Thứ năm, 09/05/2024

Sống Tịch Mạc Nội Tâm

Cập nhật lúc 10:11 28/02/2024



SỐNG TỊCH MẠC NỘI TÂM

(x. Mc 6, 30-34; x. HC điều 59)
 
 Thế giới quanh ta có rất nhiều thứ âm thanh: âm thanh của đất trời, của thiên nhiên, của con người, âm thanh của máy móc, của xe cộ… Cuộc sống lúc nào cũng ồn ào sôi động. Có những âm thanh đôi khi làm cho con người cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi. Do đó, người ta thường tìm đến với Yoga, Thiền hoặc các phương pháp dưỡng sinh để tìm sự quân bình, sự yên tĩnh và đơn giản chỉ là một sự nghỉ ngơi. Người ta cảm nhận được rằng cuộc sống ồn ào náo nhiệt không hẳn lúc nào cũng tốt, cũng giúp ích cho con người. Nhưng đôi khi sự tĩnh lặng lại là cần thiết cho mỗi người. Đối với người tín hữu Công giáo, Mùa Chay là thời gian thật ý nghĩa và giá trị. Đây là thời gian hết sức cần thiết giúp mọi người sống chiều kích nội tâm để được gặp gỡ Thiên Chúa trong thinh lặng và cô tịch, đồng thời gột rửa tâm hồn để chuẩn bị mừng lễ vượt qua của Đức Kitô, cách đặc biệt là những tâm hồn thánh hiến, những con người khao khát muốn bước theo Đức Kitô cách trọn vẹn hơn. Mỗi dịp tĩnh tâm, dịp người tu sĩ được mời gọi bước vào cõi riêng tư, đi vào cõi thinh lặng để gặp gỡ và lắng nghe tiếng Chúa. Chính sự thinh lặng đưa chúng ta vào trong sự thông hiệp sâu xa với Thiên Chúa và nó cũng giúp ta trở về với sâu thẳm cõi lòng mình để nhận ra điều gì cần thay đổi cho phù hợp với thánh ý của Thiên Chúa, để biết sống đẹp lòng Chúa hơn.
  1. Giá trị của thinh lặng
‘Nói’ là một nhu cầu giao tiếp không thể thiếu được trong đời sống xã hội loài người, đồng thời là một ân huệ mà Thiên Chúa chỉ dành cho con người. Mục đích của tiếng nói là chuyển tải một ý tưởng hay một thông tin nào đó tới người nghe. Tuy nhiên, nhiều khi con người lại lạm dụng nó nên đã gây phương hại đến những người xung quanh. Vì khi nói nhiều người ta vô tình đánh mất đi cơ hội để lắng nghe. Trong cuộc sống lắng nghe mới làm cho người ta lớn lên chứ không phải nói nhiều. Lắng nghe là thể hiện sự khiêm nhường và đón nhận. Sách Châm Ngôn viết: “Người năng nói năng lỗi, ai dè giữ lời nói mới là người khôn” (Cn 10, 19); “Nếu biết giữ thinh lặng, kẻ ngu cũng được kể là người khôn ngoan; nếu biết ngậm môi, kẻ đó được coi là người thông hiểu” (Cn 17, 28). Thinh lặng không chỉ đơn thuần là im lặng, mặt lúc nào cũng buồn rầu, lầm lì. Nhưng chính sự thinh lặng bên ngoài giúp ta giữ gìn lời nói và giúp ta thực sự lắng nghe để thấu hiểu và đón nhận người khác. Thật vậy, Paul Xardel nói: “Người ta sẽ tin bạn không phải vì bạn nói nhiều, nhưng vì bạn biết thinh lặng để lắng nghe”. Khi thinh lặng, chúng ta có thời gian để suy gẫm và hiểu cho kỹ cũng như suy xét cẩn thận về cách sống và cách đối nhân xử thế. Trong đời sống trí thức và làm việc cũng vậy: “Lời nói là nhất thời, im lặng là vĩnh cửu. Trí tuệ chỉ làm việc được trong thầm lặng, công trạng chỉ đạt tới trong lặng thầm” (Carlyle). Nếu một người biết thinh lặng, người đó có khả năng thu nhận kiến thức, đúc kết kiến thức, và sử dụng kiến thức một cách hiệu quả. Về phương diện tâm linh, thinh lặng là một điều kiện cần và đủ để con người gặp gỡ, đối thoại và chiêm ngắm Thiên Chúa. Trong tiến trình tu đức, thinh lặng bên trong và bên ngoài là điều kiện thiết yếu không thể thiếu để mở ra một môi trường thuận lợi cho Lời Chúa đến với ta. “Không một vĩ nhân nào đã thành công mà không đắm mình trong tĩnh lặng để hồi tâm và cầu nguyện” (P. Doncocur).
  1. Thinh lặng giúp chúng ta đi vào trong sự hiệp thông với Thiên Chúa
Thiên Chúa nói với con người và vạn vật trong thinh lặng. Vì thế, để có thể lắng nghe được tiếng Chúa con người cần đi vào trong sự tĩnh lặng. Mỗi người có thể tạo cho mình một cõi riêng tư để gặp gỡ Chúa. Cõi riêng tư ấy chính là sự thinh lặng nội tâm. Suốt chiều dài lịch sử Giáo Hội, nhiều bậc thánh nhân đã chọn đời sống thinh lặng, tránh xa thế gian, vào nơi sa mạc, lên rừng, hay vào các tu viện kín để sống đời chiêm niệm, mong có được không gian riêng để sống thân mật với Chúa. Ngày nay, trong thời đại mà người ta sống vội với những âm thanh náo nhiệt bên ngoài, người tu sĩ được mời gọi đi vào trong sự tĩnh lặng, trong sâu thẳm tâm hồn mình để gặp Chúa và tìm kiếm thánh ý của Thiên Chúa. Giống như các môn đệ của Chúa Giêsu sau khoảng thời gian vâng lời Chúa ra đi truyền giáo, các ông trở về vui mừng báo cáo cho Chúa biết kết quả những việc mình đã làm. Chúa chia sẻ niềm vui với các ông và nhận thấy các ông có vẻ thấm mệt, nên Chúa bảo: “Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6, 31). Một lời khuyên thật ý nghĩa và cần thiết. Chúa Giêsu khuyên các môn sinh hãy dành thời gian để nghỉ ngơi, đồng thời nhìn nhận lại đời sống và những công việc mình đã thực hiện. chính Chúa cũng đã thực hiện điều đó trong cuộc sống của Ngài. Khởi đầu ngày sống với tinh thần cầu nguyện: “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó” (Mc 1, 35). Sau đó bận rộn với biết bao công việc: rao giảng và chữa lành thể xác tâm hồn cho con người và kết thúc trong tĩnh lặng riêng tư với Chúa Cha (x. Lc 6, 12). Nhịp sống mỗi ngày của Chúa Giêsu tạo nên khuôn mẫu cho tất cả các môn sinh và cho mỗi người chúng ta hôm nay. Dù bận rộn với những công việc bổn phận hay việc truyền giáo, mục vụ…thì chúng ta cũng được mời gọi hãy “lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6, 31). Nghỉ ngơi về thể xác nhưng đồng thời cũng là bồi bổ về tâm linh. Đôi khi chúng ta cũng dễ bị rơi vào cơn cám dỗ về hiệu năng của công việc mà không chu toàn được đời sống thiêng liêng với Chúa. Đối với người nữ tu Mến Thánh Giá, Hiến Chương điều 59 khuyên: “Mỗi chị em cố gắng tạo sự thinh lặng bên trong và bên ngoài để dễ kết hợp với Chúa hơn”. Đức Cha Lambert – Đấng Sáng Lập dòng cũng đã căn dặn: “Để gia tăng đời sống thiêng liêng, không có phương thế nào hữu hiệu cho bằng sự đối thoại thường xuyên với Thiên Chúa và lòng trung thành với tác động của ân sủng Người” (Hal, 20). Nhưng chúng ta không phải lúc nào cũng có thể vào nhà thờ, nhà nguyện, hay một căn phòng vắng vẻ nào đó để tiếp xúc với Chúa. Kinh nghiệm của thánh Phanxicô Assisi, khi sai anh em đi rao giảng, ngài nói với họ: “Chúng ta luôn có một ẩn viện đồng hành với ta. Khi nào muốn, ta có thể trở thành một ẩn sĩ nép mình trong đó. Ẩn viện này là thân thể ta, còn ẩn sĩ chính là tâm hồn. Như vậy, cho dù đi trên đường hay tại chỗ làm việc, ai nấy đều có thể có một căn phòng riêng, ẩn mình vào đó mà gặp gỡ Chúa”. Và lời khuyên của thánh Anselmô: “Hỡi con người lầm than và yếu đuối, hãy dành một lúc rời khỏi công việc của mình, tránh xa những ý nghĩ ồn ào. Hãy để tâm trí xa rời những bận bịu. Hãy đi tìm Chúa một lát. Hãy đi vào cung thánh tâm hồn mình, loại trừ mọi sự khác, chỉ để lại một mình Thiên Chúa và những gì giúp bạn tìm kiếm Ngài. Khi đóng cửa xong thì thưa với Chúa: “Lạy Chúa, con tìm thánh nhan Ngài” (Tv 27, 8b).
  1. Thinh lặng giúp ta trở về trong sâu thẳm cõi lòng để nhận biết chính mình
Khi soi mình xuống trên mặt hồ trong xanh phẳng lặng, người ta sẽ thấy được hình ảnh của mình hiện ra một cách rất rõ ràng. Mặt hồ càng phẳng lặng bao nhiêu, hình ảnh càng rõ nét bấy nhiêu. Ngược lại, nếu ta chỉ cần ném một viên sỏi nhỏ xuống mặt hồ gần đó, nó sẽ tạo nên những lớp sóng nhỏ lăn tăn làm cho hình ảnh méo xệch, chập chờn, mờ đi, không thể nào quan sát được. Tương tự như thế, muốn nhìn vào tâm hồn mình thì chúng ta cũng phải để tâm hồn yên tĩnh. Chúng ta đừng để cho những lo lắng bối rối hay những toan tính trong cuộc sống làm khuấy động tâm hồn mình, nhất là đừng để cho tâm hồn còn chứa đựng những hận thù, ghét ghen, kiêu căng. Bởi vì đó chính là những lớp ‘sóng’ làm cho chúng ta không thể nhìn thấy mình một cách rõ nét, không thể nào nhận ra chính mình. Nhưng sự thinh lặng là cơ hội giúp ta đối diện với lương tâm của mình để nhận ra bộ mặt thật của nó. Tuy nhiên, việc giữ thinh lặng quả là một thách đố đối với con người hôm nay, nhất là đối với những người trẻ và không loại trừ những người sống đời thánh hiến. Bởi vì chúng ta đang sống trong một thế giới có thể nói bị “ô nhiễm” tiếng ồn. Nó khiến cho con người khó có thể thinh lặng. Một thời đại mà Internet, điện thoại, Games, Facebook, Zalo, Tiktok, các tương quan phức tạp…lôi kéo con người vào trong khía cạnh bất an của nó.  Con người chúng ta cũng dễ bị dẫn dụ vào trong thế giới đó vì nó hấp dẫn và có nhiều mới lạ.
Hành trình theo Chúa của chúng ta cũng giống như chiếc xe vậy. Chúng ta cần có thời gian dừng lại để “kiểm tra định kỳ” tâm hồn của mình xem tình trạng của nó ra sao. Tĩnh tâm là dịp tốt nhất, một thời gian thinh lặng tuyệt vời để mỗi người chúng ta nhìn lại bản thân, trở về với chính mình. Xem xét lại cách sống của mình, khám phá ra đâu là những lỗi lầm cần sửa chữa; đâu là những sai lệch cần điều chỉnh. Đây cũng là thời gian để các tâm hồn phản tỉnh xem mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa cũng như với tha nhân như thế nào. Nếu “chiếc xe linh hồn” của chúng ta cứ tiếp tục hành trình giữa dòng đời nhiều thách đố mà không có thời gian nghỉ để “bảo dưỡng”, chắc nó sẽ không an toàn.
Hàng ngày, tôi có ưu tiên dành những giờ thinh lặng để cầu nguyện riêng với Chúa, đồng thời xét mình dưới ánh sáng của Lời Chúa không?
Để sống thinh lặng theo ý Chúa trong Mùa Chay Thánh này, tôi cần phải buông bỏ cái gì và điều gì đang vướng mắc trong tôi?
Lạy Chúa! con xin mượn lời của bài hát “Một Cõi Riêng Tư” của Linh mục - nhạc sĩ Thái Nguyên như lời cầu nguyện để dâng lên Chúa: “Giữa những xao động của nhân thế nổi trôi. Giữa những sục sôi tranh chấp trong kiếp người. Giữa những đẹp tươi hay ê chề thất bại. Con xin dành một cõi rất riêng tư. Cho Giêsu Đấng tình yêu thẳm sâu. Một cõi riêng tư trong lòng con xin dành cho Chúa. Một cõi riêng tư trong lòng con Chúa thương ngự trị. Chúa là điểm hẹn nơi con phát xuất ra đi dấn thân cho cuộc đời nhân trần. Chúa là điểm cao nơi con trở lại để sống trong ân tình, niềm vui phút an bình”. Amen.

 
Ban Huấn Luyện
Thông tin khác:
Trở Về Nguồn (27/12/2023)
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log