Thứ sáu, 29/03/2024

ĐTC Chính Thức Thiết Lập Thừa Tác Vụ Giáo Lý Viên Của Giáo Dân

Cập nhật lúc 07:33 12/05/2021
Ngày 11/5 hôm qua Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Tông thư dưới dạng Tự sắc, có tên “Antiquum ministerium” – Thừa tác vụ cổ kính, qua đó ngài chính thức thiết lập thừa tác vụ giáo lý viên của giáo dân, vì nhu cầu khẩn thiết của việc loan báo Tin Mừng trong thế giới hiện nay.



Khởi đầu từ các cộng đoàn Giáo hội sơ khai

Thừa tác vụ dạy giáo lý là một thừa tác vụ mới được Đức Thánh Cha thiết lập, nhưng lại có nguồn gốc từ rất lâu đời, từ thời Tân Ước. Tin Mừng thánh Luca (Lc 1,3-4) và các thư của thánh Phao-lô gửi cộng đoàn Corintô (1 Cr 12,28-31) và Galati (Gl 6,6) đã nói về hình thức khởi đầu của sứ vụ này (số 1).
Đức Thánh Cha nhận xét: “Do đó, trong truyền thống vĩ đại có tính đặc sủng của Tân Ước, có thể nhận ra sự hiện diện tích cực của những người đã được rửa tội, những người đã thi hành thừa tác vụ truyền dạy giáo huấn của các tông đồ và các thánh sử một cách có cơ cấu hơn, bền vững hơn và liên kết với các hoàn cảnh khác nhau của đời sống (Dei Vervum 8). Giáo hội muốn nhìn nhận công việc phục vụ này như là một biểu hiện cụ thể của đặc sủng cá nhân, trợ giúp rất nhiều cho việc thực thi sứ mệnh loan báo Tin Mừng của Giáo hội” (số 2).

Vai trò của giáo dân trong giáo huấn của Đức Pio XII
Quyết định thành lập thừa tác vụ giáo lý viên của giáo dân là kết quả của một hành trình xuất phát từ trực giác của Đức Pio XII, và được Công đồng Vatican II và được các Thượng Hội đồng Giám mục, đặc biệt là Thượng Hội đồng Giám mục về miền Amazon nhìn nhận.
Năm 1944, trong thông điệp Mystici corporis – Thân thể Mầu nhiệm, nói về Giáo hội – Thân thể mầu nhiệm của Chúa Ki-tô, Đức Pio XII đã nói đến những người cha người mẹ của các gia đình, cha mẹ đỡ đầu, và đặc biệt là những giáo dân cộng tác với hàng giáo phẩm trong Giáo hội trong việc mở rộng Vương quốc của Đấng Cứu Chuộc, giữ một vị trí quan trọng trong xã hội Ki-tô giáo, và được Thiên Chúa linh hứng và trợ giúp, họ có thể tiến đến đỉnh cao nhất của sự thánh thiện.”

Chứng tá đức tin của giáo dân
Nhận xét về vai trò của các giáo lý viên, trong số 3 của Tự sắc Đức Thánh Cha viết rằng “Toàn bộ lịch sử loan báo Tin Mừng trong hai thiên niên kỷ này cho thấy bằng chứng tuyệt vời về sự hiệu quả của sứ mệnh của các giáo lý viên”, những người đã đảm bảo rằng “đức tin là chỗ dựa vững chắc cho đời sống cá nhân của mỗi con người”. Nhiều người nam nữ trình bày một đức tin vĩ đại và những chứng tá đích thực của sự thánh thiện, thậm chí đến mức hiến dâng mạng sống.
Ngay cả ngày nay, "nhiều giáo lý viên có khả năng và kiên cường” thực hiện “sứ mệnh không thể thay thế trong việc truyền bá và đào sâu đức tin”, trong khi "một đội quân đông đảo" các giáo lý viên được tuyên phong chân phước, hiển thánh và tử đạo “đã đánh dấu sứ mạng của Giáo hội ”, tạo nên “một nguồn phong phú cho toàn bộ lịch sử tu đức Ki-tô giáo” (số 3).

Giáo hội nhìn nhận sự hiện diện và vai trò của giáo dân trong Giáo hội
Đức Thánh Cha nhắc rằng từ Công Đồng Vatican II, Giáo hội  gia tăng nhận thức về tầm quan trọng của giáo lý viên trong việc loan báo Tin Mừng, cũng như cần thiết cho sự phát triển của cộng đồng Kitô hữu. Đức Thánh Cha nhắc lại sắc lệnh Ad gentes – Đến với Muôn dân – của Công đồng Vatican II, trong đó khẳng định rằng đội ngũ các giáo lý viên, với công việc truyền giáo hiệu quả giữa người ngoại giáo, rất đáng khen ngợi. “Được linh hứng bởi tinh thần của các tông đồ họ hy sinh đóng góp cụ thể và không thể thay thế cho việc truyền bá đức tin và Giáo hội.” Tài liệu khẳng định rằng trong hoàn cảnh thiếu các linh mục để loan báo Tin Mừng và thi hành sứ vụ mục vụ, nhiệm vụ của giáo lý viên vô cùng quan trọng (Ad gentes, 17) (số 4).
Trong số 5 của Tự sắc, Đức Thánh Cha nói rằng “cần nhìn nhận sự hiện diện của các giáo dân nam nữ, những người nhờ bí tích rửa tội họ cảm thấy mình được mời gọi cộng tác vào việc dạy giáo lý.” Điều này không ảnh hưởng gì đến sứ mệnh của Giám mục với tư cách là giáo lý viên chính trong Giáo phận của mình, nhiệm vụ mà ngài chia sẻ với các linh mục, hoặc trách nhiệm đặc biệt của các bậc cha mẹ đối với việc đào tạo Kitô giáo cho con cái của họ,
Đức Thánh Cha nhận định: “Ngày nay, sự hiện diện này càng cấp thiết hơn do chúng ta ngày càng nhận thức được việc loan báo Tin Mừng cho thế giới (Evangelii Gaudium, 163-168), và sự trỗi dậy của một nền văn hóa toàn cầu hóa (Fratelli Tutti 100, 138) (số 5)

Ơn gọi biến đổi xã hội bằng các giá trị Ki-tô giáo của giáo lý viên
Ơn gọi loan báo Tin Mừng là tiếng gọi của Chúa Thánh Thần dành cho mỗi người để họ lên đường “gặp gỡ những người đang chờ đợi được biết chân thiện mỹ của đức tin Ki-tô giáo”. Do đó, theo Đức Thánh Cha, nhiệm vụ của các mục tử là hỗ trợ hành trình này và làm phong phú đời sống của cộng đoàn Ki-tô giáo bằng việc công nhận các thừa tác vụ giáo dân có khả năng đóng góp vào sự biến đổi xã hội thông qua “sự thâm nhập của các giá trị Ki-tô giáo vào thế giới xã hội, chính trị và kinh tế” (Evangelii gaudium, 102) (số 5)
Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh rằng giáo lý viên là chứng tá đức tin, người thầy, nhà sư phạm, người đồng hành và nhà mô phạm, được kêu gọi tham gia vào công việc mục vụ là truyền đạt đức tin từ lời loan báo đầu tiên – Chúa Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa đã chết và sống lại để cứu độ chúng ta, đến việc chuẩn bị cho các bí tích khai tâm Kitô giáo, cho đến việc đào tạo trường kỳ. Tất cả những điều này chỉ có thể thực hiện được “nhờ cầu nguyện, học hỏi và tham gia trực tiếp vào đời sống cộng đoàn”, để căn tính của giáo lý viên phát triển với “sự nhất  quán và trách nhiệm” (số 6).

Không "giáo sĩ hóa" giáo lý viên
Theo giáo huấn của các Công đồng, các Thượng Hội đồng giám mục, cũng như của các Giáo hoàng, đặc biệt là Đức Phanxicô, các giáo dân không chỉ được kêu gọi thực hiện công việc thay thế vì thiếu ơn gọi linh mục, nhưng là hoạt động cách trọn vẹn và ý thức, tham gia và đồng trách nhiệm: sự hiện diện của họ thực sự cần thiết để Giáo hội hiệp thông và truyền giáo.
Qua dòng lịch sử, khi không có linh mục, đức tin vẫn được duy trì là nhờ những người cha, người mẹ, và những giáo lý viên đã dành thời gian và thường xuyên hy sinh cuộc sống cho điều này. Tuy nhiên, thừa tác vụ được thực hiện vì cộng đoàn, giúp phát triển đời sống của cộng đoàn và vì chứng tá đức tin của cộng đoàn. Do đó, thiết lập một thừa tác vụ giáo dân không có nghĩa là “giáo sĩ hóa” giáo dân.
Thật vậy, việc lãnh nhận thừa tác vụ giáo lý viên “nhấn mạnh nhiều hơn đến sự dấn thân truyền giáo đặc trưng của mỗi người đã được rửa tội”. Đức Thánh Cha khuyên rằng nó phải diễn ra “theo cách hoàn toàn của giáo dân, không rơi vào bất kỳ biểu hiện nào của chủ nghĩa giáo sĩ trị” (số 7).

Các yêu cầu đối với giáo lý viên
Trong số 8 của Tự sắc,  Đức Thánh Cha lưu ý rằng thừa tác vụ giáo lý viên của giáo dân cũng có “một giá trị ơn gọi mạnh mẽ”, “là việc phục vụ ổn định dành cho Giáo hội địa phương”, đòi hỏi “sự phân định cần thiết từ phía giám mục”. Đồng thời Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng các giáo lý viên phải là những người nam nữ “có đức tin sâu sắc và trưởng thành nhân bản”; tham gia tích cực vào đời sống của cộng đoàn Ki-tô giáo; có khả năng “chấp nhận, quảng đại và sống hiệp thông huynh đệ”; được đào tạo về Kinh Thánh, thần học, mục vụ và sư phạm; đã có kinh nghiệm trong việc dạy giáo lý; cộng tác trung thành với các linh mục và phó tế, cũng như "được hướng dẫn bởi lòng nhiệt thành tông đồ thực sự”.

Nghi thức Thiết lập thừa tác vụ giáo lý viên
Sau khi suy tư về mọi khía cạnh, Đức Thánh Cha tuyên bố thiết lập thừa tác vụ giáo lý viên của giáo dân và truyền rằng Bộ Phụng tự và kỷ luật Bí tích sẽ công bố trong thời gian ngắn Nghi thức Thiết lập thừa tác vụ này (số 8).

Nhiệm vụ của các giám mục
Đức Thánh Cha mời gọi các Hội đồng Giám mục “làm cho thừa tác vụ giáo lý viên trở nên hiệu quả” bằng cách thiết lập chương trình đào tạo và các quy chế cần thiết cho phép thi hành thừa tác vụ này, tìm những hình thức phù hợp nhất cho việc thực thi thừa tác vụ mà những người được mời gọi thực hiện cách phù hợp với nội dung của Tự sắc (số 9).

Nhìn nhận thừa tác vụ và đặc sủng của giáo dân
Cuối cùng, Đức Thánh Cha nhắc với các giám mục lời của Công đồng, trong khi thực hiện nhiệm vụ cao cả là chăn dắt các tín hữu, các ngài cũng nhìn nhận các thừa tác vụ và đặc sủng của các tín hữu để tất cả theo những cách riêng biệt, nhưng đồng tâm, có thể hợp tác trong nhiệm vụ chung (Lumen Gentium, 30 ). Và Đức Thánh Cha cầu xin với ơn Chúa Thánh Thần, các giám mục sẽ làm cho thừa tác vụ Giáo lý viên của giáo dân mang lại hiệu quả cho sự phát triển của cộng đoàn (số 11).

Hồng Thủy - Vatican News
Nguồn: Vatican News Tiếng Việt
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log