Thứ bảy, 07/09/2024

8 Cách Cha Mẹ Có Thể Dạy Và Nhận Được Sự Tôn Trọng Từ Con Cái

Cập nhật lúc 09:32 29/11/2022


Thomas Lickona

Như là nền tảng của các mối tương quan lành mạnh, tôn trọng là biết thể hiện sự tử tế, nhã nhặn, đúng mực với người khác. Tôn trọng có ý nghĩa quan trọng, trước hết là với bản thân, sau đó là với người khác, được khởi đi từ trong gia đình.
Như là những người thày, bậc cha mẹ xứng đáng và cần được tôn trọng đặc biệt vì vị thế và trách nhiệm của họ. Là chủ gia đình, cha mẹ chịu trách nhiệm về phúc lợi, sức khỏe và sự an toàn của con cái, đồng thời giúp chúng phát triển trí tuệ, năng lực và tính cách. Nếu tin vào Thiên Chúa, Đấng giao phó con cái cho chúng ta, thì chúng ta cũng có trách nhiệm để đưa chúng đi vào mối tương quan với Thiên Chúa.
Điều này sẽ khó khăn hơn nhiều nếu trẻ em không tiếp thu sự hướng dẫn của chúng ta khi chúng không có thái độ tôn trọng cơ bản đối với thẩm quyền, quy tắc và giáo huấn đạo đức của chúng ta.
Việc chúng ta dạy con cái tôn trọng uy quyền của mình tốt như thế nào sẽ tạo nền tảng cho sự phát triển đạo đức trong tương lai của chúng. Chúng ta không thể chu toàn bổn phận của cha mẹ mà không có sự tôn trọng của con cái.
Dưới đây là 8 cách giúp bậc cha mẹ dạy và đón nhận sự tôn trọng từ con cái.
1. Tin tưởng và hành động như thể bạn có quyền được tôn trọng
Việc "có thẩm quyền" liên quan đến những kết quả tính cách tích cực nhất đối với trẻ em. Một đặc điểm quan trọng của việc nuôi dạy con cái một cách có thẩm quyền đó là thực thi quyền lực một cách tự tin.
Để thực thi quyền lực một cách tự tin, trước tiên chúng ta phải tôn trọng chính mình. Hãy nhớ nguyên tắc này: Chúng ta nhận được sự tôn trọng mà chúng ta đòi hỏi và nhận được sự thiếu tôn trọng mà chúng ta cho phép.
2. Tôn trọng con cái
Nếu muốn con cái tôn trọng mình, chúng ta hãy dành điều đó cho chúng.
Nếu muốn bọn trẻ nói với chúng ta “làm ơn”, “xin lỗi” và “cảm ơn”, chúng ta cũng nên thực hành phép lịch sự tương tự như vậy với chúng. Trái lại, nếu không muốn con cái mỉa mai mình, chúng ta nên tránh mọi lời mỉa mai khi nói với chúng. Nếu muốn bọn trẻ nói với giọng tôn trọng, chúng ta cũng nên làm mẫu cho chúng.
Chúng ta cũng nên tôn trọng con cái theo một nghĩa sâu sắc hơn - bằng cách đối xử với chúng như những cá nhân độc nhất vô nhị. Thể hiện sự quan tâm thực sự đến suy nghĩ, cảm xúc, và những gì đang xảy ra trong cuộc sống của chúng. Hãy dành thời gian để trò chuyện riêng với trẻ, và thu xếp để cùng làm việc nhà chung với nhau.
Chắc chắn, bọn trẻ sẽ tôn trọng chúng ta hơn khi chúng cảm thấy được tôn trọng và yêu thương.
3. Làm gương về sự tôn trọng trong lời nói và hành động của chính mình
Là cha mẹ, chúng ta nên nêu gương về sự tôn trọng qua cách chúng ta đối xử với nhau. Một người mẹ nhớ lại: "Bố mẹ tôi không hoàn hảo nhưng họ tôn trọng nhau và ủng hộ nhau trong các quyết định nuôi dạy con cái. Không ai trong gia đình chúng tôi bị chửi mắng".
Một số cách khác để mô hình hóa sự tôn trọng:
- Thể hiện sự tôn trọng qua cách chúng ta đối xử và nói về những người bên ngoài gia đình, bao gồm họ hàng, hàng xóm, và giáo viên. Người mẹ nói về bài tập về nhà của đứa con, "Đây là một bài tập ngớ ngẩn!" là không tôn trọng giáo viên. Sự thiếu tôn trọng thường bắt đầu ở mức độ thấp. Trẻ em trở nên mẫn cảm với nó.
- Tránh nói về lỗi lầm và thất bại của người khác một cách không cần thiết. Hãy giải thích cho trẻ hiểu rằng chúng ta không thích khi người khác nói xấu sau lưng chúng ta. Trái lại, hãy cố gắng trở thành kiểu người biết nhìn thấy và nhận xét về những điều tốt đẹp ở người khác.
- Khi tranh luận với tư cách là cha mẹ, chúng ta có duy trì sự tôn trọng không? Chúng ta có tránh dùng những từ ngữ lạm dụng không?
- Chúng ta có thực sự nỗ lực để "lắng nghe tích cực" quan điểm của người khác để họ cảm thấy được lắng nghe và thấu hiểu không?
- Chúng ta có biết góp ý, giáo dục, nâng đỡ tinh thần khi người khác sai phạm chứ không vì thế mà làm tổn thương, hạ thấp phẩm giá của họ không?
- Chúng ta có làm hòa và tha thứ ngay sau một lần “cãi nhau” thay vì ôm hận và oán giận không? Nhiều nghiên cứu cho thấy những cuộc hôn nhân lành mạnh thường có "nghi thức hòa giải" giúp họ làm lành và bước tiếp.
4. Nhấn mạnh sự tôn trọng trong mọi tương tác gia đình.
Chúng ta không cho phép anh chị em nói nhau là "câm đi", gọi nhau một cách thô lỗ, mỉa mai hoặc thiếu tôn trọng theo bất kỳ hình thức nào khác. Nhắc bọn trẻ nói “làm ơn”, “xin lỗi” và “cảm ơn” với nhau một cách chân thành, và giải thích rằng cách cư xử như thế thể hiện sự tôn trọng đối với người khác.
Dạy bọn trẻ không được ngắt lời, nhắc chúng nhìn vào người đang nói chuyện với, thay vì chỉ chằm chằm nhìn vào màn hình, điện thoại của mình.
5. Khi trẻ vô lễ, hãy đưa ra phản hồi sửa sai rõ ràng
Mỗi khi trẻ có lời nói, hoặc thái độ vô lễ, chúng ta cần đưa ra phản hồi sửa sai rõ ràng ngay khi thấy cần thiết.
Ví dụ:
- "Như thế là tôn trọng sao?"
- "Giọng nói của con có ý gì vậy?"
- “Con có thể vui lòng nói lại điều đó một lần nữa, theo cách tôn trọng hơn được không?”
- "Con có thể không có ý thiếu tôn trọng, nhưng nó đã xảy ra theo cách đó"
Hãy điều chỉnh mọi hành vi thiếu tôn trọng của trẻ. Ngay cả trong những chi tiết nhỏ, chẳng hạn như em trợn mắt nhìn khi chúng ta yêu cầu chúng làm việc nhà hoặc nhắc nhở chúng về một quy tắc mà chúng đang quên.
Đừng để trẻ có những hành vi thiếu tôn trọng chỉ vì bạn đang ở nơi công cộng, dù đó là việc trẻ thô lỗ từ chối chào một vị khách.
Hãy lưu tâm sửa chữa những điều nhỏ nhặt, dạy các tiêu chuẩn hành vi và hình thành lương tâm của trẻ. Nếu không kiên quyết và nhất quán điều chỉnh sự thiếu tôn trọng, chúng ta sẽ thấy vùng chịu đựng đối với sự thiếu tôn trọng của mình ngày càng rộng hơn, đồng thời, sự thiếu tôn trọng của trẻ ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Thật thế, nếu không sửa chữa sự thô lỗ ở một đứa trẻ 6 tuổi, sẽ không ngạc nhiên nếu chúng ta phải đối phó với việc chửi thề và dằn mặt khi chúng 16 tuổi.
6. Thiết lập một hậu quả cho sự thiếu tôn trọng
Trong lúc bình tĩnh, chúng ta hãy giải thích cho trẻ hiểu sự tôn trọng là một vấn đề nghiêm trọng. Hãy đưa ra những hậu quả một cách công bằng và hiệu quả nếu trẻ tiếp tục thiếu tôn trọng sau khi được nhắc nhở.
7. Huấn luyện trẻ cách thể hiện sự tôn trọng
Trên thực tế, trẻ em nghe và nhìn thấy rất nhiều hành vi tôn trọng lẫn thiếu tôn trọng nhưng không phân biệt được đúng, sai một cách rõ ràng. Do đó, chúng ta cần giúp trẻ ý thức và biết cách thể hiện sự tôn trọng bằng ngôn ngữ và hình thể, chẳng hạn như âm thanh, giọng điệu, cử chỉ. Đồng thời cũng cho trẻ biết sự thiếu tôn trọng thường được thể hiện như thế nào.
8. Thiết lập văn hóa gia đình đề cao sự tôn trọng lẫn nhau.
Điều gì sẽ xảy ra nếu các tương tác trong gia đình có rất nhiều sự thiếu tôn trọng và chúng ta đã bỏ qua? Hãy thay đổi điều đó bằng cách thực hiện các bước có chủ ý để tạo ra văn hóa gia đình biết tôn trọng nhau.
Một cách cụ thể, trong ứng xử hàng ngày tránh những lời nói, cử chỉ, hành vi, gây tổn thương hay hạ thấp nhân phẩm của nhau; tôn trọng cá tính, sở thích, nhu cầu của nhau; mỗi người bớt đi cái Tôi, tính độc đoán, và ích kỷ; chân thành chia sẻ niềm vui, nỗi buồn cũng như thuận lợi và khó khăn trong cuộc sống, …
***
Thông qua lời nói, cử chỉ, hành vi có thể đánh giá được chúng ta có đang tôn trọng người khác và chính bản thân mình hay không? Đôi khi chỉ những hành động nhỏ chúng ta cũng khiến người khác thấy ấm lòng, thoải mái và vui vẻ vì nhận ra rằng họ đang được ghi nhận và coi trọng.  
Hơn nữa, khi dành sự tôn trọng cho người khác, chúng ta cũng sẽ nhận được sự tôn trọng tương ứng. Đây cũng là hệ quả rõ nét trong việc cha mẹ dạy dỗ và nhận lại được sự tôn trọng từ chính con cái.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Theo: catholiceducation.org
Nguồn: hdgmvietnam.com
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log