thể thay thế chất của ta bằng chất của Chúa. Nghĩa là mỗi ngày chúng ta trở nên những con người thấm đậm chất Giêsu trong từng cử chỉ, hành vi, lời nói, và đặc biệt là cuộc sống chứng tá Tin Mừng của chúng ta.
Thật vậy, nếu mỗi ngày chúng ta cố gắng để thay đổi chính mình dù chỉ là một chút, một xíu những tính hư tật xấu thôi, thì một ngày nào đó với sự cố gắng của mỗi người chúng ta, chúng ta sẽ đạt được ước nguyện của mình. Nghĩa là chúng ta tự nhiên sẽ trở nên những con người hiếu hòa, nhẫn nại, vị tha, bao dung với hết mọi người như chính Chúa chúng ta (Cl 3,12). Lúc đó chúng ta sẽ có một bảo đảm vững chắc là chính Chúa; và khi chúng ta đạt tới tầm vóc viên mãn, chúng ta sẽ sẵn sàng trở nên tấm bánh hằng sống nuôi sống người khác.
Quả vậy, khi chất Chúa trong chúng ta trở thành viên mãn, lúc ấy chúng ta có thể nói như thánh Phaolô rằng: "Tôi sống, nhưng không còn là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi" (Gl 10,20). Lúc này, một cách nào đó, chúng ta không còn là chúng ta mà là Đức Kitô. Đức Kitô và chúng ta lúc này sẽ trở nên một như chi thể với Đầu và nhờ đó, chúng ta có được bảo đảm cho sự sống đời đời.
Vậy chúng ta ăn thịt và uống máu Ngài bằng cách nào trong đời sống hằng ngày? Tham dự thánh lễ, lắng nghe Lời Chúa, và rước Mình Máu Ngài là cách thế chúng ta ăn thịt và uống máu Ngài cách rõ ràng nhất. Chỉ có như vậy đời sống của chúng ta mới được viên mãn. Và khi đã trở nên viên mãn, chúng ta cũng dễ dàng và sẵn sàng làm tấm bánh bẻ ra để hiến trao cho muôn người như chính Chúa đã hiến thân mình để cứu độ nhân loại.
Lạy Chúa, chúng con khao khát và ước muốn được trở nên tấm bánh được bẻ ra để trao ban cho muôn người. Chúng con muốn chất Chúa ở trong chúng con ngày mỗi lớn lên để đẩy lui chất tôi ích kỉ trong chúng con. Chúng con cũng muốn mình là những tấm bánh yêu thương, hiệp nhất, và bác ái. Chúng con khao khát và ước mong làm được như vậy, nhưng thực tế, chúng con chưa thực hiện được vì sự ích kỉ nhỏ nhoi, tính kiêu ngạo, và chưa yêu thương người khác như Chúa còn tồn tại nơi con người chúng con, nên chúng con vẫn luôn luôn ở vạch xuất phát. Điều chúng con muốn làm thì không làm, nhưng điều không muốn, chúng con lại cứ làm (Rm 7,19).
Lạy Chúa Giêsu là bánh hằng sống từ trời xuống. Chúa biết chúng con đói khát và cần đến bánh hằng sống của Chúa nên Chúa đã tự nguyện hy sinh chính thân mình để làm tấm bánh nuôi dưỡng đời sống chúng con. Chỉ có Chúa và qua tấm bánh hằng sống là chính Chúa, chúng con mới tìm được sự sống, sự bình an và hoan lạc. Xin cho chúng con biết kết hợp với Chúa qua việc năng đi tham dự thánh lễ, lắng nghe Lời Chúa và rước mình máu thánh Ngài để chúng con có được sự sống tròn đầy và viên mãn. Xin cho chúng con biết năng chạy đến với Chúa để được tắm gội trong dòng nước ngọt ngào của trái tim Chúa để chính chúng con ngày ngày được bồi dưỡng về cả thể xác và tâm linh. Và cũng xin cho chúng con biết chọn Chúa là cùng đích của cuộc đời chúng con. Amen.
 
Cộng đoàn Mến Thánh Giá Vân Thê – Hà Lộc
 
 
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log