Thứ bảy, 20/04/2024

Tĩnh Tâm Tháng 4

Cập nhật lúc 16:05 02/07/2018

(Ga 20,1-9)
ĐÓN NHẬN VÀ SỐNG TIN MỪNG PHỤC SINH
 
Xin Chúa Phục sinh biến đổi cái nhìn của chúng ta, để trong đức tin chúngta có thể nhạy bén nhận ra và đón nhận sự hiện diện của Chúa Phục sinh qua các dấu chỉ hằng ngày.
 
  1. Trời sáng nhưng lòng tối ( c 1-2)
“Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối…” (c1
Ngày thứ nhất trong tuần, là ngày đầu của một tuần lễ mới, chia tay với tuần lễ của thương khó và tử nạn, lịch sử đã sang một trang mới, một kỷ nguyên mới của Chúa phục sinh. Nhưng trời vẫn còn tối, tối ở đây không ám chỉ thời gian và không gian, mà ám chỉ tình trạng tinh thần và tâm linh của bà Maria Magđala. Ngày mới đã bắt đầu, trời đã sáng rồi, nhưng lúc này tâm trạng của bà Maria Magđala vẫn tối vì bà chưa ra khỏi kinh nghiệm đau thương về sự kiện Thầy Giêsu bị nộp và bị giết chết. Tâm trạng của bà vẫn tối, bởi thay vì thông báo cho Phêrô và người môn đệ Chúa thương rằng tảng đá đã bị đem đi khỏi mộ thì bà lại nói “người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ” (c2) vẫn tối vì bà tiếp tục theo đến mộ lần nữa mà khóc và hỏi xem họ để Thầy ở đâu? (c11.13) vẫn tối bởi bà tưởng Thầy là người làm vườn. Vì quá đau buồn về cái chết của Thầy, nên những dấu hiệu của sự sống lại bị Maria Magđala hiểu thành dấu chỉ của sự mất mát đớn đau.
Hình ảnh bà Maria Magđala lúc này là hình ảnh của cộng đoàn các tông đồ đang đau khổ và mất phương hướng vì cái chết bi thảm của Chúa Giêsu là Thầy và là Chúa của họ. Cộng đoàn đầu tiên của các tông đồ lúc này được khắc hoạ trong hình ảnh của Maria Magđala vẫn còn đi trong tối tăm, cho dù trời đã sáng, Thầy đã phục sinh. Cộng đoàn các tông trở nên bất lực và bất hạnh vì Thầy Giêsu, Chúa của họ đã bị “người ta” đặt ở nơi người ta muốn.
Maria Magđala cũng là hình ảnh của cộng đoàn chúng ta khi ngôi mộ trống và sự khiếm diện của Chúa Giêsu bị chúng ta hiểu sai thành bằng chứng của một mất mát lớn lao và đau đớn nơi mình và nơi cộng đoàn.Chúng ta cũng có thể đã có những lần hành xử như bà Maria Magđala: quá đau khổ và thất vọng vì những thực tại đau thương trong cuộc sống, làm cho chúng ta không còn khả năng tin vào một thế giới mới đã được khai mở với cuộc phục sinh của Chúa Giêsu ngay nơi cộng đoàn và những người xung quang mình.
 
  1. Bước chạy vội vã, hốt hoảng đến bước chạy nhiệt thành (c.2-4)
“Bà liền chạy về gặp ông Si-mon Phê-rô và người môn đệ Đức Giêsu thương mến.. Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai ông cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước”
Hình ảnh chạy đôn chạy đáo về báo tin cho Phêrô và người môn đệ được Chúa thương của Maria Magđala cho chúng ta một hình ảnh khác của người phụ nữ, thay vì dáng vẻ yểu điệu thục nữ, thay vì những bước chuyển động nhẹ nhàng thì lại chạy, và chạy vội vàng, chạy hớt hải, bà chạy báo tin cho Phêrô và môn đệ được Chúa thương cùng đi tìm, bà chạy đi tìm Thầy trong nước mắt (c11), Bà chạy đi tìm Thầy bằng cách hỏi người khác (c13)… mỗi bước chạy là mỗi bước bà xác tín miệt mài tìm Thầy không ngừng nghỉ. Những bước chạy vội vã, sợ hãi ấy lại là khởi đầu cho những những bước chạy vì vui mừng, vì nhiệt thành của Tin Mừng sau này nơi Maria Magđala.
Chúng ta có thể đã có những bước chạysợ hãi, hay bước chạy tránh né, nhưng rất cần những bước chạy nhiệt thành như Maria Magđala, vì lòng nhiệt thành chính là điều kiện cần thiết để loan Tin Vui Phục Sinh đến với mọi người.
Mới sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần không chỉ có Maria Magđala chạy, mà bà kéo theo cả Phêrô và người môn đệ được Chúa thương cùng chạy, cuộc chạy này đúng là cuộc chạy tâm linh, không đè bẹp người khác để dành chiến thắng, nhưng giúp và kéo người khác cùng chiến thắng với mình. Hình ảnh này gợi cho chúng ta cách thánh Phaolô so sánh và phân tích về cuộc chạy đua trên thao trường, tất cả cùng chạy… anh em hãy chạy thế nào để chiếm cho được phần thưởng không bao giờ hư nát (1Cr 9,, 24-25) và chính Thánh Phaolô chia sẻ kinh nghiệm của mình “Tôi đây cũng chạy như thế, chứ không chạy mà không xác tín (1Cr 9:26-27).
Hình ảnh cả ba người cùng chạy, nhưng không phải là chạy trốn, mà chạy có xác tín, chạy đi tìm Thầy, đó là một hình ảnh đẹp, một hình ảnh mẫu cho cộng đoàn hôm nay, mọi thành viên cùng nhau miệt mài đi tìm Chúa, cùng nhau đi tìm ý Chúa, cùng nhau đặt Chúa làm chủ, đặt Chúa làm trung tâm cho cuộc đời và cộng đoàn của mình.
 
3. Thấy và tin (c 5--8)
Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Si-mon Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin”.
Một chi tiết cho chúng ta sự chú ý đó là cách cư xử của người môn đệ được Đức Giêsu thương mến, ông đến mộ trước mà lại không vào ngay nhưng nhường cho Phêrô vào trước và ông vào sau (5-6). Phải chăng khi nhường cho Phêrô vào trước là ông muốn nhường cho Phêrô được ưu tiên bày tỏ tình yêu mến đối với Thầy trước, bởi lẽ chỉ vài ngày trước đó, Phêrô đã chối Thầy trong sân dinh thượng tế còn người môn đệ kia thì vẫn tiếp tục theo Đức Giêsu đến tận chân thập giá. Cách làm này của người môn đệ được Chúa thương mến cho thấy ông đang thực hiện một hành vi bao dung, tôn trọng và cả hòa giải đối với người anh em của mình.
Khi vào trong mộ cả hai ông đều thấy các băng vải còn để đó và khăn che đầu Đức Giêsu được cuốn lại và xếp riêng ra một nơi (c7). Tin Mừng không nói gì về phản ứng của Phêrô khi nhìn thấy ngôi mộ trống với những băng vải được để đó và chiếc khăn che đầu được xếp riêng ra. Còn người môn đệ Chúa yêu thì cũng thấy và tin (c8) vậy ông tin gì? ông tin không phải xác Thầy bị mất cắp như Maria Magđala nói, Mặc dù những dấu chỉ này không phải là một bằng chứng tích cực của Mầu nhiệm Phục sinh, nhưng đối với người môn đệ Chúa yêu thì ngôi mộ trống và những băng vải được đặt trong đó thực sự là dấu hiệu của sự sống. Người môn đệ Đức Giêsu thương mến đã nhận ra ý nghĩa đó và ông đã tin. Ông nhận ra dấu hiệu mộ trống là dấu hiệu của sự sống, ông tin rằng Chúa của ông đã sống lại, tuy nhiên tin vẫn còn là cả một hành trình tiếp tục đối với ông. Ông nhận ra khăn và băng vải cuốn lại và được xếp riêng là dấu hiệu sự chết đã được cuốn lại và xếp riêng ra một nơi, sự chết đã được gạt sang một bên. Ông tin sự chết đã không thể cầm tù được Đức Giêsu Đấng ban sự sống, ông tin rằng Chúa của ông đã sống lại.
Có những lúc chúng ta thấy mình nơi Maria Magđala, hốt hoảng, sợ hãi, đau buồn và cả nhiệt thành. Có lúc chúng ta thấy mình nơi Phêrô, thấy dấu chỉ đó nhưng chưa nhận ra Chúa và lắm lúc chúng ta thấy mình nơi môn đệ Chúa yêu, tin tưởng phó thác tuyệt đối vào lời hứa của Thầy.
 
4. Sống Tin Mừng Phục Sinh
Rất nhiều khi và nhiều lúc chúng ta chỉ gặp “ngôi mộ trống” nơi cộng đoàn, nơi nơi những người thân xung quanh và nơi bản thân mình trong cuộc sống, Nhưng chúng ta cần nhận ra đó là sự khiếm diện và trống vắng có giá trị của dấu chỉ về sự sống mới, sự sống đích thực mà chính mối tương quan của chúng ta với Đức Kitô sẽ giúp chúng ta đi vào khoảng trống đó để thấy và tin.
Tảng đá nơi cửa mộ Đức Giêsu đã được lăn khỏi và Ngài đã bước ra, chúng ta cũng phải lăn tảng đá của sự ích kỷ, của sự chán nản đang cầm tù, đang khép kín chúng ta để bắt đầu lại một cách dứt khoát bằng một tình yêu đích thực và nhất là đừng bao giờ đặt tảng đá thất vọng trên bất cứ sự gì, nhưng hãy luôn luôn hy vọng.
            Tấm khăn liệm Đức Giêsu đã được cuốn lại và xếp riêng ra một bên, chúng ta cũng cần ra khỏi tấm khăn liệm của sự thụ động làm chúng ta bất động,thờ ơ với những vất vả và đau khổ của người khác, chúng ta cần cuốn lại tấm khăn liệm của cái riêng mình để hướng đến cái chung, cái chúng ta hơn.
Biết bao sự phục sinh hằng ngày đang chờ đợi chúng ta nơi những mối tương quan giữa chúng ta với nhau trong cộng đoàn, trong sứ vụ… Mỗi người chúng ta phải luôn ý thức mình được kêu gọi nhìn thấy và trao ban những dấu chỉ của sự Phục Sinh, để mọi người chúng ta gặp gỡ đều có thể nhận ra Chúa Phục sinh qua đời sống hằng ngày của chúng ta.
 
Suy gẫm:  Tôi xét lại xem hiện tại mình cần phải làm một “cuộc Phục sinh với Đức Giêsu” ở những điểm nào: cách nhìn, cách suy nghĩ, lời nói, việc làm, việc sống các lời khấn, học tập, cầu nguyện và thực hành các nhân đức…
 
 
Ban huấn luyện
Thông tin khác:
Tĩnh Tâm Tháng 5 (02/07/2018)
Tĩnh Tâm Tháng 6 (02/07/2018)
Tĩnh tâm tháng (02/07/2018)
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log