Thứ tư, 11/12/2024

Thượng Hội Đồng Về Hiệp Hành Kết Thúc Nhưng Tiến Trình Vẫn Tiếp Tục

Cập nhật lúc 08:07 22/11/2024
 

Đức cha Luis Marin de San Martin là một trong những khuôn mặt chủ chốt của Thượng hội đồng về Hiệp hành. Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm ngài làm Phó Tổng Thư ký của sự kiện này, sự kiện mà vị giám mục Tây Ban Nha cho biết đã trải nghiệm như “ân sủng được ban tặng” và một lời kêu gọi “hoán cải bản thân”.

Vatican News

Theo ngài, phiên họp thứ hai của Thượng hội đồng đã kết thúc, nhưng tính hiệp hành là một chiều kích cấu thành Giáo hội. Do đó, mặc dù thực tế sự kiện đã kết thúc nhưng “tiến trình vẫn tiếp tục”.

Phó Tổng Thư ký Thượng Hội đồng lưu ý rằng chiều kích này không phải là một thành tựu hay điều gì đó đạt được, nhưng hiện hữu và luôn tồn tại. Ngài khẳng định “Giáo hội là hiệp hành” và do đó, trong giai đoạn thực hành này, mục đích là phát triển chiều kích đó, để rút ra những kết quả và làm cho chiều kích này trở nên cụ thể trong đời sống Giáo hội.

Đối với Đức cha, văn kiện chung kết không phải là sách hướng dẫn về các biện pháp hay một bộ luật, nhưng đúng hơn văn kiện mở ra những cánh cửa, chỉ ra những con đường để đi và khuyến khích các tiến trình thực hiện với tốc độ, sự phát triển và biểu hiện cụ thể khác nhau. Thực tế, mặc dù có cùng kho tàng đức tin: một Chúa, một đức tin, một phép rửa, nhưng có những khác biệt về mặt địa lý và văn hóa.

Đức cha giải thích, trong bốn năm qua, ngài đã cố gắng lắng nghe tiếng nói của Thánh Thần để phân định cách trung thành với Chúa, cách sống và làm chứng cho Tin Mừng trong thế giới ngày nay.

Ngài cũng hình dung đây là cơ hội để đổi mới sâu sắc, xuất phát từ kinh nghiệm của Chúa Kitô phục sinh, và cũng hướng đến sứ vụ trong thế giới ngày nay, tiếp nhận sự đa dạng văn hóa và những thách đố khác nhau, nhưng luôn luôn trong sự hiệp thông.

Sửa đổi giáo luật theo “chìa khóa hiệp hành”

Liên quan đến đề xuất của văn kiện chung kết về việc sửa đổi giáo luật theo “chìa khóa hiệp hành”, Đức cha Marin tuyên bố Bộ Giáo luật là một công cụ thực tế. Theo nghĩa này, ngài nhắc lại kho tàng đức tin không thay đổi, nhưng luật của Giáo hội Công giáo đang được canh tân, để thích ứng tốt và hữu ích hơn trong sứ vụ cứu độ đã được giao phó cho Giáo hội.

Ngài giải thích: “Yêu cầu sửa đổi Bộ giáo luật năm 1983, có tính đến sự phát triển của Giáo hội học hiện tại, để có thể cung cấp các hình thức, cơ cấu và thủ tục theo chìa khóa hiệp hành. Có một ủy ban gồm các luật sư giáo luật đang làm việc để xem xét các cơ cấu và quy trình hiện có để chúng hữu hiệu hơn”.
Trong số các chủ đề được xem xét, Đức cha Marin đề cập đến bản chất bắt buộc của các hội đồng mục vụ giáo phận và giáo xứ; phát triển các cách thức hợp tác của giáo dân, do đó liên quan đến nhiều thừa tác vụ; mở rộng khả năng của giáo dân thi hành các thừa tác vụ, hoặc thành lập các cấu trúc khu vực hoặc lục địa mới, như các hội đồng Giáo hội, cũng như xác định cách thức thực hiện tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và đánh giá.

Tăng cường sự tham gia: “không phải là tục hóa giáo sĩ hoặc giáo sĩ hóa giáo dân”

Một hệ quả khác của Thượng hội đồng về hiệp hành là yêu cầu giáo dân tham gia nhiều hơn vào “các quy trình ra quyết định” và điều này phải được thực hiện thông qua các cơ cấu và thể chế hiệp hành mới.
Đối với Đức cha, sự tham gia của giáo dân không phải là một sự nhượng bộ “nhưng là kết quả của phép rửa”, vì vậy giáo dân phải đảm nhận mọi trách nhiệm tương ứng, không tục hóa giáo sĩ hoặc giáo sĩ hóa giáo dân.
Phó Tổng Thư ký của Thượng hội đồng nhấn mạnh rằng mọi người đã lãnh nhận phép rửa “phải cảm thấy được tham gia vào đời sống và sứ vụ của Giáo hội và tham gia vào quá trình phân định để ra quyết định, tìm kiếm điều tốt đẹp cho Giáo hội. Đó là một tư cách đồng trách nhiệm mà theo ngài, có sự khác biệt, vì mỗi người tham gia theo các thừa tác vụ và chức năng khác nhau của mình”.

Quyền bính để phục vụ

Nhắc đến lời của Đức Thánh Cha Phanxicô, ngài chỉ ra rằng mô hình không phải là kim tự tháp, cũng không phải hình cầu, mà là khối đa diện. Như thế, để đưa ra quyết định, giám mục và linh mục quản xứ, có nhiệm vụ tham vấn và lắng nghe để phân định, sao cho các cơ quan tham gia phải tồn tại và hoạt động. Sau đó, các vị sẽ đưa ra các quyết định và giải thích các quyết định đã đưa ra.

Đức cha Marín nhấn mạnh sự cần thiết làm rõ các quy trình ra quyết định và việc đồng trách nhiệm, vì có những vấn đề mà quyết định chỉ tương ứng với giám mục hoặc linh mục quản xứ và những vấn đề khác có thể được đưa ra trong những trường hợp khác.

Tuy nhiên, cần phải làm rõ các quy trình ra quyết định và đồng trách nhiệm. Ngài giải thích: “Quyền bính trong Giáo hội phải luôn được hiểu và thực hiện như một việc phục vụ. Tương tự như vậy, điều quan trọng là phải ghi nhớ nguyên tắc bổ trợ; các vấn đề phải được giải quyết ở mức độ gần nhất với những người có liên quan”.

Không có gì ngăn cản phụ nữ giữ chức vụ trong Giáo triều Rôma

Về sự tham gia của phụ nữ trong Giáo hội, theo Đức cha Marín, tài liệu đề xuất, trên hết, “phụ nữ cần đảm nhận vai trò thích hợp của họ trong Giáo hội, bao gồm cả việc tham gia vào các thừa tác vụ”, lưu ý rằng cho đến gần đây, “thật đáng ngạc nhiên, các thừa tác vụ giáo dân chỉ dành cho nam giới”.
Đức cha nhấn mạnh rằng điều tương tự cũng áp dụng cho các vị trí có trách nhiệm, “có thể do giáo dân đảm nhiệm, bất kể là nam hay nữ”.
Trong Giáo triều Rôma, đã có phụ nữ trong ban thư ký của một số bộ và không có gì ngăn cản họ chủ trì những bộ khác trong tương lai, như giáo dân hiện đang làm. Ở một số nơi, phụ nữ thực hiện nhiều nhiệm vụ mục vụ và hành chính, cũng như quản trị, và việc theo đuổi hướng đi này hơn nữa là điều thích hợp.

Về đoạn 60 của văn kiện chung kết của Thượng hội đồng, ngài cho biết đoạn này cũng nêu vấn đề về chức phó tế, là một thừa tác vụ thánh chức chứ không phải thừa tác vụ giáo dân. Rõ ràng là có các nữ phó tế trong Giáo hội sơ khai. Nhưng đó có phải là thừa tác vụ thánh chức không? Chức năng của họ là gì? Có giống nhau trong tất cả các Giáo hội địa phương không? Để khám phá sâu hơn vấn đề này, Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm hai ủy ban. Công việc nghiên cứu vấn đề này vẫn đang tiếp tục.

Về vấn đề này, Đức cha Marín nhấn mạnh rằng điều quan trọng cần lưu ý là điều này không có nghĩa là tiếp cận chức linh mục và chức giám mục; chỉ có chủ đề về chức phó tế đang được nghiên cứu, đó là một cấp độ của bí tích truyền chức thánh, nhưng như Công đồng Vatican II nhắc lại, không hướng đến chức linh mục mà hướng đến thừa tác vụ. Thượng hội đồng yêu cầu phải làm rõ thêm.

Các cử hành phụng vụ như một biểu hiện của tính hiệp hành

Một trong những đoạn nhận nhiều phiếu chống nhất là đoạn số 27 về “nghiên cứu cách biến các lễ nghi phụng vụ thành biểu hiện của tính hiệp hành”. Đề xuất này nhận được 312 phiếu thuận (87,8%) và 43 phiếu chống (12,1%).

Đức cha nói: “Do tầm quan trọng của mối quan hệ giữa phụng vụ và tính hiệp hành, đại hội đã đề xuất thành lập một nhóm nghiên cứu với nhiệm vụ biến các cử hành phụng vụ thành biểu hiện của hiệp hành nhiều hơn. Theo quan điểm của tôi, trên hết, đề cập đến ba hướng nghiên cứu sâu hơn: làm thế nào củng cố sự hiệp thông, để những người cử hành là cộng đoàn hiệp nhất trong Chúa Kitô phục sinh chứ không phải là tổng hợp của những cá nhân rời rạc, xa lạ và đơn độc; làm thế nào cổ vũ sự tham gia, tránh coi mình chỉ là khán giả; làm thế nào tất cả chúng ta tham gia vào sứ vụ chung, vào công cuộc truyền giáo. Tóm lại, tôi tin rằng chìa khóa nằm ở cách sống và hiện thực hóa tình yêu (caritas), là căn tính Kitô hữu của chúng ta”.

Vượt qua não trạng quyền bính, và phát triển phục vụ

Phó Tổng Thư ký cũng lưu ý rằng Phiên họp đã yêu cầu làm rõ về tiêu chuẩn lựa chọn giám mục và cách Giáo hội địa phương nên tham gia vào quá trình lựa chọn.

Theo hướng này, ngài cho biết rằng cần phải vượt qua não trạng quyền bính, và phát triển phục vụ. Không còn nghi ngờ gì nữa, nhóm càng khép kín thì nguy cơ thái độ coi mình là thành phần ưu tú càng lớn, đó là lý do tại sao cần có sự tham gia nhiều hơn của dân Chúa.

Tuy nhiên, ngài nhấn mạnh rằng có những khó khăn thực tế, đặc biệt là ở các giáo phận lớn, nơi hiểu biết về các ứng cử viên tiềm năng còn hạn chế. Những khó khăn khác chúng ta gặp phải với những câu hỏi được đặt ra: Chỉ những người tin Chúa thôi ư? Những người thực hành đức tin thôi ư? Cũng như cách tiến hành tham vấn, tránh các chiến dịch bầu cử và áp lực từ các nhóm có tổ chức.

Nguyên tắc rất rõ ràng: mở rộng tham vấn và cho phép tham gia nhiều hơn. Nhưng cần phải có một nghiên cứu sâu, tiến hành một cách thanh thản. Đó là lý do tại sao Đức Thánh Cha đã thành lập một nhóm làm việc về chủ đề này. Cần chờ kết luận của nhóm.

Kho tàng đức tin không thay đổi và không thể thay đổi

Đức cha khẳng định, đối với những người với thiện chí, lo sợ về sự thay đổi trong giáo lý, họ đã thấy rằng việc lo sợ này không đúng. Kho tàng đức tin không thay đổi và không thể thay đổi. Vấn đề là đi sâu hơn, hình thành cách diễn đạt và phát triển trong thời điểm hiện tại, như Giáo hội đã làm trong suốt lịch sử của mình.

Phó Tổng Thư ký kết luận: “Tiến trình hiệp hành phát sinh từ hoạt động của Thánh Thần và nhất thiết đòi hỏi sự hoán cải của trái tim. Nếu không, chúng ta sẽ không hiểu được gì cả. Trên thực tế, sợi chỉ chung liên kết các phần khác nhau của tài liệu là lời mời gọi hoán cải: được Chúa Thánh Thần kêu gọi hoán cải; hoán cải trong các mối quan hệ; hoán cải trong các tiến trình; hoán cải trong sự kết nối; hoán cải vì sứ vụ. Để làm được điều này, cần phải lấy tình yêu thực sự làm sợi chỉ chung”.
 

Nguồn: Vatican News

Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log