Thứ bảy, 27/04/2024

Suy niệm Tin Mừng Thánh Lễ Tiệc Ly (Ga 13,1-15)

Cập nhật lúc 08:08 05/04/2023
 


 
  YÊU ĐẾN CÙNG 1
 
“Yêu cho đến cùng Ngài đã yêu họ đến cùng. Yêu cho đến cùng là tình yêu chỉ biết trao dâng. Yêu cho đến cùng là hy sinh quên cả mạng sống. Yêu cho đến cùng một tình yêu hiến tặng nhưng không”. Vâng! Lời ca trong bài hát “Yêu Cho Đến Cùng” của cha Nguyễn Duy đã cho ta thấy một tình yêu vĩ đại không thể có được nơi bất cứ phàm nhân nào trên trần thế này, đó chính là tình yêu của Ngôi Lời Thiên Chúa - Đức Giêsu Kitô dành cho nhân loại. Chiều nay trong thánh lễ Tiệc Ly, một lần nữa Giáo Hội cho chúng ta sống lại giờ phút linh thiêng năm xưa của Chúa, khi Ngài thực hiện nghĩa cử yêu thương cho các môn sinh yêu dấu, Ngài đã yêu, “yêu họ đến cùng”, và Ngài cũng thực sự yêu ta đến cùng.
Tình yêu Ngài dành cho các môn đệ, dành cho nhân loại chất chứa trong trí, trong trái tim Ngài, khiến Ngài đã nảy sinh một sáng kiến tuyệt vời, không ai ngờ tới trong đêm bị nộp, đó là biến Thịt Máu mình trở thành của ăn của uống cho ta trong Bí tích Thánh Thể để được ở lại với ta, dưỡng nuôi ta cho đến tận thế. Từng động tác, từng cử chỉ đều diễn tả một trái tim yêu cho đến cùng.  Khi Ngài bẻ chính thân mình ra là chấp nhận chết đi, chấp nhận tan biến, không còn giữ lại chút gì cho riêng mình. Tất cả cũng bởi vì một chữ “yêu”.
Không dừng lại ở đó Chúa Giêsu còn làm cho ta bất ngờ hơn nữa, khi Ngài tiếp tục minh chứng tình yêu đến cùng của mình. Thánh Gioan đã “quay lại” cận cảnh vô cùng cảm động này. “Ngài đứng dậy rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, lấy khăn thắt lưng, đổ nước vào chậu, cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, và lây khăn thắt lưng mà lau”. Một hành động có thể nói đã đảo lộn trật tự. Ngài vừa là Thầy vừa là Chúa mà lại làm những việc của một người tôi tớ, cúi xuống đổ nước và rửa chân cho từng người một. Không phải chỉ rửa cho những người môn đệ tốt lành mà Ngài còn ân cần cúi mình rửa chân cho Phêrô- kẻ chối Thầy, cho Giuđa- kẻ nộp Thầy. Đây là một cử chỉ tột cùng của sự khiêm hạ, Ngài không còn quan tâm gì đến địa vị của mình nữa. Một sự huỷ mình vì yêu đến tột cùng không lời lẽ nào có thể diễn tả cho hết. Có chăng lời được thốt lên bởi sự kinh ngạc rằng: “Có một sự “điên rồ” nơi Thiên Chúa, khi khước từ vinh quang dành cho Mình, mặc lấy thân nô lệ…”(EYMARD An Mai Đỗ O.Cist)
Chúa yêu các môn đệ, yêu từng người trong chúng ta đến cùng đến nỗi xoá mình, tan biến mình trong ta, để ta được chia sẻ sự sống thần linh với Ngài, được hưởng vinh quang phục sinh với Ngài và Ngài khát mong ta hiểu được những điều Ngài làm là để nêu gương cho ta. Ta cũng phải tiếp nối tình yêu ấy “để yêu anh em đến cùng”.
Nhưng nhìn lại mối người trong chúng ta hôm nay, trên hành trình theo Chúa, trong tư cách là môn đệ Chúa, có lẽ chúng ta chưa hiểu, chưa thấu “việc Thầy làm”. Mỗi người chúng ta cần phải chất vấn chính mình: Tôi đã dám sống cho người thân của mình như Chúa đã làm chưa, hay trong mỗi người chúng ta chỉ mang sự ghen tỵ, hận thù, kiêu căng với cái tôi ích kỷ chỉ biết giữ lại cho mình, mà chưa biết sống quảng đại cho đi? Chúa đã cho đi tất cả để rồi Ngài được nhận lại tất cả vinh quang, danh dự và uy quyền; đặc biệt Ngài đã nhận lại con người – thụ tạo yêu của Ngài, thụ tạo khiến Ngài say mê đến quên mạng sống.
Ta cần thấy rõ một điều: tình yêu cần được cảm nhận bằng lý luận của con tim chứ không phải tới một lý trí lạnh lùng. Ngài đi rửa chân cho từng người một để biểu lộ tình yêu với các môn đệ của Ngài. “Ngài tới chỗ ông Simon Phêrô, thấy Đức Giêsu đến chỗ  Phêrô ông liền thưa với sự ngạc nhiên e rè, ngỡ ngàng hỏi Đức Giêsu “Thầy mà lại rửa chân cho con sao, nhưng Đức Giêsu trả lời , việc thầy làm bây giờ anh chưa hiểu nhưng sau này anh sẽ hiểu.”
Thật là một sự ngỡ ngàng, đôi khi trong cuộc sống chúng ta cũng có những cảm giác đó, cảm giác khó hiểu nơi Thiên Chúa, chỉ có những con người sống đúng với thánh ý Ngài mới hiểu được mà thôi. Bởi trong cuộc sống ta cũng e rè và ngại ngùng khi đến với Lời của Ngài, và khi được Ngài nhắc nhớ và nói: “Nếu Thầy không rửa chân cho anh, anh không được chung phần với Thầy” thì Phêrô thưa “Vâng thưaTthầy, xin cứ rửa, không những chân mà cả tay và đầu con nữa”.  Một sự cảm nhận về tình yêu Đức Giêsu dành cho mình đó là vâng lời, phó thác để cho Thầy làm những điều Thầy muốn đối với các môn đệ của mình.
Cho đi mà không đòi đền đáp, khi thấy hành động và cử chỉ của Thầy mình trong sự phục vụ lạ kỳ, chúng ta cũng như Thánh Gioan trong đức tin, với hành trình theo Chúa của người môn đệ. Nhiều lúc chính mỗi người  chúng ta cũng không hiểu mình làm gì tiếp theo và có những lúc chúng ta cũng muốn buông xuôi. Bởi nhiều khi làm mà  chưa có Chúa, chưa cầu nguyện và chưa bám chặt vào Chúa, có những khoảng khắc trong cuộc đời phục vụ cho anh chị em, mỗi người chúng ta cũng đòi hỏi, thắc mắc cho những công việc phục vụ chưa cho đi như chính Chúa  Giêsu dạy trong đời sống phục vụ (Ga 13,14) “Nếu Thầy là Chúa là Thầy… Thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau… Thầy nêu gương cho anh  em để anh em cũng làm như thầy đã làm cho anh em”
Quả là một điều rất khó, một bài học hóc búa cho những môn đệ của Chúa, nhưng khó là ta không phải làm không thực hiện hay sao? Công việc càng khó đòi hỏi ta phải cố gắng, kiên trì để thực hiện nếu ta biết dựa vào ơn Chúa.
Hình ảnh phục vụ của mẹ Têlêxa Calcutta và các nữ tu của mẹ đã âm thầm phục vụ những người bị bỏ rơi ngoài đường phố. Mẹ và các nữ tu ấy đã làm công việc lau chùi vết thương lở loét trên những người bệnh, làm tất cả chỉ vì tình yêu Chúa, vì Chúa hiện diện trong chính họ. Bởi mẹ đã cảm thấu được lời Đức Giêsu đã nói: “ làm như Thầy đã làm cho anh em ”.
Vì thế, Friedrich Helgerl một triết gia người Đức có nói: “Chỉ khi chúng ta thấy Đấng vô hình, chúng ta sẽ học làm những chuyện không có thể được”.
 Vâng! Lạy Chúa xin cho chúng con cảm được thật sâu tình yêu vô cùng của Chúa dành cho chúng con qua những việc làm của Chúa trong đêm ly biệt năm xưa, để chúng con có được sức mạnh của nguồn tình yêu nơi Chúa, chúng con mới thực thi được lời mời gọi theo gương Chúa để yêu anh em mình đến cùng. Xin cho chúng con một khi đã đón nhận được tình sâu nghĩa nặng của Chúa, thì xin đừng để chúng con sống vô ơn, nhưng biết dùng ơn Chúa để thánh hoá chính mình và giúp tha nhân cũng được thánh hoá. Ước gì việc Chúa hiến mình và những lời  đầy thương mến xưa thắp lại trong trái tim chúng con ngọn lửa yêu của những người môn đệ, những người con cái Chúa, để tình yêu và ơn cứu độ của Chúa được lan tràn trên khắp mặt đất này. Amen.

 
Cộng Đoàn Mến Thánh Giá Sơn Tây
 
                                    
     YÊU ĐẾN CÙNG 2
                               
Thánh Anphongso từng nhận định: Thiên Chúa là Đấng say mê, yêu thương con người một cách điên cuồng. Thiên Chúa luôn phải lòng con người, tình yêu Thiên Chúa dành cho con người là một tình yêu cá vị, vô điều kiện, không thay đổi, và trên hết đó là một tình yêu thi thố cho đến cùng: “Người vẫn yêu những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian và người yêu thương họ cho đến cùng.”
Đứng trước ngưỡng “giờ” của mình, giờ của cuộc thương khó, giờ chiến đấu, giờ để vượt qua và giờ để bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Chúa Giêsu vẫn làm chủ được ngưỡng giờ của mình, bình tĩnh trước mọi thách đố để hướng về những người Chúa yêu còn ở thế gian. Đây cũng là những giờ phút cuối cùng Thầy trò được xum họp bên nhau. Giờ mà trong lòng Chúa chỉ còn lại một từ “Yêu”. Vì khi yêu nhau người ta luôn mong ước được ở gần nhau, được nên một với nhau. Ngôn ngữ của tình yêu là sự kết hợp, là trao hiến cách trọn vẹn và cuối cùng là thuộc trọn về nhau. Tình yêu đó đã được Chúa Giêsu nung nấu từ sâu thẳm bên trong tâm hồn đến lúc thì bộc bạch ra bên ngoài: “Thầy những khát khao mong mỏi ăn lễ vượt qua này với anh em trước khi chịu khổ hình” (Lc 22,15). Như vậy, yêu cho đến cùng là yêu cho đến cùng tận của tình yêu, yêu đến mức độ cao nhất của tình yêu và yêu đến hiến mạng sống vì người mình yêu.
Trong suốt cuộc đời dương thế, Đức Kitô không mệt mỏi loan báo về một Tin Mừng tình yêu. Ngài đã yêu tha thiết con người và kêu gọi mỗi người hãy yêu thương nhau: “Anh em hãy yêu thương nhau như chính Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 15,12-17). Mà tình yêu của Chúa là “trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân” (Pl 2,7), là “ yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi mình.” (Mt 5,43-48). Yêu là tha thứ một cách vô điều kiện “không phải bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” ( Mt 18,22).  Chúa Giêsu biết điều này thực hiện không dễ nhưng không phải là không thể thực hiện. Qua cái chết về tình yêu, Người muốn minh chứng tình yêu của người là tình tuyệt đối, không giới hạn, một tình yêu đến tận cùng và nó lớn hơn sự chết. Để đạt đến đích điểm của tình yêu này, Chúa Giêsu đã đưa ra một thái độ nền tảng, và chính Ngài cũng đã đi bước trước để làm chứng về nền tảng của tình yêu đó: “Trong một bữa ăn, Đức Giêsu đứng dậy, cởi áo ngoài ra và lấy khăn thắt lưng. Rồi Người đổ nước vào chân, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ.” Rửa chân là công việc của đầy tớ dân ngoại phục vụ ông chủ, khi ông chủ đang ngồi ăn đầy tớ phải đứng phục vụ. Để việc phục vụ được dễ dàng, đầy tớ phải cởi bỏ áo ngoài. Chúa Giêsu đã cởi bỏ áo ngoài đồng nghĩa với việc Ngài đã bỏ đi danh dự, địa vị là Thiên Chúa để xóa mình cách hoàn toàn nhưng không, để phục vụ con người tới mức tầm thường và bị coi thường. Đó là hành động của tình yêu đến cùng nơi Chúa Giêsu, dám cởi áo mình ra một cách không tự vệ để cúi xuống đến cùng tận của sự khiêm hạ mà rửa chân cho học trò - một nghĩa cử tình yêu thật đẹp. Thiên Chúa đã quỳ gối trước mặt con người để yêu những người phản bội mình như Phêrô, để yêu những kẻ bán mình như Giuđa. Đó là cử chỉ yêu thương cho đến cùng tận cái “ là” nơi các môn đệ, khiến Phêrô phải ngạc nhiên và thốt lên: “ Thầy mà lại rửa Chân cho con sao không đời nào con chịu.” Chúa Giêsu ngẩng mặt lên để trả lời ông- một cảnh tượng khiến tâm hồn dù lạnh, cứng nhắc và khô khan đến đâu cũng phải vỡ tan ra trước hành động yêu thương của Ngài. Chẳng ai có thể tưởng tượng được Chúa Giêsu lại yêu theo cách đó, Thiên Chúa phải ngẩng đầu lên mới đối diện được với con người, Ngài luôn trân trọng và biến con người thành đối tượng để phục vụ dù cho họ có yếu đuối, bất xứng đến đâu. Chẳng ai bắt buộc Chúa phải phục vụ con người đến giây phút cuối cùng như thế, chính tình yêu đã thúc đẩy người làm điều ấy.
Trong hành trình dương thế, Chúa Giêsu nói về yêu thương đã nhiều, giảng về tình yêu không ít. Nhưng đợi đến những giây phút cuối cùng trước khi từ giã lên đường tử nạn Chúa mới đặt những người thuộc về mình vào nền móng của ngôi nhà tình yêu này - một ngôi nhà lý tưởng mà ai cũng mơ ước. Như vậy, tình yêu của Chúa không dừng lại trên lời giảng dạy nhưng đã nhập cuộc, nhập thể và nhập thế với một nền móng vững chắc là “yêu cho đến cùng” qua hành động rửa chân cho các môn đệ. Với ý nghĩa của cử chỉ này Chúa Giêsu đã mở ra cho ta thấy Ngài yêu thương con người đến mức độ nào. Đồng thời, Chúa cũng mặc khải ý nghĩa của đời sống Kitô hữu và nhất là những người sống đời thánh hiến, đó phải là một đời sống yêu thương cho tới cùng, như lời thánh Phaolô từng nhận định: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, thánh hiến và yêu thương” ( Cl 3,2). Người ta cũng nhận biết đời thánh hiến qua việc “rửa chân”, hạ mình xuống để phục vụ người khác trong yêu thương. Hơn nữa, những người thánh hiến là những Kitô hữu đang trên đường sống các lời khuyên phúc âm. Muốn tới đích ta phải nỗ lực sống những điều Chúa dạy, làm những điều Chúa đã làm và yêu như cách Chúa đã yêu. Mà cách Chúa yêu chẳng phải là chết đi mỗi ngày hay sao? Nhưng cái chết này không đơn giản là cái chết vật lý, thể xác mà là cái chết thiêng liêng, vô hình và không giới hạn. Bởi vì tình yêu là thiêng liêng, vô hình và vô sắc nên cái chết dành cho nó cũng phải thiêng liêng. Để đi đến cùng trong tình thiêng liêng này ta cần phải trải qua những cái chết dài, chết nhiều lần và chết suốt hành trình. Và nơi tận cùng của tình yêu đó là chết trong nhau, có chết dài vì nhau ta mới nếm được vị ngọt ngào của tình trong nhau; có chết đi những thành kiến, ghen tương, những khoảng cách ta mới sống yêu thương thực sự, mới sống được những lời trong Thánh vịnh 82: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, chị em được sống vui vầy bên nhau”. Tốt lành, thánh thiện và dịu ngọt biết bao khi sống chung với nhau mà chị em làm thành một sự hiệp nhất trong ý chí và trong tình yêu.
Nhìn lại tình con, sao còn tương đối quá! Nó chưa chịu vươn cao, chưa chịu khắc khoải với tình tuyệt đối của Chúa. Vì thế, mà nó còn biên cương, ranh giới và còn bị bao quanh bởi pháo đài kiên cố của thành kiến. Người khác vẫn “khác”, con chưa chạm vào được cái “là” của họ để cảm thông, để yêu mến. Khoảng cách nơi con vẫn chưa thể ngắn lại vì cửa lòng con trật hẹp và trái tim con khép kín. Cũng còn đó trong con một cuộc tình rang dở vì con chưa “yêu đến cùng”, nên còn ngại dấn thân, ngại hy sinh và chưa muốn chết đi những quyến luyến còn bám víu trong mình. Tình Chúa đẹp bao nhiêu thì tình con lại co hẹp và ngờ nghệch bấy nhiêu. Vì con còn sợ bị chôn đi và vùi xuống trong quên lãng. Khi hạ mình phục vụ, con sợ bị đau, bị nhận chìm trong sự coi thường. Nhưng “hạt lúa mì phải chết đi mới sinh được nhiều hạt khác.”(Ga 12,24). Là người môn đệ bước theo Chúa trên đường dâng hiến, con cũng được mời gọi làm mới lại tình yêu của mình mỗi ngày qua cách gieo không ngừng nghỉ những nghĩa cử yêu thương, phục vụ, qua ánh mắt và trái tim cảm thông với tha nhân.
Lạy Chúa Giêsu là tình yêu, là con đường tình bất tận. Xin cho con đi trọn tuyến đường tình của Chúa để cảm nếm và sống “tình yêu đến tận cùng” trong Chúa. Amen.

 
Tập Viện
YÊU ĐẾN CÙNG 3
 
Bản chất của muối là mặn, của gừng là cay và của con người là thụ tạo biết yêu. Từ khi sinh ra, ai cũng mang trong mình dòng máu đỏ của tình yêu thương; ai cũng khao khát yêu và được yêu. Nhưng không phải tất cả mọi người đều hiểu được tình yêu đích thực nếu chỉ đứng ngoài quan sát hay đọc lí thuyết suông. Ta chỉ có thể hiểu thế nào là yêu khi bước vào một cuộc tình thực sự và chìm mình trong đời sống cầu nguyện. Lời Chúa hôm nay viết lại câu chuyện tình của một con người thật, một vị Thiên Chúa thật bước vào cuộc tình có một không hai trong lịch sử nhân loại đã cúi mình xuống rửa chân cho học trò. Đó là biểu hiện của yêuyêu đến tận cùng.
Thánh Gioan đã thuật lại bữa tiệc chia tay đáng nhớ nhất, có giá trị nhất và ý nghĩa nhất trên hành trình cuộc đời. Trong bữa tiệc, Đức Giêsu viết lên bản di chúc cho thế hệ muôn đời chỉ với ba chữ YÊU ĐẾN CÙNG. Ba chữ ấy là cả cuộc đời, cả sự sống của Chúa. Chiều hôm nay, trước giờ phút li biệt, Người hạ mình rửa những đôi chân lấm lem của các tông đồ. Thánh Gioan viết lại rất kĩ “Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra và lấy khăn mà thắt. Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ” (Ga 13,4-5). Hành động ấy cho ta liên tưởng đến việc Đức Giêsu chấp nhận làm người, trút bỏ mọi sự để cùng chung chia niềm vui, nỗi buồn với phận người. Như trong thư của thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Philípphê “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8). Đức Giêsu chấp nhận trở nên người nô lệ phục vụ các tông đồ.
Hình ảnh một vị thầy đáng kính bưng chậu nước hạ mình sát đất mà nâng đôi chân chai cứng, lấm lem của các môn đệ khiến trái tim mỗi người thổn thức, suy tư. Chậu nước sạch đang in hình khuôn mặt Giêsu Nadarét - Con Một Thiên Chúa bị vỡ vụn, tan ra vì đôi chân của các tông đồ nhúng vào. Chúa Giêsu chấp nhận hủy mình ra không để các ông trở nên sạch sẽ và làm cho muôn dân cũng được thanh tẩy, nhận biết Chúa mà hưởng ơn cứu độ. Sau khi rửa chân, Đức Giêsu còn lấy khăn thắt lưng mà lau chân cho các môn đệ. Người trân trọng những đôi chân ấy. Người muốn đôi chân của các ông được sạch sẽ, khô ráo, không nhuốm màu tội lỗi. Chúa muốn những đôi chân ấy sẽ bước đi vững chắc, mạnh mẽ, can trường mà loan báo Tin Mừng.
Chúa Giêsu đã phục vụ, đã yêu thương hết mình để con cái Người noi theo. Lời nói của Chúa cuối bài Tin Mừng như một lời trăng trối cho các tông đồ, cho thế hệ mai sau và cho mỗi người chúng ta “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13,14-15). Làm như Thầy đã làm cho anh em chính là việc từng người biết rửa chân cho người khác. Rửa chân không chỉ theo nghĩa đen nhưng theo ý nghĩa sâu xa của tình yêu đến tận cùng. Yêu đến cùng là hạ mình chẳng còn gì để phục vụ người khác, phục vụ cả những kẻ sẽ phản bội, chối từ mình. Yêu đến cùng là cho đi tất cả, hiến dâng tất cả, tha thứ tất cả mà không tính toán thiệt hơn. Yêu đến cùng là muốn ở với người mình yêu, kết hợp trọn vẹn với họ trong từng nhịp tim, hơi thở. Đức Giêsu không chào tạm biệt các môn đệ bằng hành động rửa chân nhưng Người còn ở mãi với các ông qua bí tích Thánh Thể - bí tích Tình Yêu. Người chấp nhận trở nên tấm bánh nhỏ bé, đơn sơ, bẻ ra trao ban cho nhân loại. Chúa khao khát được kết hợp với con người, được tan ra và nên một với nhân loại. Chúa yêu tới mức khiêm nhường cúi mình rửa chân cho các môn đệ và khiêm nhường vâng lời các linh mục để từ tấm bánh miến tầm thường trở nên Mình Máu Thánh. Dù cho đôi tay linh mục có nhuốm bùn nhơ, tội lỗi và đầy bất xứng thì Người vẫn vâng lời để tình yêu được nên trọn vẹn. Đó là yêu đến tận cùng mà Chúa muốn con người học mãi, tập mãi trên dương thế này.
Thánh lễ Tiệc Ly hôm nay là một bữa tiệc tình yêu cao trọng mời gọi mỗi người đón nhận tình yêu và trao ban tình yêu như Đức Kitô đã làm. Trước hết, ta phải đón nhận tình yêu của Chúa bằng cách để Chúa rửa chân cho ta, dám để Người thanh tẩy, gột rửa mọi tội lỗi, mọi tư tưởng đen tối, mọi việc làm xấu xa. Ta dám chấp nhận bóc, tước cuộc đời bằng tình yêu Chúa. Chúa sẽ động chạm vào những vết thương kín đáo trong tâm hồn để chữa lành. Chúa không chê căn nhà tâm hồn ta bẩn thỉu, hôi hám, lấm lem vì đi hoang. Chúa không chê con người ta tội lỗi, bất xứng, hay đổi thay, dễ phản bội. Chúa cần ta khiêm nhường đưa đôi chân bẩn thỉu của mình cho Chúa thanh tẩy. Chúa cần ta khiêm tốn cúi mình đón nhận tình yêu Chúa tuôn đổ trào tràn trên cuộc đời. Thiên Chúa là tình yêu và Người mãi mãi yêu thương, tha thứ, ôm trọn con người tội lỗi trở về. Được Thiên Chúa yêu thì nhiệm vụ, bổn phận và trách nhiệm của ta là yêu người khác như chính Chúa đã yêu ta. Nghĩa là sẵn sàng tha thứ, đi bước trước để làm hòa với người làm tổn thương ta. Ta cũng phải bén nhạy quan tâm tới người khác, chia sẻ, cảm thông, nâng đỡ những người cần đến ta dù chưa bao giờ họ dám ngỏ ý. Ta cũng phải biết mở lòng ra để đón nhận tha nhân như chính họ là, trân trọng họ vì họ là hình ảnh Thiên Chúa và quà tặng Chúa ban cho ta. Đó là yêu đến cùng mà Chúa khao khát con cái mình sống mà kết hợp với Chúa trong từng giây phút cuộc đời.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã yêu chúng con bằng trọn vẹn thân xác, con người, cuộc đời của Chúa dù bao phen chúng con lỗi hẹn, bội phản. Không ngôn ngữ nào có thể diễn tả tròn đầy tình yêu Chúa dành cho chúng con. Thế mà biết bao lần chúng con chưa dám đưa chân cho Chúa rửa, chúng con sợ hãi co đôi chân bẩn thỉu, hôi hám của mình lại; chúng con giấu giếm tội lỗi bên trong tâm hồn mình; chúng con khép kín trái tim, chưa biết mở ra yêu thương hết mọi người chung quanh… Xin Chúa giúp chúng con can đảm dám để Chúa rửa chân, để Chúa thanh tẩy, gột rửa, bóc tách con người tội lỗi của chúng con. Nhờ đó, chúng con được chung phần với Chúa, được đắm chìm trong tình yêu của Chúa và trao ban tình yêu đến tận cùng cho anh chị em. Lạy Chúa! Hôm nay là ngày đặc biệt mà tất cả các linh mục sẽ nhắc lại lời hứa trước mặt Chúa trong ngày lãnh nhận ơn thánh. Chúng con xin dâng lên Chúa từng linh mục của Chúa, xin Chúa gìn giữ, ban ơn, thêm sức cho các ngài để các ngài trở nên người Mục Tử thánh thiện, khôn ngoan, nhân hậu và biết yêu đến cùng như chính Chúa đã yêu. Amen.

 
Tập Viện

 
Thứ Năm Tuần Thánh - Ngày Lễ Tình Yêu
(Ga 13, 1-15)

 
Hôm nay là ngày lễ tình yêu: Thánh sử Gioan kể lại rằng những giờ phút cuối cùng còn ở lại với các môn đệ trong bầu khí thân thương, ấm áp tình thầy trò của một bữa tiệc trước khi về với Chúa Cha, thì trong lòng Đức Giêsu chỉ chất chứa một “TÌNH YÊU ĐẾN CÙNG” dành cho các môn đệ: “Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ Người phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Ngài vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian và Ngài đã yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1). Vì thế, thời gian còn lại cuối cùng được coi là đủ để Chúa làm chuyện quan trọng nhất và cũng là chuyện cần thiết nhất. Đó là thể hiện tình yêu đến cùng qua việc lập bí Tích Thánh Thể để trao tặng máu thịt và chính mạng sống của Ngài làm của ăn, của uống đem lại sự sống cho con người và để được ở lại mãi với con người. Ngài còn tiếp tục kéo dài tình yêu đến cùng ấy qua việc thiết lập chức Linh Mục (bí tích Truyền Chức Thánh). Qua đó, Chúa Giêsu dạy bài học quan trọng nhất về Giới răn yêu thương qua việc rửa chân cho các môn đệ. Nên ngày thứ Năm Tuần Thánh là ngày lễ tình yêu đúng nghĩa nhất, một tình yêu không giới hạn, một tình yêu đến cùng, một tình yêu lạ kỳ mà Thiên Chúa dành cho con người ngang qua Đức Giêsu.
 1. 
Yêu là cúi mình Rửa chân
Rửa chân là một phong tục thời đó, vì đường xá chưa rát đá và trải nhựa như bây giờ, nên khi đi đường bàn chân của người đi sẽ dính đầy bụi. Bởi vậy, khi đến một gia đình để thăm viếng hoặc dùng bữa, sẽ có những người rửa chân cho, nhưng việc rửa chân không bao giờ được thực hiện bởi chính gia chủ, mà nó được thực hiện bởi những người nô lệ, vì đó là công việc thấp hèn chỉ có nô lệ không phải người Do thái mới làm.
Vậy mà Chúa Giêsu là Đấng có tất cả quyền năng, là Thiên Chúa, nhưng Ngài đã làm cử chỉ của một người nô lệ là cúi mình rửa chân cho các môn đệ: Thánh Gioan đã ghi lại từng động tác hết sức chậm rãi và nhiều ý nghĩa của công việc này: đang bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng.đổ nước vào chậu, bắt đầu cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, và lấy khăn thắt lưng mà lau (C4-5).
Ngài đứng dậy rời khỏi bàn ăn, tức là rời bỏ địa vị của mình, rời bỏ vị trí là một người thầy, một người chủ, một Thiên Chúa của mình; Ngài cởi áo ngoài ra, tức là cởi bỏ cả con người, cả mạng sống của mình để sẵn sàng cho đi hết; lấy khăn thắt lưng, tức là mang vào mình tư thế, thái độ của một người đầy tớ để phục vụ cho các môn đệ.
Ngài rửa chân và lau, tức là rửa sạch và lau khô tất cả, cả sự bụi bặm, bẩn thỉu của sự phản bội như bàn chân của Giuđa, sự bạc bẽo như bàn chân của Simon Phêrô, và các bàn chân hèn nhát khác của các tông đồ.
Nhưng không chỉ 12 tông đồ xưa được Chúa rửa sạch, cũng không chỉ 12 người hôm nay được linh mục đại diện Chúa Giêsu rửa sạch, mà tất cả mỗi người chúng ta, chúng ta xác tín mỗi ngày Chúa vẫn tiếp tục quỳ xuống trước đôi bàn chân của chúng ta và sẵn lòng làm người nô lệ xin phục vụ, rửa sạch cho chúng ta. Ngài rửa chúng ta bằng nước qua Bí tích Thánh Tẩy; bằng Lời Ngài khi ta đọc, lắng nghe, suy niệm, cầu nguyện; bằng Bí tích Hòa Giải; bằng máu trong cuộc thương khó và trong Bí tích Thánh Thể.
Đức Thánh Cha Phanxicô trong một Thánh Lễ Tiệc Ly chiều thứ Năm Tuần Thánh đã khuyên rằng: anh em “đừng bướng bỉnh như Phêrô, nhưng hãy để chân anh em được rửa sạch. Hãy để Chúa phục vụ anh em. Ngài ở gần anh em để ban cho anh em sức mạnh, để rửa chân cho anh em”.
Thật vậy, chỉ vì yêu và yêu đến cùng mà Chúa biến mình thành nô lệ xuống gần, xuống sát chúng ta, để phục vụ, chữa lành, rửa sạch những lầm lạc, chai cứng, dơ bẩn của chúng ta và để nâng chúng ta lên gần Thiên Chúa.
 2. 
Yêu là trao ban chính mình.
Cũng trong bữa ăn này, Chúa Giêsu còn thể hiện tình yêu đến cùng cách sâu xa hơn khi lập bí tích Thánh Thể biến bánh và rượu trở nên thịt và máu Chúa, để làm của ăn của uống nuôi sống con người và để ở lại mãi với con người cho đến tận thế: “trong bữa ăn Chúa cầm bánh và rượu, tạ ơn, bẻ ra, trao cho các môn đệ và nói: Đây là mình Thầy, anh em hãy cầm lấy mà ăn. Đây là máu Thầy, anh em hãy cầm lấy mà uống, máu đổ ra để muôn người được tha tội”. (Mt 26, 26-28; Mc 14,22-25; Lc 22,19-20; 1 Cr 11,23-25).
Chúa chấp nhận trở nên tấm bánh, trở nên chén rượu là chấp nhận bị bẻ ra, chấp nhận sự tan nát, vỡ vụn, chấp nhận chịu đau đớn, xẻ thân và nát thịt trong cuộc khổ nạn để biến thành lương thực nuôi sống những con người mình yêu thương, và chén rượu trở thành máu chảy ra để tẩy rửa tội lỗi con người. Nơi bí tích Thánh Thể Chúa đã chấp nhận hủy mình ra không để người mình yêu được lớn lên. Chúa chấp nhận chết để người mình yêu được sống.
Như vậy, bí tích Thánh Thể chính là sáng kiến tình yêu của Chúa dành cho con người chúng ta, nên bí tích Thánh Thể còn được gọi là bí tích tình yêu, một tình yêu độc đáo lạ kỳ, lạ kỳ ở chỗ Chúa muốn con người đón nhận Ngài bằng việc hãy ăn, hãy uống chính Ngài, để Ngài được đi vào tâm hồn con người, đi vào trong từng làn da, thớ thịt, từng đường gân, mạch máu của con người, để nên một với con người trong từng hơi thở, từng nhịp tim, để con người được sống sự sống của Chúa.
Vậy mỗi lần chúng ta đáp lại lời mời gọi tha thiết của Chúa: hãy cầm lấy mà ăn, cầm lấy mà uống Mình Máu Chúa qua việc rước Mình Máu Ngài là chúng ta đang đón nhận tình yêu thương đến cùng, tình yêu thương tận hiến Chúa dành cho chúng ta qua bí Tích Thánh Thể, để chúng ta được sống và có sức mạnh để yêu thương và tận hiến cho nhau như Chúa.
 3. 
Yêu là thực thi Giới luật yêu thương
Sau khi phục vụ các môn đệ qua việc rửa chân, Chúa nói: “Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” ( c14-15). Và sau khi trao chính mình qua bí tích Thánh Thể, Chúa cũng nói: “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (1Cr 11, 22-25). Khi nói với các môn đệ mệnh lệnh này, Chúa đã lập nên chức Linh Mục (bí tích Truyền Chức Thánh) và trao ban cho các linh mục được quyền nhân danh Chúa tiếp tục cử hành và sống mầu nhiệm Thánh Thể, mầu nhiệm tình yêu tự hiến của Chúa, để nối dài sự hy sinh và tình yêu đến cùng của Chúa trên thập giá mỗi ngày nơi bàn thờ cho đến ngày tận thế.
Như vậy, qua thiên chức linh mục, Chúa Kitô không chỉ trao cho các linh mục năng quyền cử hành bí tích Thánh Thể mà còn mời gọi các ngài hãy dùng chính cuộc sống và hiến dâng sự sống của mình để cho đoàn chiên được thanh sạch, được sống và sống dồi dào. Nhưng không chỉ có các linh mục mới thực thi giới răn yêu thương, mà tất cả chúng ta những người đã được Chúa rửa bằng máu Chúa,  được Chúa trao chính mình qua cái chết Thập giá, đều phải thực thi giới luật yêu thương là thực thi việc phục vụ (rửa chân) và trở nên tấm bánh cho nhau.
Thực thi giới luật yêu thương: phục vụ - rửa chân cho tha nhân và trở nên tấm bánh cho nhau là ta dám làm việc tốt cho cả những người đau khổ, bé nhỏ mà chúng ta không muốn, không thích. Là ta dám bỏ đi tính tự cao, tự đại, tự ái để đón nhận sự trợ giúp của tha nhân, nhất là dám chấp nhận hạ mình để tha nhân được nâng lên. Là ta không so đo tính toán hơn thiệt, nhưng sẵn sàng tha thứ cho những người làm hại mình. Là ta biến gia đình cộng đoàn, gia đình giáo xứ của mình thành căn phòng tiệc ly đầy ắp những bánh của quan tâm yêu thương, những tấm bánh của hy sinh phục vụ, những tấm bánh của sự thật và công bằng, những tấm bánh của cảm thông và kính trọng, những tấm bánh của hòa bình, của niềm vui và hạnh phúc…
 Lạy Chúa Giêsu, trong ngày lễ tình yêu hôm nay, chúng con được chiêm ngắm trọn vẹn “TÌNH YÊU ĐẾN CÙNG” Chúa dành cho cả nhân loại chúng con. Xin đừng để chúng con bỏ lỡ một cơ hội nào mà không đón nhận sự phục vụ từ Chúa, đón nhận sự thanh tẩy từ Chúa, đón nhận tình yêu đến cùng Chúa dành cho chúng con qua Thánh Thể, qua Giáo Hội của Chúa mỗi ngày. Xin Chúa cho những gì chúng con nhận lãnh được từ Chúa cũng biến đổi chúng con để cuộc đời chúng con cũng trở nên một dấu chỉ tình yêu của Chúa cho tha nhân. Amen.

 
Hạt cát nhỏ
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log