Thứ sáu, 26/04/2024

Ngày 02.02: Thánh Gioan Thêôphan Vénard Ven – Linh Mục (1829-1861)

Cập nhật lúc 10:13 01/02/2021

Thánh Gioan Thêôphan Vénard Ven chào đời ngày 21 tháng 11 năm 1829 tại làng nhỏ bé Saint Loup-sur-Thouet thuộc tỉnh Deux-Sèvres miền tây nước Pháp.Cha là cụ Gioan Vénard, giáo viên và mẹ là bà Maria Guéret.

14317 St. GioanTheuophaneVeunardVen

Ngay từ hồi nhỏ cậu Thêophan Vénard, thân hình nhỏ bé, khôi ngô, ưa thầm lặng suy tư và rất thích đọc sách. Lúc mới 8 tuổi, cậu đọc chuyện Chân Phước Carolô Cornay – cha thánh Tân tử đạo – Cậu Thêophan Vénard đã nói với mẹ: “Con cũng muốn đi Việt Nam và muốn tử đạo”. Bà mẹ thấy cậu con trai mới 8 tuổi mà nói như thế thì cười, không nói gì. Mấy tuần lễ sau, cậu ngỏ ý với bố: “Bố ơi! Con muốn đi tu làm linh mục”.Thấy con ngỏ ý muốn đi tu thì ông già vui mừng nên đã gửi cậu vào học trường giáo xứ Saint Loup để bắt đầu học La tinh, rồi năm 1841 lại được chuyển tới trường trung học Doué trong tỉnh Maine-et-Loire.
Ngay từ nhỏ cậu đã được mọi người khen ngợi là người ngoan đạo, dễ thương, gia đình cậu thật hạnh phúc, đầm ấm… Nhờ bầu khí đạo đức thánh thiện của gia đình nên ngay từ nhỏ cậu đã tỏ ra rất hiền hoà, phong độ và đầy nghị lực, học hành giỏi giang, được các thầy cô và bạn bè thương mến. Dần dần khi khôn lớn và học về địa lý Á Châu, cậu mơ ước có ngày được đặt chân tới những vùng đất tốt đẹp này để loan báo Tin Mừng Cứu Độ của Chúa Cứu Thế. Khi đọc những gương anh hùng tử đạo của các vị thánh, cậu ước ao được phúc tử đạo như các vị thánh anh hùng tử đạo vì đã loan truyền Tin Mừng của Chúa Kitô.
Được sống trong khung cảnh của một gia đình đạo đức sốt sắng như vậy, lòng đạo đức và tinh thần truyền giáo mỗi ngày triển nở thêm lên. Cậu quyết tâm được dâng mình cho Chúa để trọn đời phục vụ Chúa, mong làm sáng danh Chúa. Thế rồi một hôm, sau khi đã cầu nguyện sốt sắng với Chúa và như nghe được tiếng mời gọi của Chúa nên cậu đã mạnh dạn xin phép cha me để đi tu. Cha mẹ biết lòng nhiệt thành và ý chí cậu muốn dâng mình cho Chúa, các ngài vô cùng sung sướng, vui mừng chấp thuận lời xin của cậu. Sau khi được cha mẹ chấp thuận, cậu hăng hái xin gia nhập tu viện Saint-Loup và theo Ban Thần Học tại Đại Chủng Viện Portiers.
Một đặc điểm nổi bật trong đời sống thiêng liêng của thầy Thêophan Vénard Ven là lòng sùng kính yêu mến Phép Thánh Thể. Đối với thầy, Thánh Thể chính là nguồn sinh lực giúp thầy can đảm lướt thắng mọi thử thách, lướt thắng mọi cám dỗ gian nan trong cuộc sống. Năm 1851, thầy gia nhập vào Chủng Viện Hội Thừa Sai Paris và thụ phong linh mục năm 1852. Sau khi thụ phong linh mục, cha được lệnh Bề trên xuống tầu buôn Philotaxe của Hoà Lan ở Anvers sang Hồng Kông để học hỏi thêm về kiến thức và ngôn ngữ mong dễ dàng giao tiếp với dân bổn xứ, sau hơn 4 tháng trời tầu mới cập bến Singapore ở đây cha gặp bốn chủng sinh Việt Nam đang học tai chủng viện Pénăng do các linh mục Hội Thừa Sai Paris điều hành. Lần đầu tiên cha được tiếp xúc với người Việt Nam, cha có cảm tình và quí mến ngay những chủng sinh Việt Nam này. Dừng chân ít ngày rồi lại tiếp tục đi Hồng Kông, tại đây cha đã phải vất vả học chữ Nho cho tới tháng 2 năm 1854, tức 2 năm sau cha mới được cử sang truyền giáo tại địa phận Tây Bắc Kỳ trong thời vua Tự Đức.
Nói tới thời vua Tự Đức, chúng ta đều biết rằng đây là thời gian rất khó khăn cho các vị Thừa Sai, vì vua Tự Đức đã ra sắc lệnh cấm Đạo và truyền Đạo rồi. Tuy thế, cha Gioan Thêôphan Vénard Ven vẫn kiên trì bằng mọi cách để rao giảng Tin Mừng Cứu Độ. Tháng 8 năm 1854 cha tới Kẻ Đoan học tiếng Việt, nhưng vì đau yếu phải sang tạm trú tại chủng viện Hoàng Nguyên. Lúc này cuộc bắt đạo đã bùng lên khắp nơi, chỉ trong một tuần lễ mà cha phải di chuyển tới bốn lần, cuối cùng phải lánh nạn tại Bút Đông. Trong những ngày này cha phải khổ cực trốn lánh, phải lận lội trong những ruộng lúa hay chui rúc trong các lùm cây trong đêm tối. Năm 1857 cha được bề trên trao phó coi sóc cả hạt Hoàng Nguyên, gồm 4 xứ đạo, dân số lên tới 12 ngàn người Công giáo. Công việc nặng nhất khi ấy là ngồi tòa giải tội. Nhiều ngày phải giải tội tới đêm khuya Thầy Giảng Nguyễn Duy Khang thấy cha ốm yếu mà ngồi giải tội nhiều giờ quá như vậy thì khuyên cha giảm bớt giờ giải tội đi để nghỉ ngơi đôi chút thì cha nói: “Nếu được chết trong khi ngồi toà giải tội cho người ta thì thật là có phúc vô cùng”.
Vua Tự Đức đã sẵn lòng ghét đạo, rất ác cảm với các giáo sĩ tây phương thì năm 1858 đoàn thủy thủ của quân đội Pháp lại ra vào cửa biển Đà Nẵng như muốn khiêu khích lòng ghen ghét của vua Tự Đức. Chính vì thế mà vua Tự Đức lại càng trở nên gay gắt và cuồng nhiệt trong việc diệt trừ đạo Gia Tô, vì vua nghĩ rằng đạo Gia Tô là chiêu bài của quân đội Pháp. Trước tình thế quá khó khăn và cực kỳ nguy hiểm này, cha Vénard Ven bỏ Hoàng Nguyên về Bút Đông trốn trong nhà nguyện Dòng Mến Thánh Giá. Tại đây cha được các nữ tu và rất nhiều người trong đó có ông Tần là Chánh Tổng Phúc Châu giúp đỡ. Ông Chánh Tổng Tần không phải là người Công giáo nhưng lại rất thân và quí trọng cha nên đã nhiều lần ông muốn cứu thoát cha để khỏi bị bắt. Nhưng rồi tại Bút Đông có một người biết nên đã đi tố cáo với nhà cầm quyền sở tại để lùng bắt cha.
Trong một bức thư gửi cho bạn, cha Gioan Vénard Ven đã viết: “Một lần tôi và Đức Cha Theurel Phan cùng ẩn núp trong bức tường giả giữa hai ngôi nhà trong Tu Viện Mến Thánh Giá Bút Đông, từ chiều hôm trước đến sáng hôm sau, chứng kiến cảnh quân đội xông vào Tu Viện trong suốt 4 tiếng đồng hồ, bắt trói các nữ tu, đánh đập họ để điều tra chỗ hai vị Thừa Sai ngoại quốc ấn núp. Trong khi đó nhóm khác đi sục sạo hết mọi nơi mọi xó tịch thu của cải. Núp đàng sau vách tường, chúng tôi nín hơi không dám thở, mãi cho đến sáng khi gà gáy một viên chức trong họ Đạo mời được họ về nhà ông ăn sáng. Chúng tôi lén sang trọ nhà một bà cụ già suốt 3 tuần lễ, thu mình trong một căn phòng đen tối. Nhưng rồi một buổi sáng tinh sương nhà chúng tôi ẩn trú đã bị bao vây. Thì ra một giáo gian đã chủ mưu, biết rõ chúng tôi đang ở trong họ Đạo nên đã đi tố cáo và dẫn quân lính về đạp đổ hết mọi đồ đạc trong nhà. Một bức tường xa chúng tôi chừng ba thước đã sụp đổ, nhưng Chúa đã che mắt họ không nhìn thấy chúng tôi…Chúng tôi phải ẩn trong 4 bức tường chật hẹp, đầu thì chạm mái nhà, chung quanh thì dụng phải màng nhện, phân chuột hôi hám. Bên ngoài thì nghe toàn những hung tín, linh mục bị bắt, bị hành quyết, các họ Đạo tan rã, người Công giáo bị phân tán vào trong các làng lương, nhiều giáo dân chối đạo. Những người còn trung thành thì bị đầy lên rừng núi, chết chóc. Không biết rồi tình thế này còn kéo dài tới bao giờ! Thú thât, phải có ơn riêng, một ân sủng đặc biệt mới khỏi lâm vào cảnh khùng điên, thất vọng”(Xem Tiểu Sử 117 thánh TĐ của Đúc Ông Trần Ngọc Thụ tr.233)
 Sau 6 năm hăng say truyền giáo tại Việt Nam, ngày 30 tháng 11 năm 1860, đúng 9 giờ sáng một người tên là Sư Đối người làng Bút Đông cố tình dò xét chắc chắn rồi dẫn ông Tuần Đô, cựu chánh tổng tới vây bắt. Lúc ấy thầy Khang đang truyện trò với cha Gioan Vénard Ven thì bà chủ nhà báo tin nhà bị quân lính bao vây. Hai cha con vôi ẩn vào bức tường nhà. Ông Tuần Đô là người hiểm độc, ông ra lệnh cho quân lính vây kín chung quanh nhà rồi ông vào nhà gọi bà chủ nhà ra tra khảo:
– Tôi biết chắc trong nhà bà có tây dương đạo trưởng đang ẩn trốn tại đây. Bà gọi họ ra đây thì bà sẽ nhẹ tội.
Bà chủ nhà đáp:
– Tôi thân phận góa bụa, làm gì có tây dương đạo trưởng ở trong nhà tôi? Sao ông nói gì lạ thế?
– Tôi biết tây dương đạo trưởng này mới từ Kim Bảng về mà. Ông Tuần Đô nói quả quyết như thế.
Hai cha con nghe rõ câu chuyện nên biết chắc là có người tố cáo nên biết chắc thế nào cũng bị bắt. Ông Tuần Đô ra oai vì bà chủ nhà nhất định chối, ông ra lệnh đạp đổ cánh cửa và bắt đươc cha Gioan Vénard Ven và thầy Giảng Nguyễn Duy Khang. Cha đã bị bắt, bị trói hai tay đưa về làng Lê Khoái, họ đòi nập cho họ 100 nén bạc thì họ sẽ tha. Nhưng không có tiền nộp nên họ đem cha về huyện Lý Nhâm. Sau cùng họ nhốt cha trong cũi, rồi 8 tên lính phải thay nhau khiêng cha về thủ đô Hà Nội, còn thầy Nguyễn Duy Khang thì đeo gông, đi bộ theo sau. Trên đường đi, hai cha con thầm thĩ đọc kinh cầu nguyện xin Chúa giúp sức để luôn can đảm tuyên xưng Đức Tin.  Về tới kinh đô, quan thẩm phán hỏi:
– Ông từ nước nào tới đây?
– Tôi từ nước Pháp thuộc Âu Châu tới
– Ông tới Việt Nam để làm gì?
– Tôi tới Việt Nam chỉ có một mục đích duy nhất là để rao giảng đạo Thiên Chúa cho những người chưa biết
– Năm nay ông bao nhiêu tuổi?
– Năm nay tôi 31 tuổi.
Quan thẩm phán nhìn cha một cách thân thiện. Thấy cha ăn nói lịch thiệp, tư cách tỏ ra đức độ hiền lành thì thương, muốn tha cho cha. Nhìn cha một lát rồi quan nói với cha:
– Ông còn trẻ quá! Đẹp trai lại ăn nói dễ thương quá! Vậy ai đã sai ông tới đây?
– Tôi đã tình nguyện tới Việt Nam để giảng dạy giáo lý cho những người chưa biết đạo Thiên Chúa. Tôi dứt khoát thưa là tôi hoàn toàn không thừa lệnh vua quan nước Pháp
– Thế ông có biết Giám mục Retord Liêu không?
– Thưa, tôi biết
– Tại sao Giám mục này lại viết thư giới thiệu với cấp chỉ  huy phiến loạn để chiêu mộ lính người Công giáo?
– Quan lớn có thể cho tôi biết quan lớn căn cứ vào đâu để nói như thế?
– Chính quan Tổng đốc tỉnh Nam Định báo cáo về triều đình như thế.
– Thưa quan lớn, tôi dám nói  quả quyết, nguồn tin đó hoàn toàn sai lạc. Đức Giám mục đã viết thư gửi các linh mục, nghiêm cấm rất ngặt các giáo sĩ và giáo dân không được theo quân phiến loạn để chống triều đình.
– Vậy quân đội Pháp tới chiếm đóng Đà Nẵng, Saigòn là theo lệnh của ai. Họ có ý đồ gi khi tới gây chiến với chúng tôi?
– Thưa quan lớn, tôi cũng nghe đồn là có chiến tranh. Nhưng không bao giờ tôi liên lạc với quân đội Pháp nên tôi không rõ.
– Thôi, ông còn trẻ trung, kiến thức nhiều, nói năng lịch thiệp dễ thương. Tôi muốn tha cho ông vậy bây giờ ông bước qua Thập Giá để tôi tha cho ông về
– Làm sao tôi có thể làm như thế được? Tôi rao giảng về cây Thánh Giá, sao quan lớn lại xúi tôi phản bội như vậy được? Tôi sẵn lòng chịu chết chứ không thế phản bội được.
–  A, nếu ông thích chết, tại sao ông lại ẩn lánh?
– Thưa quan lớn, Chúa dạy không được cậy ở sức riêng mình. Khi bị truy nã thì mình phải trốn lánh. Nhưng nếu bị bắt thì là ý Chúa cho phép xẩy ra như vậy. Bởi vậy, tôi tin Chúa sẽ giúp sức cho tôi chịu mọi sự khổ vì Chúa.
Cuộc đối thoại chấm dứt, quan cho lệnh đưa cha trở về nhà giam. Trong suốt thời gian bị giam giữ trong ngục, cha đã bị đòn vọt, tra khảo, đánh đập đau đớn vô chừng. Nhưng vẫn một lòng kiên vững tuyên xưng Đức Tin, cậy trông nơi Chúa và sẵn sàng đón nhận sự chết vì Đức Tin, vì Chúa Kitô.  Sau bốn lần bị đối chất như thế, các quan đều thất bại vì không còn cách nào có thể để thuyết phục vị Thừa Sai truyền giáo trẻ trung này, nên các quan đã đồng tâm làm án xin vua ban lệnh trảm quyết. Được nhà vua chấp thuận và án lệnh được gửi về. Nhưng vì có những bất trắc xẩy đến nên án lệnh phải tạm thời đình hoãn một thời gian theo thông tư từ thượng cấp ban xuống.
Chiều ngày 1 tháng 2 năm 1861 bản án tử hình cha Gioan Thêophan Vénard Ven đã được vua Tự Đức châu phê gửi về. Nguyên văn bản án như sau: “Đạo trưởng tây phương Vénard 31 tuổi sinh quán tại Pháp quốc đã từ lâu thi hành tả đạo, đã đem giáo lý đó gieo rắc, lừa đảo dân chúng, và còn tập trung dân chúng để truyền giảng nữa. Nay đã bị bắt, bị xử thành án, bị trảm quyết: đầu sẽ bị treo lên cao trong ba ngày rồi buông sông. Đây là lệnh vua ban”
Sáng ngày 2 tháng 2 năm 1861, án lệnh mới được thi hành. Cha Gioan Vénard Ven ngay từ sáng sớm đã chỉnh tề áo quần tươm tất, lịch sự như ngày đại lễ. Quan quân tới đọc bản án rồi áp giải cha ra pháp trường. Nghe đọc xong bản án, cha ứng khẩu nói một bài đại ý cha đến Việt nam với mục đích duy nhất là để truyền giảng đạo Chúa, nay vì thế mà bị bắt thì cha vui lòng chịu chết vì Chúa. Cha hẹn sẽ gặp mọi người trên Thiên Đàng. rồi từ giã các vị quan chức. Cha nói với các quan:
– Trong tương lai chúng ta sẽ gặp nhau trước toà thẩm phán của Thiên Chúa.
Một vị quan nói:
– Xin ông đừng về báo oán chúng tôi nhé
 Cha đáp lại:
– Tôi không báo oán, nhưng sẽ cầu nguyện cho các ông.
Đoàn quan quân đưa cha ra pháp trường hôm nay thật hùng hậu: gồm hai con voi mặc chiến phục, 200 binh sĩ dưới quyền quan giám sát chỉ huy. Cha Gioan Thêophan Vénard Ven ngồi trong cũi, nét mặt tươi vui, miệng đọc kinh rồi hát thánh Vịnh. Số người theo sau rất đông nhưng lại bị ngăn cấm không được vào trong pháp trường. Tới nơi xử là pháp trường Cầu Giấy Hà Nội,  lý hình bẻ gẫy xiềng xích tay chân cha rồi trói hai tay cha về đàng sau, buộc cả thân người vào cột tre đã chôn sẵn. Cha chỉ cúi đầu xuống, lý hình vung gươm lên chém một nhát là xong. Anh lý hình tên là Túc tới dụ cha cho tiền để anh chỉ chém cha một nhát cho đỡ đau nhưng cha nói “càng lâu càng tốt”. Anh ta bực mình khi chiêng trống nổi lên ra hiệu, anh này cố ý chém cha hai nhát bể cổ vai. Hai nhát sau vào cổ nhưng không đứt, anh lấy thanh gươm khác chém thêm một nhát nữa đầu cha mới rụng xuống đất. rồi anh cầm tai giơ cao, tung lên để các quan biết là đã xong cuộc hành quyết. Tên lý hình Túc này năm trước đã chém đầu 4 vị Thừa Sai tử đạo cũng tại pháp trường này rồi..
Thi hài vị Tử Đạo được chôn cất ngay tại pháp trường, còn đầu của cha bị ném xuống sông Hồng Hà mãi tới ngày 15 tháng 2 ngư phủ mới tìm thấy vẫn còn tươi tốt, đem về nộp cho Đức Cha Theurel Chiêu Năm 1864 Đức Cha Puginier Phước cải táng rước về đặt tại nhà thờ Kẻ Trừ. Năm 1865 Đức Cha lại chuyển về Hồng Kông để rồi từ đó chuyển về đặt tại Nhà Nguyện Tử Đạo Hội Thừa Sai Paris cho tới ngày nay.
Ngày ngày 2 tháng 5 năm 1909, Đức Giáo Hoàng Piô X đã phong Chân Phước cho Ngài. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong Ngài lên bặc Hiển Thánh Tử Đạo  ngày 19 tháng 6 năm 1988 trong một thánh lễ vô cùng long trọng tại quảng trường thánh Phêrô, thủ đô của Giáo Hội. 

Lm. Nguyễn Đức Việt Châu SSS
tonggiaophanhanoi.org
Thông tin khác:
Hội Dòng Mến Thánh Giá Hưng Hoá Chúc Mừng Năm Mới
FANPAGE FACEBOOK VÀ YOUTUBE
Thiết kế web - Thiet ke website: OnIP™ - www.onip.vn - mCMS.
Origin site: www.mtghunghoa.org!
log